nguyendu.com.vn
Loading...

Khơi lại mạch nguồn tồn thể


“Kể từ Nguyễn Du và Shakespeare
Hai ông này giống nhau nhiều nhất ở điểm: nêu sự tình bi đát cùng độ, để thỉnh thoảng cho len lỏi vào những lời thơ phiêu bồng thơ ngây khôn tả. Nghĩa là nói cách khác: nêu ra sự chấn động của toàn khối hiện thể để khiến người ta khơi lại mạch nguồn tồn thể”.
 
Thi sĩ Bùi Giáng
 
Đây là những lời Bùi Giáng viết trong tập Thi ca tư tưởng từ cách đây ngót nửa thế kỷ. Hẳn chúng xuất phát trước hết từ những cảm nhận của Bùi Giáng về Kiều, và nếu đúng như vậy thì có lẽ cho đến nay đây vẫn nằm trong số những lời bình sâu sắc và đẹp đẽ nhất mà người ta có thể nói về Kiều
 
Cõi giới phiêu bồng của Tồn thể
 
Để hiểu thấu những lời văn trên của Bùi Giáng, tất yếu chúng ta phải cảm nhận được khái niệm Tồn thể, vốn gắn liền với khái niệm Dasein trong triết học của Heidegger. Theo tinh thần của Heidegger thì Tồn thể là cái bị chìm khuất trong cõi giới của nó (proximally and for the most part Dasein is lost in its “world”1) dù luôn hiện hữu trong mọi Bản thể. Nếu như mỗi Tại thể là trải nghiệm của Bản thể ở từng bối cảnh đặc thù, thì có thể coi Tồn thể là cái đại diện cho Bản thể sau khi đã trải qua tất thảy mọi trải nghiệm. Nó buộc phải khuất sau các chi tiết rạch ròi, bởi mỗi mớ chi tiết cụ thể chỉ có thể đại diện riêng cho một/một số trạng huống mà không đại diện cho những trạng huống khác. 
 
“Hỏi rằng người ở quê đâu? 
Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà” 
 
Hai câu thơ này trong bài Chào nguyên xuân của Bùi Giáng bắt đúng cái thần thái trên đây của Dasein trong tư tưởng Heidegger: khái niệm quê nhà trong câu thơ ở đây không phải là bất kỳ vùng đất riêng biệt cụ thể nào, mà là mọi quê nhà của tất thảy tha nhân: một nơi chốn phi tình tiết nhưng đầy sức dung chứa, thuộc về cõi giới của Tồn thể. 
 
Nếu những ai cảm nhận được sự lay động tận gốc rễ tâm can khi đọc hai câu này, thì tức là đã thẩm thấu cái thần của Tồn thể. Nhưng với những ai chưa thực sự nắm bắt được - nhược điểm của cả Heidegger lẫn Bùi Giáng là không đưa ra được một định nghĩa thật gọn gàng về Tồn thể, khiến việc nghĩ bàn và vận dụng khái niệm này thật không dễ dàng – tôi mạo muội dựng lên một định nghĩa như sau: Tồn thể là trải nghiệm của Bản thể trên một không gian cực hạn, trong đó không gian cực hạn là tất thảy mọi không gian mà Bản thể đã trải qua, cùng với tất thảy mọi không gian mà Bản thể có thể sẽ trải qua. 
 
Nói hình tượng để dễ cảm nhận hơn thì trải nghiệm của Bản thể về Tồn thể giống như một cánh chim mạnh mẽ, không bám trụ vào đâu ngoại trừ không gian vô tận, trong đó mọi dòng khí, dù nhỏ như tơ, cũng được cảm nghiệm sống động đầy đủ trong các thớ cánh. Cảm nhận ấy về Tồn thể thật mênh mang, náo nức vô tận – được Bùi Giáng biểu đạt đầy thăng hoa trong bài Chào nguyên xuân – nhưng cũng bao gồm nỗi niềm bàng bạc của tâm hồn khi đã trải qua muôn vàn sự biến đổi của thế sự cùng những tang thương dâu bể. 
 
Tổng thể của những cảm xúc phức tạp đủ mọi thái cực ấy, từ náo nức hân hoan tới bàng bạc bi thương, được lột tả không gì chân xác hơn hai từ phiêu bồng mà Bùi Giáng dành để viết về Nguyễn Du và  Kiều. Chính trên tinh thần đó, chúng ta sẽ đọc phần mở đầu của Kiều với một tâm thế khác. Âm hưởng của “trăm năm”, “trong cõi”, “những điều trông thấy” ... mới toát ra đúng thần thái của chúng, và như vậy, ta mới nhận ra Kiều là một hành trình của Tồn thể, hành trình ấy được Nguyễn Du giới thiệu ngay từ đầu không úp mở.
 
Giá trị còn lại của Bản thể sau sự cưỡng đoạt của số phận?  

Ở đây, chúng ta có thể để ý thấy mạch phát triển cốt truyện Kiều của Nguyễn Du được lấy lại từ Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân, rất khác với mạch phát triển của đa số các tác phẩm văn chương hiện đại ngày nay, trong đó nhân vật chính thường vượt qua hoàn cảnh, làm được một số việc, nắm lấy thành quả để rồi đạt được vị thế của nó, từ đấy khẳng định một số giá trị. Còn Kiều thì xuyên suốt mạch truyện đơn giản chỉ là những mất mát: nàng mất gia đình, mất đi những người nàng yêu thương, rồi hạnh phúc với Từ Hải đến tay nhưng nàng cũng tự mình gián tiếp đánh mất... - tất nhiên về cuối Kiều đoàn viên cùng Kim Trọng và gia đình nhưng việc ấy cũng chẳng phải do nàng chủ động giành được mà hoàn toàn do ông Trời ban cho.
 
"Bản thể còn lại gì sau khi tước khỏi nó tất cả mọi điều kiện, mọi điểm tựa mà nó vẫn thường nương vào để định vị chính mình? Nếu câu trả lời là không có gì nữa, thì nghĩa là về bản chất Bản thể chỉ là một mớ các điều kiện hay tình tiết mà số phận đưa đẩy đến, và như vậy Bản thể tự thân nó chỉ là hư vô, hoàn toàn vô giá trị. Còn nếu câu trả lời là vẫn còn lại cái gì đó thì việc tìm ra bản chất giá trị của cái còn lại ấy chính là điều căn cốt nhất của con người".
 
Câu hỏi ngầm của tác phẩm mà chúng ta đối diện ở đây là: một nhân vật hầu như không làm gì, chỉ bị số phận cưỡng đoạt xô đẩy, vậy rốt cục giá trị nhân tính của nó nằm ở đâu? Hay nói cách khác: Bản thể còn lại gì sau khi tước khỏi nó tất cả mọi điều kiện, mọi điểm tựa mà nó vẫn thường nương vào để định vị chính mình? 
 
Nếu câu trả lời là không có gì nữa, thì nghĩa là về bản chất bản thể chỉ là một mớ các điều kiện hay tình tiết mà số phận đưa đẩy đến, và như vậy bản thể tự thân nó chỉ là hư vô, hoàn toàn vô giá trị2. Còn nếu câu trả lời là vẫn còn lại cái gì đó thì việc tìm ra bản chất giá trị của cái còn lại ấy chính là điều căn cốt nhất của con người.
 
Phẩm cách của Tồn thể và văn tài Nguyễn Du
 
Đây là chỗ khác biệt mấu chốt giữa Kiều của Nguyễn Du và  Kim Vân Kiều của Thanh Tâm Tài Nhân (ngoài những khác biệt khác về hình thức biểu đạt, và khác biệt về tài năng tả cảnh, tả tình, tả nhân thế tuyệt vời của Nguyễn Du): cả hai cùng đưa ra một câu chuyện bi thương, nhưng chỉ có Nguyễn Du qua đó mới làm nổi bật lên được phẩm cách Tồn thể ở Kiều.
 
Ví dụ điển hình nhất có lẽ là cuộc chia ly giữa Kiều và Thúc Sinh mà Thanh Tâm Tài Nhân đã có công dựng lên một cốt truyện đáng quan tâm. Từ một cô gái được bao bọc trong mái ấm gia đình nhưng lạ thay nàng xúc động sâu sắc với thân phận người kỹ nữ đã qua đời bỏ lại nấm mộ ven đường. Từ chỗ chỉ mới bước vào mối tình đầu dào dạt cảm xúc trong sáng chớm nở, số phận bỗng cướp đi của nàng tất cả, quăng người con gái thánh thiện vào chốn tanh hôi cùng cực, với bao nỗi gian truân, bao cay đắng lọc lừa của người đời, để rồi khó khăn lắm nàng mới gặp được điểm tựa duy nhất là Thúc Sinh, là người yêu, người tình, người tri kỷ, vậy mà kỳ lạ thay Kiều lại chủ động đề nghị Thúc Sinh quay về xin Hoạn Thư cho Thúc Sinh cưới mình làm thiếp, dù biết rằng điều ấy là vô cùng mạo hiểm. Phải nói rằng đây là một cốt truyện khá đặc sắc về một con người rất đặc biệt, dù bị vùi dập cùng cực nhưng vẫn hướng thượng, dám hi sinh sự êm ấm trước mắt, không cam lòng bám víu tạm bợ. Tuy nhiên, đó là tất cả những gì Thanh Tâm Tài Nhân có thể làm được cho cuộc chia ly Thúy Kiều – Thúc Sinh.
 
Phải dưới bàn tay ảo diệu của Nguyễn Du, cuộc chia ly ấy mới toát lên một cách đầy đủ, nhuần nhị tầm vóc của nó, với những câu thơ như khắc vào lòng người:
 
“Người lên ngựa kẻ chia bào 
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san…”
 
Chính ở đây, chỉ riêng qua không gian chuyển mùa trải rộng bàng bạc mà văn tài Nguyễn Du gợi mở ra, chúng ta có thể cảm nhận đầy đủ các sắc thái phức tạp về mối tương quan giữa con người và số phận. “Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san” là câu thơ tả không gian thiên nhiên mà thực chất là gợi tả thần thái ánh mắt của Kiều: phản chiếu trong đó không chỉ tình yêu, nỗi nhớ, sự bé nhỏ đơn chiếc giữa dòng đời, mà còn là một phong thái lặng yên đối diện với điều dự cảm đang đến. 
 
Phong thái ấy của Kiều chính là hình ảnh chân xác về Tồn thể, lộ diện ra khi mà Bản thể của nàng không còn nơi bám víu, buộc phải tự định vị mình trước hư không rộng lớn vô tận. 
 
Nhìn một cách tổng thể xuyên suốt đối với tác phẩm, ta thấy rằng chính do thân phận trầm luân với tất cả những đau khổ chới với – hay như cách nói của Bùi Giáng: sự chấn động của toàn thể khối hiện thể - mà mạch nguồn Tồn thể của nhân vật được khai lộ ra đầy đủ, hiển hiện qua sự bền bỉ nếm trải tất cả, thẩm thấu và đi qua tất cả, luôn hiện hữu sự sang trọng trong mọi nghịch cảnh. Đây cũng chính là giá trị nhân tính cao nhất, là bản chất của sự đồng cảm cốt lõi nhất mà chúng ta có thể tìm thấy ở Kiều, không đơn thuần chỉ xuất phát từ một thân phận đáng thương, mà quan trọng nhất là từ điểm tựa tiềm ẩn ở trong nàng mà mọi tha nhân đều có thể tìm thấy cho riêng mình, cái tối hậu giúp con người vượt qua hư vô. 
 
Theo Phạm Trần Lê/TapchiSongHuongOnline
------------------
1 Martin Heidegger, Bản thể và Thời gian, bản tiếng Anh dịch bởi John Macquarrie và Edward Robinson, NXB HarperSanFrancisco, tr. 264
2 Heidegger đã nghĩ đến điều này khi ông đặt ra câu hỏi triết học nổi tiếng mà đến nay chúng ta vẫn còn ám ảnh: “vì sao tồn tại Bản thể thay vì chỉ là hư vô”.
 

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website