nguyendu.com.vn
Loading...

LỊCH SỬ TRUYỆN KIỀU VỀ KHOẢNG 900 CÂU KHỞI THẢO ĐẦU TIÊN


1- Trong một bài đăng ở Lao Động và một bài đăng ở Tạp chí Nghiên cứu Hán-Nôm, TS. Ngô Đức Thọ, PGS-TS. Đào Thái Tôn cùng chúng tôi đã đi đến giả thuyết: Truyện Kiều đã được cơ bản hoàn thành trong khoảng 1786-1790, mà nhất là trong bốn năm nhà thơ có thời gian rảnh rỗi ở quê vợ tại Thái Bình 1787-1790. Tuy nhiên quá trình diễn Nôm Truyện Kiều là cả một quá trình phức tạp kéo dài trong khá nhiều năm, chúng ta còn cần phải đi sâu thêm vào các giai đoạn, thai nghén, manh nha, bổ sung, sửa chữa trước và sau giai đoạn chính đó nữa. Có thể hình dung cả thảy 5 giai đoạn:

-Giai đoạn thai nghén, bắt đầu bằng việc tóm lược toàn bộ cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân: khoảng 1779 (Cảnh Hưng năm thứ 40);

-Giai đoạn khởi thảo 900 câu đầu tiên: khoảng 1783-1785, khởi sự ở Thăng Long và có lẽ còn tiếp tục khi chạy loạn kiêu binh theo hai anh về ở quê nhà;

-Giai đoạn hoàn thành cơ bản việc diễn âm, tại quê vợ ở Thái Bình: khoảng 1787-1790;

-Giai đoạn tổng duyệt và sửa chữa ở tại vùng quê Tiên Điền: khoảng 1796-1802;

-Giai đoạn tiếp thu ý kiến của bạn bè, tự nhuận sắc thêm một số câu một số chữ cho đến tận khi qua đời tại Huế.

Trong bài này chúng tôi cố gắng đi sâu thêm vào giai đoạn khởi thảo khoảng 900 câu đầu tiên.

2-Như đã có lần nói, căn cứ sự trùng hợp về niên đại không thể cho là ngẫu nhiên giữa bản VƯƠNG THÚY KIỀU TRUYỆN- CỔ HOAN NGHI TIÊN NGUYỄN GIA TÀNG BẢN Nguyễn Thạch Giang phát hiện ở Thái Bình thi từ năm 1779 cụ Nguyễn Du đã  tóm lược xong cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Tóm lược chắc không phải để đọc mà là để tiến tới nhằm diễn âm, noi theo tấm gương nhà thơ đàn anh nổi tiếng trong vùng là Nguyễn Huy Tự đã từng làm đối với truyện Hoa Tiên kí. Có được bản tóm tắt rồi, vậy từ năm 1779 trở về sau chắc hẳn lúc nào Cụ cũng nghĩ đến việc thực hiện cho kì được cái mộng văn chương của mình. Nhưng giai đoạn 1779-1783 hẳn Cụ chưa có thể làm được gì nhiều vì 2 lẽ: a) Cụ đang ở giai đoạn cư tang mẹ; b) và nhất là Cụ đang ở giai đoạn phải tập trung tất cả mọi sức lực vào việc học hành để chuẩn bị thi cử. Học hành để thi đỗ là một việc trọng đại, một bổn phận linh thiêng đối với gia đình, dòng họ, nhất là một dòng họ nổi tiếng như dòng họ của Cụ ở Tiên Điền. Giai đoạn đang học hành này, có nghĩ đến văn chương chăng thì cung chỉ là thỉnh thoảng, những lúc hơi rảnh rỗi thì thử diễn Nôm dăm ba câu ở đoạn này hay đoạn khác ở trong truyện, rồi đọc cho bà con bạn bè nghe, cùng trao đổi về mặt này hay mặt khác mà thôi.

3-Nhưng sau khi thi đỗ xong thì tình hình thay đổi hẳn. Từ 1783 đến 1785 gia phả cho biết Cụ không bị bận vào công việc nào cả. Năm sau, 1786, mới có chuyện ra làm Chánh thủ hiệu Thái Nguyên và chuyện cưới vợ. Một vấn đề cần đặt ra: vậy mấy năm từ 1783 đến 1785 Cụ làm gì và cư trú ở đâu? Theo cứ liệu Nguyễn Thạch Giang cung cấp, khoảng 1783-1784 hai ông anh Nguyễn Khản, Nguyễn Nễ đều đang làm quan ở triều đình, ông anh Nguyễn Điều thì đang làm trấn thủ ở Sơn Tây. Hai ông anh Nguyễn Quýnh, Nguyễn Trừ cũng có chức vụ và ở không thật xa: Nguyễn Quýnh làm Quản trấn tả đội, Nguyễn Trừ làm Tri phủ Vĩnh Tường. Vậy thời gian này có phần chắc Cụ ở giữa Thăng Long cùng ông anh cả tại dinh cơ cũ phường Bích Câu hoặc thỉnh thoảng có đi thăm các ông anh khác thì cũng chỉ đi lại quanh quẩn trong phạm vi gần Thăng Long mà thôi. Còn cái công việc chính của Cụ lúc này chắc hẳn là bắt đầu đi vào câu chuyện diễn Nôm Truyện Kiều, một câu chuyện Cụ rất mê nhưng đã bị hoàn cảnh treo gác lại từ 5, 7 năm nay. Nhưng rồi loạn kiêu binh nổi lên, Nguyễn Khản bị phá nhà phải cải trang trốn lên Sơn Tây rồi cuối cùng phải cùng em là Nguyễn Điều bỏ trốn về quê. Lại một câu hỏi mới phải đặt ra: Cụ cũng về Tiên Điền theo hai ông anh Nguyễn Khản, Nguyễn Điều, hay Cụ vẫn ở lại Thăng Long? Nhưng dẫu Cụ ở đâu thì những năm 1783-1785 này cũng có hai chuyện đáng chú ý:

-Về mặt chính trị, cho đến khi Tây Sơn ra, Cụ vẫn sống dưới quyền cai trị của vua Cảnh Hưng và chúa Trịnh Khải;

-Về mặt đời sống, Cụ chưa có chức vụ gì, Cụ đang chủ yếu sống chung với các ông anh, xung quanh đều là những người giúp đỡ chọn trong đám bà con thân tín cùng quê Nghệ Tĩnh cả.

Hai điều này còn lưu lại vết tích khá rõ trong khoảng 900 câu Kiều đầu tiên mà Cụ đã sơ bộ phác thảo ra trong khoảng thời gian rảnh rỗi này.

4- Trước hết chúng ta hãy chứng minh bằng cứ liệu kị húy.

Như trong các bài đăng trước đây đã nói, sau khi Cảnh Hưng mất, vua Chiêu Thống được truyền ngôi vua và chúa Trịnh Bồng được lên ngôi chúa thì Truyện Kiều mới bắt đầu kị húy cả hai vị cầm đầu này. Vua Chiêu Thống tên là Kì. Kị húy trước tiên là phải đọc Kì Hán -Việt thành Cờ Cổ Hán - Việt để né tránh về mặt âm, ví dụ:

-Ở hai câu 2179-2180:

Từ rằng tâm đảm tương cờ,
Phải người trăng gió vật vờ hay sao.

-Ở hai câu 2507-2508:

Hồ công quyết kế thừa cơ,
Lễ tiên, binh hậu, khắc cờ tập công.

Nhưng cũng có những trường hợp không đọc được thành Cờ như vậy. Những lúc này phải thay đổi tự dạng để báo cho người đọc biết có kị húy, phải đọc chệch ít nhiều về mặt âm, ví dụ:

-Ở hai câu 2229-2230:

Quyết lời dứt áo ra đi,
Gió mây bằng đã đến kì dặm khơi.

Hai bản gốc của Duy Minh Thị (DMT), Liễu Văn Đường (LVĐ) phải đổi Kì thành chữ Xí, ba bản gốc của Quán Văn Đường (QVĐ), Thịnh Mỹ Đường (TMĐ), VNB-60 phải đổi KÌ thành THÌ còn hai bản gốc về sau chép thành hai bản Nọa Phu (NP) và Kiều Oánh Mậu (KOM) lại phải đổi KÌ thành LÌA. Theo Vận thư cổ, chữ xí cũng có âm đọc được là KÌ. Nhưng viết xí cho khác tự dạng là để báo động chữ KÌ có chuyện kị húy. Chính nhờ sự báo động này nên các bản gốc cổ khác mới ba lần tìm ra được THÌ và hai lần tìm ra được LÌA, như đã nói.

-Ở câu 1757, bản LVĐ/1866 cũng phải đổi tạm BẤT KÌ thành BẤT KHI; BẤT KHI có lẽ dùng với cái ý nghĩa gần gần như BẤT NHẬT, BẤT THỜI. Tiếc rằng khi in lại, bản LVĐ/1871 đã không hiểu hai chữ BẤT KHI này và in không chuẩn.

-Ở câu 2077, chúng ta lại gặp lại kết cấu phải kị húy như trên: E chăng những sự BẤT KÌ

Nhưng lần này chắc người đọc chỉ đọc né tránh theo lối dân dã, coi THI cũng như THÂY, coi MI cũng như MÀY và chuyển chệch BẤT KÌ gần thành như BẤT CẦY. Có thế mới giải thích được tại sao ở câu 2078 sau đó, bốn bản gốc LVĐ/86, LVĐ/71, QVĐ và TMĐ lại đem chúng gieo vần với THẾ NÀY:

E chăng những sự BẤT CẦY (< BẤT KÌ )
Để nàng cho đến THẾ NÀY cũng thương.

-Ở câu 2407, bản QVĐ cũng dùng bộ BỐI thay bộ phận chữ KÌ bên trái để báo động tạm thời phải tránh âm, ví dụ BẢO CHO HỘI HỢP CHI KÌ có thể tạm tránh thành BẢO CHO HỘI HỢP CHI KHI, như ở bản Thái Bình Minh Mạng lục niên chẳng hạn.

Trong Vận thư tên húy của Chiêu Thống và của Thần Tông khác vận bộ nhau, nhưng sang cách đọc Hán Việt thì chúng trở thành đồng âm do đó việc kị húy Thần Tông ở bốn câu 1246, 1473, 3110 và 3223 cũng trở thành liên quan đến việc kị húy Chiêu Thống.

Qua những điều vừa dẫn trên đây nổi lên một điều rất dễ thấy :bắt đầu từ hai câu 1245-1246 cho đến tận cuối truyện không có một trường hợp nào là không né tránh cách này hay cách khác tên húy Kì chung của hai vua mà đặc biệt là của vua Lê Chiêu Thống. Điều đó cũng rất ăn khớp với việc kị húy tất cả các chữ BỒNG đồng âm với tên chúa Trịnh Bồng, như:

-Ở câu 2244 bản DMT đã thay bộ MỘC thành bộ THƯ để ghi chữ BỒNG thuần Nôm (trong “ tay bồng tay mang”) mà còn đồng thời bỏ hẳn cả bộ THẢO cho thật đảm bảo;

-Ở câu 2627 bốn bản LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60 đổi BỒNG (trong “cửa bồng”) thành PHÒNG còn bản NP thi đổi BỒNG thành BUỒNG;

-Ở câu 2937 bản TMĐ cũng bỏ bộ THẢO của chữ BỒNG (trong “bình bồng”) và thay bằng một nét ngang.

Nói một cách khác, hơn 2500 câu cuối cùng trong Truyện Kiều là hơn 2500 câu đã được viết ra sau năm 1786 là năm Lê Chiêu Thống và Trịnh Bồng đã lên ngôi vua, ngôi chúa.

5- Trong tình hình như vậy, chắc ai cũng phải lấy làm lạ về bốn trường hợp tám câu sau đây:

Thương nàng con trẻ thơ ngây 
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kì
 Họ Chung ra sức giúp vì
Lễ tâm đã đặt, tụng kì cũng xong
 Việc nhà đã tạm thong dong
Tinh kì giục giã đã mong độ về
 Sự đâu sóng gió bất kì
Hiếu tình có nhẽ hai bề vẹn hai

Và cả về hai trường hợp KÌ NGỘ trong bốn câu:

Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người
Nhớ nơi kì ngộ vội dời chân đi
Gẫm duyên  kì ngộ xưa nay
Lứa đôi ai lại đẹp tày Thôi Trương

Cũng như trường hợp PHÂN KÌ trong hai câu:

Đoạn trường thay lúc phân kì
Vó câu khấp khểnh, bánh xe gập ghềnh

Rõ ràng cả bảy tên Kì vẫn được giữ nguyên, không kị húy. về mặt chữ viết cũng không có một dấu hiệu bất thường nào về tự dạng báo động phải tìm cho ra một cách đọc né âm lâm thời nào đó, dầu chỉ để đối phó.

Vậy làm sao cắt nghĩa cho được bảy trường hợp bất bình thường này? Chúng tôi đã phải tạm thời đi đến hai giả thuyết để cân nhắc. Trước hết chúng tôi nghĩ đến giả thuyết: bảy chữ Kì trong 14 câu trên đây xưa cũng đều được kị húy cả, nhưng sau khi các triều đại thay đổi chúng đều đã được phục hồi như cũ. Nghĩ đến chuyên phục hồi dạng cổ là nghĩ đến một chuyện rất dễ được đồng tình: vì có cơ sở cả về mặt văn học cả về mặt lịch sử. Ai cũng biết, đạng kiêng kị chỉ là một dạng lâm thời, bất đắc dĩ phải chấp nhận để tránh phạm húy mà thôi. Dẫu đó là dạng do triều đình qui định , hay là dạng do người sao chép tự nghĩ ra thì đó cũng đều là những dạng chẳng có giá trị văn chương gì, thường thường thua kém hẳn chữ nghĩa của nguyên tác. Nếu có hoàn cảnh thuận lợi cho phép vứt bỏ chúng đi để quay trở lại chữ nghĩa của tác giả thì còn có gì may mắn cho bằng! Về mặt lịch sử, chữ húy là loại chữ tỏ lòng tôn trọng triều đại đang cầm quyền. Nếu triều đại thay đổi thì triều đại sau còn giữ lại những chữ tôn trọng triều đại trước làm gì! Đến triều Tây Sơn hay triều Nguyễn mà Kiều, từ câu một đến hai câu 869-870 nói riêng, khoảng 900 câu đầu nói chung, phải chăng đó cũng là phần đã được phác thảo trước năm 1786?

Chỉ có một băn khoăn: ở câu 310 cụ Nguyễn Du đã dùng đến hai chữ TRƯỢNG NGHĨA. Nếu trong dòng họ Tiên Điền thường ngày vốn đã có thói quen né tránh cái tên tục của ông chú Nguyễn Trọng như vậy thì việc cụ Nguyễn Du dùng TRƯỢNG thay TRỌNG là rất bình thường. Còn nếu đến năm 1789, sau khi cụ Trọng qua đời rồi, việc kiêng húy mới được gia đình nhắc nhở, dặn dò trong đám con cháu thì chắc câu 310 là một câu về sau cụ Nguyễn Du đã cân nhắc và sửa chữa lại. Vì sau Cụ mới chữa lại mà chữa theo truyền thống gia đình nên hiện nay hầu như không một bản Kiều Nôm cổ nào biết chuyên này, ngoài bản DMT.

7- Qua chuyên né tránh âm Kì, âm BỒNG trên đây, chúng ta đã thấy được một đường phân giới chia đôi Truyện Kiều thành hai phần: phần phác thảo trước năm 1786 và phần tiếp tục viết về sau. Đường phân giới đó phải đi qua đâu đấy ở quãng giữa hai câu 869-870 (chưa kị húy) và hai câu 1245-1246 (đã kị húy). Đường phân giới đó sẽ được một nguồn cứ liệu nữa, sau đây, ủng hộ: cứ liệu về từ ngữ.

Như mọi người đều biết, trong ngôn ngữ nào cũng có những lối nói đồng nghĩa hay gần nghĩa, xin so sánh ở Truyện Kiều: TO / LỚN , BUỒNG / PHÒNG, SÁP / NẾN, XANH / BIẾC, CHIA PHÔI / BIỆT LI , TRÔI GIẠT / BÌNH BỒNG, v.v... (Xin chú ý: chữ xuất hiện trước chúng tôi để đứng đầu cặp, chữ xuất hiện sau chúng tôi để cuối cặp).

Các từ ngữ trên đây đều là những từ ngữ bình thường không có gì đáng nói. Nhưng qua điều tra sơ bộ chúng tôi nhận thấy có tình hình như sau:

-Chữ đứng đầu mỗi cặp trên đây bao giờ cũng bắt đầu xuất hiện trong khoảng 8, 9 trăm câu thơ đầu tiên, tuy về sau nó vẫn còn có khả năng được dùng trở lại.

-Chữ đứng sau thì lại không bao giờ có thể có mặt trong khoảng 8, 9 trăm câu thơ ấy.

So sánh câu lần đầu tiên chúng xuất hiện để thấy sự trước sau giữa hai bên:

-TO:câu 472 :Bốn dây to nhỏ theo vần cung thương

-LỚN: câu 924  : Ăn gì cao lớn đẫy đà làm sao

-SÁP:  câu 446 :Đài sen nối sáp song đào thêm hương

-NÊN: câu  1723 :Ban ngày nến thắp hai bên

                                                                                           Phong tình có lục còn truyền sử xanh
                                                                                           Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh
                                                                                           Sân ngô cành biếc đã chen lá vàng
                                                                                           Chưa vui sum họp đã sầu chia phôi
                                                                                           Thấy chàng đau nỗi biệt li
                                                                                           Hoa trôi bèo giạt đã đành
                                                                                           Bình bồng còn chút xa xôi
                                                                                           Oan này còn một kêu trời nhưng xa
                                                                                           Song đà quá trớn quản gì được thân
                                                                                           Dầu khi lá thắm chỉ hồng
                                                                                           Tuy dầm hơi nước chưa lòa bóng gương
                                                                                           Để con bèo nổi mây chìm vì ai
                                                                                           Nghe càng đắm, đắm càng say
                                                                                           Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai
                                                                                           Hai em phương trưởng hòa hai
                                                                                           Khúc nhà tay lựa nên xoang (chương)
                                                                                           Thành thân rồi sẽ liệu về châu Thai
                                                                                           Ngựa xe như nước, áo quần như nen
                                                                                           Đến điều sống đục sao bằng thác trong
                                                                                           Vâng lời khuyên giải thấp cao
                                                                                           Bảo thì đi dạo lấy người
                                                                                           Đem về rước khách kiếm lời mà ăn

Một câu hỏi: vì sao những chữ đứng đầu cặp bao giờ nhà thơ cũng nghĩ đến trước, đem ra dùng trước? Phải chăng những lối nói đầu đa số là những lối nói trong gia đình anh em cụ Nguyễn Du thường hay dùng hơn, Cụ thời kì này đang ở chung với họ, thường hay trò chuyện với họ nên Cụ có phần chịu ảnh hưởng chăng?

Vài năm sau, khi về quê vợ thì Cụ lại giao du trao đổi với người Thái Bình là chính. Do đó cách chọn từ ngữ ở hơn hai ngàn câu thơ sau cũng có thể vì thế mà có tí chút khác trước chăng? Ví dụ như người ở Thái Bình thường lẫn lộn L với N, MƯỜI LĂM NĂM chép thành MƯỜI NĂM NĂM chẳng hạn.

Mà nếu giả thuyết trên đây đúng thì khi về Thái Bình chắc Cụ đã phải có trong tay khoảng 8, 9 trăm câu phác thảo đã được hoàn thành. Vì đường phân giới ở đây lại đi qua đâu quãng giữa hai câu 769-770 (xin xem chữ CHÌM đầu cặp CHÌM/ĐẮM) và hai câu 917-818 (xin xem chữ BIẾC cuối cặp XANH/BIẾC)

8- Cứ liệu về chữ Nôm cũng cho thấy hình như ít nhất cũng có hai giai đoạn sao chép khác nhau: người chép khoảng 900 câu thơ đầu có lối viết không giống những người chép 2500 câu thơ về sau. Sau đây là một số ví dụ:

-Ví dụ thứ nhất: ở câu 818: Đoạn trường lại chọn mặt người vô duyên

cả năm bản DMT, LVĐ, QVĐ, TMĐ.VNB - 60 đều dùng chữ LUẬN để ghi TRỌN theo tiếng Nghệ Tĩnh; ở 4 câu 2187, 2190, 2428, 2839.

2187: Đốt than chọn đá thử vàng

2190: Ai cho kén chọn vàng thau tại mình

2428: Chọn người tri kỉ một ngày được chăng

2839: Vội vàng sắm sửa chọn ngày

cả năm bản lại dùng chữ TUYỂN nhưng thay bộ XÍCH bằng bộ THỦ để ghi cách phát âm CHỌN. (Cung có người cho là “dùng SOẠN ghi CHỌN“)

-Ví dụ thứ hai: ở câu 899: Từ đây góc bể chân trời

bản DMT dùng nghĩa phù GIÁC và thanh phù CỐC để ghi chữ GÓC =GIÁC+CỐC/ còn ở 3 câu:

910 : Góc trời thâm thẳm ngày ngày đăm đăm

1041 : Bên trời góc bể bơ vơ

2441 : Triều đình riêng một góc trời

thì bản đó lại chỉ dùng một mình thanh phù CỐC để ghi!

-Ví dụ thứ 3: ở câu 50 chữ TRO ghi với bộ HỎA, ở câu 1672 nó lại ghi với bộ THẠCH; mà điều này xảy ra đồng loạt ở bản DMT cũng như ở các bản LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60.

-Ví dụ 4: chữ TRONG (với nghĩa là “trong suốt”) ở các câu 169, 262, 455, 481 bản DMT đều dùng thanh phù LONG, nhưng đến các câu về sau (879, 1026, 1191, 1199, 1311, 1423, 3173, 3181, 3203) thì đều nhất luật không dừng thanh phù LONG nữa mà dừng thanh phù TRUNG, với kết cấu THỦY/BĂNG + TRUNG. Trường hợp này các bản LVĐ, TMĐ về cơ bản cũng tách các câu theo hai lối viết khác nhau, nhưng có khác bản DMT ở hai chi tiết: dùng thanh phù LONG đến cả câu 879, và tách câu 1423 để riêng, viết theo một lối thứ ba.

-Ví dụ 5: về chữ CHONG. Có sự thống nhất hoàn toàn giữa hai bản DMT và LVĐ: ở câu 712 chữ CHONG viết với bộ HỎA (HỞA + 1/2 CHUNG), nhưng đến câu 1872 thì lại bỏ bộ HỎA, chỉ dùng chữ CHUNG (như trong “chung thủy”) để ghi CHONG.

-Ví dụ 6: chữ ĐẸP, ở câu 512, cả 5 bản DMT, LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60 đều dùng nghĩa phù MĨ; nhưng sang phần sau, ở câu 1492 cũng như ở câu 2212, thì đều bỏ MĨ mà thay bằng nghĩa phù khác.

-Ví dụ 7: Chữ SƯỢNG ở câu 321 viết có bộ KHẨU, ở câu 1095 viết không bộ KHẨU. Mà đó là điều cả 5 bản DMT, LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60 hoàn toàn nhất trí.

-Ví dụ 8: Cũng hoàn toàn nhất trí giữa năm bản là hai cách ghi khác nhau của chữ GIẠT. Ở Truyện Kiềụ ta có 2 câu:

Câu 219:  Hoa trôi bèo giạt đã đành

và câu 2812: Để cho đến nỗi trôi hoa giạt bèo

Câu 219 ở phần đầu truyện thì viết với bộ THỦY và chữ DUỆ (2); câu 2812 ở phần cuối truyện thì ghi bằng chữ KIẾT. (2): chữ DUỆ xưa phiên là “DƯƠNG LIỆT thiết”, cùng thuộc vần HẠT/HIỆT như KIẾT, nên ghi Nôm chữ GIẠT được.

-Ví dụ 9 : ở câu 800 Giấu cầm nàng đã gói vào rọt khăn

chữ GIẤU viết có bộ TÚC: /TÚC+DẬU/. Có thể nói bộ TÚC này là nét khu biệt phần đầu của cả năm bản DMT, LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60.

Ở 6 câu 1372, 1488, 1493, 1513, 1543,2069

1372 : Rước về hãy tạm giấu nàng một nơi

1488 : Thế nào cũng chẳng giấu giung được nào

1493 : Đêm ngày giữ mực giấu quanh

1513 : Hơn điều giấu ngược giấu xuôi

1543 : Lại còn bưng bít giấu quanh

2069 : Nghĩ rằng khôn nỗi giấu mầu

thì sự vắng mặt của bộ TÚC lại trở thành nét khu biệt của phần sau các bản LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60. Ở sáu câu phần sau này GIÂU ghi đơn giản chỉ bằng chữ DẬU.

- Ví dụ 10: về hai cách ghi khác nhau của chữ BÚA. Ở câu 661 thuộc phần đầu truyện

                                                                                        Búa đao bao quản thân tàn

chữ BÚA được cả năm bản DMT, LVĐ, QVĐ, TMĐ, VNB-60 ghi bằng chữ PHỦ, đọc theo nghĩa. Ở câu 1396 thuộc phần tiếp theo

                                                                                        Dẫu rằng sấm sét búa rìu cũng cam

thì chữ BÚA lại được ghi bằng cách ghép bộ KIM với thanh phù BỐ =KIM+BỐ /

9- Qua mười ví dụ về cách viết Nôm trên đây đường ranh giới giữa phần đầu và phần cuối lại hiện lên một lần nữa, khá rõ. Ở ví dụ 9 (GIẤU) năm bản cho nó đi qua sau câu 800; ở ví dụ 1 (CHỌN) năm bản cho nó đi qua sau câu 818; ở ví dụ 4 (TRONG) hai bản cho nó đi qua sau câu 879 và trước câu 1026; còn ở ví dụ 2 (GÓC) thì bản DMT lại cho nó đi qua sau câu 899 và trước hai câu 910,1041. Đường ranh giới này trên đại thể cũng không mâu thuẫn gì với hai đường ranh giới mà chúng ta đã thoáng thấy trên kia, khi nghiên cứu hiện tượng kị húy cũng như hiện tượng sử dụng từ ngữ. Chữ KÌ ở câu 869 vẫn in, đọc bình thường nhưng đến câu 1246 nó đã phải viết và đọc thành CỜ. Cũng vậy ở câu 770 ta vẫn thấy dùng CHÌM chứ chưa dùng ĐẮM; nhưng đến câu 924 thì LỚN đã thay TO và đến câu 1026 thì BẰNG đã thay NHƯ... Nếu tạm dựa vào cách viết Nôm chữ GỐC ở bản DMT có thể lấy hai câu 899-900 làm cột mốc cuối phần I và hai câu 909-910 làm cột mốc đầu phần II ở sau; còn nếu dựa vào chữ TRONG ở hai bản LVĐ, TMĐ thì ta lại sẽ có hai cột mốc 879-880 và 1025-1026. Đường phân giới giữa phần trước, phần sau sẽ là đường đi ngang qua đâu đó ở quãng giữa hai cặp cột mốc ấy:

889-890...909-910

879-880............./............1025-1026

Đến đây thiết nghĩ đã có thể sơ bộ đi đến nhận định: việc tách các năm 1783-1785 thành một giai đoạn sáng tác riêng và việc coi khoảng 900 câu Kiều đầu tiên như một sản phẩm được hình thành trong một công đoạn mở đầu, đó đều là những điều ít nhiều hình như cũng có những cái lí của chúng. Nhưng tiếc rằng cứ liệu tìm ra còn chưa được thật nhiều và việc khảo sát cũng chưa có thể cho là đã thực sự đầy đủ. Vì vậy chúng tôi chưa dám đi đến một sự khẳng định hoàn toàn dứt khoát. Chúng tôi xin coi đây chỉ như một sự gợi ý ban đầu, đề ra để cùng nhau cố gắng tiếp tục tìm tòi.


Nghiên cứu thảo luận

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website