nguyendu.com.vn
Loading...

Nguyễn Du - Người đặc biệt với quê lúa Thái Bình


Thái Bình với di sản văn hóa Nguyễn Du nói chung, với Nguyễn Du và Truyện Kiều nói riêng là cả một công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn học nghệ thuật mãi chưa kết thúc, hiện nay đang đòi hỏi các nhà Kiều học vén bức màn lịch sử "Thập tải phong trần" của Nguyễn Du ở quê lúa Thái Bình. Bức màn lịch sử văn hóa ấy đã dần hé mở.

 

Năm 1965, Ủy ban Hòa bình thế giới ra nghị quyết vinh danh Đại thi hào Nguyễn Du là danh nhân văn hóa thế giới, Đảng, Nhà nước ta cùng một số nước đã tổ chức long trọng lễ kỷ niệm 200 năm ngày sinh của ông. Tại kỳ họp Đại hội đồng UNESCO lần thứ 37 ở Paris ngày 25/10/2013, Nguyễn Du đã được chọn là nhân vật văn hóa do thế giới vinh danh và năm 2015 là năm toàn thế giới kỷ niệm 250 năm ngày sinh của Đại thi hào.

Nguyễn Du (1765 - 1820), tự là Tố Như, hiệu là Thanh Hiên. Ông quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh nhưng sinh tại kinh thành Thăng Long trong một gia đình đại quý tộc, có truyền thống khoa bảng. Cuộc đời trần thế của Nguyễn Du trải 55 năm nhưng cũng lắm bể dâu, chìm nổi. Cha mẹ mất sớm, nhờ những người anh dưỡng dục học hành, đến lúc trưởng thành lại gặp buổi xã hội ly loạn, phân tranh. Từ năm 1786 đến năm 1795, ông chịu cảnh đời "mười năm gió bụi" (thập tải phong trần - lời Nguyễn Du), phải ẩn dật nhờ nơi quê vợ ở Thái Bình. Nguyễn Du lấy bà Đoàn Thị Tộ, con gái thứ sáu của Hoàng giáp Đoàn Nguyễn Thục - quan đại thần thời Lê - Trịnh và là em gái của danh nhân Đoàn Nguyễn Tuấn theo phù Tây Sơn làm chính thất ở làng Hới (Hải An), huyện Quỳnh Côi, phủ Thái Bình, nay là thôn Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ. Ông bà sinh được một con trai, sau khi theo cha đi sứ Trung Quốc về thì qua đời. Đến năm Nguyễn Du 37 tuổi mới bắt đầu bước lên bục quan trường. Năm 1802, vua Gia Long triệu ra làm quan, bắt đầu làm Tri huyện Phụ Dực, Thái Bình, sau đó chuyển làm Tri phủ Thường Tín, Hà Đông. Năm 1806, vua triệu vào kinh đô Phú Xuân làm Đông các điện học sĩ. Năm 1809 làm Cai bạ Quảng Bình. Năm 1813, ông được thăng Cần chánh điện học sĩ và làm Chánh sứ dẫn đầu đoàn sứ thần sang Trung Quốc. Đi sứ về, Nguyễn Du được thăng Lễ bộ hữu tham tri. Khi Minh Mạng nối ngôi vua cha, năm 1820 giao cho Nguyễn Du dẫn đầu đoàn đi sứ sang Trung Quốc lần thứ hai, chưa kịp khởi hành thì ông qua đời.

Di sản văn chương Nguyễn Du để lại cho dân tộc và nhân loại là những tập thơ chữ Hán như: "Bắc hành tạp lục", "Thanh Hiên thi tập", "Nam trung tạp ngâm"; các tập thơ chữ Nôm: "Văn tế thập loại chúng sinh", "Đoạn trường tân thanh" (Truyện Kiều). Trong đó, "Truyện Kiều" đã làm nên tầm vóc vĩ đại của Đại thi hào và danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Đến nay, Truyện Kiều đã được xuất bản bằng hơn 30 thứ tiếng nước ngoài.

Thái Bình với di sản văn hóa Nguyễn Du nói chung, với Nguyễn Du và Truyện Kiều nói riêng là cả một công trình nghiên cứu khoa học về lịch sử, văn học nghệ thuật mãi chưa kết thúc, hiện nay đang đòi hỏi các nhà Kiều học vén bức màn lịch sử "Thập tải phong trần" của Nguyễn Du ở quê lúa Thái Bình. Bức màn lịch sử văn hóa ấy đã dần hé mở. Cụ tổ bảy đời của Nguyễn Du lúc sinh thời đã về ẩn án ở Bố Hải Khẩu thuộc địa phận thành phố Thái Bình ngày nay, sau mới về Tiên Điền, Nghi Xuân cư ngụ, lập nghiệp thành họ Nguyễn Tiên Điền. Thân phụ Nguyễn Du là Xuân quận công Nguyễn Nghiễm đã có bài văn bia khắc trên đá tại sinh từ Quận công Phạm Huy Đĩnh ở làng Cao Mỗ, xã Chương Dương, huyện Đông Hưng. Tấm bia hiện còn đó. Năm 1786, lần đầu Nguyễn Huệ tiến quân ra Bắc cũng là lúc Nguyễn Khản, Nguyễn Điều - anh ruột của Nguyễn Du đều chết, gia đình tan nát, Nguyễn Du không còn đất nương thân nên phải rời Thăng Long về quê vợ ở Quỳnh Phụ. Mười năm gió bụi ấy, Nguyễn Du đã được sự nuôi nấng, đùm bọc không chỉ của dòng họ Đoàn Nguyễn mà còn của nhiều bà con trong vùng không chỉ để cho gia đình ông tồn tại vật chất đời thường mà còn để ông làm văn chương. Trước hết là "Thanh hiên thi tập" và cũng không loại trừ khả năng ông làm "Đoạn trường tân thanh" và "Văn tế thập loại chúng sinh" ở đây. Nhiều học giả, nhiều nhà Kiều học đương đại đã luận giải có lý như thế. "Phong nguyệt sào" hiện còn lại vùng đầm ao cảnh cũ ở Quỳnh Nguyên. Một lão thành họ Đoàn Nguyễn còn nhớ họ đã bàn giao chiếc kỷ Nguyễn Du thường nằm đọc sách ở đây cho Bảo tàng Lịch sử Việt Nam. Nguyễn Đức Cảnh, một chiến sĩ cộng sản, lãnh tụ đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam trước ngày lên đoạn đầu đài của thực dân Pháp (tháng 7/1932) đã lẩy Kiều, viết bài thơ gửi về cho mẹ ở quê nhà Diêm Điền. Bài thơ ấy trên thi đàn nay gọi là "Tạ từ ngôn". Nhà giáo ưu tú Vũ Như Quân đã tự vẽ hàng trăm bức tranh minh họa để giảng văn Truyện Kiều trên học đường. Nhà nho Nguyễn Doãn Khiết trước khi về thế giới vĩnh hằng đã tự nguyện bỏ tiền ra để ấn hành tập Truyện Kiều gia bảo của dòng họ Nguyễn Doãn tâm linh. Nhà nghiên cứu Hán Nôm, nhà Kiều học Nguyễn Tiến Đoàn trong lúc trọng bệnh, trước phút lâm chung đã hoàn tất bản dịch kịch bản chèo cổ "Kim Kiều diễn tích". Nhà nho Trần Đức Thái đã ngoại bát tuần trước khi vân du Tây Trúc đã dùng bút lông nắn nót viết đủ 3.254 câu trong Truyện Kiều bằng chữ Nôm, Nghệ nhân Lê Ngọc Kim đã quốc ngữ đối chiếu và tự bỏ tiền ra in sách. Nhà giáo Khánh Văn đã mấy chục năm tâm niệm, tần tảo sưu tầm, lưu trữ, bảo quản được hơn 200 cuốn sách có giá trị về nghiên cứu "Đoạn trường tân thanh" và tác giả Nguyễn Du trong tủ sách gia đình.

Quê lúa Thái Bình rất vinh dự và tự hào đã góp phần nuôi dưỡng, tôn vinh người con rể đặc biệt là Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

 

Theo Hồng Hà/baothaibinh.com.vn


 


Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website