nguyendu.com.vn
Loading...

Khung pháp lý quan trọng phát huy Di sản thế giới ở Việt Nam


Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Có hiệu lực thi hành từ ngày 10.11.2017, với 4 chương, 24 điều, Nghị định này thực sự là khung pháp lý quan trọng để bảo vệ, quản lý và phát huy giá trị các Di sản thế giới của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh.
 
Quần thể danh thắng Tràng An là một trong những di sản thế giới đã được UNESCO vinh danh
 
Bước tiến về hội nhập quốc tế trong công tác quản lý di sản thế giới

Công tác xếp hạng, bảo vệ di sản văn hóa của VN trong những năm gần đây đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Hiện cả nước đã có hơn 3.000 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và 72 di tích được xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt. Bên cạnh đó, chúng ta còn có nhiều Di sản văn hóa phi vật thể, nhiều Di sản tư liệu… đã được UNESCO ghi danh ở nhiều danh sách khác nhau. Ở lĩnh vực Di sản văn hóa vật thể, tính đến nay đã có tám di sản thế giới của VN được UNESCO ghi danh.
 
Đó là các di sản: Quần thể di tích Cố đô Huế thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế, Vịnh Hạ Long – Quảng Ninh, Phố cổ Hội An và Khu Di tích Mỹ Sơn đều thuộc tỉnh Quảng Nam, Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng ở Quảng Bình, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long –  Hà Nội ở thủ đô Hà Nội, Thành Nhà Hồ - Thanh Hóa và Quần thể danh thắng Tràng An – Ninh Bình.
Không chỉ mang giá trị văn hóa, lịch sử, ý nghĩa tinh thần… những di sản thế giới được UNESCO ghi danh còn mang đến những thay đổi mang tính sức bật cho kinh tế xã hội của các địa phương có di sản được vinh danh. Theo UNESCO cho biết, mỗi năm có khoảng hơn một tỷ lượt du khách đến tham quan các khu di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới trên toàn cầu.
 
Số liệu khách tham quan và doanh thu từ các di sản thế giới đã được UNESCO ghi danh ở VN thực sự là con số biết nói.
 
Đơn cử như năm 2015, Vịnh Hạ Long đón trên 2,5 triệu lượt khách, thu từ vé tham quan đạt khoảng 540 tỉ đồng; Quần thể danh thắng Tràng An đón trên 5 triệu lượt khách, thu từ phí danh lam, phí chở đò và các dịch vụ khác khoảng 675 tỉ đồng, trong đó khoản thu từ vé tham quan khoảng 230 tỉ đồng; Quần thể di tích Cố đô Huế đón khoảng 2 triệu lượt khách, thu từ vé tham quan khoảng 200 tỉ đồng; Khu phố cổ Hội An đón khoảng 1,1 triệu lượt khách, thu từ vé tham quan khoảng 125 tỉ đồng; Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đón khoảng 740 nghìn lượt khách, doanh thu từ phí tham quan và dịch vụ đạt khoảng 140 tỉ đồng; Khu Di tích Mỹ Sơn đón trên 270 nghìn lượt khách, thu từ vé tham quan khoảng 25 tỉ đồng...
 
Theo quy định của UNESCO , công tác bảo vệ và quản lý các di sản thế giới được quy định tại Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (gọi tắc là Công ước Di sản Thế giới) được UNESCO thông qua năm 1972 và Bản Hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản Thế giới được thông qua lần đầu vào năm 1978. Thế nhưng ở VN dù đã có nhiều di sản thế giới được UNESCO vinh danh nhưng chúng ta chưa có những quy định pháp luật đề cập cụ thể tới công tác bảo vệ, quản lý các giá trị di sản thế giới ở VN.
 
Giữa những quy định, khái niệm của UNESCO trong Công ước Di sản Thế giới với quy định của pháp luật VN về di sản văn hóa cũng như các quy định liên quan đến bảo vệ, quản lý di sản thế giới như Luật Du lịch, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, Luật Xây dựng… lâu nay vẫn có nhiều bất cập, thiếu đồng bộ…. Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam được ban hành không chỉ tạo ra môi trường pháp lý thuận lợi để bảo vệ, quản lý di sản thiên nhiên thế giới ở VN mà còn đáp ứng tiến trình hội nhập của chúng ta với quốc tế và UNESCO trong lĩnh vực bảo vệ, quản lý di sản thế giới. 

Bảo vệ, quản lý di sản thế giới phải lập kế hoạch quản lý và giám sát định kỳ…
 
Ngay từ Chương I của Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam đã đề cập đến nhiều khái niệm mang tính đặc thù của lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, mà cụ thể là đối với di sản thế giới như: “Giá trị nổi bật toàn cầu”, “Tuyên bố giá trị nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn”…
 
Để bảo vệ và quản lý di sản thế giới ở VN một cách bền vững, khoa học tại Điều 5 của Nghị định nêu rõ 6 chỉ số giám sát định kỳ tình trạng bảo tồn yếu tố gốc của di sản thế giới gồm: tính toàn vẹn và tính xác thực; tính bền vững của công trình kiến trúc và địa điểm khảo cổ; sự bảo tồn và phát triển của hệ sinh thái, đa dạng sinh học, đặc biệt là các loài bị đe dọa; chất lượng nguồn nước; tính bền vững của di sản văn hóa phi vật thể và các yếu tố gốc khác cấu thành giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thế giới cần được giám sát.
 
Thực tế trong những năm gần đây, UNESCO đã nhiều lần ra quyết định đề nghị Quần thể di tích Cố đô Huế phải lập kế hoạch quản lý quần thể di sản này và nhiều di sản khác của VN khi lập hồ sơ Quốc gia đệ trình UNESCO xét ghi danh vào danh mục Di sản thế giới đều phải có kế hoạch quản lý.
 
Liên quan đến vấn đề này, Điều 7 và Điều 8 của Nghị định quy định rõ nguyên tắc lập, thời hạn của kế hoạch quản lý di sản thế giới và những nội dung cơ bản của kế hoạch quản lý di sản thế giới. Về thẩm quyền lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới nếu di sản đó phân bố trên địa bàn một tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ thì Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ hoặc Thủ trưởng Bộ, ngành được giao trực tiếp quản lý di sản thế giới đó chịu trách nhiệm tổ chức lập và phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới thuộc thẩm quyền.
 
Trong trường hợp di sản thế giới thuộc thẩm quyền quản lý của UBND cấp tỉnh, phân bố trên địa bàn hai tỉnh trở lên, Bộ VHTTDL quyết định chọn địa phương chủ trì tổ chức lập kế hoạch. Bộ trưởng Bộ VHTTDL là đơn vị chủ trì thẩm định và phê duyệt kế hoạch quản lý di sản thế giới ở VN…
 
  • Nghị định số 109/2017/NĐ-CP quy định về bảo vệ và quản lý Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành trước hết là thành quả đáng ghi nhận của Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập Nghị định do Bộ VHTTDL tổ chức biên soạn, hoàn thiện suốt từ năm 2014 đến nay. Đề cập đến lĩnh vực quản lý mang tính đặc thù nhưng cũng liên quan đến nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác ở trong nước và quốc tế, suốt trong quá trình biên soạn, hoàn thiện Nghị định này Bộ VHTTDL đã nhận được văn bản góp ý của 17 Bộ, ngành và cơ quan thuộc Chính phủ, của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cũng như các địa phương có di sản thế giới… Với 4 chương, 24 điều, Nghị định đã quy định cụ thể những việc quan trọng bắt buộc phải thực hiện để bảo vệ, quản lý giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn và tính xác thực của di sản thế giới cũng như quy định cụ thể những yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan được giao quản lý, sử dụng, phát huy di sản thế giới ở VN…
 
Theo Cinet.vn
 

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website