HỒI TƯỞNG LẠI MỘT SỐ NHẬN ĐỊNH VỀ NGUYỄN DU VÀ" TRUYỆN KIỀU" CỦA TÔI TRƯỚC CÁCH MẠNG
Hồi còn nhỏ, trong những buổi chiều nghe cha tôi kể những chuyện Việt-nam và Trung-quốc, Truyện Kiều đã cám dỗ tôi bởi cái ma lực của những câu thơ đẹp, những cầu thơ có nhạc điệu tài tình, dễ nhớ như ca dao. Có cái gì gắn bó tự nhiên giữa Kiều với ngôn ngữ của nhân dân, như máu với thịt. Xung quanh tôi, trong làng xóm, ai cũng biết mấy câu Kiều. Còn một số nhà nho, trong đó có cha tôi, thì thuộc Kiều, đến nỗi có thể nói như ở một bài phú hài hước nọ là « Kim Vân Kiều kỳ đọc ngược hề » ! Cái gì mà dân gian yêu thích thì dân gian cũng dễ đem phủ cho nó một tấm màn thần linh. Tôi đã trông thấy những ông, những bà, thậm chí cả một vài cô, cậu, kẹp một nén hương đang cháy vào giữa những trang của một cuốn Kiều mỏng (sách càng cũ càng linh), cầm nó kẹp vào hai bàn tay chắp trước mặt mà khấn vái, rồi dở sách ra để mong đọc trên một trang tình cờ những lời giải đáp về vận mệnh của mình. Thực tôi chưa thấy có tác phẩm văn học Việt-nam nào gắn bó với sinh hoạt của quần chúng trên một diện rộng rãi như vậy. Từ cậu bé, đến ông già, đàn ông cũng như đàn bà, từ người không có văn hóa đến người có văn hóa, ai nấy đều thấy có thể làm thân với Kiều.
Lớn lên tôi ra thành phố học. Dưới mái trường thời Pháp thuộc, tiếng Pháp được dạy như tiếng mẹ đẻ, còn tiếng mẹ đẻ thì được dạy như một tiếng nước ngoài ! Ở nhà trường, ngôn ngữ và văn học phươngTây hầu như thu hút đến sự chú ý của tôi. Các thày giáo Việt văn ờ các lớp cao đẳng tiểu học và trung học chỉ giảng có mỗi tuần một giờ! Các thầy đó (mà tôi không hề bao giờ không kính trọng) đã không làm được cho văn chương Việt-nam, càng không làm được cho họ biết thưởng thức và hiểu Nguyễn Du. Đa số các thầy đó, theo vết cũ, chỉ chú trọng «tầm chương trích cú», nhắc đi nhắc lại những điều cũ rích; một số các thầy đó biết rằng mình sống dưới thời Tây đô hộ, nước đã mất thì vị trí của văn hóa Tổ quốc còn ra gì nữa, nên vì cầu an, đã giảng dạy tắc trách cho qua chuyện ! Có những người vì lóa mắt trước cái vẻ ngoài choáng lộn của nền văn hóa nô dịch nên đã trở nên vong bản. Họ coi văn hóa của quê hương đất nước lá cái không đáng chú ý tới, họ say mê bình luận và tự hào về những kiến thức của mình về những cái gì diễn ra dưới « trời la tinh», kịch cổ điển, thơ lãng mạn, tiểu thuyết trường thiên Pháp. Bản thân tôi cũng đã có lúc biểu hiện lòng tự ti đối với nền văn học của Tổ quốc mà tôi chưa hiểu biết thực sự, và sự sùng bái mù quáng văn học phương Tây. Bài Tính cách văn chương Viêt-nam trước thời kỳ Âu hóa đăng ở báo Thanh Nghị năm 1941 là một bằng chứng.
Nhưng tình thắm thiết đối với vắn chương mẹ đẻ được xây dựng từ những năm trẻ thơ đã giữ cho tôi sự gắn bó với văn học Việt-nam ngoài nhà trường. Trong các tác gia Việt-nam, Nguyễn Du vẫn là người mà tôi thấy thân thiết nhất. Khi đã là một người thanh niên chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của văn học lãng mạn Pháp, đối với tôi Kiều, vẫn là quyền sách thân yêu ở bên mình, nó chinh phục tôỉ bằng lời văn trác cái chất trữ tình tuyệt vời của nó, và bằng cái tình yêu phóng khoáng phù hợp với đòi hỏi của sự giải phóng cá nhân vốn là một yêu cầu của người tiểu tư sản lúc bấy giờ. Nhưng phải nói rằng kiến thức của tôi về Kiều và tác giả của nó vẫn còn rất nông cạn. Hồi đó chả có khoa học thực sự trong nghiên cứu văn học. Các nhà khảo cứu về Nguyễn Du và Truyện Kiều hầu như làm việc đơn thương độc mã, mỗi người theo sở thích và phương pháp riêng của mình. Ngoài một số thành tựu nhất định trong việc sưu tầm tài liệu có tính chất bác học, nói chung về việc phân tích văn học, đánh giá nội dung và ý nghĩa của tác phẩm, người ta vẫn chỉ quay quanh trên những con đường cũ, không phát kiến ra được cái gì mới mẻ. Ở đây tôi muốn nói đến những vấn đề của nghiên cứu văn học như vấn đề nhân sinh quan của tác giả, quan hệ giữa tác giả và tác phẩm, ý nghĩa xã hội của tác phẩm văn học, v.v... Đa số tác giả vẫn chỉ quẩn quanh trong những nhận định như: Ngnyễn Du là cựu thần của nhà Lê, khi nhà Lê suy vong thì ông luyến tiếc nó, và bất đắc dĩ phải ra làm quan vời triều Nguyễn ; Nguyễn Du viết Kiều là để lấy văn mà lộ cái tâm sự đó ; Kiều là truyện của một người má hồng mệnh bạc, là minh họa của thuyết « tài mệnh tương đố »... Hồi đó tôi cũng nghĩ đơn giản như vậy. Trên báo Thanh Nghị năm 1941 tôi đã có dịp viết : « Nguyễn Du viết Kim Vân Kiều, là để một cách kín đáo chút tâm sự đau đớn của mình » (Tính cách văn chương Việt-nam trước thời kỳ Âu hóa — Thanh Nghị số tháng 9 năm 1941) và cũng trên báo đó, năm 1944, tôi cũng còn nhận định như thế (Bài: Nguyền Du và Truyện Kiều) thì bỗng nhiên trong những năm gần Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Bách Khoa (Trương Tửu) cho ra đời hai cuốn Nguyễn Du và Truyện Kiều và Văn chương Truyện Kiều . Nhà «bác học» lập dị đó, với danh nghĩa là đem « phương pháp khoa học áp dụng vào việc nghiên cứu văn học, đã đưa ra một số luận điểm kỳ quặc mà không ai có thể không phản đối. Thực ra đó chỉ là một thứ phương pháp khoa học giả hiệu, một món hàng lừa bịp.
Trương Tửu, như một thầy phù thủy, đã muốn mê hoặc độc giả bằng một mớ danh từ có vẻ khoa học. Mở mồm ra là anh ta thề nguyền đứng dưới lá cờ tôn nghiêm của «khoa học» ! Anh ta nói : « Phải theo đúng những định luật khoa học thì mới tìm được lời giải trúng cách cho các vấn đề ». Anh ta lại nói: « Bình sinh tôi vẫn tin rằng bất cứ vấn đề gì cũng là một vấn đề toán pháp» . Lời nói đó có vẻ khoác áo khoa học, nhưng thực ra lại chứng tỏ rằng anh ta không những không hiểu khoa học, mà cũng không hiểu cả toán pháp nữa. « Óc khoa học » của Trương Tửu đã sản sinh ra cái gì? Anh ta khẳng định rằng « Vùng Thanh Nghệ đã chứng tỏ, suốt trong sử Việt-nam cái sức mạnh ẩn trong khi tượng núi sông, rừng biển của nó ». Còn gì duy tâm hơn nữa ? Anh ta giải thích con người Nguyễn Du một cách đơn giản bằng thuyết di truyền. Sự việc đã diễn ra đại khái như thế này theo ý kiến của con người tự coi mình là uyên thấm đó: Cha Nguyễn Du là một người cương trực, có khí phách, mẹ Nguyễn Du là một người đàn bà đa tình (vì sinh ra ở đất Bắc-ninh vốn có tiếng là đa tình !), cho nên con của họ là một người mang trong mình vừa một thứ « khí phách tàn tạ», vừa chất «phong tình ưu du», như thể một con số cộng! Rồi anh chàng ưa ngụy luận đó lên mục kinh đóng vài thầy thuốc chẩn đoán Nguyễn Du là «một con bệnh thần kinh", và Kiều, người con gái tinh thần của ông, là một cô thiếu nữ mắc bệnh «ủy hoàng», một con quỷ dâm dục! Trương Tửu nhìn Kiều qua nhân sinh quan phong kiến, lạc hậu của anh ta, gắng sức bôi nhọ Kiều, và đã đi đến những nhận định thực xuẩn ngốc như lên án việc Kiều đọc sách, chơi âm nhạc, cho là « gia trung hữu cầm, nữ tử tất dâm » !
Không thể ngồi yên được, tôi đã lên tiếng. Tôi đã cố gắng chứng minh, rằng cái gọi là « phương pháp khoa học » của Nguyễn Bách Khoa chỉ là một cái gì phản khoa học nhất. Và nhân đó tôi cũng đã phát biểu một số ý kiến về những vấn đề như quan hệ giữa con người Nguyễn Du với tác phẩm của ông, tính cách của các nhân vật trong Kiều, v.v... (Báo Thanh Nghị năm 1944, số 58, 59, 61, 62, 65, 66, 68). Lúc này đọc lại những bài báo cũ viết trước Cách mạng, cách đây đã hai mươi năm, tôi thấy có những chỗ sai lầm của Nguyễn Bách Khoa mà tôi đã đánh trúng, nhưng bên cạnh đó thì cũng còn không ít những luận điểm phê bình của tôi không đúng hoặc rất non nớt. Hồi đó tôi chưa được Cách mạng và chủ nghĩa Mác dạy cho nhưng điều cần phải có thể cầm được ngòi bút phê bình cho vững chắc. Tôi chưa hiểu thế nào là duy tâm, thế nào là duy vật. Do lý luận còn nông cạn do chính tư tưởng mình cũng còn chứa đựng sai lầm, nện tôi chưa thể vạch được hết và đúng những sai lầm của người viết Nguyễn Du và Truyện Kiều. Câu chuyện tranh luận giữa tôi và Nguyễn Bách Khoa năm 1944 âu cũng là một việc nói lên cái thiện ý của tôi đi tìm chân lý mà thôi, chứ còn ưu điểm của tôi trong đó thì thực hãy còn hết sức nhỏ bé.
Vụ án Nguyễn Bách Khoa nói bậy bạ về Nguyễn Du và Kiều tuy đã kết thúc, những ngày nay nhắc lại nó thiết tưởng cũng không phải là vô ích, vì nó giúp ta rút được một số kinh nghiệm phân diện trong vấn đề nghiên cứu văn học. Cái gọi là « phương pháp khoa học» của Nguyễn Bách Khoa thực ra chỉ là vận dụng , vựng về cái cặn bã của những thứ chủ nghĩa triết học và văn học lỗi thời cua phương Tây đã bị lên án là chủ nghĩa Frend và chủ nghĩa tự nhiên cực đoan đồi trụy. Nói về ý đồ không lương thiện của tác giả Nguyễn Du và Truyện Kiều, đồng chí Trường Chinh đã viết là Nguyễn Bách Khoa đã đem một thứ chủ nghĩa duy vật máy móc tầm thường thay thế cho chủ nghĩa duy vật chân chính là chủ nghĩa duy vật biện chứng (Báo Cờ giải phóng — 1944). Chúng ta có thể nói thêm rằng không những Nguyễn Bách Khoa chỉ xuyên tạc và bóp méo chủ nghĩa duy vật biện chứng, mà anh ta còn đem pha trộn vào món hàng « duy vật » khả nghi của anh ta nhiều thứ rác rưởi khác nữa trong đó có cá chủ nghĩa duy tâm núp dưới chiêu bài của các thứ chủ nghĩa di truyền, chủ nghĩa địa lý, v.v... Trước Cách mạng, sự thật đó tôi chưa nhìn thấy được đầy đủ và sâu sắc. Tôi đã lầm lẫn khi quy cho Nguyễn Bách Khoa là « đã có tập quán tinh thần của nhà triết học duy vật» , khi ở đôi chỗ đã quan niệm văn học tách rời chính trị, khi có thái độ chiết trung, khoan nhượng đối với tác giả cuốn sách, tỏ rằng lập trường của mình còn bấp bênh, nhận thức của mình mơ hồ, không vững chãi.