Loading...
|
Giếng cổ Đường Lâm - Nét độc đáo của xứ Đoài mây trắngNgày 28 tháng 05 năm 2018
Nhắc đến Đường Lâm là nhắc đến ngôi làng Việt còn giữ được “nguyên bản”. Trong không gian văn hóa của vùng đất hai Vua, giếng làng là một phần quan trọng không thể thiếu. Những chiếc giếng cổ đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên đường nét độc đáo rất riêng cho văn hóa xứ Đoài.
1. Những chiếc giếng cổ Đường Lâm
Cùng với cổng làng, cây đa, bến nước và nhà cổ, giếng làng là hình ảnh mộc mạc mà bất cứ người con nào của Đường Lâm đi xa đều nhớ đến. Trong ngôi làng Việt, giếng làng là tên của cái giếng duy nhất ở làng, nhưng cũng có thể là tên dành chung cho nhiều giếng trong địa phận của làng đó. Có nhiều loại giếng làng. Giếng được người làng đặt tên theo vị trí địa lý gắn liền nó, như: Giếng đình (cạnh đình), giếng chùa (cạnh chùa), giếng đền (cạnh đền), giếng đồng (ngoài đồng), giếng núi (trên núi hoặc trong hang núi), giếng khơi (trên đồi)… Nhiều nơi, tên giếng gắn với tên của thôn xóm hoặc có thể gắn liền với cấu tạo, hình dáng của giếng (giếng tròn, giếng bán nguyệt…). Có vùng, chất liệu quanh giếng được người dân lấy làm tên cho giếng (giếng đất, giếng gạch, giếng đá ong…).
Điều thú vị khi ở Đường Lâm còn lưu giữ lại hệ thống giếng nước đa dạng và mỗi giếng đều ẩn chứa những giai thoại thú vị. Nhìn chung, những chiếc giếng làng ở Đường Lâm tương đối bề thế, đẹp và giữ được nét thâm trầm, cổ kính. Một số giếng cổ nơi đây có tuổi đời đã hơn 4 thế kỷ. Ở làng Mông Phụ - trọng điểm của Đường Lâm, mỗi thôn xóm đều có một giếng mang tên của xóm, như: giếng xóm Sải, xóm Giang, xóm Hè… Du khách khi dạo quanh các ngõ xóm trong ngôi làng Việt cổ này, dường như đều bắt gặp những chiếc giếng khơi mát lành.
Gần nửa thiên niên kỷ trôi qua, những chiếc giếng cổ ở Đường Lâm dường như còn nguyên vẹn. Miệng giếng được ghép bằng những tảng đá ong sần sùi, màu nâu trầm, rất đẹp và vững chãi. Những chiếc giếng làng ở vùng đất hai Vua thường rộng từ 3 – 5m và sâu trên 10m. Do được đào ở đất đá ong nên những chiếc giếng cổ ở xứ Đoài không phải kè thành như giếng ở các vùng đất khác. Nước ở những loại giếng này sẽ được lọc bởi đá ong. Đá ong giữ lại các chất bẩn cũng như kim loại nặng, cân bằng độ pH... Hiện nay, người dân Đường Lâm vẫn dùng nước từ dưới giếng đá ong phục vụ sinh hoạt hàng ngày mà không cần qua thiết bị lọc nước. Những chuyên gia của Viện Địa chất thuộc Viện Khoa học & Công nghệ Việt Nam cho biết, cơ chế lọc nước của đá ong dựa trên nguyên lý: Thành phần chính của đá ong là oxit sắt II. Chất này có khả năng hấp thụ kim loại nặng như asen, sắt, chì... rất cao. Khi dùng để lọc nước, chất oxit sắt trong đá ong sẽ giữ lại chất bẩn. Có lẽ vì thế, nước giếng ở làng cổ Đường Lâm quanh năm trong vắt và mát rượi.
Các giếng cổ ở Đường Lâm luôn được đặt ở những nơi cao ráo, thoáng mát, gần trung tâm cộng đồng (gần đình, chùa hoặc trung tâm của thôn xóm). Bản thân mỗi giếng làng cũng là một không gian văn hóa quan trọng của làng. Giếng làng là tim mạch, là nguồn sống và là tài sản vô cùng quý giá của tất cả dân làng. Người Đường Lâm không bao giờ chọn những nơi úng thụt, tăm tối, mất vệ sinh là vị trí đặt giếng.
Trong tư duy của người dân nông nghiệp, họ được Cha Trời ban cho tinh khí là nước mưa và Mẹ Đất đã giữ lấy để mọi sinh vật được sinh sôi, nảy nở. Với ngôi làng xưa của người Việt, giếng nước là nơi tụ hội nguồn sống, là nơi tích phúc để dân làng ăn nên làm ra. Vì tầm quan trọng của nước giếng mà từ xa xưa, người dân xứ Đoài đã phải tính toán rất thận trọng khi đào giếng. Các bậc cao niên trong làng xem địa lý, phong thủy nơi đặt giếng thật thấu đáo để chọn được mạch nước trong mát, ngọt ngào, không đục, không mặn, không chua chát và không có mùi hôi. Mạch nước được xác định lưu liên không và tuôn chảy dồi dào quanh năm suốt tháng. Do đó, các giếng ở xứ Đoài, dù ở vị trí nào cũng đều có nguồn nước trong và sạch. Đến nay, có một số đã hoang phế, nhưng nhiều khẩu giếng vẫn đầy nước và được dân làng sử dụng. Cho dù thời tiết hạn hán hay lũ lụt, nước của giếng trong năm đều không thay đổi. Người dân ở đây cho biết, trước kia, có những năm trời đại hạn, ao hồ nứt nẻ, ruộng đồng khô trắng nhưng nước của giếng làng vẫn vậy.
Bên ngôi đình Mông Phụ (xây dựng đời Vua Lê Hy Tông) vẫn còn 2 chiếc giếng cổ, tương truyền là hai con mắt của Rồng. Đó là giếng xóm Phủ và giếng xóm Miễu. Ban đầu, giếng được đào để tạo nguồn nước, phục vụ việc xây cất. Giếng xóm Phủ được gọi là mắt phải của Rồng. Những bậc cao niên ở làng cho biết, nước giếng đình quanh năm trong vắt và ngọt lịm. Người làng ra giếng đình lấy nước về ăn, làm tương và tuyệt đối không dùng để tắm giặt. Nước giếng xóm Phủ chưa bao giờ cạn, kể cả những năm hạn hán. Với mong muốn giếng luôn đầy nước, gia đình sung túc, bình an, nên cứ đến ngày mùng 5 Tết hằng năm, các gia đình trong xóm đều mang lễ vật ra giếng làng khấn tạ. Giếng xóm Phủ được sửa chữa năm 1958.
Ở hướng Tây đình Mông Phụ là giếng Miễu. Giếng có tên gọi như vậy là vì được đào ở xóm Miễu. Giếng Miễu nằm khuất trong một con ngõ và được coi là con mắt Rồng còn lại của làng (đối xứng với mắt Rồng giếng đình Mông Phụ). Đây cũng là một chiếc giếng đá ong, khẩu giếng nhỏ nhưng sâu, nước không được trong. Người dân ở đây cho rằng, nước giếng đục chính là điểm khuyết của con Rồng chột. Người làng gọi giếng Miễu là bên mắt mờ của con Rồng. Người dân dùng nước giếng Miễu để tắm giặt hàng ngày chứ không nấu ăn.
Một chiếc giếng cổ độc đáo ở làng Mông Phụ là giếng xóm Sui. Nước giếng trong và mát ngọt. Bên thành giếng có bảng đề chữ Nho “Nhất phiến băng tâm” (nhiều người cho rằng, dòng chữ này khởi nguồn từ câu: “Nhất phiến băng tâm tại ngọc hồ” trong bài “Phù Dung lâu tống Tân Tiệm” của Vương Xương Linh). “Nhất phiến băng tâm” (một trái tim thuần khiết) - nhắc người đời nên giữ giếng làng sạch trong như giữ tấm lòng trong sáng.
Trong làng Đường Lâm, nước ở giếng xóm Hè và xóm Giang ngon nổi tiếng. Dân gian có câu:
- “Nước giếng Giang, khoai lang đồng Bường”
- “Nước giếng Hè, chè Cam Lâm”
Người Đường Lâm xưa thường lấy nước giếng Hè đun sôi, pha với búp chè xanh trồng được ở làng Cam Lâm bên cạnh. Với cách pha chế này, các bậc cao niên trong làng sẽ được thưởng thức loại trà rất ngon, để “khai trí, khai tâm” trong những buổi sáng sớm. Đến nay, nhiều nhà vẫn đến lấy nước ở giếng Hè, giếng Giang về dùng trong tiệc cưới, với niềm tin đôi bạn trẻ sẽ “trăm năm” hạnh phúc. Trên thành giếng xóm Hè ghi năm 1939 nhưng theo người dân, đây là năm giếng được sửa chữa.
Ngoài các du khách đến Đường Lâm chiêm ngưỡng chiếc giếng cổ của làng còn có những người mẹ mới sinh con. Địa chỉ họ tìm đến là “giếng sữa” ở thôn Cam Lâm. “Giếng sữa” là cách gọi dân gian, còn người dân ở vùng đất hai Vua gọi đó là giếng Chuông Sa. Đây là “chiếc giếng thiêng”, đã mang lại điều kì diệu cho những người phụ nữ đang nuôi con nhỏ bị tắc sữa hoặc mất sữa. Theo những câu chuyện truyền miệng ở Đường Lâm, giếng Chuông Sa đã giúp các bà mẹ có được những dòng sữa mát lành để nuôi con. Cạnh giếng là ngôi miếu cổ, tương truyền có cùng niên đại tương đương với rặng duối ngàn năm và lăng vua Ngô Quyền.
2. Giếng cổ Đường Lâm - Nét hồn quê mộc mạc
Trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt, giếng làng chính là nơi sâu nhất của một ngôi làng và là nơi chứa đựng nhiều nhất. Theo tâm sự của nhiều cụ già Đường Lâm, lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người. Cũng như người, giếng làng không nên chất chứa và nặng lòng quá với những gì đã qua. Có lẽ thế, mỗi năm, người dân xứ Đoài lại tát giếng, thau giếng để tiếp nhận sinh khí thịnh vượng mới cho làng. Vào ngày đầu năm mới, các gia đình ra gánh nước ở giếng làng về với hy vọng về một năm mới đủ đầy, hạnh phúc. Trong nhịp sống hiện đại, nét sinh hoạt truyền thống ấy vẫn giữ ở Đường Lâm đã tạo nên điểm khác biệt với nhiều làng quê khác.
Mang đặc trưng chung của các ngôi làng Bắc Bộ, ở vùng đất Sơn Tây xưa rất ít nhà có bể nước mưa nên người làng chủ yếu dùng nước giếng công cộng để nấu ăn. Vì thế, giếng làng đã trở thành hình ảnh quen thuộc, ẩn sâu trong tâm trí của người dân xa xứ. Chiều chiều, những người mẹ Đường Lâm tần tảo quẩy đôi gánh nặng mang những thùng nước ngọt lịm về gốc cau đầu nhà - nơi đặt chum nước sinh hoạt của gia đình. Nước da trắng hồng của các cô gái, những đứa trẻ lớn phổng phao cũng là nhờ nước giếng làng mát trong. Có thể thấy, đối với sức khỏe cũng như đời sống tâm linh của người Đường Lâm, nước giếng làng hết sức quan trọng.
Cuối ngày, khi mặt trời lặn sau rặng núi xa xa, bên giếng làng, các cụ già chải chiếu, thảnh thơi ngồi hóng mát. Những câu chuyện về mùa màng, gia đình, chuyện làng chuyện nước… được bàn luận rôm rả. Những em bé chạy lăng xăng xung quanh hóng chuyện các cụ và chơi đùa. Nơi thành giếng, chàng trai trẻ cầm sáo, thổi hồn mình vào những khúc tình ca… Giếng làng đã in dấu biết bao gương mặt thân quen. Nơi giếng làng, các cô gái Đường Lâm soi mình làm duyên. Gương mặt dịu hiền với mái tóc suôn dài, mềm mại trên mặt nước sóng sánh cùng chiếc gàu sòng, đã làm xao xuyến biết bao chàng trai xứ Đoài. Trong những đêm trăng, nơi đây, các đôi trai gái hẹn hò tình tứ. Tình yêu từ nơi giếng làng ấy đã khiến bao tâm hồn thi sĩ cất lên những lời ca mộc mạc và đầy chất thơ:
- “Nguyện cùng trước giếng sau chùa
Trăm năm giữ vẹn chát chua chẳng nề”
-“Đêm khuya trăng tắt, sao mờ
Ra ngồi bên giếng đợi chờ người thương”…
Có thể nói, những chiếc giếng cổ đã góp phần tạo nên một không gian văn hóa chung, góp phần cố kết tính cộng đồng ở xứ Đoài. Chiếc giếng làng không chỉ mang lại nguồn nước sinh hoạt cho người dân, mà nó còn gắn liền với bao kỉ niệm thời trai trẻ. Khi xa quê rồi, nhiều người con của làng Đường Lâm như vẫn còn khắc khoải về những kỉ niệm nơi làng quê, bên chiếc giếng làng ngày ấy:
Giếng làng ơi ! Giếng làng ơi !
Trong tôi lắng tiếng gàu rơi ... Giếng làng. (Nguyễn Xuân Tư) Sự đổi thay trong cuộc sống đương đại khiến cho nhiều làng quê không còn sử dụng giếng làng. Tuy nhiên, với Đường Lâm, giếng làng lại là bộ phận không thể thiếu trong không gian văn hóa của làng. Có thể thấy, những chiếc giếng cổ đã tạo nên nét đặc sắc rất riêng của vùng đất hai Vua và để lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí của rất nhiều du khách khi về thăm xứ Đoài mây trắng.
Theo Bùi Thị Ánh Vân/thegioidisan.vn
Di sản văn hóa
|