nguyendu.com.vn
Loading...

Nguyễn Trừ, người anh thứ 5 của Đại thi hào Nguyễn Du


Ngôi nhà gỗ có kiến trúc đơn giản, loại gỗ được các bậc hậu duệ xác định là gỗ xoan, bài trí nội thất không cầu kỳ nhưng lưu giữ một số hiện vật quý - đây là nơi thờ cụ Nguyễn Trừ, vị tổ lập nên chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh).
 
 
Nhà thờ Nguyễn Trừ - chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn (Từ Sơn, Bắc Ninh)
 
Nguyễn Trừ sinh vào tháng 5 năm Canh Thìn (1760), dưới triều vua  Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 21. Ông là con của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm với bà trắc thất Nguyễn Thị Xuân (người xã Tiêu Sơn, Bắc Ninh), là người anh thứ 5 (cùng cha khác mẹ) của Đại thi hào Nguyễn Du. Về hành trang sự nghiệp của cụ Nguyễn Trừ, gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền chép như sau: Lúc nhỏ, Nguyễn Trừ sống ở quê mẹ. Do cha giữ chức lớn trong triều nên ông được tập ấm Hoằng tín đại phu, lên 8 tuổi ông được phong Trung thành môn Vệ úy, tước Ngọ Nhạc bá. Về con đường quan lộ của ông, gia phả họ Nguyẽn - Tiên Điền cho biết: Năm 20 tuổi thi hương khoa Kỷ Hợi (1779) trúng Tứ trường. Năm Quý Mão (1783) được bổ nhiệm làm tri phủ Tam Đái (xưa là Sơn Tây - sau là Vĩnh Tường) Năm Đinh Mùi (1787), niên hiệu Chiêu Thống, ông được làm cai quản đội voi chiến trong cung vua. Năm Nhâm Tuất (1802), niên hiệu Gia Long được bổ làm tri huyện Siêu Loại (thuộc phủ Thuận An), sau đổi sang làm tri huyện Quế Dương (thuộc phủ Từ Sơn). Năm Giáp Tý (1804) được thăng tri phủ Kim Môn, sau điều về làm tri phủ Nam Sách đều thuộc Hải Dương. Ngày mồng tám tháng giêng năm Kỷ Tỵ (ngày 22-2-1809) dưới triều vua Gia năm thứ 8, ông bị mất khi đang đương chức, thọ 54 tuổi, được ban tên thụy là Trung Nhã và an táng táng tại xã Tiêu Sơn, quê mẹ. Nguyễn Trừ có hai bà vợ: Bà chính thất có tên là Trịnh Thị Sắc, sinh được hai người con trai. Người con tên Chu sinh năm Tân Mùi (1811), dưới triều vua Gia Long được trao chức Hàn lâm viện Ngũ phẩm, tước bá, làm tri phủ Nghĩa Hưng, trấn Sơn Nam và mất năm Ất Mùi (1835) dưới triều vua Minh Mạng thứ 16;  bà vợ kế là Tống Thi, sinh 6 người con (4 trai, 2 gái). Trong đó, Nguyễn Trù (con thứ hai của Nguyễn Trừ) làm quan tri phủ phủ Vĩnh Tường; Thị Uyên, sinh năm Bính Ngọ, triều Lê Cảnh Hưng (1786), năm Nhâm Tuất triều Gia Long (1802) được tuyển vào làm cung tần. Năm Mậu Thìn (1808) sinh một con gái nhưng không nuôi được. Đến năm Kỷ Mão (1819), vua Gia Long băng hà, bà được cho về quề chăm sóc mẹ là Tống Thi cùng với em ruột là tri phủ Vĩnh Tường tại lỵ sở. Mùa xuân năm Giáp Ngọ (1834) mắc trọng bệnh, đưa về quê ở xã Tiêu Sơn thì mất, thọ 49 tuổi. Chú ruột là Châu Kiều Nguyễn Nghi  có làm văn ai và dựng mộ chí.
 
Qua khảo sát tại Tiêu Sơn được biết, cụ Nguyễn Trừ là cụ tổ lập nên chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại đây. Đương thời ngôi nhà bằng gỗ ba gian với lối kiến trúc đơn giản, nội thất không cầu kỳ là nhà ở của cụ Nguyễn Trừ, sau khi qua đời nơi đây được lập thành nơi thờ tự, con cháu qua các thế hệ gìn giữ, phụng sự, chăm lo hương khói. Từ thời điểm cụ Nguyễn Trừ qua đời cho đến nay ngôi nhà này đã có niên đại 215 năm và trong thời gian đó con cháu đã nhiều lần tu sửa, lần gần nhất tu sửa vào 2013.
 
Ông Nguyễn Bình, trưởng tộc chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn chỉ dẫn cho chúng tôi xem một số hiện vật tài liệu còn lưu giữ tại đây, đôi câu đối bằng gỗ treo hai bên trong phía  ban thờ có nội dung “Lưỡng triều danh tể tướng. Nhất thế đại nho sư” (Nho sư cả nước vang danh hiệu/Tể tướng hai triều rạng tiếng tăm). Tìm hiểu về nội dung câu đối này, từ nguồn gia phả họ Nguyễn - Tiên Điền được biết đây là câu đối ca ngợi công lao cụ Hoàng giáp Nguyễn Nghiễm là Tể tướng kiêm Tế tửu Quốc tử giám và con trai trưởng là Tiến sĩ Nguyễn Khản cũng được giữ chức Nhập thị Tham tụng (tương đương Tể tướng), Tả tư giảng (dạy chúa Trịnh học lúc còn là Thế tử) và Tế tửu Quốc tử giám. Còn dòng lạc khoản ghi “Mậu Thìn thu lập - Huân mộc bái thư.”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Bảo, xét tên tự người viết “Huân Mộc” hàm nghĩa là “Tắm gội bằng nước cỏ thơm” thì có thể hợp với cụ nguyễn Trừ (1760 - 1809) con trai thứ 5 của Nguyễn Nghiễm. Vậy năm làm đôi câu đối này có lẽ là năm Mậu Thìn (1808), lúc cụ Nguyễn Trừ đang làm Tri phủ Nam Sách. Về mộ phần, nơi yên nghỉ của cụ Nguyễn Trừ đã được con cháu tu bổ, tôn tạo một cách khang trang, phần bia mộ ghi thông tin (lược dich: cụ Nguyễn Trừ - cố tri phủ Nam Sách, quê  xã Tiên Điền, phủ Đức Thọ, trấn Nghệ An. Con trai  Nguyễn Trù - Tri phủ Vĩnh Tường lập năm Minh Mệnh năm thứ 11 - 1830).
 
Chi phái họ Nguyễn - Tiên Điền tại Tiêu Sơn tính từ cụ tổ Nguyễn Trừ đến nay đã có 10 đời. Phần lớn con cháu  đều học hành thành đạt, sinh sống làm việc ở Bắc Ninh và thành phố Hà Nội, một số ở tinh thành khác. Dù ở nơi đâu con cháu đều luôn đoàn kết, nỗ lực học tập trưởng thành, xứng danh là con cháu của của một dòng tộc nổi tiếng trong lịch sử, ông Nguyễn Bình cho biết thêm.
 
Bách Khoa

Tin tức sự kiện
Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website