nguyendu.com.vn
Loading...

Cuộc đời sự nghiệp

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Hậu duệ Nguyễn Du và lời nguyền dứt chốn quan trường


“Sau biến cố, nhiều người thường dặn dò con cháu cố giữ lấy nghề thầy và nghề thuốc, chứ đừng đeo đuổi chốn quan trường”. Bên chén trà xuân, ông Nguyễn Mậu, Tộc trưởng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền và anh Nguyễn Minh, cháu trực hệ đời thứ 7 của nhà thơ Nguyễn Du bồi hồi kể lại.

“Danh gia vọng tộc” đất Hồng Lam Dòng họ Nguyễn ở đất Tiên Điền đến đời thứ 6 trở đi bắt đầu trở nên lừng lẫy với nhiều người đỗ đại khoa. Người đầu tiên là cụ Nguyễn Nghiễm (thân phụ nhà thơ Nguyễn Du), từng được thăng làm Đại tư đồ Xuân Quận công (tương đương chức Tể tướng). Còn Nguyễn Khản - anh ruột Nguyễn Du là người tài hoa, văn võ song toàn đã đỗ thi hương từ năm 20 tuổi và đến 27 tuổi thì đỗ tiến sĩ. Ông cũng được thăng đến chức Tham tụng (Tể tướng). Vị tiến sĩ thứ 3 là Nguyễn Huệ (bác ruột Nguyễn Du), đỗ thám hoa năm 29 tuổi, làm quan và được phong Tiên Lĩnh hầu. Ba vị hoàng giáp nổi danh khác là Nguyễn Trọng (chú ruột Nguyễn Du), Nguyễn Tán và Nguyễn Mai đều đỗ tiến sĩ khi còn chưa đến tuổi "tam thập". Riêng Đại thi hào Nguyễn Du thì không lập danh qua khoa cử mà được tập tước (được phong tước theo tước của ông cha). Nguyễn Du cũng kinh qua nhiều chức quan và được triều đình cử đi sứ Trung Quốc nhiều lần. Tuy được coi là “danh gia vọng tộc” bậc nhất ở mảnh đất có sông Lam, núi Hồng này, nhưng dòng họ Nguyễn Tiên Điền cũng phải hứng trọn những cơn bão chính trị đương thời. Thời Nguyễn Khản, dòng họ Nguyễn đã bị cuốn vào cuộc phân tranh quyền lực Trịnh Tông - Trịnh Cán. Phủ đường họ Nguyễn bị kiêu binh phá tan tành. Khi Vua Quang Trung Nguyễn Huệ kéo quân ra diệt Trịnh, đã qua Tiên Điền đốt phá sạch tư gia, sách vở, từ đường của dòng họ. Dòng họ Nguyễn lúc đó phân đôi: Nguyễn Nhưng chống Tây Sơn, còn Nguyễn Nễ ủng hộ tân triều... Khi Nguyễn Ánh đánh bại Tây Sơn, lên ngôi vua đã mời Nguyễn Du ra làm quan. Dù chán thời cuộc, nhưng ông vẫn phải trở lại triều đình vì không dám "khi quân", không muốn nhìn thấy cảnh tổ tông, dòng họ bị trả thù tàn bạo như nhà Nguyễn từng làm với các danh tướng công hầu nhà Tây Sơn. Những tiến sỹ ở trời Tây Ông Mậu bồi hồi: "Sau những bão táp chính trị thời Lê - Trịnh, con cháu dòng họ phiêu tán đi nhiều nơi lánh nạn. Thời đó, dòng họ có 4 chi Giáp, Ất, Bính, Đinh thì chi Đinh lánh nạn lên huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh). Chi Đinh cũng là chi có nhiều người thành đạt hơn cả, nhưng phần lớn đã vào Nam ra Bắc, xuất ngoại". Ông Nguyễn Duy Trân, đại tá quân đội về hưu ở Hà Nội là con cháu của chi Đinh nói thêm: Năm 1780, ông tổ của chi họ lúc đó là một quan võ, thường gọi là Hầu Chỉ Huy (chưa rõ là chú hoặc anh Nguyễn Du) lên định cư ở thôn Dương Định, nay là xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn. Để "mai danh ẩn tích", ông tổ chi Đinh đã giấu tên thật, giấu danh gia thế tộc và thêm chữ Duy vào danh tính con cháu thành họ Nguyễn Duy... Ngày nay, riêng chi họ Nguyễn Duy đã có ít nhất 4 tiến sĩ và có người trong số họ đã đạt được học vị này khi chưa đến 30 tuổi. Người thứ nhất là Tiến sĩ ngành Hóa học Nguyễn Văn Cẩn. Sau khi học ở Hungary và bảo vệ tiến sĩ năm 1972, ông về công tác tại ĐH Tổng hợp Hà Nội (cũ), ĐH Đà Lạt rồi làm Trưởng ban Khoa học Kỹ thuật tỉnh Sông Bé cũ. Ông Nguyễn Đình Tài, sinh năm 1950, tiến sĩ ngành Toán, bảo vệ ở Liên Xô cũ, hiện đang công tác ở Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương. Trẻ hơn có Nguyễn Duy Lương, sinh năm 1970, tiến sĩ Kinh tế, hiện ở TP.HCM. Đặc biệt, Nguyễn Duy Châu đã bảo vệ tiến sĩ ngành điện toán ở Mỹ vào năm 1998, khi mới 29 tuổi. Theo người nhà của anh Châu đang sống tại Cam Ranh - Khánh Hòa, hiện Nguyễn Duy Châu đang sống và công tác ở thành phố Los Angeles, bang California (Mỹ)... Ngoài ra, nếu tính thêm con cháu họ ngoại của chi họ Nguyễn Duy thì còn rất nhiều tiến sĩ khác. Một trong số họ là PGS.TSKH Đinh Nho Hào. Năm 28 tuổi, anh Hào bảo vệ luận án Tiến sĩ Khoa học ngành Toán ở Cộng hòa Liên bang Đức và hiện nay đang công tác ở Viện Toán (thuộc Viện Khoa học Việt Nam). Em gái của anh cũng đã hoàn thành luận án tiến sĩ…Do hậu duệ của dòng họ Nguyễn Tiên Điền thời nay lập thân và sinh sống ở nhiều vùng miền, thậm chí ở một số nước xa xôi nên việc lập gia phả và kết nối với nhau, theo ông Nguyễn Duy Trân, vẫn còn đang tiếp tục được cập nhật... …

Và lời nguyền dứt bỏ chốn quan trường Một điều dễ nhận thấy là phần lớn các tiến sĩ thời nay và các con cháu của dòng họ đều "lập danh" ở các ngành khoa học, hoặc theo nghề “gõ đầu trẻ” ở các làng quê. Bản thân ông Nguyễn Minh, cháu trực hệ đời thứ 7 của đại thi hào Nguyễn Du cũng đang là giáo viên cấp III, ở ngôi trường mang tên chính vị danh nhân này của dòng họ. Theo ông Minh, điều này có lẽ bắt nguồn từ một “lời nguyền”, hay chính xác hơn là một lời căn dặn của tổ tiên dòng họ sau thảm họa “kiêu binh” thời Lê Trịnh và thảm sát dòng họ thời Tây Sơn ngày trước. Ngay cả vị tiến sỹ khoa bảng cuối cùng của dòng họ Nguyễn Tiên Điền là thám hoa Nguyễn Mai, tuy không “xuất sĩ” nhưng cũng vướng phải bi kịch “thời cuộc” như các vị tiền nhân của dòng họ. Thám hoa Nguyễn Mai (1876-1954) là bạn bè cùng thời với chí sĩ Phan Bội Châu, Đặng Nguyên Cẩn… Dù đỗ đại khoa nhưng ông không làm quan mà về quê dạy học. Nhiều người cho rằng ông đi thi để chứng tỏ dòng họ Nguyễn Tiên Điền vẫn không thiếu người tài giỏi, dù vương triều Nguyễn đã đến lúc suy tàn. Cũng có thể ông thi đỗ là để “chính danh” hòng toan việc lớn như chí sĩ họ Phan... Trước khi mất, ông còn giúp GS Hoàng Xuân Hãn chỉnh lý một số câu còn khác nhau trong các văn bản Truyện Kiều...

Hiện nay, cả 3 chi họ Giáp, Ất, Bính ở Tiên Điền đều có rất nhiều người theo nghề thầy giáo. “Sau những biến cố ngày xưa, nhiều người thường dặn dò con cháu cố giữ lấy nghề thầy và nghề thuốc, chứ đừng đeo đuổi chốn quan trường”, anh Minh lý giải.

 

Theo Hoàng Sơn/baomoi.com