Về thân thế Nguyễn Du, hiện nay còn có nhiều cách hiểu và đánh giá khác nhau. Trong bài viết này ban Trương Chính trình bày thêm một số tư liệu đáng lưu ý và từ đó rút ra nhận định riêng của mình. Chúng tôi đăng lên để bạn đọc tham khảo.

Các nhà nghiên cứu lớp trước đã cho ta biết khá rõ về Nguyễn Du. Những cuốn sách như Truyện Cụ Nguyễn Du của Lê Thước và Phan Sĩ Bàng (1924), bài Tựa Truyện Thúy Kiều của Trần Trọng Kim (1926), Nguyễn Du văn họa phổ của Đào Duy Anh (1943) có nhiều tài liệu, và xưa hay vẫn được tin cậy một cách chính đáng. Nhưng ngày nay xem lại, ta dễ nhận thấy rằng, các tác giả trên đã khai thác tài của mình theo lập trường cũ, cho nên, muốn nhìn nhà thơ dưới ánh sáng mới, hoặc muốn giải thích một số khía cạnh trong sự nghiệp của nhà thơ, mà ta chỉ sử dụng những tài liệu kia thì khó lần ra đầu mối.

Ngày nay, nói về gia thế Nguyễn Du, tất nhiên không ai trầm trồ khen cái "dòng dõi thế phiệt trâm anh" ấy nữa. Việc cả nhà cha con, chú bác, anh em được vinh hiền dưới đời Lê—Trịnh không phải là điều gì hay ho. Trái lại, ai cùng thấy chỉ riêng thành phần xuất thân đã là một sự hạn chế đối với nhà thơ rồi. Không những thế, đi sâu thêm nữa, ta còn biết sự hạn chế ấy to lớn dường nào, những sợi dây tinh thần và vật chất ràng buộc nhà thơ chặt chẽ dường nào, làm cho nhà thơ không dễ gì một sớm một chiều cởi ra được. Quả vậy, Nguyễn Nghiễm và Nguyễn Khản, cha và anh Nguyễn Du, tuy là những người ra vào cửa Khổng sân Trình và nhờ cửa Khổng sân Trình mà được vinh hiền, nhưng các ông không phải là những bậc thuần nho. Tư cách, đạo đức có nhiều điều đáng chê; người đương thời đã không phục rồi, huống chi ngày nay, thì ta lại càng không thế bỏ qua được.

Nguyễn Nghiễm đậu hoàng giáp khoa Tân hợi (1731), có tài thao lược, " vào làm tướng văn, ra làm tướng võ, ở ngôi tể tướng mười lăm năm ". Công lao của ông chủ yếu là dẹp « giặc » ở Thanh-hóa, Nghệ-an, Sơn-tây, Hưng-hóa, Kinh-bắc. Cái gọi là « giặc » đó không gì khác là những cuộc khởi nghĩa của nông dân, hoặc sĩ phu liên hiệp với nông dân, dưới lá cờ« Phù Lê diệt Trịnh ». Nguyễn Nghiễm không phải chỉ là thủ tướng của Lê triều, ông còn là tay chân đắc lực cua chúa Trịnh. Năm 1766, ông vừa được thăng làm thiếu phó, thì Nguyễn Thiếp ra Bắc, nhân tiện ghé thăm nhà quan tả tướng, thấy ở dinh ông hai chữ "Phú, Đức", liền làm một bài tán nói lên ý nghĩ của ông về đạo đức của người họ Nguyễn Tiên-điền :

Phú, phú, phú, tiền cốc hóa bảo; tài tụ nhân tụ, ngũ phúc chi nhất, chúng oan chi phủ ,vật cầu, vật vi, an kỳ sở ngộ.

Đạo đức, nhân nghĩa lễ tri, dân di vật tắc, tu chi thánh hiền, bội chi quỷ  hoặc, tất chức tất lực, tự nhiên hữu đức.

(Phú, phú, phú, tiền lúa vật báu, của nhóm người nhóm, dầu là một trong, năm phúc, nhưng vẫn là cái kho chứa oán, chớ cầu chớ làm, gặp sao hay vậy.

Đức, đức, đức, nhân nghĩa lễ tri, khuôn dân phép vật, sửa được là thánh hiền, làm sai là quỷ quái, phải lo, phải gắng, tự nhiên có đức).

Ta sẽ hiểu được hết ý nghĩa bài tán này khi biết Nguyễn Thiếp (sinh năm Qúy mão, 1723) kém Nguyễn Nghiễm 15 tuổi (sinh năm Mậu tí, 1708) và là học trò ông này.

Nguyễn Khản còn tệ hơn bố. Ông ta đậu tiến sĩ khoa Canh thìn (1760), được Chúa hết sức yêu vì. Năm 1773, ông ta đã làm lên đến chức bồi tụng trong phủ Chúa, và cùng ở trong chính phủ với bố. Ông ta có làm một việc dân oán vô cùng, số là năm ất mùi (1775), ông ta cùng Chúa đi đánh Đường trong. Ông ta ra lệnh thu lúa của dân hai xứ Nghệ-an và Bố-chinh (Quảng-bình) để làm quân lương. Dựa vào bốn chữ «Tiện nghi hành sự » (tùy tiện mà làm) chúa ban, ông ta đã để cho tay chân nhũng nhiễu dân. Dân kêu riết quá. Để lấy lòng dân, Chúa giả vờ giáng chức ông ta. Khi Kiêu binh nổi lên phá nhà ông ta, họ có kể tội này.

Như vậy, có thề nói hai cha con Nguyễn Nghiễm, công với vua Lê, Chúa Trịnh thì to, nhưng nợ máu đối với dân không phải nhỏ. Nay nhắc lại những chuyện đó để hiểu hoàn cảnh gia thế Nguyễn Du hơn. Quyền lợi của gia đình nhà thơ gắn chặt với quyền lợi vua Lê chúa Trịnh như thế, cho nên khi tập đoàn thống trị này tan rã, ông mất chỗ dựa, rồi tính «việc phục quốc », chống Tây Sơn. Đó là lẽ dĩ nhiên. Hành động đó là hành động của người sắp chết đuối thấy bọt, bèo cũng vớ lấy. (Tôi với ông vừa là bạn học vừa là anh em rể).

Về điểm này, ta không thể bênh vực gì cho nhà thơ. Chỉ có những « nhị thần nghịch tử » (chữ này dùng theo ý nghĩa tốt như Cù Thu Bạch đã dùng để nói Lỗ-Tấn), dám phản lại giai cấp mình, mới làm khác. Nguyễn Du không phải người như thế. Điều ta có thể nói giùm cho ông là, trong những kẻ khoa danh đứng ra chống Tây Sơn hồi đó, ông là người ít hăng hái nhất. Kể riêng Nghệ — Tĩnh, bao nhiêu tiến sĩ, hương cống, đều liều sống chết: Nguyễn Trọng Đương, người Thanh-chương, Nguyễn Thế Bình cũng người Thanh-chương, Nguyễn Khuê, người Chân-lộc (Nghi-lộc), Lê Duật, người Nam-đường (Nam-đàn), Lê Đường Viện, người Hưng-nguyên, Trần Danh Binh, người Thạch-hà. Nói ai xa, Nguyễn Du có người anh khác mẹ là Nguyễn Quýnh, cũng là một tay chống Tây Sơn kịch liệt, sau bị hại. Nguyễn Quýnh là con thứ tư Nguyễn Nghiễm và bà Nguyễn Thị Xuyên, sinh năm 1759, hơn Nguyễn Du sáu tuổi. Ông bị giết năm 1791. Nguyễn Hành, con Nguyễn Điều, gọi ông bằng chú, có làm bài thơ khóc như sau :

Đại đạo thành nhân mỗi bất đồng,

Lâm nguy khảng khái nghĩa duy công.

Nhất thân độc nhiệm cương thường trọng,

Vạn cổ do văn tráng liệt phong.

Cố thị kim triêu hà trật bức,

Hồi tư đương nhật thậm thung dung,

Thống tâm vô nại kinh từ miếu,

Độc lộc ca thành lệ mãn xoang.

(Đạo lớn làm nên người giỏi, mỗi người một khác,

Gặp cơn nguy hiểm mà khẳng khái  không sợ thì chỉ có chú.

Một  mình chú gánh lấy đạo cương thường rất nặng,

Muôn thuở còn nghe tiếng tráng liệt vang dội.

Nhìn lại việc ngày nay, xiết bao đau xót,

Nhớ lại hồi trước thấy chú ung dung làm sao.

Đi qua nhà thờ chú mà hết sức thương tâm,

Hát xong bài độc lộc nước mắt chảy tràn).


Bài này thấy chép trong Gia phả Nguyễn Tiên-điền. Nguyễn Du không như thế. Không phải vì ông không "khẳng khái" bằng, có điều ông thấy vận nhà Lê hết rồi. Chính giữa lúc đang mưu  " phục quốc ", ông đã  có ý nghĩ đó, và đó là ý chính của bài Vị-hoàng doanh làm trong thời gian

Mười năm gió bụi (1786 — 1795):

Cổ kim vị kiến thiên niên quốc

(Xưa nay chưa thấy triều đại nào đứng vững nghìn năm)


Ông không quá cứng cỏi như Nguyễn Quýnh, mà cũng không quá tùy thời như Nguyễn Nễ, người anh cùng mẹ, Tây Sơn lên, ra thờ Tầy Sơn ngay. Ông là một nhà nho thức thời.  

Nhưng khoan nói chuyện đó, hãy nói tiếp về gia thế. Nguyên Du chưa đủ sáng suốt đứng về phía nhân dân để nhìn giai cấp thống trị, mà cha và anh minh là đại diện. Song có một lần, đứng trên lập trường của người giác ngộ đạo Phật, nhà thơ đã viết nhiều câu đầy tính chất hiện thực, ngày nay đọc vẫn thấy thấm thía :

Lớn sang giàu, nặng oán thù,

Máu tươi lai láng, xương khô rã rời.


hoặc

Kia những kẻ mũ cao áo rộng,

Ngọn bút son chết sống ở tay.

Kinh luân găm một túi đầy,

Đã đêm Quản Cát, lại ngày Y, Chu
.

Thịnh mãn lắm oán thù càng lắm,

Trăm loài ma mồ nấm chung quanh.

Nghìn vàng khôn đổi được mình,

Lầu cao, viện hát, tan tành còn đâu!


hoặc

Kìa những kẻ bài binh bố trận,

Đem mình vào cướp ấn nguyên nhung,

Gió mưa sấm sét đùng đừng,

Dãi thây trăm họ làm công một người !


Khi hạ bút viết những câu như thế, chắc nhà thơ không khỏi chạnh nhớ đến cha, anh mình lúc trước và tất nhiên không phải là luyến tiếc!

Về đời riêng nhà thơ, có mấy điều sau đây nếu chú ý đúng mức, chắc sẽ có ích cho việc tìm hiểu nhà thơ hơn.

Bà Trần Thị Tần, mẹ Nguyễn Du là con gái một viên thừa lại, lấy lẽ thứ ba Nguyễn Nghiễm, lúc bấy giờ làm quan nhất phẩm triều đình. Bà sinh năm Canh thân (1740), Nguyễn Nghiễm sinh năm Mậu tí (1708). Bà kém chồng những 32 tuổi. Bà sinh con đầu lòng (Nguyễn Trụ) năm Đinh sửu (1757), tức là bà lấy chồng lúc mới 16 tuổi, bấy giờ chồng bà đã 48. Sau bà, Nguyễn Nghiễm còn lấy năm người vợ lẽ nữa xấp xỉ tuổi với bà : Nguyễn Thị Xuyênr Nguyễn Thị Xuân, Phạm Thị Diễm, Hồ Thị Ngạn, Hoàng Thị Thược. Điều đó nói rõ thân phận của các bà cũng như tình cảnh các bà và con cái sau khi Nguyễn Nghiễm mất. Trong bài Quỳnh hải nguyên tiêu, bài số 1, Thanh hiên(l) nhà thơ có nói:

Hồng-lĩnh vô gia, huynh đệ tán.

(Ở Hồng-lĩnh không có nhà, anh em tan tác)


là nói sự thực.

Nguyễn Du mồ côi cả cha và mẹ lúc còn nhỏ. Nguyễn Nghiễm mất năm 1775 (lúc Nguyễn Du 10 tuổi). Bà Trần Thị Tần mất năm 1778 (lúc Nguyễn Du 13 tuổi). Bấy giờ, người anh cùng mẹ là Nguyễn Nễ mới 17 tuổi (Nguyễn Trụ chết sớm, cùng năm với Nguyễn Nghiễm). Đủ thấy, cha mẹ mất rồi, nhà thơ ở với người anh đầu (cùng cha khác mẹ)là Nguyễn Khản. Vì vậy, những chuyện xẫy ra trong nhà Khản từ năm 1778 cho đến năm Khản chết (1786 — lúc này Nguyễn Du 19 tuổi) có ảnh hưởng trực tiếp đến nhà thơ. Thời gian này cũng là thời gian Khản xuống dốc. Trong vụ mật án năm Canh tí (1780), Trịnh Tùng lập Cán thay Tông, Khản định giúp Tông, việc bại lộ, Khản bị giam. Bốn năm sau (1784), Kiêu binh nổi lên phá nhà Khản, Khản

cải trang trốn lên Sơn-tây rồi bỏ về quê ở Hà-tĩnh. Năm 1786, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, chỉểm Thăng-long. Chính năm đó, Khản nghe Tây Sơn Bắc tiến, liền vượt mành ra định giúp Trịnh Khải chống cự, nhưng rồi cảm bệnh mất. Nguyễn Điều, em Nguyễn Khản, cũng chết năm đó. Đúng là:

Một phen thay đổi sơn hà

Mảnh thân chiếc lá biết là về đâu?


Câu thơ  nói chuyện người khác mà như nói chuyện mình, chan hòa nước mắt.

Mặt  khác, cuộc sống «phong lưu rất mực » của ông anh cả nhất định để lại nhiều ấn tượng sâu sắc trong tâm hồn nhà thơ. Vũ trung tùy bút chép :

"[ Khản ] ham thích hát xướng, gặp khi con hát tang trở cũng cứ cho nó tiền bắt hát, không lúc nào bỏ tiếng trúc, tiếng tơ. Khi có tang quan tư đồ [ tức  tang  bố ]  ngày rỗi cũng sai con hát đồ khúc, gọi là « ngâm thơ nôm » bọn con em quí thích bắt chước chơi bời hầu như thành thói quen».

Nhưng Nguyễn Du không « bắt chước chơi bời » như thế. Trái lại, ông ôm ấp một mối đồng tình thành thực đối với những người đàn bà phải đem tài sắc ra mua vui cho kẻ giàu sang. Không lấy làm lạ trong đời ông, ông đã dành nhiều bài thơ nói về họ. Thật khác xa tác phong khinh bạc, nhẫn tâm của ông anh, và cũng khác xa lòng thương hờ của kẻ đi tìm thú vui trong tiếng đàn, giọng hát. Mối đồng tình đó bắt nguồn từ những điều mắt thấy tai nghe trong gia đình mình, và trong xã hội phong kiến, chứ không phải bắt nguồn từ chỗ « danh sĩ, giai nhân cùng một kiếp hoa nghiêm nặng nợ » như nhau, nên xót xa cho nhau. Không phải nhà thơ nhỏ nước mắt vì một người đàn bà nào, tức là nhà thơ nhỏ nước mắt khóc mình. Cũng không phải nhà thơ thấy cảnh ngộ Thúy Kiều giống cảnh ngộ mình, nên mới thấy Truyện Kiều mà « bày tỏ hết mọi tình mọi ý của mình, như nhiều nhà nghiên cứu trước đây vẫn nhận định.

Ngoài mối thông cảm đối với phụ nữ nói chung, còn có mối thông cảm đối với người nghèo khổ cũng sâu sắc như thế. Điều này có thể giải thích được. Nguyễn Du con một danh gia vọng tộc và làm quan suốt 19 năm trời, nhưng từ khi bước chân vào đời cho đến khi mất, có thể nói rất nghèo. Năm 1789 (nhà thơ 24 tuổi), nhà Lê mất, ông về quê vợ ở nhờ nhà người anh vợ là Đoàn Nguyễn Tuấn. Tình cảnh ông thời gian này như thế nào, ông có nói trong tập Thanh hiên (giai đoạn «Mười năm gió bụi»). Đặc biệt là các Tự thán, U cư, Mạn hứng, Khất thực. Hai câu :

Văn tự hà lằng vi ngã dụng,

Cơ hàn bất giác thụ nhân liên

(Văn tự nào đã dùng được việc gì cho ta,

Đâu ngờ phải đói rết để người thương)

trong bài Khất thực tóm tắt được quãng đời ăn nhờ ở đậu ấy.


Thời gian «Dưới chân Hồng-lĩnh» từ năm 1796 cho đến năm 1802 ra làm quan cũng không hơn gì. Về quê hương xứ sở rồi mà vẫn khổ.

Xem của họ đã thay đổi được như thế nào ? Trong bấy nhiêu người, có nhiều văn sĩ, thi sĩ: Ngô Thời Nhiệm, Phan Huy ích, Nguyễn Lượng, Nguyễn Nễ, Nguyễn Thiếp. Xem thơ văn của họ thì biết, có người ra làm cho Tầy Sơn nhưng lại khen Nguyễn Du là «trượng phu», và tự nhận là «tùy thời», «chịu khuất ». Sau đây là một bài thơ Nguyễn Nễ gửi cho Nguyễn Du:

Ngạnh lạc bình phiêu bát cửu niên,

Nhất phiên ly biệt nhất tiềm nhiên.

Trượng phu xử thế cùng đương cố,

Nho giả tùy thời tri yếu viên.

Kỷ hữu tu mi như ngã khuất,

Tự phi cốt nhục cánh thùy liên.

Ân cần thả cánh gia đình lạc,

Thử hậu văn du phạc các thiên,

(Thị Tố Như đệ)

(Bèo dạt cành rơi đã tám chín năm,

Một lần biệt ly là một lần nước mắt rơi.

Kẻ trượng phu ở đời càng cùng khốn càng nên bền chí,

Nhà nho ở tùy thời thì phải cho khôn khéo.

Mấy ai mày râu chịu khuất phục như ta,

Không phải là tình cốt nhục thì ai mà thương

Ân cần cuối cùng được hưởng cái vui cảnh gia đình.

Sau đây mâỵ bay mỗi người lại đi một góc trời).


Bài này trích ở Quế hiên thi cảo, làm khoảng năm 1793-94, lúc Nguyễn Nễ đã ra với Tây Sơn, còn Nguyễn Du thì đang ở Thái-bình. Hai anh em gặp nhau ở quê nhà, Hà-tĩnh.

Có người ra giúp Tây Sơn là để phù Lê, duy trì chính thống. Đó là trường hợp Nguyễn Thiếp. Lúc đầu ông cho Tây Sơn là cường bạo, không chịu ra, sau nghĩ rằng Tây Sơn có thể lập lại nhà Lê, nên mới đến yết kiến Chính Bình Vương và khuyên vương nên giữ lời hứa giúp Lê.

Cao hơn một bậc, có lẽ là Ngô Thời Nhiệm. Ngô Thời Nhiệm có nói được một điều không thấy ai nói tới, tức là sự mục nát của thời Lê mạt. Trong bài Chiếu lên ngôi Hoàng đế, viết thay Quang Trung, ông nói:

«... Hơn hai trăm năm nay, kỷ cương rối loạn, vua Lê chỉ là hư vị, cường thần tự ý vun trồng, giường mối của trời đất một phen rơi xuống không nâng lên được, chưa có lúc nào hư hỏng quá như lúc này... »

Như vậy đấy, những nhà nho theo Tây Sơn không phải toàn là những người đứng về phía nhân dân mà chống lại giai cấp thống trị mục nát cuối  Lê. Cho nên, so sánh Nguyễn Du với những nhà nho theo Tây Sơn, rồi có ý chê Nguyễn Du, thì cũng chỉ mới nhìn bề ngoài mà không xét đến động cơ, đến tư tưởng từng người.

Việc ông ra phục vụ nhà Nguyễn cũng thành vấn đề. Vấn đề này có hai khía cạnh : đứng trên lập trường Nho giáo thì  cho là ông không giữ trọn khi tiết, còn đứng trên lập trường ngày nay thì cho ông là không có tinh thần dân tộc, chịu phục vụ một triều đại phản quốc.
.
Trước hết hãy nói chuyện ông ra như thế nào ? Tự ý xin ra hay là « phải triệu ra », «thế không trốn được » ? Về điểm này Đại nam chính biên liệt truyện chép:

« Đến khi có lệnh [Gia Long] gọi, không thể từ chối, ông bất đắc dĩ phải ra». Còn Gia phả thi chép:

«Mùa hạ tháng 6 năm Nhâm tuất (1802) vua Cao hoàng tứ c(Gia Long) đi ra Nghệ-An. Ông [Nguyễn Du] đón xe yết kiến vua và được đem thủ hạ đi theo ra Bắc».

Do đó, bây giờ khó biết động cơ ra sao. Có điều chắc chắn là ông đã làm quan với nhà Nguyễn từ năm 1802 cho đến khi mất (1820), tính đúng: 19 năm, từ chức tri huyện Phù-dung thuộc Khoái-châu, trấn Sơn-nam, lên đến chức hữu tham tri Bộ lễ, một lần được làm chánh sứ đi tuế cống, và một lần được chọn làm chánh sứ cầu phong, nhân Minh Mạng lên ngôi, nhưng chưa kịp đi thì cảm bệnh. Căn cứ vào đó, có thể nói Nguyễn Du «thực thà » làm quan với nhà Nguyễn. Nhưng sở dĩ ông thường buồn rầuy không vui, chỉ giữ hết bổn phận, chứ không hay nói năng là vì, đúng như trong Liệt truyện chép, ông làm quan hay bị quan trên đè nén. Mặt khác, ông hết sức khinh rẻ bọn quan lại thời bấy giờ, chỉ nghĩ đến chuyện vinh thân phì gia, mà không lo gì đến việc dân, việc nước. Thơ văn ông chứng thực điều đó.

Nhưng dù thế nào đi nữa, thì ông cũng đã phục vụ một triều đại phản quốc. Về điều này ta chỉ có thể nói như sau để bênh vực cho ông:

Khi Nguyễn Ánh được cha Bá-đa-lộc đem tàu bè súng đạn cùng với Se-nhô, Va-ni-ê, Đờ Phoóc-xăng, Đay-Ô giúp sức đánh dẹp Tây Sơn, thì các nhà nho chưa thể thấy được rằng Nguyễn Ánh đã rước voi về giày mồ, và năm mươi năm sau, quân đội Pháp, được bọn cố đạo và bọn con buôn dọn đường, sẽ đặt chân lên Đà-Nẵng và dần dần chiếm lấy nước ta. Còn như nói Nguyễn Du không có chút tinh thần dân tộc nào thì không đúng. Trong lần đi sứ Trung-quốc, khi đi qua Quỷ-môn-quan, hay là miếu thờ Mã Viện ông thường nhắc đến tên tướng xâm lược ấy một cách khá mỉa mai, chẳng hạn như :

Chung cổ hàn phong xuy bạch cốt,

Kỳ công hà thủ Hán tướng quân.

(Quỷ môn quan)

(Từ xưa gió lạnh thổi xương trắng

Kỳ công của tướng quân nhà Hán có gì đáng khen?)


hay :

Tính danh hợp thượng Vân đài họa

Do hướng Nam trung sách tuế thì.

(Giáp thành Mã Phục Ba miếu)

(Tên tuổi ông chỉ đáng được ghi ở các Vân-đài thôi

Chứ sao lại còn đòi nước Nam hàng năm cúng tế?)


Trong bài Kỳ lân mộ, ông nói lên tội ác của tên vua Minh, người chủ trương xâm lược nước ta, và so sánh y với vua Lê, người đánh dẹp quân xâm lược đó. Ông không nói đến cuộc đại thắng của Nguyễn Huệ chống quân Thanh, một là vì cuộc đại thắng đó gắn liền với Tây Sơn,  kẻ thù của triều đại mà ông đang phục vụ , nói đến là chuốc họa vào thân ; hai là ông đang cầm đầu một phái đoàn hữu nghị sang thăm triều đình Thanh ; nói đến không tiện. Ngoài ra, trong Bắc hành có nhiều bài ông ca tụng những anh hùng chống ngoại xâm như Nhạc Phi (chống Kim) Văn Thiên Tường (chống Mông-cổ), Cù Các Bộ (chống Mãn-châu). Thí dụ bài Quế lâm Cù Các Bộ có hai câu:

Chung nhật tử trung tâm bất động,

Thiên thu địa hạ phát do trường.


(Suốt ngày, trước cái chết, lòng ông không nao núng,

Nghìn thu nằm dưới đất, tóc ông vẫn dài).

Câu sau ý nói: ông vẫn không phải cạo đầu để đuôi sam, như những người mất nước dưới triều Mãn Thanh.

Bài Tần Cối tượng có câu:

Như thi tranh tranh chân thiết hán

Nại hà mĩ mĩ sự Kim nhân?

(Cứng cát như thế, rõ là con người sắt

Cớ sao khúm núm thờ quân Kim ?)


Rõ ràng như thế, sao lại phủ nhận Nguyễn Du không có tinh thần dân tộc?

Ngày nay, chúng ta đã có nhiều tài liệu về Nguyễn Du, lại thu thập được trên 250 bài thơ ông làm từ năm 20 tuổi đến năm 50 tuổi, nói lên tâm sự suốt đời ông. Đó là cơ sở chắc chắn nhất để tìm hiểu nhà thơ và đi đến những nhận định tương đối đúng.