Nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du trong truyện Kiều.
Trong một tác phẩm văn học, người kể chuyện là chủ thể của lời kể chuyện, người đứng ra kể và là cầu nối giữa câu chuyện với độc giả. Tuy nhiệm vụ là kể lại câu chuyện, nhưng ngoài cốt truyện, trong tác phẩm còn có những đoạn trữ tình ngoại đề để thể hiện những suy tư về con người, về cuộc đời. Sau đó là những đoạn mang tính chất luận đề trong đó tác giả thường thay đổi giọng kể rất linh hoạt mà người ta xét đến như là giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm.
I. Đặc điểm của nghệ thuật kể chuyện của Nguyễn Du.
Trong một tác phẩm văn học, người kể chuyện là chủ thể của lời kể chuyện, người đứng ra kể và là cầu nối giữa câu chuyện với độc giả. Tuy nhiệm vụ là kể lại câu chuyện, nhưng ngoài cốt truyện, trong tác phẩm còn có những đoạn trữ tình ngoại đề để thể hiện những suy tư về con người, về cuộc đời. Sau đó là những đoạn mang tính chất luận đề trong đó tác giả thường thay đổi giọng kể rất linh hoạt mà người ta xét đến như là giọng điệu nghệ thuật trong tác phẩm. Ở Truyện Kiều, chúng ta biết đến một chủ thể kể chuyện có bản lĩnh, biết đi sâu vào việc mô tả nội tâm của nhân vật để mỗi nhân vật được phát triển theo lôgic của chính nó, dù cho sự phát triển đó có thể không phù hợp với mong muốn chủ quan của người kể chuyện. Và như ta sẽ thấy, Nguyễn Du đã dồn tất cả nỗi niềm thương cảm, nâng niu, trân trọng với nhân vật Thuý Kiều là nhân vật chính mà ông hằng yêu mến. Nhưng không phải vì thế mà ông miêu tả khác đi không đúng thực tế. Khi cần, ông vẫn để cho nàng có quá trình phát triển, không phải là một sự phát triển đi lên để tìm một sự hoàn thiện hơn mà là một quá trình tha hoá. Ngoài ra, còn một đặc điểm nữa mà chúng ta cần để ý là người kể chuyện và nhân vật có những lúc hoà nhập với nhau làm một, tức là có sự hài hoà giữa chủ thể kể chuyện với chủ thể trữ tình khi kể lại câu chuyện và lắm khi ta không biết những tình ý ấy là của nhân vật hay của người kể chuyện vô hình. Về mặt kể chuyện, Nguyễn Du thực sự là một nhà văn đã có những sự đổi mới: Ông đặt điểm nhìn ở tâm lý nhân vật, dẫn truyện bằng đường dây tâm lý, để từ đó xây dựng được những nhân vật có ý thức, có chiều sâu tâm linh.
Nhiều khi trong một đoạn thơ, Nguyễn Du đã xuất hiện với ba tư cách: chủ thể trữ tình, chủ thể kể chuyện và tác giả. Chủ thể kể chuyện và tác giả tuy là một, nhưng đã phân thân và hội nhập hài hoà với hai tư cách chủ thể kể chuyện và chủ thể trữ tình. Một hình thức thứ hai xuất hiện trong Truyện Kiều là trong chủ thể kể chuyện có nhân vật của truyện tham gia kể lại một phần của câu chuyện thông qua việc kể lại chuyện của một nhân vật khác trong tác phẩm, như thống kê sẽ cho thấy ở sau.
Trong một quyển truyện thơ, ngôn ngữ tác giả thường gồm những đoạn tả cảnh, những lời kể chuyện, giới thiệu và bình luận đánh giá của tác giả đối với từng hành động, sự kiện của từng nhân vật trong tác phẩm. Trong Truyện Kiều, theo thống kê của chúng tôi, ngôn ngữ nhân vật gồm 1.393 dòng thơ còn lại 1.861 là ngôn ngữ tác giả chiếm một dung lượng khá lớn, 1.861/3.254 khoảng trên 57% tác phẩm. So với các tác phẩm tự sự truyền thống và các truyện Nôm, ngôn ngữ tác giả trong Truyện Kiều có sự phát triển vượt bậc và in đậm phong cách cũng như cá tính sáng tạo của Nguyễn Du. Ngôn ngữ tác giả trong Truyện Kiều có một dung lượng lớn, thể hiện khắp nơi, chi phối cách tổ chức tác phẩm và tạo nên một nét riêng rất độc đáo mang phong cách Nguyễn Du. Nó góp phần quan trọng trong việc tạo nên diện mạo độc đáo của tác phẩm và mang những nét mới, tác động trực tiếp đến từng tình tiết cũng như toàn bộ nội dung tác phẩm. Chính đây là điểm thành công độc đáo góp phần làm nên nét đặc sắc của nghệ thuật Truyện Kiều. Lối kể chuyện của Nguyễn Du mà ta có thể gọi là nghệ thuật kể chuyện của ông gồm nhiều yếu tố: Trước hết là cách kể đến giọng kể và lời kể, sau đó là cách Nguyễn Du giới thiệu nhân vật và chuyển đoạn bằng hư từ và từ láy mà ta sẽ lần lượt xét đến ở sau. Ở đây, chúng tôi sẽ tìm hiểu nghệ thuật kể chuyện trong Truyện Kiều, đặc biệt là cách kể của Nguyễn Du qua việc đối chiếu một số đoạn giữa Truyện Kiều và Kim Vân Kiều Truyện.
II. Cách kể của Nguyễn Du qua việc đối chiếu giữa truyện Kiều và Kim Vân Kiều truyện.
Ta đều biết Kim Vân Kiều Truyện là một tiểu thuyết tài tử giai nhân vốn thuộc một dòng sáng tác tiểu thuyết có từ đời nhà Đường. Nhưng phải đến thời Minh - Thanh mới thực sự hình thành và thịnh hành vào đời Khang Hy, Ung Chính (Thế kỷ 17-18). Bản ghi chép sớm nhất về sự tích Thuý Kiều – Từ Hải là Kỷ tiễu trừ Từ Hải bản mạt của Mao Khôn đời Gia Tĩnh. Câu chuyện được viết đi viết lại qua 6 lần từ Mao Khôn… đến Dư Hoài, Hồ Khoáng và cuối cùng là Thanh Tâm Tài Nhân. Cũng như các tiểu thuyết tài tử giai nhân khác, Kim Vân Kiều Truyện được kể thành hồi (20 hồi) với môtíp thông dụng của một đôi tài tử giai nhân yêu nhau rồi đau khổ, chia ly, lưu lạc để đến hồi đoàn tụ. Chỉ có điều là nhân vật ra tay cứu nạn ở đây lại là người anh hùng Từ Hải và cảnh đoàn tụ lại có khúc bi ai giữa Thuý Kiều và Kim Trọng. Trong những tiểu thuyết tài tử giai nhân chỉ có sự việc và sự việc, chúng tập trung ở từng hồi một thành những mưu mô. Những mưu mô này lại móc xích với nhau một cách khá lỏng lẻo để mỗi mưu mô có tính độc lập riêng với nhiều tình tiết tỉ mỉ, chi ly và người đọc có thể đọc hồi sau, không cần biết hồi trước nói gì mà vẫn hiểu được. Kim Vân Kiều Truyện cũng được kết cấu như vậy, nên có rất nhiều mưu mô như Kim Trọng tìm cách chiếm được trái tim Kiều, bọn sai nha lo xoay sở tống tiền, Thuý Kiều bàn tính để cha mẹ bằng lòng cho được bán mình… Các mưu mô ở đây được trình bày khéo léo nên lôi cuốn được người đọc.
Cách kể cũng theo truyền thống, kết hợp được những yếu tố kỳ ở những việc khác thường và xảo qua việc báo mộng, ngẫu hợp với cơ trí mưu mẹo của con người. Người Trung Quốc thích câu chuyện phải kỳ (Vô kỳ bất truyền). Kỳ lạ, hiếm có, khác thường, ở Kim Vân Kiều Truyện có nhiều như việc Thuý Kiều khóc trước nấm mồ vô chủ, tự đến với người tình, tự hứa việc trăm năm… Rồi bài học bảy chữ, tám nghề của Tú Bà, vụ viên quan ở Lâm Tri xử kiện… đến việc Đạm Tiên hẹn với Kiều ở sông Tiền Đường, việc Giác Duyên thuê người vớt được nàng để sau này gặp lại gia đình… Câu chuyện của Trung Quốc còn phải khéo tức là xảo. Khéo ở chỗ bố trí nhiều sự việc lặp lại, bề ngoài giống nhau mà bên trong khác nhau như những lần Kiều gảy đàn, Kiều lấy chồng, Kiều mơ thấy Đạm Tiên… mỗi lúc một khác. Lại còn chuyện tình và mộng ảo, hư thực đan xen, và đặc biệt Kim Vân Kiều Truyện còn gồm rất nhiều chuyện nhỏ, tình yêu bi hoan, ly hợp, gặp gỡ chia lìa, chuyện vu oan giá hoạ… đến những chuyện đánh ghen, báo ân, báo oán. Mà tác giả lại rất quan tâm đến nguyên do sự việc, như việc thằng bán tơ vu vạ ra sao, tại sao Vương Ông chịu ký giấy bán con, dùng tiền 300 lạng lo lót thế nào… Kim Vân Kiều Truyện đều giải thích đầy đủ, nhưng Nguyễn Du bỏ hết, ông chọn những chi tiết nào thật cần thiết mới giữ lại và cũng trình bày theo cách kể của ông. Nguyễn Du vay mượn hệ thống nhân vật cũng như sự kiện nên không tránh khỏi việc tiếp thu những yếu tố này nhưng ông không đơn thuần chỉ theo nguyên truyện mà sáng tạo lại và phát huy những điểm mạnh để làm cho đúng theo ý đồ nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, từ Kim Vân Kiều Truyện bước sang Truyện Kiều là một thế giới khác hẳn, Nguyễn Du hầu như bỏ hết các sắp đặt tính toán mà để cho sự việc diễn ra theo cái lôgic khách quan của cuộc sống, không có mưu mô của con người.
Phải nhận rằng Kim Vân Kiều Truyện là một cuốn tiểu thuyết có cốt truyện hay, nhất là khi được Nguyễn Du lựa chọn và kể lại thì cốt truyện đã trở thành hoàn hảo. Chúng ta hãy cùng xem Nguyễn Du đã thành công như thế nào để chuyển từ một cuốn tiểu thuyết chỉ có cốt truyện hay thành một “Khúc Nam âm tuyệt xướng” và đưa ông lên hàng danh nhân văn hoá thế giới.
Cùng một câu chuyện, có người kể hấp dẫn được người nghe, nhưng ngược lại có những người lại chỉ đưa ra được những lời kể tẻ nhạt. Với câu chuyện về nàng Kiều, đã bao tác giả kể lại bằng văn xuôi rồi đến khi được kể lại bằng văn vần, bằng thơ thì câu chuyện trở thành bất hủ, đó là nhờ cái “tài”, cái “duyên” kể chuyện của Nguyễn Du. Chính cái cách kể chuyện của nhà thi sĩ đã góp phần quan trọng vào sự thành công của tác phẩm. Mỗi câu chuyện xảy ra có nhiều cách kể tuỳ thuộc vào điểm nhìn và cách nhìn của người kể chuyện. Khi kể lại câu chuyện về nàng Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, Nguyễn Du có một cách kể chuyện riêng không lẫn với ai, lại hết sức độc đáo, không chỉ vì ông kể lại câu chuyện bằng thơ, bằng những lời thơ trác tuyệt. Ta hãy xem cách kể của Nguyễn Du có những đặc điểm gì?
III. Đơn giản hóa sự kiện, tập trung vào nhân vật chính.
Khi kể chuyện, Nguyễn Du thường đơn giản hoá sự kiện, hành động và tập trung vào nhân vật chính – Thuý Kiều. Câu chuyện của Thanh Tâm Tài Nhân đã được Nguyễn Du bỏ hẳn những sự kiện, nhân vật và những gì không liên quan trực tiếp đến việc thể hiện tính cách của nàng Kiều. Ông đã bỏ hẳn hồi 5 và hồi 6 trong Kim Vân Kiều Truyện, chỉ thu lại trong 20 dòng thơ xen vào giữa hồi trước (từ câu 0665 đến 0684). Riêng hồi 20 –Tái hồi Kim Trọng - ông đã diễn tả trong 526 câu tức gần 1/6 tác phẩm. Và nếu tính cả hai hồi trước đó thì ba hồi cuối (trong số 20 hồi) chiếm 1024/3254 câu, gần bằng 1/3 tác phẩm...
Ông còn bỏ đi trên hai chục nhân vật trong truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Không những thế, dù có giữ lại một số sự kiện hay hành động của các nhân vật, ông cũng đổi lại và thêm vào nhiều điểm mới. Thí dụ trong Kim Vân Kiều Truyện, ở hồi thứ năm, Vương Bà đập đầu vào cột được Thuý Kiều khuyên giải rồi đến cuối hồi này Vương Ông lại lao đầu vào tường, nhưng Nguyễn Du chỉ giữ lại một chi tiết sau:
0665. Theo lời càng chảy dòng châu,
Liều mình ông rắp gieo đầu tường vôi.
0667. Vội vàng kẻ giữ người coi,
Nhỏ to nàng lại tìm lời khuyên can…
Với Kim Trọng thì ở hồi thứ tư, Kiều đã viết 8 bài Kinh Mộng Giác (8 bài thơ Khiếp sợ khi tỉnh mộng), rồi sang hồi thứ bảy, lại lấy một mảnh quần lụa trắng cắn rách ngón tay giữa, lấy máu thảo một lá thư tình nhờ Thuý Vân gửi lại cho chàng… và Nguyễn Du đã bỏ hẳn những tình tiết này. Những đoạn như vậy còn rất nhiều cho nên có đến 2/3 Kim Vân Kiều Truyện đã bị lược bỏ. Chúng tôi chỉ xin xét một phần trước khi Thuý Kiều vào lầu xanh lần thứ hai gồm 4 đoạn nối tiếp nhau để quý vị độc giả cùng tham khảo và thấy rõ hơn cái tài tình trong cách kể của Nguyễn Du.
A. Đoạn thứ nhất Bạc Hạnh cưới xong Kiều đưa nàng đến Châu Thai, Kim Vân Kiều Truyện kể:
“Sớm hôm sau, Bạc Hạnh ra bến sông thuê thuyền để đưa nhau về Chiết Giang. Khi tới Châu Thai, Hạnh bảo: - Nàng hãy ở trong quán trọ, để tôi thu xếp nhà cửa, rồi sẽ đến đón sau.
“Đi độ nửa ngày thì Hạnh trở về, lại có đem theo một người đàn ông, giới thiệu đây là người làm công trong tiệm của mình, đến để chào mừng nàng đó. Thuý Kiều tự trong bước ra nhìn thấy người kia lông mày rậm, mắt to, môi đen râu xồm, giống như một tên tướng cướp. Nàng đáp lễ hai tiếng “Vạn phúc” rồi vào nhà trong hỏi Bạc Hạnh về việc nhà cửa thu xếp ra sao?
“Hạnh đáp: - Vì tôi đi vắng lâu ngày, ở nhà có người hàng xóm dọn đến ở đậu, tôi đã bảo chiều nay họ phải dọn đi nơi khác, để tiện sớm mai chúng tôi dọn về.
“Lúc ấy người làm công đã bảo nhà hàng dọn rượu để Bạc Hạnh mời chủ quán cùng uống. Ba người thù tạc mãi đến canh hai mới thôi.
“Tiệc tan, Bạc Hạnh trở vào phòng. Thuý Kiều hỏi: - Cái người đến đó, sao mà giống như một tên tướng cướp vậy?
“Hạnh đáp: - Anh ấy sinh trưởng ở trên mặt bể, cho nên tướng mạo như thế, nàng đừng nên sợ, đợi khi về tiệm nhìn thấy luôn luôn, rồi cũng quen mắt, chẳng sao. Thôi chúng mình đi ngủ kẻo mệt.
“Nguyên tên Bạc Hạnh là kẻ buôn người chuyên nghiệp. Y thường giả khách sang đi mua con gái và tì thiếp các nơi, lấy tiếng mua làm vợ, kỳ thực y đem đến thành thị nào đó, để ngụ trong một quán cơm, tự nhiên có người sẽ thay y để tìm chỗ bán.
“Ngày nay y đem Thuý Kiều về, thì chính tên mắt đen râu xồm là kẻ mối lái cho ổ buôn người bán thịt, hôm nay y thay mụ chủ lầu xanh đến để coi người, định giá là 240 lạng bạc, số bạc này phần Bạc Hạnh 200, còn 40 lạng về phần chủ nhà trọ và kẻ trung gian môi giới.
“Ngày hôm sau, thức dậy ăn lót dạ xong, Bạc Hạnh bảo Thuý Kiều rằng: - Nàng hãy ở đây để tôi về tiệm bảo người đánh xe lại chở hành lý, và có một chiếc xe riêng để đón nàng, nàng chỉ việc lên xe cho khỏi bận bịu.
“Nói xong Bạc Hạnh vội vàng đi ngay”.
Đoạn trích A trên đây kể lại việc Bạc Hạnh đưa Thuý Kiều về Châu Thai, liên hệ với người “bạn”, bố trí để lừa nàng vào lầu xanh rồi đi thẳng. Ta hãy xem Nguyễn Du đã kể lại như thế nào.
2137. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,
Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày.
2139. Cũng nhà hành viện xưa nay,
Cũng phường bán thịt, cũng tay buôn người.
2141. Xem người định giá vừa rồi,
Mối hàng một đã ra mười, thì buông.
2143. Mượn người thuê kiệu rước nàng,
Bạc đem mặt bạc, kiếm đường cho xa.
Trên một trang sách được Nguyễn Du viết lại thành 8 câu. Tám câu được chia làm 4 ý rất cụ thể và rành mạch: Thuyền đỗ, Bạc lên tìm - tả nơi Bạc đến - mặc cả và bán hàng - rồi thuê kiệu rước Kiều mà chuồn thẳng. Cứ hai dòng một ý mà đầy đủ công việc, ta tưởng như bằng văn xuôi cũng khó có thể nêu rõ được như vậy chỉ trong hai dòng. Tác giả đã bỏ hoàn toàn những câu đối thoại và những lời kể tỉ mỉ về số bạc mà Bạc Hạnh kiếm được chia chác ra sao vân vân… nhưng người, việc hiện lên rất rõ với thái độ cũng là cách nhìn của người kể chuyện vô hình cùng cái óc trào lộng của tác giả khi ông chơi chữ trong cách dùng chữ bạc ở Bạc đem mặt bạc (hay Bạc) ở trên mà ta có thể hiểu theo 3 cách: bạc là bạc bẽo, bạc là Bạc Hạnh hay bạc mặt là số tiền mặt mà hắn mang đi.
B. Sang đoạn thứ hai tiếp ngay sau đoạn trên, Kiều được đưa đến lầu xanh lần thứ hai.
“Thuý Kiều thấy vậy sinh nghi, tự nhủ tên này thực là kỳ quái. Coi những hành động vội vàng hấp tấp như thế, tất nhiên định ý lừa gạt mình đây, nên mới tính chuyện cho xe hành lý đi trước để mình đi không. Vậy ta phải đem áo quần trang sức bỏ vào một rương, để đem theo mình, ngộ nhỡ xảy ra câu chuyện bất trắc, thì đã có cái phòng thân.
“Tính toán xong, nàng vội thu xếp các thứ cần thiết vào một cái rương da, bên ngoài cột dây cẩn thận, vừa làm xong thì phu kiệu đưa xe đến, nàng bảo chúng đưa xếp rương da lên xe, chúng rằng: - Ông Hạnh có hẹn chúng tôi, hành lý đồ đạc không cần mang vội.
“Chủ quán cũng rằng: - Ông ấy cũng hẹn cả tôi, hành lý cứ gửi ở đây, rồi sau ông sẽ cho người đến lấy.
“Thuý Kiều thấy vậy lại càng sinh nghi, bảo bọn chúng rằng: - Những đồ vật này ta đem theo bên mình, cái đó tuỳ ta, sao lại ngăn cản?
“Rồi nàng bắt chúng xếp vào bên trong, từ biệt chủ quán, lên xe đi ngay.
“Đi đến nửa buổi thì xe đỗ trước một ngôi nhà, nàng nhìn sau trước, không thấy Bạc Hạnh ra đón, chỉ thấy một mụ độ tuổi trên dưới 30, chạy đến bên xe đon đả mà rằng: - Xin mời Vương nương hãy vào nhà trong yên nghỉ.
“Nhìn qua khuôn mặt, nàng đoán biết nhà này cũng là một chỗ đi ngang về tắt. Tự nghĩ oan nghiệp của mình có lẽ chưa tiêu thì khó tránh khỏi, nên cũng chào hỏi và bảo: - Mụ hãy đưa hành lý vào trước giúp tôi.
“Mụ ấy bèn gọi người nhà ra vác rương da và các thứ, rồi nàng mới xuống xe theo mụ vào thẳng trong nhà, thấy có mấy ả mày ngài đứng đón, nàng lại sinh nghi. Khi đã vào đến nhà giữa, nàng bảo mụ rằng: - Xin mời mẹ ngồi lên đây để cho Thuý Kiều tôi làm lễ bái kiến.
“Mụ thấy vậy hớn hở bảo rằng: - Thôi con gái ta không cần phải lạy.
“Nhưng nàng cũng cứ thụp lạy 4 bái. Nguyên lai mụ này cũng là một tay chủ chứa, nên sau một lát, mụ hỏi Thuý Kiều: - Sao con lại biết người ta bán con vào đây?
“Nàng đáp: - Xét thấy hành động cử chỉ có vẻ khác thường thì đủ rõ. Nhưng chẳng hay lúc mẹ mua tôi tốn hết bao nhiêu tiền bạc.
“Mụ đáp: - Mẹ mua hết 240 lạng bạc đó.
“Thuý Kiều thở dài: - Nếu vậy họ ăn lãi gấp 10 lần đấy.
“Mụ hỏi đầu đuôi câu chuyện ra sao? Nàng thuật lại cho mụ nghe, mụ rằng: - Gớm nhỉ? Kẻ kia lập tâm lừa dối con như thế, may mà con có kiến thức, đem được số nhiều hành lý tới đây, nếu không thực là nguy hiểm. Vậy nay mẹ cũng không làm khó dễ gì con, con nên giúp mẹ công việc làm ăn sao cho phát đạt.
“Thuý Kiều rằng: - Nay con nhận thấy số còn nặng nợ nghiệp chướng, nên lại run rủi tới đây, thì con cũng chẳng mơ tưởng gì khác nữa.
“Mụ nghe nàng nói mấy câu như vậy, lấy làm đắc ý tỏ vẻ ôn tồn.
“Nhắc lại Bạc Hạnh, sau khi nhận được số bạc đã bán Thuý Kiều, y bèn lánh mặt một nơi, đợi khi nàng đã lên xe đi khỏi, y định trở về quán làm thêm một mẻ nữa. Chẳng dè khi về tới quán, thấy nàng đem cả hành lý đi rồi, y liền giẫm chân kêu trời: Thế là hỏng bét, quần áo nữ trang đáng giá bốn năm chục lạng, mình bắt mụ chủ phải sắm cũng mất cả rồi. Tiếc của quá, y toan đến đó lập mưu lấy lại, nhưng rồi lại sợ chạm trán Thuý Kiều sẽ xảy ra chuyện không hay, nên đành phải chịu thu lượm hành lý để trở về huyện Vô Tích”.
Đoạn trích B trên đây gần hai trang kể lại việc Kiều vào gặp mụ chủ lầu xanh, hỏi han về Bạc Hạnh để biết hắn đã bán nàng cho chủ thanh lâu như thế nào thì Nguyễn Du bỏ gần hết mà chỉ viết có 4 câu:
2145. Kiệu hoa đặt trước thềm hoa,
Bên trong thấy một mụ ra vội vàng.
2147. Đưa nàng vào lạy gia đường,
Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh.
Chỉ bốn câu mà ta thấy được cả dáng đi vội vàng của mụ chủ lầu xanh ra đón Kiều và đưa nàng vào “lạy gia đường”, cũng như tâm sự của Kiều khi nhận ra đây là chốn nào: Cũng thần mày trắng, cũng phường lầu xanh. Tác giả còn chơi chữ bằng cách lặp lại chữ hoa ở câu đầu, lặp lại chữ cũng ở đầu hai nhịp thơ ở câu cuối và dùng hai màu đối lập trong mày trắng với lầu xanh.
C. Sang đoạn thứ ba tiếp theo trong Kim Vân Kiều Truyện:
“Về phần Thuý Kiều nay lại bị lọt vào phố lầu xanh, tự thương cho mình số kiếp lận đận. Trước kia có dịp hoàn lương, đã chịu bao nỗi khổ sở, rồi nay lại vẫn sa ngã trong vòng, há chẳng phải trời già định cho như thế? Nên nàng cũng chẳng ước vọng gì hơn. Người đến mua vui thì mình cũng mượn đó mà khiến hứng, ca ngâm suốt sáng, đàn địch thâu đêm, rồi tiếng Hoa khôi vang dậy khắp cả vùng bể”.
Đoạn C này chỉ có mấy dòng trên đây trong Kim Vân Kiều Truyện lại được Nguyễn Du viết dài hơn nhiều và triển khai thành 16 dòng thơ nói lên tâm sự của Thuý Kiều ở lầu xanh lần thứ hai này:
2149. Thoắt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
2151. Chém cha cái số hoa đào,
Gỡ ra rồi lại buộc vào như chơi!
2153. Nghĩ đời mà ngán cho đời,
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen!
2155. Tiếc thay nước đã đánh phèn,
Mà cho bùn lại vẩn lên mấy lần!
2157. Hồng quân với khách hồng quần,
Đã xoay đến thế còn vần chưa tha.
2159. Lỡ từ lạc bước bước ra,
Cái thân liệu những từ nhà liệu đi.
2161. Đầu xanh đã tội tình gì?
Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
2163. Biết thân tránh chẳng khỏi trời,
Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
16 dòng thơ chia thành hai đoạn, mỗi đoạn 8 dòng thơ - đoạn trước 4 ý: đoạn thứ nhất với 3 dấu than (nhận biết hoàn cảnh của mình, chửi đời than thân, ngán ngẩm cho cái tài tình và tiếc thương cho số phận) – đoạn sau cũng 4 ý (căm ghét ví trời già với cái quần của người phụ nữ, bản thân đã biết lo liệu mà không thoát, đặt câu hỏi vì sao và đành liều theo số phận). Nguyễn Du thật đã khéo: 16 câu chia làm 8 ý – 2 đoạn rất rành mạch. Ta có thể so sánh để biết rằng tâm sự của Kiều ở lầu xanh lần thứ nhất được Nguyễn Du diễn tả trong 58 câu từ:
1221. Xót mình cửa các buồng khuê,
Vỡ lòng học lấy những nghề nghiệp hay…
đến:
….1271. Đã cho lấy chữ hồng nhan,
Làm cho cho hại, cho tàn, cho cân.
1273. Đã đày vào kiếp phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Đoạn này có tên là “Những nỗi lòng tê tái” được trích đưa vào sách giáo khoa được Nguyễn Du kể, tả, phân tích tâm lý nhân vật để qua cảnh, qua tình mà người đọc thấy được việc và hiểu được đoạn đời của Kiều ở lầu xanh lần thứ nhất. Đoạn này trong Kim Vân Kiều Truyện ở hồi 11 được viết thành một bài ca Khốc Hoàng thiên (Khóc trời xanh), và sau đó là mấy dòng chuyển đoạn:
“Bài ca này ai nghe cũng phải động mối lương tâm, mà người nào mục kích thì cũng sa lệ. Thuý Kiều đem phổ nhạc vào khúc Hồ cầm, một khi dạo lên nghe càng ai oán não nuột. Chẳng những chị em trong hành viện phải khóc nức nở, mà cả đến con heo dữ như mụ Tú Bà cũng không ngăn nổi một vài giọt nước mắt hão”.
Nay khi Kiều vào lầu xanh lần thứ hai, ông không cần tả, kể về cuộc sống của Kiều ở đây mà chỉ dùng hai dòng thơ nói về cảm nghĩ của Kiều khi nhận thức được hoàn cảnh của mình:
2149. Thoắt trông nàng đã biết tình,
Chim lồng khôn lẽ cất mình bay cao.
Rồi sau đó là 14 dòng thơ bộc lộ trực tiếp thái độ phẫn uất của mình đối với định mệnh khắc nghiệt đang đeo bám đời Kiều (Từ câu 2151. Chém cha cái số hoa đào… đến câu 2164. Cũng liều mặt phấn…). Nguyễn Du đã phải cho Kiều cất tiếng chửi số phận, chửi đời, oán trời mà cũng là tâm trạng của người kể chuyện vô hình, của Nguyễn Du./.
Các đoạn trích trong Kim Vân Kiều Truyện ở quyển này đều lấy từ quyển Truyện Kiều đối chiếu (NXB Hà Nội – 1991)