nguyendu.com.vn
Loading...

Nguyễn Du với làng quê Tiên Điền.*


Đầu năm Bính Thìn (1796), Nguyễn Du về quê Tiên Điền, kết thúc "10 năm gió bụi" ở Thái Bình và ở lại đây cho đến năm 1802. Đây là lần nhà thơ ở Tiên Điền lâu nhất, hơn 6 năm; cộng với những lần qua lại ghé về và những lần nghỉ phép lúc làm quan, thì trong cuộc đời 15 năm, Nguyễn Du chỉ ở quê cha đất tổ chưa đầy 8 năm.

Cây Đại trong Khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh Văn Thành

Tiên Điền là đất lắm quan, nhưng là nơi "địa bạc dân bần". Ruộng không đủ cày, nông dân phải làm thêm nhiều nghề khác để sống: làm thợ, làm bánh trái, nón tơi,.. "Quê nhà nắng sớm mưa mai, đã buồn giở đến lịp tơi càng buồn".

Sau cơn binh hỏa, nhà của cha mẹ bị đốt trụi(2). Nguyễn Du về xóm Tiền Giáp (/?) (3) dựng ngôi nhà nhỏ trong một thửa vườn thưa thớt để cùng vợ trú thân. "Đầu sông long vĩ một gian nhà" (4). Nhà thơ sống trong cảnh đói cơm rách áo, vợ con nheo nhoc, thường là: "trong bếp suốt ngày không có lửa"(5), lại bệnh tật liên miên, có khi nằm mấy tháng liền không có thang thuốc.

Tinh thần lại càng bi đát hơn. Sau mười lăm năm, nhất là sau "mười tuần lao ngục", chí "phục quốc" đã nguội lạnh. Nguyễn Du chán ngán chỉ mong được yên ổn, xa lánh sự thế, nhưng có bao giờ lóng được thư thái! Nhà thơ tìm sự an ủi trong chống sách nát, trong đóa hoàng hoa, và cả trong chén rượu, nhưng cũng chẳng ăn thua. Có lúc Nguyễn Du muốn đi tu, Nguyễn Du giao du với các nhà sư, nghiên cứu phật lão, nhưng cũng không xong.

Nguyễn Du giao tiếp với nhiều tao nhân, mặc khách, đi lại, trao đổi thư từ... đồng thời cũng trà trộn trong đám bình dân. Các cụ Tiên Điền xưa, kể lại: "Hầu thường đi vào nhà dân trong làng xóm, chuyện trò, hỏi han đủ chuyện hoặc thơ thẩn ngoài đồng, có khi ngồi với đám trẻ chăn trâu, hát, thả diều... Hầu rất thích tiếng sáo, tiếng tù và. Có lúc Hầu đứng bên giếng nghe các cô gái làng đến gánh nước nói chuyện. Có khi Hầu ra ngồi bờ sông ngắm cảnh, rồi xuống thuyền chài xem đánh cá. Khi được cá Hầu cũng thích thú reo to...Có những đêm, Hầu lang thang trong làng đến khuya mới về, hoặc mượn chiếc thuyền con, xuống nằm ngủ đến sáng".

Đi săn là cái thú của Nguyễn Du rất mê, các cụ xưa kể rắng:

"Suốt chín mươi chín ngọn Ngàn Hống, không nơi nào là Hầu không đặt chân đến. Hầu thuộc từng cái động, từng con khe. Thường thì Hầu đi săn cho vui, nhưng chẳng mấy khi được mồi...(6).

Ngày nay, ở Tiên Điền còn có truyền lại một bài vè rất cổ nói về phường săn Ngàn Hống, tương truyền từ thời Nguyễn Du, có những câu:

"Rủ nhau họp lại một phường,

Để mà săn bắn làm phường vui chơi,

Đệ niên xuân thủ tế rồi,

Cứ như cơm gạo một người ba ngay

Kim Ngân, phù, tửu sắp bày, Trú chen (?) thiện lộc năm nay nhờ thần..."

"... Đói hươu sau trại đồn điền

Cốc kêu sau Én, lên miền rú đây..."(7)

Hát ví cũng là sở thích của nhà thơ. Hồi ấy ở Tiên Điền rất thịnh hành hát ví, hát phường nón, phường vải...

" Có những thời gian, Hầu đánh đàng sang Tràng Lưu cùng các ông bạn phường hát vải. Nhưng thường thì Hầu cùng các nho sĩ đi hát với phường nón, phường vải trong làng. Có cô gái tên là Cúc đã nhiều tuổi nhưng chưa có chồng, lần ấy Hầu đóng vai người "gà" chuyện. Một anh con trai ví:

"Trăm hoa đua nở mùa xuân,

Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?"

Hầu gà cho cô gái:

" Chỉ vì ham chút sắc vàng,

Cho nên Cúc mới dềnh dàng về thu"(8).

Sau này khi làm quan trong kinh, được về nghỉ ở quê, ra đi, Hầu gặp một cô giá dắt trâu ăn bên đường, Cô ta nhìn Hầu, mỉm cười, rồi khe khẽ hát:

"Cái tình là cái chi chi,

Anh làm Tham tri em đã biết rồi.

Cõi phù sinh được mấy anh ơi..."

Hầu nhớ ra khi đó là cô Tuyết, đã cùng mình hát ví trước kia. Biết cô có ý chê mình ra làm quan, Hầu mỉm cười rảo bước...".

Ở quê nhà một thời gian, Nguyễn Du thấy lòng mình yên tĩnh, thanh thản hơn: " Núi Hồng một màu soi bóng xuống làn nước phẳng, nơi thanh tịnh này, kẻ hàn sĩ có thể ở được"(9); "Ở ẩn buồn đến cực độ, bỗng thấy vui"(10); " Sông Lam, núi Hồng đẹp vô cùng(11); và  "Trăng sáng chiếu giếng xư: nước giếng không nổi sóng, không bị người khuấy lên; lòng này không lay chuyển, dù bị người khấy lên, lay chuyển một lúc lại lặng...(12).

Theo chúng tôi, có nhiều khả năng trong khoảng thời gian sáu năm ngắn ngủi ở Tiên Điền, Nguyễn Du đã viết phần lớn tác phẩm của mình, trong đó có hai cuốn văn nôm nổi tiếng đưa ông len hàng thi bá: "Văn Chiêu hồn" và "Truyện Kiều". Chính sự nghiệp văn chương của nhà thơ đưa đến cho làng Tiên Điền vinh dự lớn.

Nguyễn Du còn để lại cho đất Tiên Điền một kỷ vật đặc sắc, một loại cây đặc sản quý giá: loại hồng gát quả to, hình vuông dài, ruột vàng, vị ngọt, không có hạt nên muốn trồng, phải chiết rễ. Giống hồng này được gọi là "hồng Nghi Xuân" hay "hồng tiến" (vì xưa dược chọn làm phẩm vật dâng vua). Tương truyền, Nguyễn Du, khi đi sứ Trung Quốc đã lấy giống từ Quảng Tây đưa về (13)./.

 --------------------

Chú thích:

*. Theo lời kể của các cụ già ở Nghi Xuân và một số sách báo.

1. Bài" Thác lời người con trai phường nón Tiên Điền gửi cô gái phường vải Tràng Lưu".

2. Năm 1971, nhân vụ anh Nguyễn Du là Nguyễn Quýnh chống lại Tây Sơn, làng Tiên Điền và họ Nguyễn nhà cửa bị đốt phá hết. Khoảng năm 1792, Nguyễn Nễ có sửa chữa lại một số đình miếu...

3. Theo các cụ Nghi Xuân thì lúc dầu Nguyễn Du về ở gần một lùm hoang, sau dời về khu vườn này, cuối cùng lại ra ở gần vườn lưu niệm bây giờ.

4,5. Trích ý thơ Nguyễn Du.

6. Xem têm bài "Nguyễn Du với thú đi săn", trong tập này.

7. Bài vè sưu tầm ở Tiên Điền. Chưa có căn cứ để xác minh là bài xuất hiện thời Nguyễn Du.

8. Có người nói rằng cô Cúc ở Tràng Lưu, có người cho giai thoại này lại của người khác.

9,10,11,12. Trích ý thơ Nguyễn Du.

13. Trước dây một tài liệu nói giống hồng này là do Nguyễn Nễ lấy về, xem bài "Tiên Điền, quê hương của Nguyễn Du" của T.K.Đ; báo "An ninh Nghệ Tĩnh" và báo "Văn hóa Nghệ thuật" (Bộ Văn hóa). Nhưng theo cụ Nguyễn Mai, cháu họ bốn đời của cụ Nguyễn Du kể,  cụ Lê Thước viết lại thì chính Nguyễn Du lấy giống về. Nguyễn có chiết tặng bạn bè trong Kinh. Hiện nay ở vườn An Hiên của gia đình bà Tùng (vợ ông Nguyễn Kim Chi, nguyên Tuần phủ Hà Tĩnh) còn cây hồng lớn gốc Tiên Điền.

Theo Thái Kim Đỉnh / Giai thoại và tư liệu Nguyễn Du và Truyện Kiều - NXB Nghệ An, năm 2002.

         


Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website