Loading...
|
Học Nguyễn Du về lòng yêu thương con ngườiNgày 22 tháng 06 năm 2016
Đọc Nguyễn Du, chúng ta thấy tình yêu thương con người, trăn trở với số phận từng con người, nhất là những người đang đau khổ, để hướng ngòi bút của mình vào đó. Người cầm bút tốt nhất đừng nên đứng bên trên con người để viết về con người với lòng thương hại hoặc mệnh lệnh, chỉ trỏ, hãy sống với con người, hòa mình với con người để vẽ nên nét đẹp của con người, kêu đúng tiếng đau của con người, nói đúng khát vọng của con người…
Năm 1965, trong dịp kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du (1765 – 1820), bấy giờ chiến tranh đang ác liệt, nước ta còn bị chia cắt, vậy mà đại thi hào của chúng ta đã được vinh danh rộng rãi cả trong và ngoài nước. Trước đó, tháng 2-1962, tại một cuộc họp chuẩn bị cho việc tổ chức kỷ niệm, do Viện Văn học chủ trì, trước khoảng 70 người, trong đó có các vị Nguyễn Khánh Toàn, Trần Văn Giàu, Trần Huy Liệu, Ca Văn Thỉnh, Minh Tranh (Ủy ban Khoa học nhà nước), Nguyễn Xuân Trâm (Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam), các nhà nghiên cứu Lê Thước, Hoàng Ngọc Phách, nhà thơ Xuân Diệu, các giáo sư Hoàng Xuân Nhị, Nguyễn Lương Ngọc, Huỳnh Lý, Lê Trí Viễn (Đại học Hà Nội)..., đồng chí Nguyễn Khánh Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học nhà nước, đã khẳng định: “Việc kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du là một sự kiện lớn trong sinh hoạt văn học của nước ta đồng thời có ý nghĩa chính trị và tầm quan trọng quốc tế. Một kiệt tác là thành tích của một cá nhân, một thiên tài, nhưng đồng thời thể hiện bản lĩnh sáng tạo của một dân tộc. Kỷ niệm Nguyễn Du là một dịp khiến ta hiểu ta hơn, từ đó đề cao tinh thần tự hào dân tộc và từ thực tiễn quá khứ rút ra bài học để tiến lên...”[1]
Bấy giờ, trước một số ý kiến khác nhau về việc tổ chức kỷ niệm, trong đó có ý kiến cho rằng không cần thiết làm hoành tráng lễ kỷ niệm một người phỏng tác từ một tiểu thuyết của Trung Quốc, hoặc có ý kiến nói sao lại tổ chức kỷ niệm Nguyễn Du trước một số vị lãnh đạo Đảng đã qua đời, đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đã chỉ đạo: “Thanh Tâm Tài Nhân của Trung Quốc viết Kim Vân Kiều truyện theo thể tiểu thuyết chương hồi, bằng văn xuôi, chữ Hán. Nguyễn Du của Việt Nam viết Truyện Kiều thành truyện thơ, theo thể lục bát, bằng tiếng Việt. Hai tác phẩm khác nhau, cứ kỷ niệm Nguyễn Du to nhất có thể, không ngại gì cả!”[2].
Và như chúng ta đã biết, việc tổ chức kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du được tổ chức trọng thể, cả ở miền Bắc lẫn miền Nam, gây được tiếng vang quốc tế rộng rãi. Truyện Kiều đã được dịch ra hơn 30 thứ tiếng, có rất nhiều văn nghệ sĩ trong và ngoài nước đã chuyển thể sinh động tác phẩm này sang nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau, góp phần quan trọng vào việc giới thiệu tác phẩm này đến với công chúng, trong đó công chúng nhiều nước trên thế giới, đồng thời tham gia vào việc bảo tồn, phát huy, quảng bá các di sản văn hóa của dân tộc.
Viết về Nguyễn Du, trang wikipedia tiếng Việt đã đánh giá: “Qua các tác phẩm của Nguyễn Du, nét nổi bật chính là sự đề cao xúc cảm. Nguyễn Du là nhà thơ có học vấn uyên bác, nắm vững nhiều thể thơ của Trung Quốc, như: ngũ ngôn cổ thi, ngũ ngôn luật, thất ngôn luật, ca, hành... nên ở thể thơ nào, ông cũng có bài xuất sắc. Đặc biệt hơn cả là tài làm thơ bằng chữ Nôm của ông, mà đỉnh cao là Truyện Kiều, đã cho thấy thể thơ lục bát có khả năng chuyển tải nội dung tự sự và trữ tình to lớn trong thể loại truyện thơ. Chính trên cơ sở này mà trong thơ Nguyễn Du luôn luôn vang lên âm thanh, bừng lên màu sắc của sự sống, hằn lên những đường nét sắc cạnh của một bức tranh hiện thực đa dạng. Và giữa những âm thanh, màu sắc, đường nét vô cùng phong phú đó, Nguyễn Du hiện ra: vừa dạt dào yêu thương, vừa bừng bừng căm giận (người trích nhấn mạnh). Đây là chỗ đặc sắc và cũng là chỗ tích cực nhất trong nghệ thuật của Nguyễn Du”.
Trong dịp kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Du, đại thi hào của dân tộc, đã được UNSECO vinh danh là danh nhân văn hóa thế giới, một trong số ít những tác gia Việt Nam có tầm vóc nhân loại, có một số điều rất đáng suy nghĩ khi chúng ta nói về Nguyễn Du, đọc Nguyễn Du, học Nguyễn Du. Trong đó, điều đáng nói hơn hết chính là chúng ta nên, cần và phải học đại thi hào về lòng yêu thương con người.
Có thể nói rằng, lòng nhân ái của đại thi hào bao trùm trong toàn bộ sáng tác của ông. Năm 1965, báo giới Sài Gòn có nhiều hoạt động kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du, thì trên Tạp chí Bách Khoa, một trong những tờ báo tiến bộ ở miền Nam, nhà văn Vũ Hạnh đã viết: “Tính đến năm nay – 1965 – thi hào Nguyễn Du hưởng thọ được 200 tuổi. Suốt hai thế kỷ sống giữa chúng ta, thiên tài văn học lỗi lạc bậc nhất của dân tộc Việt không ngừng chói sáng hơn lên. Thiên tài ấy đã kết tụ tinh hoa của mấy ngàn năm phát triển ngôn ngữ sáng tạo Việt Nam; trong ngôn ngữ ấy, tổ tiên chúng ta đã gởi bao nhiêu ý tình, biết mấy công phu, tưởng như trong mỗi hình ảnh, câu thơ chúng ta vẫn nhìn thấy được long lanh từng giọt mồ hôi, vẫn nghe thánh thót từng dòng máu chảy. Và thiên tài ấy, bằng mối thông cảm sâu xa của một năng lực tim óc phi thường, đã ghi nhận được ở trong quằn quại của những kiếp người lầy lội, một tiếng kêu gào bi thảm, kêu gào hạnh phúc yên vui, kêu gào được sống đời đáng sống trên cõi đời này”[3].
Chúng ta sẽ mãi nhắc đến lòng nhân ái trong Văn tế thập loại chúng sinh với lòng bao dung, độ lượng sâu sắc của tác giả: “Còn chi ai quý ai hèn, /Còn chi mà nói ai hiền ai ngu?...” “Nguyễn Du đã “kêu tên chỉ mặt từng người”, không quên giai cấp nào của xã hội thời bấy giờ cả. Cho đến cả những kỹ nữ cũng được gọi đến”[4]. Với những kỹ nữ, Nguyễn Du viết: “Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp,/ Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa,/ Ngẩn ngơ khi trở về già,/ Đâu chồng con tá biết là cậy ai?”… Có người đã nhận xét: “Bao trường hợp chết chóc, bao nhiêu cảnh ngộ thương vong, tác giả phác họa ra, khêu gợi lên với những tiết lâm li thảm thiết... Cảnh loạn lạc… nhất là bệnh dịch, phu phen, mất mùa, đói khổ, người chết như rạ là một ám ảnh tai ách thường xuyên ở đời Lê mạt... Chính những thảm cảnh ấy đã là nguồn văn nguồn ý nung nấu thành Chiêu hồn ca... Nó khiến ta có thể xác định một lần nữa: Nguyễn Du là thi sĩ muôn đời của Thống khổ và Tình thương”[5].
Chúng ta cũng xót xa với tình cảnh người mẹ với các con trong Sở kiến hành: “Một mẹ cùng ba con, /Lê la bên đường nọ/ Đứa bé ôm trong lòng/ Đứa lớn tay mang giỏ. Trong giỏ đựng những gì?/ Mớ rau lẫn tấm cám/ Nửa ngày bụng vẫn không/ Áo quần thật lam lũ…”. Tình cảnh ấy chắc không chỉ của mấy mẹ con, chắc không chỉ trên đường mà Nguyễn Du nhìn thấy, chắc không chỉ ở Trung Quốc mà còn ở Việt Nam… Càng đau lòng hơn, bên cạnh đó là sự tương phản đến cực độ: “Gió lạnh bỗng đâu về/ Khách đi đường rầu rĩ/ Đêm qua trạm Tây hà/ Mâm cỗ sang vô kể?/ Nào vây cá, gân hươu,/ Lợn dê mâm đầy ngút,/ Quan lớn không động đũa,/ Tùy tùng chỉ nếm chút…” (bản dịch của Nguyễn Hữu Bổng). Trong cái xã hội phân biệt sang hèn gần như cực đỉnh ấy, tấm lòng nhà thơ, cũng là một vị quan lớn đang trên đường đi sứ, không đứng trên địa vị của kẻ cầm quyền, cũng không nhìn sự việc bằng coi mắt kẻ sang cả. Nhà thơ nhìn tình cảnh ấy bằng con mắt xót thương, đau khổ và chia sẻ nhưng cũng đầy sự giận dữ. Chính vì vậy, Nhà thơ Xuân Diệu phân tích, “với Thái Bình mại ca giả và Sở kiến hành, Nguyễn Du đã đặt ngón tay vào tận trong vết thương lở loét của xã hội”[6].
Chúng ta đầy trắc ẩn khi đọc những câu “Mình gầy võ mày thưa duyên nhạt/ Ai biết nàng oanh liệt xưa kia/ Khúc đâu lệ chảy đầm đìa/ Khiến người nghe những đê mê xót thầm…” trong Long Thành cầm giả ca… Trên đường đi sứ, đến Thăng Long, được Tổng trấn Bắc thành đãi tiệc, có ca nhi hát xướng giúp vui; Nguyễn Du gặp cô lại một người đánh đàn vốn đã gặp ở nhà anh mình là Nguyễn Nễ khoảng hơn 20 năm trước, tóc nay đã đốm hoa, mình gầy mặt võ, vóc người tàn tạ, ăn mặc sơ sài. Nghe người ca nhi tuổi về chiều kể lể thân phận gian truân của mình, ông đã làm bài thơ này, đó là tác phẩm “bộc lộ rõ nét nỗi thương xót chân thành của tác giả về những kiếp người bất hạnh, nhất là những phụ nữ khổ đau, bị vùi dập trong xã hội thời phong kiến của Việt Nam”[7]. Đọc mấy câu kết, bất giác người ta thấy nao nao trong lòng, đâu phải sự đổi thay của con tạo mà còn sự dâu bể của một đời người: “Ở Nam về, mái đầu đã bạc/ Người đẹp xưa cũng khác hình xưa/ Giương đôi mắt ngó mà mơ/ Thảm thay ai biết bây giờ là ai” (bản dịch Học Canh).
Và dĩ nhiên, chúng ta không thể nào quên nàng Kiều trong Truyện Kiều, một tuyệt tác thấm đẫm lòng vị tha và yêu thương con người bị chà đạp dưới chế độ phong kiến: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”. Người phụ nữ dưới chế độ xưa bị xem rẻ, bị mua bán, bị biến thành món đồ chơi của những kẻ có thế lực, có nhiều tiền thì dưới ngòi bút của nhà thơ trở thành người đáng được yêu thương, được chăm chút, được bảo vệ… Nhà nghiên cứu Nguyễn Thạch Giang đã nhận xét: “Cảm hứng hiện thực của tác phẩm được kết tinh vào nhân vật trung tâm Thúy Kiều tài sắc và đa nạn. Xây dựng hình tượng Thúy Kiều và nhiều nhân vật bất hạnh khác trong tác phẩm, tác giả một mặt đã thể hiện lòng thương vô hạn đối với các nạn nhân; đồng thời đã tố cáo, lên án và phản kháng mạnh mẽ mọi thế lực bạo tàn chà đạp lên thân phận con người, nhất là người Phụ nữ. Điều đó đã đưa tinh thần nhân đạo của thời đại lên đỉnh cao mới, chấp cánh cho tác giả tạo nên một giấc mơ hào hứng, cao cả nhuốm màu sắc lãng mạn. Đó là giấc mơ Từ Hải. Nhân vật này xuất hiện như một vị cứu tinh, giải thoát cho cả cái xã hội đau khổ, bế tắc...”[8]. Bởi thế mà Tố Hữu đã viết: “Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày”, ngàn đời sau, nói về Nguyễn Du thì vẫn phải nói đến tình thương dạt dào trong tất cả các tác phẩm của ông.
Chúng ta thấy rằng, tinh thần nhân ái bao la ở Nguyễn Du xuất phát từ thái độ quan tâm đến thời cuộc. Có thể nói rằng, Nguyễn Du là người “ưu thời mẫn thế”, đó là người “có tâm huyết, nghĩa nhân; lo lắng việc đời mà thương xót thế gian và đau lòng trước thời thế nhiễu loạn”, như một từ điển đã giải thích. Thời cuộc bao trùm trong suốt cuộc đời của Nguyễn Du là những năm tháng chiến tranh, loạn lạc của nước ta. Ông sinh ra và lớn lên vào cuối thời Lê Trung hưng, Trịnh – Nguyễn phân tranh đã đi đến hồi kết thúc, khởi nghĩa Tây Sơn nổ ra, đất nước ta vẫn còn chia cắt, cát cứ nhưng phải chống hai cuộc xâm lăng lớn của quân Xiêm ở phía Nam và quân Thanh ở phía Bắc. Tình thế lúc đó của nhân dân ta thật lầm than. Nguyễn Du ra làm quan dưới thời Gia Long, được cử làm sứ đi Trung Quốc nhưng bấy giờ vết thương chiến tranh vẫn chưa lành, lòng người còn ly tán, bản thân ông cứ đau đáu với tình cảnh của xã hội, của đất nước bấy giờ. Sự trăn trở, ray rứt của ông bộc lộ qua nhiều tác phẩm, dù không thật rõ ràng, không thật đầy đủ, chỉ là tâm trạng chán chường, than thở, nhất là những bài thơ trong Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục…
Chính bài học này đọng lại cho chúng ta là không được thoát ly hiện thực, dù dưới bất cứ hình thức nào mà phải có trách nhiệm với cuộc sống, với đất nước, với dân tộc. Chúng ta không được quay lưng với cuộc sống, cũng không tô vẽ cuộc sống một cách đầy màu sắc, cũng không đi ngược lại dòng chảy của cuộc sống. Chúng ta sống trọn vẹn trong cuộc sống đang có và góp chút tâm, tài, trí của mình để cuộc sống thêm tốt đẹp hơn, hay ít cũng kêu được tiếng đau thương của nhân thế để lay động lòng người, chứ không phải thờ ơ hay càng chà xát vào nỗi đau đó. Tuy nhiên, hiện nay, lòng yêu thương con người có những cung bậc mới. Người ta cũng sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bị hoạn nạn, nhưng người ta vì lợi ích riêng tư, vì cái tôi ích kỷ cũng sẵn sàng tước đoạt mạng sống, tài sản của người khác. Người ta cũng sẵn sàng kêu gọi bảo vệ những cô thế, kẻ cùng đường nhưng cũng sẵn sàng làm “anh hùng bàn phím” với những lời ba hoa, sáo rỗng. Chúng ta đọc và học lại Nguyễn Du nhiều hơn để lòng nhân ái lại chảy đầy trong huyết quản, để chúng ta thấy rằng hạnh phúc là yêu thương, chia sẻ với người khác chứ không phải chỉ yêu cái tôi của bản thân mình.
Từ đó có thể thấy, những người cầm bút còn nên học Tố Như về quan điểm sáng tác, đó là viết con người, về những số phận con người, nhất là những người đau khổ, cùng cực trong xã hội. Người cầm bút có nhiều lý do để sáng tác, như để làm “thư ký của thời đại”, để ghi lại tiếng thét của xã hội, để dẫn dắt, chỉ đường cho công chúng… Dù với động cơ, mục đích gì, thì đích đến của người cầm bút cũng nên là viết về những gì có thật của con người (dĩ nhiên cái thật đó không phải theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa), nhất là những con người điển hình trong xã hội, những con người chịu nhiều thiệt thòi, oan khuất. Người cầm bút liệu có thể chỉ tô vẽ cuộc sống sang trọng, hào nhoáng của một số ít người trong khi nhiều người khác còn phải chạy ăn, phải chống chọi với thiên tai, phải toan lo với bệnh tật…? Người cầm bút liệu chỉ có thể miêu tả cái tôi cá nhân, cái thổn thức riêng tư, cái ẩn ức dục tình trong khi có nhiều người khác còn đang ở đầu sóng ngọn gió để giữ gìn biển đảo, đang nhọc nhằn mang con chữ lên vùng cao, đang tìm mọi cách để giúp đỡ người nghèo, người khốn khó? Người cầm bút liệu có thể chỉ hư cấu với những chuyện viển vông mà không quan tâm đến đời sống thực tại của đồng bào trong cuộc sống hiện tại, có đủ các cung bậc hỉ, nộ, ái, ố? Người cầm bút liệu có thể chỉ phản ánh một góc của hiện thực là phê phán xã hội đầy rẫy khó khăn, tiêu cực, như là cách thể hiện cái gọi là “tinh thần phản biện”, “tinh thần cấp tiến” mà quên mất là ta làm gì để khắc phục những điều đó?...
Thì, đọc Nguyễn Du, chúng ta lấy tình yêu thương con người, trăn trở với số phận từng con người, nhất là những người đang đau khổ, để hướng ngòi bút của mình vào đó. Người cầm bút tốt nhất đừng nên đứng bên trên con người để viết về con người với lòng thương hại hoặc mệnh lệnh, chỉ trỏ, hãy sống với con người, hòa mình với con người để vẽ nên nét đẹp của con người, kêu đúng tiếng đau của con người, nói đúng khát vọng của con người…
-----------------------------------
[1] Nguyễn Văn Hoàn, Hồi ức về việc kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du (năm 1965), Tạp chí Hồn Việt, tại địa chỉ http://honvietquochoc.com.vn/bai-viet/4558-hoi-uc-ve-viec-ky-niem-200-nam-nam-sinh-nguyen-du-nam-1965.aspx.
[2] Nguyễn Văn Hoàn, tài liệu đã dẫn.
[3] Vũ Hạnh, Sự lớn lao của một thiên tài dân tộc, Tạp chí Bách Khoa, số 209, ngày 15-9-1965.
[4] Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Ngu Í, Hoàn cảnh nào đã gợi hứng Nguyễn Du viết Chiêu hồn – Mục đích thật của thi sĩ và giá trị của Chiêu hồn, Tạp chí Bách Khoa, số 209, ngày 15-9-1965.
[5] Phạm Thế Ngũ, Việt Nam văn học giản ước tân biên, Quốc học tùng thư (tập 2), Sài Gòn, không ghi năm xuất bản, tr.384-385.
[6] Xuân Diệu, Các nhà thơ cổ điển Việt Nam, tập I, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1981, tr.176.
[7] Giáo trình Hán Nôm tập II, GS. Phan Văn Các chủ biên, Nxb. Giáo dục, 1985, tr.235.
[8] Nguyễn Thạch Giang, Văn học thế kỷ 18, Nxb. Khoa học xã hội, 2004, tr.182.
Theo Trúc Giang/tuyengiao.vn
Nghiên cứu thảo luận
| Tham quan ảo 3D
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cậpLiên kết Website |