“Nếu coi di sản văn hóa như một thứ tài nguyên của đất nước, thì để bảo tồn và phát huy nguồn tài nguyên đó, chúng ta cần phải hiểu biết được một cách đầy đủ, hệ thống và cụ thể những gì mà chúng ta có”- KTS Lê Thành Vinh, Viện trưởng Viện Bảo tồn di tích bộc bạch. Đó là một trong những lý do ra đời của Trung tâm Truyền thông di sản văn hóa Việt Nam.

 

Kiến trúc sư Lê Thành Vinh


Thưa ông, được biết, cách đây khoảng hơn chục năm, Viện Bảo tồn di tích có thực hiện một dự án điều tra về di tích kiến trúc cổ truyền của người Việt ở vùng đồng bằng châu thổ Bắc Bộ. Tuy nhiên, những kết quả từ cuộc điều tra lâu dài và kỹ càng ấy cho đến nay vẫn chưa được nhiều người biết đến?

- Đúng thế, Dự án tiến hành từ năm 2002, cho đến nay đã điều tra khảo sát, thống kê được đầy đủ toàn bộ di tích ở phần lớn các xã của 14 tỉnh vùng châu thổ Bắc Bộ.

Từ kết quả điều tra, khảo sát, chúng tôi đã số hóa, xây dựng thành cơ sở dữ liệu về di tích, lưu giữ tại Viện. Tuy nhiên, nó chỉ được biết đến ở phạm vi hẹp. Ngòai các cán bộ hay cộng tác viên của Viện, có một số nhà nghiên cứu hoặc ai đó quan tâm và biết đến tra cứu, nhưng nói chung vẫn là trong phạm vi hẹp. Đó là những hồ sơ khoa học về di tích hết sức quý báu. Bởi nhiều di tích đã được khảo sát, lập hồ sơ trong dự án đó nay đã không còn trên thực tế nữa. Ngay cả khi chúng tôi đang thực hiện dự án, có những di tích đang trong giai đoạn khảo sát nghiên cứu dở, chỉ mấy tháng sau quay lại làm tiếp đã không còn nữa. Những di tích hiện còn cũng thay đổi, biến dạng rất nhiều. Khi các địa phương muốn lập các dự án tu bổ, phục hồi di tích thì nguồn tư liệu quan trọng gồm kết quả của dự án này và các hồ sơ khoa học khác về di tích do Viện thực hiện, sẽ giúp ích rất nhiều nếu họ đến Viện khai thác tư liệu. Chẳng hạn, khi chùa Dơi ở Sóc Trăng bị cháy rụi, thật may mắn là toàn bộ tư liệu từ bản vẽ, ảnh chụp, các bài viết mô tả ngôi chùa này chúng tôi có đầy đủ, và Chùa Dơi đã được phục dựng theo hồ sơ đó. Tuy vậy, không phải ai cũng biết để mà phát huy kho dữ liệu này.

- Có phải đó là lý do để Viện Bảo tồn di tích quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông di sản văn hóa Việt Nam?

- Đó là một trong những lý do. Xuất phát điểm là từ vấn đề bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, những năm gần đây chúng ta làm ồ ạt nhưng lại thiếu chuẩn, chất lượng khoa học chưa cao. Công tác trùng tu di tích đặt ra nhiều vấn đề bức thiết. Trong khi đó, vai trò của truyền thông trong lĩnh vực này chưa được phát huy. Thành lập Trung tâm truyền thông di sản văn hóa Việt Nam là một trong những nỗ lực của Viện, đưa công tác truyền thông có vai trò thực sự trong bảo tồn di tích.

 - Thưa ông, vậy Trung tâm sẽ hoạt động như thế nào?

- Đây sẽ là một diễn đàn – Ngoài việc cung cấp cho cộng đồng hiểu thêm về đặc điểm, giá trị của di tích trong hệ thống di sản văn hóa, cung cấp những thông tin về pháp lý, những quy định, hướng dẫn trong công tác bảo tồn di tích theo luật pháp Việt Nam và công ước quốc tế, đây sẽ là nơi tập hợp và truyền tải tải những ý kiến của những người có trách nhiệm và có năng lực chuyên môn, đưa ra những thông tin chính xác, kịp thời về hoạt động bảo tồn di tích, đặc biệt là những sự kiện trùng tu gây tranh cãi. Đồng thời, đây cũng là nơi thu thập những ý kiến phản hồi, những đề xuất thực tế từ phía cộng đồng, mà có khi, các nhà quản lý, chuyên gia cũng chưa nhìn nhận thấy hết được. Trung tâm Truyền thông Di sản cũng là nơi tổ chức các họat động gia tăng giá trị của di tích, di sản văn hóa, xây dựng các dự án liên quan đến bảo tồn phát huy giá trị di sản, tìm kiếm và tập hợp nguồn lực xã hội cho công tác bảo tồn di tích, đồng thời cũng có thể tiến hành tổ chức những sự kiện liên quan đến di tích và bảo tồn di tích. Trước mắt, như đã nói ở trên, chúng tôi đang tiến hành dự án “Bản đồ di tích”.

- Vâng, cho đến nay, hình như chúng ta vẫn chưa có thống kê đủ và hệ thống các thông tin về di tích trong cả nước?

- Hiện nay, các hồ sơ, tư liệu về di tích nằm rải rác trong các kho lưu trữ của các cơ quan quản lý, các viện, các cơ quan nghiên cứu nhưng chưa được tập hợp thành cơ sở dữ liệu đầy đủ và hệ thống. Nói về bản đồ, mỗi một đất nước đều có bản đồ tài nguyên: các mỏ khoáng sản, vàng, bạc, rừng, biển... Vậy nếu coi di sản văn hóa là một thứ tài nguyên, mà thực tế nó là tài nguyên vô giá, vậy thì chúng ta đã biết đất nước mình có những di tích nào, ở đâu? quy mô, giá trị như thế nào một cách hệ thống hay chưa? Đầu tiên là xác định vị trí. Tiếp đến, chúng ta có thể tìm hiểu kỹ hơn về các điểm di tích trên bản đồ: nguồn gốc, lịch sử, đặc trưng, giá trị, hiện trạng... Như vậy, chúng ta mới thực sự làm chủ nguồn tài nguyên di sản của đất nước. Thực tế là có nhiều di sản văn hóa rất giá trị nhưng tìm kiếm thông tin rất khó hoặc thông tin tìm được lại hết sức sơ sài. Trên cơ sở những thông tin có sẵn, chúng tôi sẽ tổ chức tập hợp, nghiên cứu, bổ sung... kết nối, tất cả để phục vụ cho họat động bảo tồn di sản văn hóa.

- Ông có thể nói cụ thể hơn về tiện ích cho người tiếp cận với bản đồ di tích này?

- Đây sẽ là dạng sản phẩm đa phương tiện. Bằng ứng dụng công nghệ tin học, bản đồ sẽ được xây dựng trên cơ sở hệ thống phần mềm quản lý dữ liệu hêt sức tiện ích. Khi truy cập, người sử dụng có thể tiếp cận với một khối lượng thông tin rất lớn, vừa có thể tìm hiểu thông tin tổng thể về di tích trong một phạm vi nhất định (một địa phương, một vùng miền hay cả nước), vừa có thể đến với những thông tin về một di tích cụ thể hay những vấn đề chuyên sâu liên quan đến di tích theo những lớp lang mà bản đồ đa phương tiện tạo ra. Hơn thế nữa, bản đồ di tích cũng có thể tạo điều kiện để mọi người có nhu cầu tham quan hay nghiên cứu tiếp cận bằng phương thức mới đó là sự “tương tác” của họ với cơ sở dữ liệu về di tích.

- Trở lại về nhiệm vụ truyền thông của Trung tâm, ông có nghĩ rằng, trong điều kiện thiếu chuẩn mực và nhiều tranh cãi về các dự án trùng tu di tích hiện nay, thì mong muốn là một cơ quan phát ngôn tin cậy cũng đồng thời sẽ chịu một áp lực nặng nề?

- Tôi không sợ áp lực. Bởi diễn đàn này là nơi tập hợp những ý kiến của các chuyên gia có uy tín trong lĩnh vực này, đồng thời cũng là nơi đưa ra những cái nhìn khách quan, nhiều chiều, nhưng cũng đủ năng lực để đưa ra chủ kiến, nhận định và chịu trách nhiệm về những phát ngôn của mình.

- Những phát ngôn đó, liệu có sức nặng về mặt pháp lý?

 - Trước mắt, Trung tâm thuộc Viện Bảo tồn di tích, nhưng khi đi vào hoạt động và có sự lớn mạnh rồi, chúng tôi hy vọng sẽ tách ra hoạt động độc lập, khi đó tiếng nói sẽ mạnh mẽ hơn. Ngay bây giờ chúng tôi đã nhận được nhiều ủng hộ của những chuyên gia trong lĩnh vực di sản văn hóa. Hy vọng từ những việc làm đáng tin cậy, dần dần sẽ được các nhà chuyên môn, cơ quan quản lý và xã hội đồng thuận, tìm được một tiếng nói chung và hiệu quả đối với công tác bảo tồn di sản.

- Như ông vừa nói, từ những dự án như lập bản đồ di tích, cho tới việc thông tin, phản hồi và đưa ra những phát ngôn kịp thời cho các vấn đề trùng tu di tích, có vẻ rằng đó sẽ là một công việc rất lớn, cần một chính sách mang tầm quốc gia?

- Đúng thế, họat động bảo tồn di tích, di sản văn hóa luôn luôn cần định hướng, quản lý và tổ chức thực hiện một cách hệ thống, bài bản ở cấp nhà nước. Nhưng nếu vì nó quá lớn mà chúng ta cứ chờ đợi thì cũng không được, những mảng việc chưa được làm cần phải có người bắt đầu.Chẳng hạn trên 3000 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia đã có hồ sơ quản lý tại Cục Di sản văn hóa. Nhưng số lượng di tích được xếp hạng cấp tỉnh và di tích chưa được xếp hạng còn lớn hơn rất nhiều lần và chúng đều là thành phần của di sản văn hóa dân tộc. Nếu chúng ta tạo được kênh thông tin và sự kết nối tốt thì công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị của di tích, di sản văn hóa sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Nên quan trọng là phải bắt đầu làm dần thôi, làm đến đâu tốt đến đó.

- Vâng, xin cám ơn ông.