nguyendu.com.vn
Loading...

Hát Xoan Phú Thọ được đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại


Vào hồi 10 giờ 52 phút giờ địa phương (8 giờ 52 phút giờ Việt Nam) ngày 8 tháng 12 năm 2017, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc, Hát Xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO đưa ra khỏi Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh tại Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
 
 
Theo kết quả Báo cáo định kỳ quốc gia (năm 2016) về tình trạng của Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam và theo đánh giá việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản, Ủy ban Liên Chính phủ về thực hiện Công ước bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) đã kết luận di sản Hát Xoan Phú Thọ đã không còn đáp ứng một hoặc nhiều tiêu chí của Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp vì những lý do sau:
 
- Báo cáo về tình trạng của di sản chứng tỏ rằng Hát Xoan không còn cần được bảo vệ khẩn cấp nữa vì những nỗ lực gần đây của cộng đồng địa phương và Chính phủ đã khôi phục đáng kể khả năng tồn tại của nó kể từ khi được ghi danh tại Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp năm 2011. Ví dụ, năm 2009, bốn phường Xoan có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi. Ngày nay, các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Năm 2009, trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất (tuổi từ 80 đến 104), chỉ có 7 người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của Hát Xoan. Ngày nay, tổng số 62 người kế nhiệm đã được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của Hát Xoan. Số lượng thanh thiếu niên tham gia phát triển nhanh. Có thể đạt được một số kết quả bảo vệ tốt hơn thông qua sự phối kết hợp với các dự án quốc gia về phát triển bền vững. Tuy nhiên, một số thách thức vẫn còn tồn tại như sự đe dọa từ việc đồng nhất các buổi biểu diễn; những người trẻ tuổi vẫn rời bỏ làng nghề để tìm kiếm việc làm và học tập nên mất đi cơ hội để thực hành.
 
- Dự án bảo vệ và phát huy Hát Xoan được Thủ tưởng Chính phủ Việt Nam phê duyệt đã thực hiện từ năm 2013 và tiếp tục cho đến năm 2020, đã đóng một vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản với sự hỗ trợ đầy đủ của cộng đồng. Các biện pháp bảo vệ kết hợp truyền dạy Hát Xoan, đào tạo về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể, phục hồi không gian cần thiết để thực hành di sản, sưu tập các tài liệu văn học trên thực tế và công bố cho các mục đích giáo dục và giới thiệu di sản trong trường học. Bốn phường của những người thực hành Hát Xoan đã có những đóng góp to lớn cho việc bảo vệ Hát Xoan từ những năm 1980 cho đến nay. Kiến thức và việc thực hành liên tục của họ đã giúp khôi phục loại hình nghệ thuật này.
 
- Các phường Xoan và cộng đồng, các học viên và các tổ chức có liên quan đã tham gia tích cực vào việc chuẩn bị Báo cáo định kỳ quốc gia, nhiệt tình tham gia vào các cuộc phỏng vấn, thảo luận và hội thảo. Hơn nữa, di sản này đã được kiểm kê rộng rãi với sự tham gia của cộng đồng từ năm 2012 đến năm 2015, với các thông tin được cập nhật hàng năm. Việc kiểm kê bài bản của Hát Xoan cũng được thực hiện bởi Viện Âm nhạc Việt Nam thuộc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
 
Chủ tọa Phiên họp gõ búa ghi danh Hát Xoan Phú Thọ của Việt Nam được đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Cao Quý
 
 Đoàn Việt Nam vui mừng đón nhận tin Hát Xoan Phú Thọ được đưa ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp và ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Cao Quý
 
Vì những lý do trên, Uỷ ban Liên Chính phủ đã ghi nhận đề nghị của Việt Nam về việc đưa Hát Xoan Phú Thọ, Việt Nam ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp. Cùng với đó, theo Uỷ ban Liên Chính phủ, hồ sơ đề cử di sản văn hóa phi vật thể Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đáp ứng những tiêu chí sau:
R.1: Những thực hành Xoan liên quan đến âm nhạc và ca hát như là một cách thờ cúng và bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị vua Hùng. Các học viên Xoan được tổ chức thành các phường hát, với người đứng đầu được gọi là “Trùm”, là người bảo tồn các bài hát, chọn đệ tử, truyền dạy bài bản, phong cách hát và tổ chức các hoạt động của phường. Hồ sơ đề cử thể hiện cách thức các cộng đồng đã đầu tư nhiều công sức vào việc phổ biến kiến ​​thức và truyền dạy thực tiễn cho Hát Xoan đến một nhóm lớn những người lưu giữ mới, do đó xác nhận việc tăng cường hơn nữa chức năng xã hội của việc thực hành. Là một hình thức nghệ thuật trình diễn diễn cộng đồng, Hát Xoan cung cấp cho cư dân tỉnh Phú Thọ cảm giác gắn kết, hòa hợp, tôn trọng lẫn nhau, thể hiện sự kế tục của di sản qua việc kết nối di sản sống với nhu cầu thực hành ngày nay. Truyền thống cũng được phản ánh qua thông điệp chính với câu tục ngữ phổ biến của Việt Nam “Uống nước, nhớ nguồn” - đó là điều Hát Xoan muốn truyền tải, đặc biệt đối với học viên trẻ tuổi. Không có yếu tố nào của Hát Xoan không tương thích với các văn kiện quốc tế về quyền con người hoặc cản trở sự phát triển bền vững.
 
R.2: Do di sản này đã trải qua thời kỳ mai một nghiêm trọng trong thế kỷ XX và đã được khôi phục thành công nhờ vào những nỗ lực đáng kể của cộng đồng địa phương và các bên liên quan khác, việc đưa Hát Xoan vào Danh sách Đại diện có thể là một ví dụ về một di sản được thực hành hiệu quả và tạo ra cảm hứng đối thoại với cộng đồng trên toàn thế giới về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể. Đây cũng là cơ hội để tôn vinh các nghệ nhân, khuyến khích họ truyền đạt kiến thức cho các thế hệ trẻ.
 
R.3: Các nỗ lực được mô tả phải được xem xét trong khuôn khổ của dự án dài hạn về việc bảo vệ và phát huy Hát Xoan (2013-2020). Sự tồn tại của di sản này được đảm bảo bởi các cộng đồng, các nhóm và cá nhân liên quan thông qua các nghiên cứu và các nỗ lực nhằm phục hồi và truyền dạy, thu thập các bài bản Xoan, thành lập phường Xoan và tổ chức các câu lạc bộ Hát Xoan. Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền đã đầu tư khá nhiều vốn và nguồn nhân lực vào việc bảo vệ truyền thống. Các biện pháp bảo vệ được đề xuất là thực tế và khả thi, bao gồm: thành lập quỹ bảo vệ Xoan, hỗ trợ cho mỗi Hội Xoan, phục hồi không gian Xoan, tổ chức các các khoá tập huấn, các lễ hội có trình diễn Xoan, xuất bản sách, tài liệu về hát Xoan và xây dựng các chương trình truyền thông thường xuyên. Khảo sát về tính khả thi của di sản được thực hiện thường xuyên.
 
R.4: Quá trình xây dựng hồ sơ đề cử để miêu tả di sản trong Danh sách Đại diện đã được tiến hành với sự tham gia tích cực của cộng đồng trong bốn phường Xoan. Tiến hành tham vấn giữa các học viên và Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, Cục Di sản văn hoá, Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy Di sản văn hoá Việt Nam và Viện Âm nhạc Việt Nam. Điều này đã được chứng minh thông qua việc cung cấp các văn bản đồng thuận từ các thành viên cộng đồng và các cán bộ quản lý văn hóa của địa phương.
 
R.5: Di sản này đã được đưa vào Danh mục di sản văn hoá phi vật thể quốc gia của Việt Nam năm 2012. Cùng với các cộng đồng liên quan, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ đã cập nhật việc kiểm kê Hát Xoan từ năm 2012 đến năm 2015.
Đây là lần đầu tiên, Ủy ban Liên Chính phủ quyết định rút một di sản ra khỏi Danh sách di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình xem xét của Uỷ ban về đề nghị này của Việt Nam, Ủy ban sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo hướng dẫn và xác định các thủ tục rõ ràng để rút một di sản ra khỏi danh sách và đưa một di sản từ danh sách này sang danh sách khác.
 
Bên cạnh việc ghi danh Hát Xoan Phú Thọ vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, Ủy ban Liên Chính phủ cũng lưu ý Việt Nam không chỉ thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy di sản như trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách đại diện mà cần tiếp tục hoàn thành việc thực hiện kế hoạch bảo vệ di sản như đã được đề cập trong Hồ sơ đề cử vào Danh sách khẩn cấp năm 2011 và Báo cáo định kỳ quốc gia năm 2016./.
 
 
Theo Cục Di sản văn hóa

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website