Loading...
|
Ngôi đền độc nhất thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn ở Hà TĩnhNgày 19 tháng 04 năm 2016
Ẩn mình trong phong cảnh của vùng quê trù phú, đền Tích Thiện của làng Vân Chàng xưa, nay thuộc tổ dân phố Thuận An, phường Đức Thuận (Hồng Lĩnh) là ngôi đền độc nhất ở Hà Tĩnh thờ nhân vật lịch sử thời Trần - Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn - Đức thánh Trần, đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Làng Vân Chàng xưa gọi là Nhà Chàng, bắc giáp làng Vĩnh Ninh (Trung Lương), nam giáp quốc lộ 8A, đông giáp với làng Ngọc Sơn và tây giáp sông Minh (một nhánh của sông La). Tương truyền từ thời Lý - Trần, Vân Chàng là một làng nông nghiệp, thủ công, mỹ nghệ trù phú... Con sông Minh chảy dọc theo làng và khoảng 50m đến 100 mét có một bến sông. Buổi chiều về trên các bến sông, cảnh sinh hoạt dân gian tấp nập nhộn nhịp, trên bộ dưới thuyền sản vật phong phú, tiếng trẻ nô đùa, tiếng hò tiếng hát, tiếng rao bán sản vật râm ran…Người dân Vân Chàng cũng rất thân thiện và hiếu khách, ngoài sản xuất nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ, Vân Chàng có thêm nghề truyền thống nấu rượu mà đến nay còn đậm dấu ấn trong đời sống văn hóa dân gian.
“…Rượu Vân Chàng không say mới lạ/Uống một ly đủ hứng vẽ nên thơ,
À chú, chú mới về hả chú?/Vô đây mần (làm) chén đã chú hè.
....Đi một vòng quanh mấy khúc đê/ Say lướt khướt, say cả tình cả rượu,
Người nhà quê sao mà yêu đến thế!/Chả trách hồn ai tha thẩn chẳng rời quê!”
Và Vân Chàng còn nổi tiếng là một làng văn vật, bài vè năm Canh Ngọ (1870) truyền rõ, “Đất Vân Chàng đại địa/ Gẫm tả hữu đôi bên/ Chữ phú quý lưu truyền/ Nhờ tiền nhân ngày xưa/ Nhờ cựu triều ngày trước/ Ơn vua lộc nước/ Đất văn vật hữu dư…”.
Trước đây, làng Vân Chàng có một quần thể di tích đình, đền, chùa với phong cách kiến trúc độc đáo, đầu cổng làng có một ngôi chùa lớn gọi là chùa Kênh, gần chùa làng có một ngôi đền thờ Thành Hoàng, ở giữa làng có 3 ngôi đền lớn gồm đền Tích Thiện (còn gội là Đàn Tích Thiện, đền thánh Vân Chàng) thờ đức thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn; đền Trửa, thờ thổ công long mạch (đền thờ bản xứ chính thần của làng); đền Thánh Thợ, thờ ông tổ nghề rèn. Phía Tây Bắc giáp với làng Trung Lương có đền Năm Giáp, do nhân dân làng Vân Chàng và Trung Lương xây dựng thờ ông tổ nghề chài lưới (tương truyền tổ tiên của làng Trung Lương làm nghề chài lưới “Ngư nghệ sinh sản”). Nằm về đông Bắc cuối làng giáp với đồng làng có một ngôi đình lớn. Giữa cánh đồng làng giáp với làng Ngọc Sơn có đền Nhà Thánh, nơi đây là nơi mà các văn nhân sỹ tử của các làng Vân Chàng, Ngọc Sơn, Trung Lương tại các kỳ thi hàng năm đỗ đạt cao được rước lên đền Nhà Thánh để làm lễ kính cáo với các bậc Nho Thánh, tôn vinh người đỗ đạt, khuyến khích việc học hành thi cử của con em trong làng...
Mỗi ngôi đình, đền, chùa là một công trình kiến trúc hết sức độc. Vật liệu xây dựng chủ yếu bằng gỗ, mái ngói lợp âm dương, tường bằng gạch nung tự tạo, vữa bằng vôi và mật mía trộn với nhau. Trên mỗi cây cột, xà kèo đều được chạm trổ các đề tài hết sức công phu, sống động, phản ánh về cuộc sống lao động sản xuất, sinh hoạt dân gian, đời sống thường nhật của nhân dân (cảnh trâu kéo cày, hổ vồ hươu, ông già say rượu, đánh ghen, trò bị thầy phạt, đánh đu, đánh đáo, thả diều v.v…). Qua bao biến cố thiên tai, thăng trầm của lịch sử, phần lớn các công trình kiến trúc tín ngưỡng văn hóa dân gian trên địa bàn Vân Chàng bị hủy hoại và nay còn lại chỉ trong ký ức của mỗi người dân.
Có một điều rất thú vị là trong dòng chảy lệch đó người Vân Chàng vẫn kiên quyết bảo lưu, giữ được nguyên gốc đền Tích Thiện - Ngôi đền độc nhất ở Hà Tĩnh thờ nhân vật lịch sử thời Trần - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn một danh tướng lịch sử mà dân tộc Việt Nam tôn lên bậc Thánh - Đức Thánh Trần (Cha Đức thánh Trần).
Chuyện đậm nét rằng: Làng Vân Chàng xưa có những lúc gặp nhiều khó khăn, biến cố ảnh hưởng tới đời sống của người dân. Các vị bô lão được người dân trong làng cử chọn đã khăn gói ra đền Trần xứ Nam Định làm lễ cầu xin và được Đức thánh Trần nhập đồng chỉ giáo, đồng thời cho làng Vân Chàng lập đền thờ Ngài, địa điểm, ngày giờ khởi công, hoàn thành, tên gọi của ngôi đền đều được Đức thánh Trần chọn. Trở về làng Vân Chàng, ông Nguyễn Hào và ông Lê Cơ được làng giao trách nhiệm đứng ra chủ công xây dựng và đền chính thức khởi công vào năm Kỷ Tỵ (1929), hoàn thành năm Bính Tý (1936). Ngôi đền Tích Thiện có nguồn gốc từ đó.
Sau khi ngôi đền hoàn thành, người dân trong làng đã có nơi hương khói thờ tự. Những biến cố, khó khăn, tai ương mà người dân trong làng gặp phải, họ đến đây cầu xin đều được Đức thánh Trần ứng nghiệm, phò trợ. Cũng từ đây cuộc sống lao động, văn hóa tinh thần của người dân làng Vân Chàng đều thuận lợi, đời sống của người dân luôn bình an. Hàng năm tại đền người dân làng Vân Cháng đều tổ chức nghi lễ "tháng Tám giỗ Cha, tháng ba giỗ mẹ" theo tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần
Và trong thời kỳ chiến tranh, các vùng xung quanh làng bị bom giặc liên tục cày xới, nhà cửa nhiều người dân bị bom đánh sập riêng vùng đất này lại không hề có một quả bom nào dội xuống. Chính vì thế, đền vẫn giữ được nguyên vẹn trên nền cũ còn sách kinh không hề bị mất mát gì. Nhiều đoàn vận tải, chở lương thực vào chiến trường khi đi ngang qua vùng này thường tìm đến đây xin nương náu qua đêm...
Xét về nét chung trong tín ngưỡng thờ Đức thánh Trần, trên nền tảng ý thức tôn thờ, sự kính trọng của người dân Việt Nam nói chung, người dân làng làng Vân Chàng nói riêng đối với vị anh hùng dân tộc - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trở thành vị Thánh là một hiện tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam, hiện tượng văn hóa này đáp ứng được cả 3 yếu tố:
Một là: Biểu tượng đề cao tinh thần yêu nước và truyền thống đánh giặc cứu nước nhằm củng cố sức mạnh cộng đồng trước mọi biến cố xã hội; Hai là: Biểu tượng của “địa linh nhân kiệt” - một anh hùng lịch sử văn hóa và là tấm gương để giáo dục truyền thống cho các thế hệ; Ba là: Biểu tượng của sức mạnh siêu phàm, trợ giúp sức khỏe, trừ tà trị bệnh.
Tín ngưỡng Đức Thánh Trần - một con người có thật trong lịch sử được nhân dân ta tôn lên thành Thánh, ngoài sự đề cao vị anh hùng dân tộc của nhà nước, sự tôn vinh của tầng lớp trí thức, thực chất là sự trải nghiệm tâm linh trên thực tế hay nói cách khác là niềm tin của người dân được xây đắp trên những kinh nghiệm tâm linh cụ thể, rất nhiều người dân, nhiều doanh nhân đến dâng hương cầu nguyện và rất linh nghiệm đôi khi không thể lý giải được là những nhân tố cơ bản góp phần khẳng định vị trí vững bền của Hưng Đạo Đại Vương trong đời sống tín ngưỡng tâm linh của xã hội. Đây là trường hợp đặc biệt trong quá trình phát triển văn hóa tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam.
Đền Tích Thiện từ khi xây dựng đến nay đã có nhiều lần sữa chữa, nhưng vẫn giữ được kiến trúc ban đầu và là luôn phát huy được giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh trong lòng dân. Trong nội điện ngoài các câu đối, các đồ tế khí cổ được lưu giữ, còn có bộ sưu tập trên 60 đầu sách cổ bằng chữ Hán, số sách cổ này chủ yếu ghi niên hiệu từ đời Tự Đức (1847 - 1883). Mỗi một cuốn sách đều có tên gọi rõ ràng như: Minh thánh kinh thị đọc, kinh thi, kinh đức quan, độ thế chân kinh, chính kinh văn của Trần Đại Vương, Cảnh thế chân kinh, khuyến thiện, khuyến hiếu, tẩy tâm, hạ nguyên cứu kiếp, luyện văn Đức Trần, văn tập chứng tu v.v…Những cuốn kinh này được phân làm ba loại, 30 cuốn là sách kinh của đức thánh Trần Hưng Đạo, 15 cuốn của Mẫu Liễu Hạnh, số còn lại là của Quan Thánh đế và một số vị thánh thần khác. Nội dung của phần lớn các cuốn sách kinh này là khuyên mọi người nên sống cho phải đạo với trời đất, gia đình và xã hội... cần xa lánh việc gian ác, tích cực làm điều thiện để tích phúc đức cho con cháu về sau. Lời kinh trong những cuốn sách này được ghi lại bằng lời thơ lục bát.
Đã có hàng vạn lượt khách thập phương, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp khắp mọi miền đất nước về đền Tích Thiện dâng hương, chiêm bái, cầu nguyện và hỗ trợ cho hoạt động tại đền. Do khuôn viên của ngôi đền chật hẹp, xen giữa khu dân cư nên những ngày rằm, ngày lễ, đặc biệt là ngày giỗ Đức thánh Trần (20/8 AL) việc đáp ứng các nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân thập phương cũng như công tác tổ chức các hoạt động gặp nhiều khó khăn, điều này ảnh hưởng tới công tác quản lý, phát huy giá trị di tích của của Ban quản lý...Hơn nữa, đền được xây dựng gần một thế kỷ nên một số hạng mục đã bị xuống cấp, do vậy, việc tôn tạo mở rộng di tích là hết sức cấp bách và cần thiết.
Để phù hợp với tình hình thực tế, ông Nguyễn Sinh Chân (hộ dân liền kề) đã hiến tặng 500m2 đất phía nam khu đền cho việc quy hoạch mở rộng khuôn viên di tích. Các cấp chính quyền và Sở Văn hóa, thể thao & Du lịch tỉnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã cho phép Ban quản lý di tích phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiến hành quy hoạch mở rộng, tu bổ, nâng cấp tôn tạo, trên nguyên tắc: Giữ nguyên cấu kiện gốc, tu bổ tôn tạo các hạng mục phụ; mở rông khuôn viên, bãi xe, nhà sắm lễ, nhà chờ, hồ sen cây cảnh, khu dịch vụ công cộng; hệ thống điện chiếu sáng, nước sinh hoạt được làm mới đảm bảo văn minh hiện đại, đáp ứng phục vụ tốt nhu cầu của du khách thập phương.
Đền Tích Thiện sẽ tiến hành thực hiện quy hoạch, nâng cấp di tích, Ban quản lý mong được sự hỗ trợ, phát tâm của các cộng đồng, doanh nghiệp, bà con đạo hữu gần xa đóng góp trên tinh thần thành tâm tự nguyện để Ban quản lý di tích có đủ điều kiện kinh phí thực hiện tu bổ, nâng cấp, mở rộng theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt trong năm 2016.
Sự thành tâm của du khách thập phương và cùng với công tác quản lý, bảo tồn phát huy giá trị di tích, tương lai không xa đền Tích Thiện ngôi đền độc nhất ở Hà Tĩnh thờ nhân vật lịch sử thời Trần - Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn - Đức Thánh Trần, sẽ thu hút và đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao tín ngưỡng văn hóa tâm linh về Đức thánh Trần của người dân địa phương, của cộng đồng du khách xa gần khi về dâng hương, tế lễ và cũng là điểm thờ tự Đức thánh Trần rõ nhất của khu vực miền trung.
Lê Văn Tứ (BQL đền Tích Thiện - ĐT: 0912343610) Di sản văn hóa
|