Loading...
|
Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội: Lần đầu tiên có quy định tạm ngừng tổ chức lễ hội.Ngày 11 tháng 09 năm 2018
Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội vừa được Chính phủ ban hành có quy định rõ về việc tạm ngừng tổ chức lễ hội đối với những lễ hội gây mất an ninh, trật tự, sai lệch giá trị…
Quy định rõ chức năng, nhiệm vụ
Theo Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở Ninh Thị Thu Hương, trước khi Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội được Chính phủ chính thức ban hành, công tác quản lý và tổ chức lễ hội ở nhiều nơi vẫn chưa thực sự được chính quyền địa phương các cấp quan tâm triệt để. Sau khi Nghị định ra đời, hành lang pháp lý trong lĩnh vực nhạy cảm này sẽ được thắt chặt, với nhiều biện pháp mạnh. Đáng chú ý là việc phân cấp quản lý ở các địa phương, đặc biệt đối với những lễ hội truyền thống, tùy theo quy mô và tính chất ở từng lễ hội.
Việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các bậc tiền nhân (ảnh Nam Nguyễn)
Đáng lưu ý ở Chương I, nguyên tắc tổ chức lễ hội đưa ra 7 quy định chặt chẽ. Theo bà Ninh Thị Thu Hương, đây là những quy định nền tảng để nâng cao hiệu lực quản lý lễ hội. Theo đó, việc tổ chức lễ hội nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, tôn vinh các bậc tiền nhân. Lễ hội phải được tổ chức trang trọng, thiết thực, hiệu quả, đúng bản chất, ý nghĩa lịch sử văn hóa. Đặc biệt, giảm tần suất, thời gian tổ chức lễ hội văn hóa. Nghi lễ trang nghiêm, bảo đảm truyền thống; không thực hiện các nghi lễ có tính bạo lực, phản cảm, trái với truyền thống yêu hòa bình, nhân đạo của dân tộc Việt Nam…Nghị định quản lý và tổ chức lễ hội gồm 4 chương (24 điều) trong đó gồm chương I: Những quy định chung (Phạm vi điều chỉnh, Đối tượng áp dụng, Giải thích từ ngữ; Chính sách của Nhà nước về lễ hội; Nguyên tắc tổ chức lễ hội; Quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của Ban Tổ chức lễ hội; Tạm ngừng tổ chức lễ hội). Bên cạnh đó, quy định về Tạm ngừng tổ chức lễ hội cho phép cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận đăng ký hoặc thông báo được quyền yêu cầu bằng văn bản tạm ngừng tổ chức lễ hội trong các trường hợp: Tổ chức lễ hội sai lệch nội dung, giá trị của lễ hội; Tổ chức lễ hội gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội; vi phạm các quy định về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường gây hậu quả nghiêm trọng; gây cháy nổ, làm chết người; Xảy ra thiên tai, dịch bệnh có ảnh hưởng xấu đến đời sống xã hội ở địa phương; Có hoạt động phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt về giá trị di sản, truyền thống của lễ hội gây hoang mang trong nhân dân.
Chương II, Đăng ký, thông báo tổ chức lễ hội gồm 9 điều: Đăng ký tổ chức lễ hội; Hồ sơ đăng ký tổ chức lễ hội; Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội quy mô cấp tỉnh; Trình tự tiếp nhận hồ sơ đăng ký đối với lễ hội cấp huyện; Thông báo tổ chức lễ hội; Nội dung văn bản thông báo tổ chức lễ hội; Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp quốc gia, cấp khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; lễ hội cấp tỉnh; Trình tự tiếp nhận thông báo tổ chức lễ hội cấp huyện, cấp xã.
Phân cấp thực hiện chặt chẽ
Ở chương III của Nghị định, việc phân cấp trách nhiệm quản lý được thể hiện rõ ràng. Theo đó, phần Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội gồm 4 điều: Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của các bộ, ngành liên quan; Trách nhiệm quản lý nhà nước về lễ hội của Ủy ban nhân dân các cấp; Xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội.
Nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội tạo hành lang pháp lý chặt chẽ đối với lĩnh vực nhạy cảm này (ảnh Nam Nguyễn)
Cá nhân có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.Việc xử lý vi phạm trong hoạt động lễ hội được quy định rõ hai thành phần gồm tổ chức và cá nhân. Trong đó, tổ chức có hành vi vi phạm quy định của Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Chương IV, Điều khoản thi hành gồm 3 điều Hiệu lực thi hành; điều Khoản chuyển tiếp; Trách nhiệm thi hành.
Phân cấp, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và đơn vị tổ chức lễ hội, Nghị định quy định rõ: Cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội thực hiện thủ tục đăng ký hoặc thông báo tổ chức lễ hội theo quy định và thực hiện theo nội dung đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chấp thuận. BTC lễ hội có trách nhiệm xây dựng và triển khai các phương án đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường. Yêu cầu người cung ứng dịch vụ, hàng hóa tại khu vực lễ hội phải niêm yết công khai, bán đúng giá niêm yết; không chèo kéo và ép giá; không bày bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc. Không bán vé, thu tiền tham dự lễ hội; hướng dẫn việc đặt tiền lễ đúng nơi quy định; quản lý và sử dụng nguồn thu từ hoạt động lễ hội hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng mục đích.
“Nếu như trước đây, chúng ta còn thiếu những biện pháp ngăn chặn kịp thời, thiếu các quy định mang tính pháp lý cũng như các biện pháp mạnh thì đến nay, sau khi Nghị định ban hành, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương các cấp, các BTC lễ hội đã có đầy đủ một hệ thống hành lang pháp lý hỗ trợ” - Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương nhận định.
Ngày 15/10 tới, Nghị định Quy định về quản lý và tổ chức lễ hội sẽ chính thức có hiệu lực. Để Nghị định thực sự đi vào đời sống, đòi hỏi các địa phương, các Bộ, ngành liên quan, cũng như mỗi người dân tham gia lễ hội nghiêm túc thực hiện các quy định theo Nghị định.
Theo Hồng Hà/Toquoc.vn
Tin tức sự kiện
| Audio GuideTham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |