nguyendu.com.vn
Loading...

Nhà sưu tầm Việt bỏ tiền tỷ đem tác phẩm "đỉnh cao" về nước


Câu chuyện nhà sưu tầm Việt mang các tác phẩm hội họa Việt Nam trở về nước sau thời gian “bôn ba” xứ người không đơn giản, ngay cả khi đã đấu giá thành công.  
 
Trong vài năm trở lại đây, xu hướng người Việt ra nước ngoài, tham gia các phiên đấu giá quốc tế để mua tranh của các danh họa trong nước đang gia tăng. Dù chưa đông đảo nhưng sự xuất hiện của họ đã thể hiện nguyện vọng tìm lại các tác phẩm đỉnh cao của mỹ thuật Việt Nam trở về nước.
 
Kênh đầu tư được tính toán 
 
Trong khi các bảo tàng Nhà nước hầu như đều “lắc đầu bó tay” với việc đi tìm các tác phẩm hội họa đỉnh cao của Việt Nam mang về nước, thì các nhà sưu tập tư nhân lại tỏ ra nhanh nhạy và bắt kịp lấy cơ hội. Dù tham gia trực tiếp tại các phiên đấu giá quốc tế hay tham gia trực tuyến (online), các nhà sưu tập tư nhân đã thể hiện nguyện vọng tìm lại các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Việt Nam.
 
Tác phẩm của họa sỹ Mai Trung Thứ được mua tại Sotheby’s tháng 6.2014 
 
Để chiến thắng tại một phiên đấu giá quốc tế nổi tiếng như: Sotheby’s hay Christie’s, các nhà sưu tập Việt đều trải qua những thời khắc đấu trí nhọc nhằn mới hy vọng mang được tác phẩm về nước. Hiếm khi, một bức tranh của họa sỹ Lê Phổ hay Mai Trung Thứ, Nguyễn Khang… lại được đấu giá nhanh chóng và dễ dàng. Bởi các nhà sưu tập nước ngoài cũng đặc biệt thích thú và tìm mua tác phẩm của các họa sỹ mỹ thuật Đông Dương. 
 
Khi có nhiều nhà đầu tư cùng xuất hiện tại một phiên đấu giá, rõ ràng giá tranh sẽ được đẩy lên cao. Nói không quá, giá tranh Việt Nam được nâng hạng trong thời gian vừa qua, một phần cũng nhờ sự góp mặt của các nhà sưu tập trong nước tại các cuộc giao bán tranh quốc tế. Theo dự đoán của các nhà hoạt động nghệ thuật, phải đến năm 2020, giá tranh Việt mới vượt qua mốc 500.000USD (tương đương hơn 11 tỷ đồng).
 
Tuy vậy, năm 2014, giá tranh của họa sỹ Lê Phổ đã được bán với mức giá 850.000USD (tương đương 20 tỷ đồng). Việc các nhà sưu tập trong nước bỏ công, bỏ của tìm mua lại tác phẩm của các bậc thầy hội họa Việt Nam có thể hiểu, đấy là tấm lòng và cũng là kênh đầu tư được tính toán. Đặt trường hợp xấu nhất, vài năm hay vài chục năm nữa, tranh mua từ nước ngoài về không được nâng giá tại nội địa, nhà đầu tư vẫn có thể gửi tranh tới các hãng đấu giá đã từng mua. Dù sao tại đây, tranh cũng đã có mã số, tác phẩm sẽ không bị mất giá. 
 
Nhiều chi phí phát sinh để đưa tranh về nước
 
Theo nhà sưu tập Nguyễn Minh: “Với lượng tiền tỷ trong tay, tôi có thể mua nhà, mua ô tô nhưng tôi đã quyết định đầu tư cho nghệ thuật. Tôi tin sự lựa chọn của mình là đúng và hy vọng các tác phẩm tôi đã mua sẽ sinh lời gấp nhiều lần thời điểm hiện tại”. Thế nhưng, câu chuyện mang các tác phẩm hội họa Việt Nam trở về nước sau thời gian “bôn ba” xứ người không đơn giản, ngay cả khi đã đấu giá thành công.
 
Chi phí dành cho hãng đấu giá chiếm tới 25% tổng giá trị tác phẩm, tiếp sau đó là hàng loạt  chi phí khác như phí nhập khẩu về Việt Nam, thuế VAT, phí bảo hiểm, phí vận chuyển… Vì thế, có bức tranh đã phải trả tới gần 200 triệu đồng cho phí nhập khẩu và VAT theo danh mục hàng hóa. Chưa kể, nhà sưu tập còn phải làm tờ trình 2 lần trước và sau khi tác phẩm về Việt Nam rồi gửi tới Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội. 
 
Niềm vui mang tác phẩm về nước đã được đánh đổi bằng bản lĩnh của các nhà sưu tập Việt. Không nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía Nhà nước, việc bỏ ra hàng tỷ đồng để sở hữu một bức tranh chỉ có thể được giải thích bằng tình yêu và sự dấn thân. Nhà sưu tập Nguyễn Minh mong muốn: “Nếu Nhà nước giảm thuế thì cơ hội chúng tôi đưa được các tác phẩm về nước sẽ nhiều hơn. Và chỉ cần một động thái nhỏ ấy từ cấp quản lý sẽ làm các nhà đầu tư nghệ thuật trong nước thêm phấn khởi và tâm huyết tìm mua tác phẩm của các họa sỹ Việt Nam”. 
 
 
Theo Phạm Thu Hương/Danviet.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website