nguyendu.com.vn
Loading...

Lập quy hoạch tổng thể di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo


Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 2640, đồng ý chủ trương giao UBND tỉnh Thái Bình chủ trì lập Quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.
 
 
Phó Thủ tướng giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thẩm định Nhiệm vụ quy hoạch và Đồ án Quy hoạch tổng thể Di tích quốc gia đặc biệt Chùa Keo theo quy định hiện hành; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
 
Chùa Keo, xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn hiện tồn là chùa được xây dựng vào thế kỷ XVII (1632).
 
Chùa Keo Thái Bình gồm 21 hạng mục lớn, nhỏ (154 gian). Trải qua trên 300 năm, chùa đã được tu bổ, tôn tạo nhiều lần, vào các năm 1689, 1707, 1941, 1957, 2004. Xét về quy mô, bố cục, đặc điểm và nghệ thuật kiến trúc, có thể coi chùa Keo (Thái Bình) là một trong những công trình sáng giá nhất trong hệ thống chùa dạng thức “tiền Phật hậu Thánh” cũng như dạng thức chùa “trăm gian” ở Việt Nam.
 
Các hạng mục kiến trúc chính của chùa Keo gồm: Tam quan ngoại (gồm 3 gian, hai chái, khung gỗ, 4 chân hàng cột, mái lợp ngói mũi hài); Tam quan nội (ở phía sau hồ nước (hình vuông), khung gỗ, gồm 3 gian, hai chái, 3 hàng chân cột, 4 bộ vì, mái lợp ngói mũi hài); Chùa thờ Phật (được dựng trên mặt bằng hình chữ Công, gồm 3 toà (chùa Hộ/chùa Ông Hộ, Ống muống, Tam bảo).

Chùa Keo ngoài việc thờ Phật còn thờ Thánh (tiền Phật hậu Thánh). Vị Thánh được thờ ở đây là Dương Không Lộ - một nhà sư thời Lý có trình độ hiểu biết sâu sắc về Phật học. Ông vừa được thờ như một vị tổ sư, vừa như một vị Thành Hoàng làng, nên điều khác biệt trong kiến trúc Chùa Keo là trước tòa Đền Thánh có thêm một tòa Giá Roi.
 
Chùa Keo còn có một công trình kiến trúc độc đáo, đó là Gác chuông.  Gác chuông được làm theo dạng thức chồng diêm cổ các, gồm có 3 tầng, 12 mái, khung gỗ, mái lợp ngói mũi hài. Đây là một kiến trúc thời Lê, được đánh giá là gác chuông to, đẹp nhất Việt Nam và được chọn làm một trong những biểu tượng văn hóa của đất Thái Bình.
 
Một nét hấp dẫn nữa của Chùa Keo là hai dãy hành lang Đông và Tây trong khu di tích được dựng bao quanh chùa Phật - Đền Thánh, phía trước thông qua hàng dậu và Tam quan nội, phía sau kết nối với Gác chuông, hợp thành ô chữ Quốc. Hai dãy hành lang đều được dựng trên mặt bằng hình chữ L, kết cấu khung gỗ, mái lợp ngói, mỗi dãy 33 gian.
 
Ngoài các kiến trúc chính, chùa Keo còn một số kiến trúc phụ trợ, như Khu Tăng xá, Nhà khách (phía Đông và phía Tây), trụ sở Ban Quản lý Di tích. Đặc biệt, chùa còn là nơi hiện đang lưu giữ và 197 di vật, cổ vật gắn với lịch sử hình thành và phát triển của chùa (từ thế kỷ XVII đến nay), được tạo tác từ nhiều loại chất liệu (gỗ, đá, đồng), có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học đặc sắc.

Với những giá trị văn hóa đặc biệt, ngày 28/4/1962, Chùa Keo được công nhận là Di tích lịch sử - văn hoá Quốc gia. Đến tháng 9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã Quyết định xếp hạng Chùa Keo là di tích quốc gia đặc biệt.
 
 
Theo T.Dung/Cinet.vn

  

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website