nguyendu.com.vn
Loading...

Những giai thoại về bói Kiều.


 

Truyện Kiều là một hiện tượng lạ trong văn học thế giới, được dùng làm sách bói. Có hai câu hỏi: 1. Vì sao Truyện Kiều trở thành sách bói; 2. Vì sao bói Kiều lại nghiệm.

 

Về câu hỏi thứ nhất, lúc sinh thời học giả Đặng Thái Mai từng nói: “Với nhiều người Việt Nam Truyện Kiều là linh kinh (sách thiêng). Vì Truyện Kiều hay đến mức người ta nghĩ rằng tác giả phải là thánh mới làm được. Đã là sách thánh thì có thể tìm được những điều cần biết ở trong đó.    
 
Câu hỏi thứ hai khó trả lời hơn. Đã có người giải thích Truyện Kiều bao quát được toàn cảnh của xã hội, đề cập đến mọi mặt của cuộc sống nên bói đựợc. Đó là một ý hay song theo tôi điều quan trọng hơn là văn (thơ) kiều rất hàm súc lời ít ý nhiều. Người bói có thể tìm thấy một ý nào đó trong câu thơ để liên hệ với hoàn cảnh của mình, còn thầy bói thì với tài đoán mò sẽ dò dẫm và tìm ra được những ý thích hợp để giảng cho khách hàng. Những câu chuyện cụ thể sẽ chứng minh điều tôi nói trên.
 
Ngày trước chuyện bói Kiều hầu như phổ biến khắp nước. Có người coi chuyện bói Kiều là một thú vui, một cách thưởng thức Truyện Kiều và mỗi lần bói Kiều là mỗi lần tìm hiểu sâu thêm phát hiện thêm những ý mới trong các câu Kiều. Đó là những người thuộc tầng lớp trí thức và là số ít. Số đông bói Kiều vì tin vào sách thiêng, bởi vậy ở nhiều nơi đã xuất hiện một loại thấy bói dùng quyển Kiều làm phương tiện kiếm ăn.   
                       .
Bói chơi hoặc bói thật cũng đều theo thủ tục: Người bói hai tay cầm quyển Kiều lên ngang mặt rồi khấn “lạy sư Từ Hải, lạy vãi giác duyên, lạy tiên Thuý Kiều bói cho con một quẻ về gia sự (việc nhà) hoặc về nhân duyên, về thi cử v.v... , xong đặt sách xuống và khấn tiếp “con xin giở tay mặt bắt tay trái” lấy tay mặt giở sách và tay trái chỉ vào bất kỳ một câu nào đó. Có nơi phân định rõ nam tả nữ hữu - nam giới được chọn câu ở trang bên trái nữ giới chọn câu bên phải. Có người xin cả một đoạn từ một câu nào đó trở lên hoặc trở xuống của trang sách.
 
Như trên đã nói văn Kiều hàm súc nên cùng một câu đoán tốt hoặc xấu đều được, chỉ cần tìm được một ý dính dáng tới điều muốn biết của người bói rồi tán rộng ra. Điều kỳ lạ là có những chuyện người thật việc thật mà đạt được kết quả mong muốn thế mới là linh nghiệm. Dưới đây là một số câu chuyện xếp theo thứ tự: bói về thi cử, bói về nhân duyên, bói về gia sự. Có chuyện là chuyện kể nhưng cũng có chuyện hoàn toàn có thật.
 
1. Chuyện bói về thi cử
 
Một anh học trò trước khi đi thi đến gặp thầy bói Kiều. Ông thầy bói ranh ma, để thử sức học của khách hàng, sau khi làm xong mọi thủ tục cần thiết liền hỏi khách: anh có biết lời dạy của đức thánh Văn “ Tiên thiên hạ như ưu chi ưu, hậu thiên hạ nhi lạc chi lạc” là nghĩa sao không? Thấy câu hỏi quá dễ, khách vội trả lời: Dạ có biết đức thánh Khổng Tử dạy phải lo trước thiên hạ và vui sau thiên hạ. Vậy đã rỏ ràng đây là anh học trò dốt vì câu trên không phải của Khổng Tử mà của Phạm Trọng Yêm. Nhìn vào câu Kiều khách bói được, thầy bói giật mình. Đó là hai câu nói về việc Kiều phải vào lầu xanh lần thứ hai:
 
Thoắt trông nàng đã biết tình
Chim lồng khôn nhẽ cất mình bay cao.  
                               
Học nhớ không kỹ lại bói được câu như vậy, thì hỏng là cầm chắc. Đi thi mong đậu để còn lên cao, chim đã vào lồng rồi còn bay cao sao được, câu này đoán hỏng thì dễ song như vậy sẽ làm khách buồn, thầy bói chỉ nhận tiền quẻ không có tiền thưởng. Hơn nữa gây thất vọng cho người sắp đi thi chẳng có ích gì, và biết đâu trong thi cử có may rủi, học tài thi phận mà. Nhìn bộ mặt buồn thiu của khách, ông thầy bói suy nghĩ một lúc rồi reo lên:
 
Hay quá hay quá, hôm nay anh bói được một quẻ rất hay. Không đợi khách hết ngạc nhiên thầy giảng: Quẻ này ứng vào chuyên chim mà chim thì chỉ có bay hoặc đậu, con chim này không bay nên nó đậu và khoa thi này anh cũng đậu. Khách vui vẽ ra về không quên tặng thầy bói một món tiền thưởng.
 
Để câu chuyện thêm hoàn hảo tôi  bổ sung thêm: Nếu anh học trò kia thi hỏng trở lại chất vấn thì miệng lưỡi thầy bói có hàng trăm cách trả lời: Hôm ấy giờ bói không tốt nên quẻ không nghiệm hoặc vì tâm bất thành nên quẻ bất linh!
 
Một anh học trò khác củng đi bói và được 2 câu ở đoạn Giác Duyên gặp bà Tam Hợp hỏi chuyện đời của Kiều:
 
Gặp bà Tam Hợp đạo cô
Thong dong hỏi hết nhỏ to sự nàng
 
Đi thi bói được câu gặp đàn bà, theo niềm tin của nhân dân ta thì đó là điềm rủi, đoán hỏng thì khách không dám cãi, nhưng ông thầy bói lại giảng là trong 2 câu bói được có hai chữ đạo cô, nói lộn trở lại (miền Trung gọi là nói lái) là đỗ cao.
 
Chuyện hoàn toàn có thật xảy ra tại  xã Sơn Long  huyện Hương Sơn tỉnh Hà Tĩnh. Bên bờ sông Ngàn Sâu có một cậu học sinh tên là Thái Văn Chánh, sắp đi thi hội đem Kiều ra bói và được hai câu đoạn Kiều và Kim Trọng đang hẹn ước bỗng nghe xôn xao tiếng người phải vội vã chia tay:     
 
Vội vàng lá rụng hoa rơi
Chàng về thư viện nàng rời lầu trang
 
Từ đó anh ta không ngó ngàng đến sách vở và mặt mày lúc nào cũng buồn thiu. May thay mẹ anh phát hiện được và hỏi: sắp đi thi đến nơi rồi sao con không xem lại bài vở mà lúc nào cũng có vẻ buồn bã như vậy! Anh ta kể thật chuyện bói Kiều và bảo: Đi thi mà lá rụng hoa rơi thì chắc chắn là hỏng rồi chẳng học làm gì cho mệt nhọc và uổng công. Bà mẹ nghĩ cứ tình trạng này thì nguy mất, phải có cách gì đó để cứu con. Sau ba ngày đêm suy nghĩ bà đến nói với con. Vừa rồi con bói được một quẻ rất hay mà không biết. Cậu con sửng sốt hỏi lại : Quẻ bói như vậy sao mẹ bảo là hay. Bà mẹ trả lời: Tên con là Chánh (tiếng Nghệ Tĩnh chánh là cành ); mà theo quẻ nay thì rụng lá, rụng hoa chứ có rụng chánh đâu! Mẹ đoán là kỳ này bạn bè của con sẽ hỏng hết, chỉ riêng con đậu. Anh con mừng qúa đem sách vở học suốt ngày đêm và vào thi chắc là sẽ đậu nên bình tĩnh làm bài tốt (yếu tố tinh thần ). Kết quả khoá ấy cậu Thái Văn Chánh đâu tiến sĩ, rồi sau đó được bổ làm án sát tỉnh Hà Tĩnh.
            
Thầy Trần Quốc Nghệ, một nhà giáo nổi tiếng ở Nghệ Tĩnh có kể chuyện một anh bạn của thầy nhờ bói Kiều mà đậu đầu kỳ thi tú tài thời con thuộc Pháp. Anh bạn ấy học giỏi các môn khoa học tự nhiên nhưng rất ghét các môn xã hội nhất các môn sử và địa. Quanh năm không ngó đến hai môn ấy, sắp đến ký thi mới học nhồi nhét nhưng không tài nào ngốn nổi chương trình. Cuối cùng đành phải đánh liều đem Kiều ra bói xem đề thi năm nay thuộc về chương nào để rồi chỉ học riêng chương ấy thôi! Bói được hai câu đoạn Kiều ở lầu Ngưng Bích:
 
Chân trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.     
                                                .
Đoán mãi không ra, anh ta phải nhờ bạn bè cả lớp nghĩ hộ. Bàn bạc khá lâu rồi cũng tìm ra: Phải chịu cảnh bơ vơ ở giữa trời và biển thì chỉ có Na-pô-lê-ông  lúc bị giam ở đảo Thánh bà Hê-len (Sainte Héllène) còn biển có góc thì đó là biển  Địa Trung Hải.  Sau đó chì chuyên học hai chương: Chương nói về Na-pô-lê-ông (Sử) và chương Địa Trung Hải (Địa) và may mắn cho anh ta hai môn sử và địa chỉ thi vấn đáp (orla). Câu hỏi được viết sẵn cho học sinh bắt thăm. Thi Sử bắt được thăm hỏi về Na-pô-lê-ông, mừng quá và nhân lúc cao hứng anh ta đã trình bày về cuộc đời và sự nghiệp của Na-pô- lê-ông một cách cặn kẽ và hấp dẫn đến mức làm cho ban giám khảo ca Tây và Đầm đều phải ngạc nhiên và cảm động. Họ không ngờ ở cái xứ thuộc địa nay lại có một thanh niên nói về vị anh hùng dân tộc của nước họ đầy đủ và hùng hồn đến như vậy. Bởi có cảm tình đặc biệt với chàng trai đó, ban giám khảo đã hội ý ban cho anh một đặc ân là môn Đia lý không phải bốc thăm mà được chọn đề (ý chừng muốn cho anh được đỗ cao).
 
Được lời như cởi tấc son, thế là anh ta có dịp nói thao thao bất tuyệt về Địa Trung Hải. Tất nhiên cả hai môn sử và địa anh ta đều được điểm tối đa, cộng với các môn tự nhiên đều có điểm cao anh đâu thủ khoa và sau đó được cử đi du học ở Pháp.
 
Đến đây chắc các bạn đọc đã hiểu vì sao truyện Kiều bói được. Chuyện bói Kiều trong dân gian nếu biên tập hết có lẽ cũng dài gần bằng bộ “ Ngàn lẻ một đêm”.
 
2. Bói về gia sự và nhân duyên      
                                             
Môt cô gái vừa kết hôn, buổi sáng dậy nấu ăn đánh rơi mất chiếc nhẫn cưới. Tìm mãi không thấy cô liền đến gặp thầy bói Kiều và bói được hai câu đoạn Thúc Sinh ngỏ ý muốn lấy Kiều:
 
Trăm năm tính cuộc vuông tròn
Phải dò cho đến ngọn nguồn lạch sông
 
Thầy bói đoán: Sách dạy cô phải dò tìm tất cả những nơi đã đi lại hôm ấy cho đến khi biết là mình đã mất nhẫn, vậy cô đã tìm khắp chưa? Cô gái thật thà trả lời là chỉ đi quanh quân trong vùng bếp rồi tả tỉ mỉ ngôi nhà bếp và cho biết là đã quét sạch cả gian bếp, bới hết tro và tìm kỹ ở trong đó. Thầy bói lặng lẽ nghe cô gái kể và chợt để ý tới một chi tiết: Trong góc bếp có một chiếc bồ đựng trấu, nơi các gia đình nông dân thời trước thường dùng để đặt ấm nước chè xanh sau khi đã đun sôi ở bếp để giữ cho nóng được lâu. Cũng theo lời kể, thầy biết là cô gái chưa tim ở trong đó thầy đoán là sau khi đun sôi, cô gái nhắc ấm nước chè vào trong bồ trấu, hơi nóng bốc lên cô gái phải đặt nhanh hoặc vung tay mạnh, chiếc nhẫn rơi xuống và lẫn ở trong trấu. Hỏi xong ngày giờ sinh năm tuổi của cô gái và đọc lại hai câu Kiều bói được thầy bảo: Hãy về tìm trong bồ trấu ở góc bếp, nhất định chiếc nhẫn đang nằm ở trong đó. Cô gái về nhà làm theo lời thầy qủa nhiên tìm được chiếc nhẫn quý. Cô mua sắm lễ vật đến tạ ơn thầy và hỏi vì sao thầy lại đoán tài như vậy. Thầy bói cười khà khà và giảng giải: Trong quẻ bói đã nói rõ ràng, cô không thây chiếc bồ trên miệng thì tròn, dưới đít thì vuông. Bồ đan bằng nứa mà muốn có nứa phải lên đầu nguồn tìm chặt, đóng thành bè rồi chở về xuôi theo các lạch sông. Cô gái lạy thầy bói ra về và kể lại cho nhiều người nghe. Từ đó danh tiếng của thầy bói vang dội và khách đến bói ngày càng đông!
 
Một người đàn bà khác đã luống tuổi, lấy chồng lâu năm, gần 40 xuân mới có thai: Những trường hợp như thế thường đẻ khó. Chuyển dạ từ đêm trước, qua một ngày rồi  đến đêm sau vẫn chưa sinh. Với nền y học hiện đại thì chuyện đó không đáng lo nhưng ngày trước rất nhiều ca như vậy thường "mất cả mẹ lẫn con”. Trong tình thế tuyệt vọng, cả nhà đem Kiều ra bói và được hai câu than của Kiều:
 
Ôi Kim lang, hỡi Kim lang
Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây      
                              .
Đọc câu bói lên tất cả thân nhân của người sản phụ đều hoảng hốt rụng rời! May thay một anh hàng xóm sang chơi, thấy mọi người mặt mày tái xanh tái mét liền hỏi nguyên cớ làm sao. Nghe xong câu chuyện anh ta kêu to: Hỏng quá, hỏng quá, các ông các bà đoán sai bét. Anh đọc lại thật to câu bói rồi giảng: bói được câu này thì chị nhà sắp sinh không những sinh một cháu mà sinh hai cháu trai. Mọi người đang ngơ ngác thì anh ta nói tiếp: ôi Kim lang là hiệu lệnh gọi đứa thứ nhất ra và lang là con trai , hỡi Kim lang là gọi đứa thứ hai ra. Mọi người xúm lại hỏi anh: Vây câu “Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây” thì anh giảng thế nào. Anh ta nói chữ phụ ở đây không có nghĩa là phụ bạc là bỏ chồng. Chữ phụ này giống như chữ phụ khi ta nói phụ lại tiền cho anh hoặc lại đây phụ một tay. Câu này có nghĩa là: bấy lâu nay chàng khó nhọc vì thiếp, nay thiếp giúp lại chàng bằng cách đẻ cho chàng hai đứa con trai để nối dõi tông đường.
 
Người sản phụ đã quá mệt nhọc vì đã phải chịu đưng cơn đau sinh dai dẳng nhưng vẫn tỉnh táo. Lắng nghe anh chàng hàng xóm nói có lý tự nhiên rất phấn chấn và một sức mạnh bỗng từ đâu đến giúp cô trở dạ và sinh được hai đứa con trai.
 
Chuyên này được kể rất nhiều nơi cả trong Nam và ngoài Bắc chỉ có khác nhau vài lời thoại thôi. Cũng giống như chuyện tể tướng Lưu gù: “Chuyện là có thật mà cũng có thể chưa có bao giờ” (Cố sự lý sự thuyết thị tựu thị, thuyết bất thị tựu bất thị)  
  
Chuyện có thật vừa xẩy ra cách đây 23 năm. Anh Nguyễn Diệm nguyên là hiệu trưởng một trường phổ thông trung học ở Nghệ An kể. Năm 1977 anh đang chủ trì một cuộc họp hội đồng nhà trường, bỗng dưng nhận được giấy mời đi dự Đại hội công đoàn tỉnh. Theo nguyên tắc đại biểu đi dự  Đai hội tỉnh phải do công đoàn cơ sở bầu, việc mời trực tiếp như vậy là rất hiếm. Sẵn có một giáo viên đem theo quyển Kiều, nhân lúc giải lao liền đem ra bói và được hai câu đoạn Kiều bắt đầu xử án:
 
Dưới trần gươm tuốt nắp ra
Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư
 
Cả hội đồng giáo viên được một trận cười sảng khoái nhưng không biết giải hai câu trên như thế nào? Một giáo viên văn từng được khen là có tài biện bác, sau vài phút suy nghĩ anh ta phát biểu: Hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh vừa mới hợp nhất thì Công đoàn giáo dục hai tỉnh cũng phải hợp nhất mà người đứng đầu chưa có, vậy có khả năng anh Diệm được tỉnh “cấu tạo” vào ban chấp hành công đoàn tỉnh với cương vị cao nhất! Anh ta hỏi những người vây quanh quyển Kiều các anh không thấy ở câu thứ hai chữ đầu là chữ chính, cũng có thể đọc là Chánh và chữ cuối là chữ Thư tức là anh Diệm được cử làm Chánh thư ký công đoàn! Có người hỏi: Thế thì thủ phạm anh giảng làm sao? Anh ta điềm nhiên trả lời: thủ phạm là thủ trưởng một ngành sư phạm. Điều vui hơn là chính năm đó trong Đại hội Công đoàn giáo dục tỉnh Nghệ Tĩnh anh Nguyễn Diệm được giới thiệu ra ứng cử rồi trúng cử vào Ban chấp hành Công đoàn tỉnh và giữ chực vụ Chánh thư ký cho đến khi nghỉ hưu.
 
Tôi có một ông bạn ở thị trấn Đức Thọ đào giếng lấy nước uống, định đào chổ giữa sàn nhà dưới gần bếp ăn. Đang phân vân vì chưa biết đào chổ ấy có được giếng tốt hay không liền đem Kiều ra bói và được hai câu đoạn Kiều nói trước công đường với quan phủ đang xử kiện:
 
Đục trong thân cũng là thân
Yếu thơ vâng chịu trước sân lôi đình
 
Cả thợ đào giếng và chủ đều cho là linh nghiêm vì đã là giếng thì đục hoặc trong cũng đều là giếng, hơn nữa lại giếng đào trước sân. Tuy nhiên vẫn còn một điều lo lắng: đào giếng là mong được giếng trong, nếu giếng đục thì phải xây thêm bể lọc vừa mất công tốn của lại còn nhiều lôi thôi khác. Bàn đi bàn lại, bỗng phát hiện ra trong câu thứ hai có hai chữ “vâng chịu”, vậy là quyết đào.
 
Điều kỳ lạ là nhiều nhà xung quanh, giếng đào nước đỏ ngầu chỉ riêng nhà ông bạn tôi có giếng nước trong vắt nấu nước chè xanh chát và thơm, chất lượng nước không có giếng nào tốt hơn!   
 
* Trong “Truyện ngắn chọn lọc” của Nguyễn Công Hoan có một chuyện bói Kiều khá thú vị.
 
Có một anh tính hay nhiễu sự (dựng chuyện lên để quấy rầy người khác). Đến nhà bạn chơi thường gây phiền toái đến mức bạn anh ta không chịu đựng nổi. Không có cách gì tống khứ anh ta đi và cũng không có cách gì để anh ta đừng đến, nghĩ mãi người bạn anh ta cũng tìm được một kế. Lấy quyển Kiều ra, đánh dấu vào trang sách và nhớ kỹ số thứ tự của câu đã chọn trước rồi chờ hôm sau khi ông bạn hay quấy phá vừa bước chân qua ngưỡng cửa, anh lấy Kiều ra rồi khấn: Hôm nay có anh bạn đến chơi xin bói một quẻ lành hay dữ. Làm xong mọi thủ tục, anh nói rõ số câu đã chọn rồi giở sách cho bạn xem, đó là hai câu nói về chuyện Sở Khanh đến định hành hung Kiều:
 
Còn đương suy trước nghĩ sau
Mặt mo đã thấy   đâu dẫn vào
 
Anh bạn giận tím mặt và từ đó không bao giờ tới nữa.    
  
* Con gái một người bạn tôi vừa đến tuần “ cập kê “ định kết hôn với người cùng làng nhưng còn do dự liền đem Kiều ra bói và được hai câu:
 
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
 
Sau đó cháu đã từ hôn, và thật là may mắn, nếu không đã gặp được một người nghiện ngập.
 
Phần 3:  Bàn thêm và kể tiếp về chuyện bói Kiều
 
Truyện Kiều trở thành sách bói từ lúc nào không ai xác định được song có điều chắc chắn là trước thế kỷ 20 đã có người bói Kiều. Trong bài tựa Đoạn trường tân thanh của ông Đào Nguyên Phổ bản in Kiều Oánh Mậu năm 1902 có những câu:...“Còn một điều tôi lấy làm lạ hơn nữa là người đời dùng để bói thì thấy ứng nghiệm như thần, mà xem tựa linh kinh Qủy Cốc là bởi làm sao?  Há chăng phải tại Thuý Kiều có tài sắc không hai...; Người đã kỹ, việc đã kỹ, văn lại càng kỹ nên chi chẳng những làm say người đọc mà lại có thể thông cảm thần linh nữa chăng?”
 
Ông Phan Ngọc một nhà văn học bậc thầy ở nước ta, ông đã tự gọi mình là “kim vân kiều nhân”. Khi bàn về chuyện bói Kiều ông đã viết trong tạp chí Sông Hương số 11 ất Sửu (1985) : “ ...Nguyễn Du là người duy nhất trong văn học loài người làm được là ở chỗ: Truyện Kiều là quyển Bách khoa toàn thư của một vạn tầm hồn... Chỉ trong một tác phẩm ngắn có độc 3 254 câu thơ mà có đủ mọi tâm trạng. Người đọc thấy được chính tâm lý của mình được phanh phui đến mức độ chính mình cũng không rõ đến như thế. Thế rồi nẩy sinh tình trạng nghiện, mỗi lúc trong lòng có băn khoăn thắc mắc lại giở Kiều ra xem, lại thấy tâm trạng của mình ngay lúc đó. Điều này tạo nên ở người đọc một sự bàng hoàng khiếp sợ tưởng chừng như tác phẩm này chứa đựng một sức mạnh huyền bí. Từ chổ giở Kiều ra tìm tâm trạng, người ta giở Kiều, bói Kiều để tìm hiểu về tương lai. Hiện tượng bói kiều nẩy sinh từ đó . ..” Những ý kiến sâu sắc như vậy, tiếc thay chỉ đúng với một số ít các bậc thức giả, còn phần đông người ta bói Kiều chỉ vì tin rằng sách Kiều bói được mà thôi! Điều này tôi đã trình bày kỹ ở phần đầu. 
 
Trong qúa trình thu thập tôi rất vui vì có được khá nhiều chuyện bói Kiều có liên quan đến những người có danh tiếng trên khắp cả đất nước.  
 
- Ông Dương Bá Trạc, một trong những người sáng lập ra Đông Kinh nghĩa thục người làng Phú Thị xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Lúc ông 17 tuổi trước khi dự kỳ thi hương đem Kiều ra bói và được hai câu:
 
"...Cửa giời rộng mở đường mây
 Hoa chào ngõ hạnh hương bay dặm phần..."
 
Ông reo lên: Đỗ rồi đỗ rồi! Quả nhiên kỳ thi ấy ông đậu cử nhân
 
Vì trường Đông  kinh nghĩa thục truyền bá tư tưởng yêu nước và có ảnh hưởng lớn nên Pháp đàn áp ; trường phải giải tan, ông bị bắt đày ra Côn Đảo. Ở  tù được hai năm nhân lúc rổi rải đem Kiều ra bói và được hai câu bà Tam Hợp nói với Giác Duyên về thân phận Kiêu:
 
Khi nên trời cũng chiều người
Nhẹ nhàng nợ trước đền bồi duyên sau      
                  
Ông nói với các bạn tù: Về, nhất định mình được về! Không ai ngờ rằng sau đó ba ngày có lệnh ân xa từ đất liền gửi ra ông cùng với Nguyễn Quyền, Hoàng Tăng Bí được tha về an trí tại  Long Xuyên, Bến Tre rồi Huế. Hai năm sau ông được tha hẳn ông đi ra nước ngoài, đến năm 1944 ông sống ở Singapore cùng với Trần Trọng Kim. Gặp lúc ông ốm nặng lại thêm nỗi buồn cô đơn, muốn biết số phận của mình ra sao đành phải hỏi cô Kiều. Lần này ông được hai câu đoạn Mã Giám Sinh đưa Kiều về Lâm Tri:
 
Việc nhà đã tạm thong dong                                          .
Tinh kỳ giục dã đã mong độ về  
                                              
Đọc xong câu Kiều ông vui vẻ hẵn lên và nói: Trở về quê, sắp được trở về quê. Chiều hôm đó bệnh ông nặng thêm đến hôm sau thì mất. Ông được hỏa táng và di cốt được đưa về quê! Phải chăng đây củng là một điều linh nghiệm (Phỏng theo Lê Văn Ba báo Tiền Phong số xuân Tân Tỵ).
 
Ông Phạm Khắc Hòe quê ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh nguyên là Tổng lý Ngự tiền văn phòng của Triều đình Huế, sau cách mạng tháng tám là Đổng lý Văn phòng bộ Nội vụ rồi Vụ trưởng vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng nay đã nghỉ hưu. Trong quyển “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc “ ông Hòe cho biết là cả gia đình ông đều mê bói Kiêu. Khi người em ruột là Phạm Khắc Quán một ủy viên trong Ủy ban nhân dân cách mạng xã Lâm Viên nói với ông: "Cách mạng thành công đã hai tháng rồi mà anh chị còn duy tâm” thì ông trả lời: ‘ Đó là một thói quen mà mình rất thích vì bao giờ người ta cũng có cách giải thích được quẻ bói theo ý riêng của mình.”   
      
Tháng 10 năm 1945 ông Hòe từ Hà Nội về thăm nhà ở Huế. Ở nhà được ba hôm sang ngày thứ tư định trở ra thì gặp bà Nam Phương vợ Bảo Đại mời ông 9 giờ sáng hôm sau đến cung An Định bàn chuyện quan trọng, ông đã nhận lời nhưng ngay sau đó gặp lại cậu em có ô tô riêng đi công tác ra Hà Nội rủ anh cùng đi chiều hôm nay. Đang phân vân chưa biết nên đi vào lúc nào đem Kiều ra bói thì được hai câu:
 
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha
 
Bà vợ reo lên: Cô Kiều bảo ông ở lại một hôm để gặp bà Vĩnh Thụy ở cung An Định là nơi trước măt có sông Hương và bên cạnh có cầu tơ liễu, ông toan nghe lời vợ nhưng nghĩ lại đường ra ga để đi Hà Nội cũng có nước chảy trong veo và cầu tơ liễu nên đọc thêm hai câu phía trên hai câu vừa bói được:
 
Bóng chiều như giục cơn buồn                            
Khách đà lên ngựa người còn nghé theo
 
Thế là phải đi chiều hôm nay! Ông tự nhủ: hay quá, hay quá!!! Cụ Nguyễn Du đã chiều lòng mình.
 
Tháng 12 năm 1946 kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Mờ sáng ngày 20  nghe súng Pháp tấn công ở Chủ tịch phủ ông nhờ cô Ái người giúp việc đem Kiều bói và được 4 câu ở đoạn Kiều quyết định rời Quan Âm các:
 
Thân ta ta phải lo âu                                             
Miệng hùm nọc rắn ở đâu chốn này
Ví chăng chắp cánh cao bay
Rào cây lâu cũng có ngày bẻ hoa
 
Ông đã tiếp nhận lời chỉ bảo của cô Kiều: Phải lo tản cư cho xa Hà Nội. Cuộc kháng chiến sẽ lâu dài nhưng cuối cùng ta sẽ thắng.
 
Cụ Ngô Đức Kế quê ở làng Trảo Nha huyện Can Lộc đậu tiến sĩ năm 1901; Cụ Lê Văn Huân người làng Trung Lễ huyện Đức Thọ đậu giải nguyên năm 1905; Cụ Huỳnh Thúc Kháng quê làng Thạch Bình, huyện Tiến Phước, tỉnh Quảng Nam đậu hoàng giáp; Cụ Phan Chu Trinh quê làng Tây Lộc, xã Tiên Hồ, huyện Tiên Phước đậu phó bảng năm 1901; Cụ Đặng Nguyên Cẩn người làng Lương Điền , huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An đậu phó bảng năm 1895. Các cụ đều là chí sĩ yêu nước, cùng khởi xướng phong trào Duy Tân rồi cùng bị bắt đày ở Côn Đảo năm 1908. Trong bài văn tế cụ Phan Chu Trinh của cụ Phan Bội Châu có câu: “Đặng, Hoàng, Ngô ba bốn bác hàn huyên, khi uống rượu khi ngâm thơ ngoài cửa ngục lầm than mà khảng khái”. Trong các tác phẩm thơ ca mà các cụ ngâm vịnh trước hết phải kể đến truyện Kiều. Cụ Huỳnh Thúc Kháng và cụ Ngô Đức Kế đều thuộc lòng truyên Kiều đến mức có thể đọc ngược được sách. Chuyện đó không lạ, những bộ óc đã nhớ hết toàn bộ tứ thư, ngũ kinh thì thuộc cả quyển Kiều không có gì là khó. Theo lời cố giáo sư Đặng Thái Mai trong thơi gian ở tù Côn Đảo cụ Huỳnh Thúc Kháng đã học thuộc toàn bộ quyển Từ điển La Rơusse của Pháp. Về sau có lúc các cụ buộc lòng phải kết án Kiều: “Nghiêng nước trận cười gương mấy kiếp, Đắm người bỉ sắc tội ngàn thâu” (HTK); “Truyện Kiều có đủ tám chữ ai dâm sầu oán đạo dục tăng bi” (NĐK); đó là vì mục đích chính trị, cụ thể là để chống Phạm Quỳnh còn lúc ở Côn Đảo ngoài công việc khổ sai “khi đào cây,khi lượm đá” số thời gian còn lại đã không biết bao nhiêu lần các cụ ngâm vịnh Kiều; điều hết sức thú vị là các cụ cũng bói Kiều. Theo lời những người thân của cụ Lê Văn Huân kể lại thì có một lần bói Kiều cụ Huân có tham gia. Cụ Ngô Đức Kế được giao việc giở sách bói và được hai câu:
 
Thoát trông nhờn nhợt màu da
 Ăn gì cao lớn đẩy đà làm sao
 
 Vừa đọc xong câu bói thì tên giám ngục người Pháp đi qua, các cụ hết sức ngạc nhiên về sự ứng nghiệm của câu bói và reo to lên: Tú Bà , Tú Bà! Tên giám ngục biết các cụ giỏi tiếng Pháp tưởng các cụ nói hắn là Tú - ba (Tout-bas) nghĩa đen là rất thấp, nghĩa bóng là rất hèn hạ. Hắn sục vào buồng giam các cụ và sừng sộ: này hãy xem cho kỹ, tao cao lớn hơn hẳn chúng mày mà bảo tao rất thấp, chúng mày mù cả hay sao?
 
Nhân đây xin mở một dấu ngoặc, tôi xin kể thêm một câu chuyện ngoài phạm vi bài viết này nhưng rất thú vị để bạn đọc cùng thưởng thức.
 
Vẫn là bốn cụ Phan, Đặng, Hoàng, Ngô; nhân đàm đạo về thơ Hồ Xuân Hương, bài vịnh cái quạt: "... Xòe ra ba góc da còn méo, Khép lại hai bên thịt vẫn thừa, Mát mặt anh hùng khi tắt gió, Che đầu quân tử lúc sa mưa...”; các cụ nẩy sinh ý định làm một bài thơ tứ tuyệt vịnh cái đó (tất nhiên không phải là cái quạt).
 
Quy ước là chỉ được dùng các điển tích cũ hoặc các câu trích trong sách của thánh hiền và phải bắt thăm để xác định thứ tự 1, 2, 3, 4. Cụ Huân được cử làm ác-bít(arbitre) tức là làm trọng tài, ai làm hay được khen ai phạm quy sẽ  bi phạt. Cụ Phan Chu Trinh bắt được câu thứ 1.
 
Câu mở đầu thật là khó nhưng cũng thật là tài: Nhàn cư vô sự mạc tần khai
 
Câu này cụ Phan mượn câu thơ Đường trong bài “Tiên Tử tống Lưu Nguyễn xuất động” của Tào Đường. Khi tiễn Lưu Nguyễn ra khỏi động, các nàng tiên đưa cho chàng một bức thư và dặn “Lá thư ngọc nếu không cần thì đừng mở ra”. Cụ Phan chỉ đổi hai chữ ngọc thư thành nhàn cư là thong thả nên chữ Mạc ở câu thơ Đường là đừng ( chớ có làm ) còn chữ mạc ở câu thơ này là cái màn và cả câu nghĩa là: Khi rỗi rãi thì cái màn cửa kia hé mở ra!
 
Câu thứ hai của cụ Ngô Đức Kế: Bắc quốc trượng phu xuất thử giai.
 
Câu này dựa theo đôi câu đối của Đoàn Thị Điểm và sứ Tàu (chuyện giai thoại): “An nam nhất thốn thổ bất tri kỷ nhân canh. Bắc quốc đại trượng phu giai do thử đồ xuất”. Các bậc trượng phu của Trung Quốc đều từ cửa đó mà ra.
 
Hai câu 3 và 4 của cụ Đặng và cụ Hoàng (tức cụ Huỳnh) : Phú như hiếu thử bần như lạc/Lão giả an chi thiếu giả hoài.
 
Hai câu này lấy trong sách Luận ngữ; lời của Khổng Tử dạy học trò: phải có chí làm giàu, lấy sự giàu có làm điều thích song cũng phải biết cách vui khi gặp cảnh nghèo; già rồi đành an phận, đang còn trẻ thì phải có hoài bảo. Vận dụng câu đó vào bài thơ của các cụ thì phải hiểu là: kẻ giàu thích cái đó, người nghèo lấy cái đó làm vui, già rồi thì không mơ tưởng đến nữa nhưng trẻ thì ai cũng nhớ tới nó!  
           
Thật là tài tình, có ai ngờ các nhà nho nổi tiếng nghiêm khắc với cô Kiều cũng có lúc tinh nghịch đến như thế. Tinh nghịch nhưng thông minh, uyên bác và tài hoa thì không ai sánh nổi....
                       .
Có một nhà ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh mất một số tiền. Cả nhà họp lại đem Kiều ra bói và được hai câu đoạn Từ Hải nói với Kiều:
 
Huống chi việc cũng việc nhà
Lọ là thâm tạ mi là tri ân
 
Ông Bố bỗng phát hiện ra cậu con trai út mặt tái mét liền gạn hỏi anh ta thú nhận là đã lấy trộm của gia đình.
 
Một nhà khác ở xã Thái Yên, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh mất một con bò cũng bói Kiểu và được hai câu nói về chuyện Kim Trọng tìm đến nhà Kiểu:
 
Lòng riêng nhớ ít tưởng nhiều
Xăm xăm đè nẻo Lam Kiều lần sang
 
Ở huyện Can Lộc giáp với Đức Thọ có một xã tên là Lam Kiều, mừng qúa ông chủ nhà đó mượn thêm người cùng đi và tìm thấy bò ở Can Lộc.
 
Một nhà ở ven sông, người vợ đi giặt vào buổi sáng mãi không thấy về, người chồng chạy ra bờ sông xem không thấy người cũng không thấy quần áo đoán là vợ đang chơi ở một nhà nào đó. Tối đến vẫn không thấy vợ về anh ta thuê người đi tìm. Hai ba hôm sau không tìm được liền đem Kiều ra bói thì được hai câu nói về Từ Hải sau khi thất trận:
 
Trong vòng tên đạn tơi bời
Thấy Từ còn đứng giữa giời trơ trơ
 
Nhiều người cùng dự cuộc bói và cùng thắc mắc: cứ theo quẻ này thì cô ấy chết rồi nhưng chết đuối làm sao có thể chết đứng được như Từ Hải? Vậy là bàn nhau phải tìm chỗ có nước xoáy nhất là những nơi có cây mọc sát bờ sông và bờ phải dốc và lở. Quả nhiên tìm đựợc, hóa ra người xấu số khi ngã xuống nước đã ôm chặt chậu quần áo, trôi đến đó thì rễ cây quấn tóc giữ người lại và nước đẩy người cùng chậu quần áo ép vào bờ sông như người chết đứng!
 
Người đàn ông kia nếu không có cô Kiều giúp sức có khả năng khi tìm được vợ chỉ còn vài mảnh xương mà thôi.
 
Vậy có thơ rằng:
 
Trăm năm trong cõi người ta/Mua vui cũng được một và khắc canh!
 
                                                                 Đinh Chí

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website