nguyendu.com.vn
Loading...

Những yếu tố tác động đến Nguyễn Du và Truyện Kiều


Nguyễn Du (1765 - 1820) sinh ra Thăng Long, tên chữ là Tố Như, tên hiệu là Thanh Hiên, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông sinh trong một gia đình có nhiều đời và nhiều người làm quan to dưới triều Lê - Trịnh. Cha là Nguyễn Nghiễm từng giữ chức Tể tướng 15 năm. Mẹ là Trần Thị Tần, một người phụ nữ Kinh Bắc có tài hát xướng.
 
Thời thơ ấu và niên thiếu Nguyễn Du sống trong nhung lụa. Nhưng 11 tuổi mồ côi cha, 13 tuổi mồ côi mẹ từ đó suốt đời trai trẻ ăn nhờ ở đậu, cuộc đời Nguyễn Du bắt đầu gặp những sóng gió trong cơn quốc biến ba đào. Năm 19 tuổi, Nguyễn Du thi đỗ tam trường rồi làm một chức quan võ tận Thái Nguyên. Chẳng bao lâu nhà Lê sụp đổ, (1789) Nguyễn Du lánh về quê vợ ở Thái Bình rồi vợ mất, ông lại về quê cha, có lúc giạt lên Bắc Ninh quê mẹ, nhiều nhất là thời gian ông sống ở kinh thành Thăng Long.
 
Hơn mười năm chìm nổi long đong ngoài đất Bắc, Nguyễn Du sống gần gũi nhân dân và thấm thía biết bao nỗi ấm lạnh kiếp người, đặc biệt là người dân lao động, phụ nữ, trẻ em, cầm ca, ăn mày ... những con người “dưới đáy”. Chính nỗi bất hạnh lớn trong cuộc đời đã hun đúc nên thiên tài Nguyễn Du - nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Nguyễn Ánh lên ngôi triệu Nguyễn Du ra làm quan. Năm 1813 được thăng chức Học sỹ điện Cần Chánh và cử làm Chánh sứ đi Trung Quốc. Năm 1820, ông lại được cử đi lần thứ hai nhưng chưa kịp đi thì mất đột ngột tại Huế. Suốt thời gian làm quan cho nhà Nguyễn, Nguyễn Du sống trầm lặng, ít nói, có nhiều tâm sự không biết tỏ cùng ai.
 
Sư nghiệp văn chương ông đã để lại nhiều tác phẩm nổi tiếng bằng chữ Hán và chữ Nôm, tiêu biểu là Truyện Kiều.
 
Ảnh hưởng của Nguyễn Du và Truyện Kiều đối với đất nước, quê hương.
 
Tính đến nay Truyện Kiều ra đời hàng trăm năm được lưu truyền rộng rãi và có sức chinh phục lớn đối với mọi tầng lớp độc giả; không biết tự bao giờ tác phẩm này đã đi vào đời sống của nhân dân, và đã trở thành lời ăn tiếng nói của những người dân bình dị. Trong ca dao, tục ngữ người ta thấy có rất nhiều câu có vận dụng trong Truyện Kiều. Ví dụ:   
                                    
“Sen xa hồ, sen khô hồ cạn,
Liễu xa đào liễu ngả liễu nghiêng.
Anh xa em như bến xa thuyền.
Như Thúy Kiều xa Kim Trọng, biết mấy niên cho tái hồi!
 
 Truyện Kiều đã trở thành sức sống của dân tộc, là thứ thưởng ngoạn cho tao nhân mặc khách và nhiều người nước ngoài đã nghiên cứu về Truyện Kiều.
 
 Nhà thơ Tố Hữu từng nói “Hàng trăm năm qua, Truyện Kiều vẫn luôn tồn tại trong đời sống của dân tộc Việt. Từ đó có lẩy Kiềutrò Kiềuvịnh Kiềutranh Kiềubói Kiều....".
 
+ Lẩy Kiều là dựa vào ngữ âm vần điệu của câu Kiều có sẵn để tạo ra câu thơ mới mang âm hưởng Kiều.
 
Ví dụ: Ngày Bác Hồ về thăm quê sau bao năm xa cách đã nhắc đến câu thơ lẩy kiều.
 
Quê hương nghĩa nặng tình cao/Năm mươi năm ấy biết bao nhiêu tình.
 
+Vịnh kiều là mượn câu trong Truyện Kiều để nói về muôn mặt đời sống xã hội.
 
Chàng Kim mê gái còn đeo đẳng/Viên ngoại chiều con chết ngất ngư
 
Ngoài ra, Truyện Kiều còn là đề tài cho các loại hình khác, như âm nhạc, hội họa, sân khấu, điện ảnh, thư pháp vân vân.
 
Trong 3254 câu thơ Kiều, những thanh bằng trắc tạo những nốt trầm bổng cao độ chỉ là “nhạc thơ” có sẵn chứa trong câu thơ. Trong khi “thơ trong nhạc” hay còn gọi là “tính nhạc” gồm những hình tượng, ngôn ngữ được ngắt nhịp theo tiết tấu riêng để diễn tả giai điệu toàn bài chuyên chở tứ thơ. Giúp người nghe thưởng lãm những cái hay, cái đẹp của lời thơ ý truyện bằng âm thanh.
 
Nghi Xuân nói riêng, Hà Tĩnh nói chung từ xa xưa đã là đất địa linh, nhân kiệt. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền từng là dòng họ “trâm anh thế phiệt” có 12 tiến sĩ và 5 quận công tài hoa và có danh vọng vào bậc nhất đương thời. Trong huyết mạch của người thi sĩ từng được vua phong là “nhất đại tài hoa” ấy có dòng máu của tài năng và phẩm giá mà cha ông để lại, đồng thời, được bồi đắp thêm bởi trái tim nhân hậu vô bờ bến của người trí thức luôn đau nỗi đau của nhân loại và khát khao mãnh liệt tự do, công lý. Qua những thông tin trên chúng ta thấy rằng dòng họ Nguyễn ở Tiên Điền là một nét tô đậm về vùng quê nghèo khó nhưng luôn sinh ra những bậc hiền tài cho đất nước, cho quê hương và truyền thống hiếu học.
 
Từ khi tỉnh Hà Tĩnh tiến hành tôn tạo, bảo tồn và xây dựng khu di tích Nguyễn Du đây thực sự là một địa chỉ văn hoá, một địa chỉ du lịch cho du khách thập phương. Qua đó đã giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ đến Nguyễn Du và Truyện Kiều. Đồng thời để thảo mãn sự phám phá, nghiên cứu sâu hơn về Nguyễn Du và Truyện Kiều.
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du đã góp phần đưa văn học Việt Nam vượt ta khỏi bời cõi của một quốc gia, trở thành một phần tinh hoa của văn hoá nhân loại, ghi dấu ấn của văn học Việt Nam trên thi đàn quốc tế. Đến này, Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng trên thế giới.
 
Giáo sư Vũ Khiêu từng nói: “Nguyễn Du là sự kết tinh của văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa Kinh Bắc với văn hóa Tràng An để rồi hòa nhập vào văn hóa thế giới với khuôn mặt không thể trộn lẫn. Với những tác phẩm chất chứa tinh thần nhân đạo, ngòi bút đầy rung cảm và tài năng văn chương lỗi lạc, nhất là Truyện Kiều Nguyễn Du đã làm đẹp thêm văn hóa Hà Tĩnh, văn hóa Việt Nam". 
 
Đối với lớp trẻ khi đến với quê hương Nguyễn Du và đọc Truyện kiều càng xây dựng cho họ mình một nhân cách mới, biết sống hiền hòa và giàu lòng nhân ái, vị tha, có vẻ đẹp về tâm hồn, sống khoáng đạt, yêu quê hương, đoàn kết. Đặc biệt luôn biết vươn lên, khắc phục mọi khó khăn, ham học, sống có lý tưởng hoài bảo. Yêu những điều chân chính gạt bỏ những điều xấu xa, bỉ ổi. Không để các tệ nạn xã hội, các ấn phẩm văn hoá đồi truỵ xâm nhập vào cơ thể. Đồng thời biết cảm thông, chia sẽ, bao dung độ lượng trước những nổi đau của người khác. Thường xuyên hướng đến những điều tốt đẹp, sống và làm theo hiến pháp và pháp luật.
 
Hiện này trên mãnh đất Nghi Xuân Hà Tĩnh đã có những công trình văn hoá mang tên Nguyễn Du như: Trường PTTH Nguyễn Du, khu di tích Nguyễn Du…. Đó là những dấu ấn văn hoá mang tên một danh nhân văn hoá thế giới mà không phải nơi nào cũng có.
 
 Nguyễn Du đã vẽ ra trong Truyện Kiều toàn cảnh xã hội Việt Nam thời trung đại. Đọc Truyện Kiều, người đọc thấy cái tài, cái tâm, nỗi niềm đau đời và thương cảm cho số phận con người, nó đã khắc đậm lòng thương cảm, tình yêu đối với con người; góp tiếng nói lên án, tố cáo những thế lực tàn bạo chà đạp, vùi dập con người; đồng thời khẳng định, đề cao phẩm chất, tài năng của con người; những khát vọng chân chính về quyền sống, quyền hạnh phúc, quyền tự do, khát vọng về công lí, chính nghĩa; đề cao những quan hệ đạo đức, đạo lí tốt đẹp giữa người với người, đặc biệt là thân phận bất hạnh của phụ nữ trong xã hội cũ luôn mang tính triết lí cao và thấm đẫm cảm xúc thương yêu, đồng cảm, chia sẻ. Điều này đã giúp cho mỗi chúng ta phần biệt rõ hơn cái thiện, cái ác. Biết sống vị tha, bao dung với những người bất hạnh, lầm than. Luôn biết vươn lên trước những khó, gian khổ, sống có ước mơ, hoài bảo. Qua hình ảnh nàng Kiều – người con gái tài sắc, thông minh, nhạy cảm, giàu tình yêu thương, giàu đức hi sinh, có ý thức về nhân phẩm, sẵn sàng đấu tranh để bảo vệ phẩm giá nhưng lại luôn bị xã hội phong kiến vùi dập, chà đạp, Nguyễn Du đã đồng cảm sâu sắc với những khát vọng chân chính của Thuý Kiều, cũng như của con người nói chung về quyền sống, về tự do, về công lí, tình yêu, hạnh phúc.
 
Thay cho lời kết, tôi xin trích lời nhận xét của PGS Nguyễn Thạch Giang, những ảnh hưởng của Nguyễn Du và Truyện Kiều có thể đúc kết khái quát lại như sau: “... Truyện Kiều đã phản ảnh sinh động xã hội thời đại của tác giả, khi mà chế độ phong kiến đang suy thói đã bộc lộ đầy đủ tính chất mục nát, và các tầng lớp nhân dân đã bị dồn đến bước đường cùng.... Cảm hứng hiện thực của tác phẩm được kết tinh vào nhân vật trung tâm Thúy Kiều tài sắc và đa nạn. Xây dựng hình tượng Thúy Kiều và nhiều nhân vật bất hạnh khác trong tác phẩm, tác giả một mặt đã thể hiện lòng thương vô hạn đối với các nạn nhân; đồng thời đã tố cáo, lên án và phản kháng mạnh mẽ mọi thế lực bạo tàn chà đạp lên thân phận con người, nhất là người Phụ nữ. Điều đó đã đưa tinh thần nhân đạo của thời đại lên đỉnh cao mới, chấp cánh cho tác giả tạo nên một giấc mơ hào hứng, cao cả nhuốm màu sắc lãng mạn. Đó là giấc mơ Từ Hải. Nhân vật này xuất hiện như một vị cứu tinh, giải thoát cho cả cái xã hội đau khổ, bế tắc..”
 
 
Lê Thị Lan Hương/ Trường THPT Nguyễn Du (Nghi Xuân - Hà Tĩnh)

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website