nguyendu.com.vn
Loading...

Nam Dương hầu - vị khởi tổ bảy đời của Nguyễn Du, hành trình từ Thanh Oai đến Thái Bình về Tiên Điền lập nghiệp


Dòng họ Nguyễn Du, một dòng họ sản sinh nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng thời trung đại, Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm là một trong số đó và còn để lại ít nhiều nghi vấn.
 
Theo lời truyền được ghi lại của các vị trưởng lão (tức Trưởng lão ngữ lục) thì ông là người thuộc dòng dõi thế gia, thuở nhỏ có chí khí, ôm mộng hào kiệt, khi lâm sự thì quả đoán, mọi người đều tin phục nể sợ. Ông hiệu Nam Dương chọn đất ở giáp Đông thôn Lương Năng (Tiên Điền, Nghi Xuân) làm nơi cư ngụ.
 
Ông nội của Nguyễn Nhiệm là Trạng nguyên Nguyễn Thiến, đỗ khoa Nhâm Thìn (1532) niên hiệu Đại Chính thứ 3 nhà Mạc.
 
Đại Việt sử ký toàn thư viết: “Mùa xuân họ Mạc mở khoa thi Hội, Nguyễn Thiến đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Đệ nhất danh (người làng Canh Hoạch huyện Thanh Oai) làm quan đến Thượng thư, Thư Quận công, sau theo về triều Lê, là cha sinh ra Quyện”. Tổ của Nguyễn Thiến là Nguyễn Doãn Địch đỗ Thám hoa khoa Tân Sửu (1481) năm Hồng Đức thứ 12 cùng khoa với Trạng nguyên Phạm Đôn Lễ. Mùa thu năm Thuận Bình thứ 2 nhà Lê, tức năm Cảnh Lịch thứ 3 (1550) nhà Mạc, tướng Mạc là Nguyễn Thiến và con là Quyện cầu hàng xưng thần. Năm Thiên Hựu nguyên niên (1557) nhà Lê, Nguyễn Thiến chết trong ngục. Con là Nguyễn Quyện, Nguyễn Miễn lại phản quy theo Mạc. Nhà Mạc ban cho Quyện tước Văn Phái hầu, Miễn tước Phù Hưng hầu. Các con của Miễn là Đô Mỹ, Vân Bảng, Nam Dương, An Nghĩa, Nhân Trí thấy vua Mạc bị bắt, bèn chịu khuất quy thuận đến đây lại mưu làm phản, việc phát giác, Nguyễn Tín (con Nguyễn Quyện) lại trốn theo nhà Mạc.
 
Như vậy Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm cùng anh em ruột và các anh con nhà bác ruột trước theo nhà Mạc rồi quy thuận nhà Lê nay lại phản nhà Lê theo nhà Mạc.
 
Sách Nghi Xuân địa chí cho biết: “Nguyễn Nhiệm quê ở xã Canh Hoạch (quen gọi làng Vác. t.g) huyện Thanh Oai (nay thuộc Hà Nội) là cháu nội Mạc Trạng nguyên Nguyễn Thiến và là cháu của Thường Quốc công Nguyễn Quyện, con của Phù Hưng hầu Nguyễn Miễn.
 
Nguyễn Nhiệm tước Nam Dương hầu. Sau khi nhà Mạc bại vong, tập hợp quân sĩ mưu khôi phục, nhưng không thành công bèn mai danh ẩn tích tại Tiên Điền, chỉ gọi là ông Nam Dương”.
 
Song trước khi mai danh ẩn tích, bỏ quê gốc Canh Hoạch, huyện Thanh Oai, Nguyễn Nhiệm còn một thời gian nam chinh bắc chiến, trong lòng mang bao mối thù hận với triều Lê mà trước hết với Thượng phụ Bình An vương Trịnh Tùng quyết chí trả thù nhà, đánh đông dẹp bắc tỏ rõ một trang hào kiệt hơn đời, thắng thua nhiều trận vẫn không sờn lòng nản chí. Tháng 9 năm Thận Đức nguyên niên (1600) triều Lê Kính Tông, Uy Vũ hầu(1) và Nam Dương hầu đem 200 chiếc thuyền đến xứ Ông Mặc(2)huyện Thanh Trì đánh nhau với quân nhà Lê, bị thua to và đều chạy ra giữ cửa biển. Cũng tháng đó, Nam Dương hầu chạy về vùng Kỳ Bố (Thái Bình ngày nay). Nơi đây có nhiều tráng đinh, sẵn lúa gạo và gia súc, Nguyễn Nhiệm có ý đồ trụ lại lâu dài để dưỡng binh nuôi nhuệ khí. Ở làng Động Trung, tổng Xuân Vũ huyện Chân Định phủ Kiến Xương lúc bấy giờ (nay là hai xã Vũ Trung, Vũ Quý huyện Kiến Xương) có dòng họ Nguyễn gốc Trần, khi ấy đã có ba vị Quận công giúp nhà Lê. Gia phả dòng họ này có đoạn được dịch ra như sau: “Năm Thận Đức nguyên niên, tháng 9, Xuân Quận công Nguyễn Đăng Ngạn theo thượng cấp hồi loan(3) và xin phép về quê đem các tráng đinh, gia thuộc vào triều đình lo việc khôi phục. Về đến quê nhân có tướng giặc là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm đang đóng quân ở bến Cát Vàng xã Đông Trì (nay là xã Vũ Đông huyện Kiến Xương) âm mưu dụ hàng ông. Biết được ý tứ của Nhiệm, ông liền truy kích đến cửa cống Kỳ Bố (nay thuộc thành phố Thái Bình) cùng nhau giao phong, chẳng may bị tướng giặc chém chết. Năm ấy ông 38 tuổi. Mộ ông táng ở xứ Nội Làng, thôn Đường Vịnh (nay thuộc xã Vũ Vinh, huyện Vũ Thư). Về sau con ông là Vĩ Quận công nối nghiệp cha phò tá nhà Lê”(4).
 
Qua tháng 10 cùng năm Bình An vương Trịnh Tùng sai Hải Quận công Nguyễn Đình Luân đem quân đi đánh phía Nam. Thuyền đến cửa sông Hoàng Giang(5) đánh nhau với Nam Dương hầu, bị thua chạy, bỏ lại hơn 40 chiếc thuyền, đem quân về kinh sư. Vương giận lắm, bãi chức của Đình Luân (Toàn thư - nội các quan bản, tr.627).
 
Tháng 12 cùng năm (1600) Mạc Kính Cung thua chạy về huyện Kim Thành, sai Nam Dương hầu giữ huyện Nam Xang, tỉnh Hà Nam lập doanh trại thủy bộ ngày đêm tuần giữ. Nam Dương hầu giết Uy Vũ hầu cướp lấy lương thực.
 
Tháng Giêng năm Tân Sửu (1601) Trịnh Tùng đem đại binh đi đánh nhau với Nam Dương hầu. Chỗ này Toàn thư có viết: “Vừa khi Nam quận(6) và Nga quận của giặc đều chết, quan quân đại thắng, thu được thuyền ghe cùng đàn bà con gái, trâu súc vật và tiền của kể hàng nghìn, đem về kinh. Bêu hai thủ cấp của Nam quận và Nga quận ở phủ Trường Yên để mọi người biết. Lại bắt được em của Nam quận là Tào quận và Vị quận đem nộp ở quân môn, sai chém cả”. (Toàn thư NCQB, tr.628).
 
Theo Toàn thư thì Nam Dương hầu qua đời đến nay tròn 411 năm song thực tế dòng họ Nguyễn Du tính từ vị khởi tổ Nam Dương hầu đến nay ít ra có thể đã được 17 đến 18 đời, theo mức tính chung cứ một trăm năm là bốn thế hệ.
 
Tại sao lại có chuyện trái ngược vậy? chẳng lẽ Toàn thư sai, (tr.628) (tr.680).
 
Trước sự kiện lịch sử mâu thuẫn này, chúng ta có thể lý giải được. Chúng ta biết Trưởng lão ngữ lục trong gia phả họ Nguyễn Tiên Điền đã nói: “Nam Dương hầu là người có chí khí, ôm mộng hào kiệt, khi lâm sự thì quả đoán, mọi người đều tin phục, nể sợ”. Ông được đào luyện trong một gia đình hầu hết là những người văn võ kiêm bị, từ ông nội đến các chú bác, anh em đều là những tướng văn, tướng võ có tiếng tăm của nhà Lê, nhà Mạc. Bản thân ông là người đa mưu túc kế, xông pha trăm trận và có nhiều chiến tích được ghi trong chính sử. Trong trận giao phong với đại binh Bình An vương Trịnh Tùng, ông biết rõ quân thế họ Trịnh lúc này rất hùng mạnh, mặc dù ông cũng vừa giết được Uy Vũ hầu (tức Hải Dương đại tướng) để có thêm quân số và lương thực. Người cầm quân như ông lúc này hơn lúc nào hết phải vận dụng kế “ve sầu lột xác” (kim thiền thoát xác) trong tam thập lục kế mới bảo toàn được sinh mệnh.
 
Binh pháp cho biết kế này phải giữ nguyên trạng bên ngoài, bên trong không phải nguyên vật, phải giả trang nhanh chóng làm cho đối phương không kịp phát giác, di chuyển và tẩu thoát cho mau, cốt che mắt địch, chuyển nguy thành an, chuyển bại thành thắng. Nam Dương hầu đã thành công vận dụng kế này. Có thể ông đã “thế” một Tỳ tướng đóng giả vai ông trong trận quyết chiến hỗn quân, hỗn quan ở Hoàng Giang (Ninh Bình). Vị tướng giả do ông chỉ định bị bêu đầu, Trịnh Tùng tin là thật nên đã bêu đầu ở Trường Yên, nơi có đại bản doanh của Tùng để mọi người được biết, làm cho quân thế vang dội, động viên quân sĩ trong các trận đánh tiếp theo. Dĩ nhiên, trường hợp này các nhà viết sử cũng bị lừa và không thể viết sự kiện này.
 
Đây là một công án lịch sử ít gặp đáng lưu tâm. (Còn kế “ve sầu lột xác” thì được vận dụng rất nhiều trong quân sự từ cổ chí kim).
 
Qua đây có thể mở ra một phương diện nào đó về đặc trưng huyết thống tìm hiểu về các cháu chắt Nam Dương hầu. Đặc biệt từ Trung Cần công Nguyễn Nghiễm và 12 người con của ông, như Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ, Nguyễn Du… mà các nhà viết sử, viết văn xưa này đã tốn nhiều giấy mực khi viết về họ.
 
Nay Hội Kiều học Việt Nam ra đời như một cú hích lịch sử tiếp tục nghiên cứu về truyền thống văn võ dòng họ này sản sinh một thiên tài Nguyễn Du với khối mâu thuẫn lớn nội tâm - nhân sinh - thời cuộc cùng các tác phẩm bất hủ của ông. Thiết tưởng cũng là một điều bổ ích.
 
Chú thích:
 
(1) Người thổ trước miền Đông, tự xưng là Hải Dương đại tướng cùng Kỳ Huệ vương người họ Mạc chiêu mộ quân trấn Sơn Nam.
 
(2) Xứ Ông Mặc tức Ô Đống Mác sau này
.
(3) Theo thượng cấp có lẽ chỉ Bình An vương Trịnh Tùng.
 
(4) Theo Nguyễn tộc gia phả chính bản - Đông Lĩnh hầu Nguyễn Đăng Minh biên soạn tháng 12 năm Nhâm Thìn Vĩnh Hựu thứ 2 (1736).
 
(5) Hoàng Giang: tức ngã ba Tuần Vường (còn gọi là ngã ba Vàng). Là nơi sông Hồng và sông Trà Lý gặp nhau ở xã Hồng Lý huyện Vũ Thư và xã Hữu Bị huyện Hưng Hà tỉnh Thái Bình.
 
(6) Toàn thư khi thì chép Nam Dương, khi thì chép Nam Dương hầu, khi thì chép Nam quận, nhưng chỉ là một người là Nguyễn Nhiệm (chú thích này chép Toàn thư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2004, tr.761).
 
Tài liệu tham khảo
 
1. Tiên Điền Nguyễn gia thế phả. Ký hiệu VHv.2866. Viện Nghiên cứu Hán Nôm.
 
2. Hoan Châu: Xuân Tiên Nguyễn gia thế phả - Tiến sĩ Nguyễn Mai tục biên.
 
3. Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb. Văn hóa - Thông tin, H. 2004.
 
4. Đại Việt sử ký toàn thư, Nội các quan bản, Nxb. KHXH, H. 2004.
 
5. Nguyễn tộc gia phả chính bản, Đông Vĩnh hầu Nguyễn Đăng Minh soạn năm Vĩnh Hựu thứ 2 (1736), bản chữ Hán.
 
6. Phổ Dĩnh Hoa - Hoàng Khải Bảo: Bạch thoại tam thập lục kế, Thời sự xuất bản xã. Bắc Kinh 1996.
 
 
Theo Nguyễn Tiền Đoàn/ Tạp chí Hán Nôm; Số 4 (113) 2012; Tr.77-80
 

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website