nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Dòng họ Phan với đình Nhà Trò và lễ hội ca trù


 
Nửa đầu thế kỷ XV, nghệ thuật hát ca trù - cửa đình được du nhập vào Hà Tĩnh, có tổ chức Ty giáo phường, đình Nhà Trò. Hàng năm, theo quy định vào tháng 6, tại đền Xứ tổ chức lễ hội tổ sư ca trù với quy mô Ty giáo phường ở  4 phủ 12 huyện xứ Nghệ về lễ hội tổ nghề hát ca trù, di sản văn hoá đại diện của nhân  loại.
Dòng họ Phan với ca trù
 
Theo sách “Nghi Xuân- Di tích và Danh thắng” viết: xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm, có thôn Giáo Phường, nơi xuất xứ ca trù (tức hát “Ả đào”) có nhiều ca công hơn cả. Ở xã Phú Lạp, nay thuộc xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh có đình Nhà Trò (còn gọi đền Xứ) được xây dựng từ thời Lê, thờ Đinh Lễ, tự Nguyễn Sinh. Đinh Lễ và vợ tên gọi nàng Hoa (con gái tri châu Bạch Đình Sa ở Thanh Hoá) có công truyền nghề hát ca trù cho nhân dân. Đinh Lễ được vua phong hiệu: “Thanh xà đại vương”, nàng Hoa được phong là “Mẫn Đào Hoa công chúa” và được dân lập đền tôn thờ Tổ sư nghề hát ca trù. Đến ngày giỗ tổ nghề, ca nương, kép đàn 4 phủ, 12 huyện trong xứ Nghệ về đền Xứ, xã Phú Lạp, tổ chức lễ hội, đàn ca náo nhiệt.
 
Đình Nhà Trò (đền Xứ) có liên quan mật thiết với dòng họ Phan, một dòng họ nhiều đời làm nghệ thuật đàn hát ca trù từ đầu thời Hậu Lê. Theo gia phả dòng họ Phan Huy ở xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh ghi chép: “Nghe nói trước kia tổ tiên dòng họ ta nguyên quán ở xã Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, thuộc Ty giáo phường, quen nghề làm ruộng và am tường âm nhạc. Đến niên hiệu Quang Thuận, Hồng Đức đời Lê Thánh Tông (1460 – 1497), phụng chỉ cho coi việc Giáo phường, làm phân trưởng cửa đình ở huyện. Lúc đó mới nhập tịch vào phía Tây xứ Trằm Vịt, thôn Chi Bông (sau đổi là Hữu Phương) xã Thu Hoạch, huyện Thiên Lộc. Cho nên người trong ấp thường gọi tổ tiên (họ ta) là ông Trằm, mụ Trằm” (tờ 7a). Như vậy, từ thời Lê sơ, họ Phan ở xã Ngọc Điền, (Thị trấn Thạch Hà) đã có người làm phân trưởng Ty giáo phường, coi việc ca nhạc nơi cửa đình ca trù. Từ thời Lê, nghệ thuật ca trù đã trở thành âm nhạc cung đình. Sách “Văn bia Hà Tĩnh” trang 210 chép: “hàng năm cứ vào tháng 6 (âm lịch) lại mở hội ca hát, sắp xếp, sửa soạn để đón tiếp (quý hậu) đến ngồi xem hát”. Quý hậu tức là bà cung tần Tiệp dư Phan Thị Đang, sinh năm 1701, vợ chúa Trịnh Cương, con gái Tăng quận công Phan Văn Tĩnh. Sự kiện trên diễn ra vào nửa đầu thế kỷ 18.  
 
Di sản ngôi mộ cổ họ Phan phát nghề ca trù
 
Ghi chép về nguồn gốc Ca trù ở huyện Nghi Xuân, tác giả Đông Hồ Lê Văn Diễn viết trong Nghi Xuân địa chí, năm 1842: “Ca công xuất xứ từ làng Phú Lạp. Xưa ca công ở làng Tiên Cầu thường nhan sắc không đẹp, giọng hát không hay, có nhà họ Phan được ông Võ Địa Tiên ( Võ Đức Huyền-Tả Ao) đặt cho huyệt đất táng mộ, khuyên mọi người di cư vào Phú Lạp ở. Từ đó, tiếng hát, sắc đẹp đều tốt, gần xa nức tiếng, họ Phan là người đàn hát hay hơn”(Nghi Xuân địa chí. Tr192).
 
Dân gian làng Phú Lạp có câu: “Nguyễn, Phan, hai họ một nhà/Ra vào một lối cầm ca một phường”. Theo lời khuyên bảo của Võ Đức Huyền, sau khi đặt mộ tổ ở gò Cọt Cọt họ Phan cùng Nguyễn thông gia từ làng Tiên Cầu, chuyển cư đến làng Phú Lạp sinh sống và hành nghề ca công. Hai họ đàn ca đến Phú Lạp lập nghiệp vào khoảng đầu thế kỷ 17, thời hoàng kim rực rỡ Lê trung hưng. Bấy giờ nhiều kẻ sĩ như Nguyễn Khản, Nguyễn Công Trứ tìm đến Phú Lạp theo học đàn hát. Trong dân gian còn lưu  truyền câu chuyện Nguyễn Công Trứ từng làm kép đàn trong gánh hát Ty giáo phường Phú Lạp. Ông từng say đắm cô đào Huệ Thư người con gái trong làng có giọng ca ngọt như mía lùi với cậu Công Trứ: “ Giang sơn một gánh giữa đồng/Thuyền quyên ứ hự…anh hùng biết chăng”.
 
Gánh hát Ty giáo phường Phú Lạp được vua chúa gọi vào cung diễn xướng. Theo Nghi Xuân địa chí thời kỳ này, có ông Phan Phú Giai ở Phú Lạp làm ca công trong xứ, giỏi nghề chúc tụng trào lộng, mỗi khi ông Giai lên sân khấu, đều được mọi người khen ngợi, tán thưởng. Đầu đời Gia Long, năm 1802 đặt ra cai Ty giáo phường. Con ông Giai là Phan Phú Truyền nối nghiệp, được bổ sung vào thị xướng thềm ngự triều đình, tô son trát phấn đóng vai hề diễn xướng được vua Gia Long khen ngợi, ban thưởng rất hậu. Ông Truyền qua đời, người anh Phan Phú Trù kế tiếp làm cai ty. Đến đời vua Minh Mệnh, đổi Giáo Phường làm đội Thanh Bình, con cháu họ Phan phần nhiều làm chức sắc. Đến nay vẫn hưng thịnh, nhiều ca công.
 
Di sản ngôi mộ cổ thuộc tổ họ Phan từ làng Tiên Cầu, chuyển đến gò Cọt Cọt,  thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm đến nay vẫn còn. Hậu duệ dòng họ Phan sở tại xây lăng mộ tổ khang trang bằng vật liệu xây dựng hiện đại. Ngôi mộ có phong thủy đẹp, phía nam lấy núi Ngũ Mã làm án, gò Nga Mi phía bắc làm chẩm. Dòng sông Mỹ Dương và mương nước chảy từ hồ Xuân Hoa, Kẻ Lạt hợp dòng ở đông nam gò Cọt Cọt ôm lấy mộ tổ họ Phan. Tương truyền ngôi mộ tổ do thầy địa lý Tả Ao – Võ Đức Huyền đặt mộ thất đã phát tích nghệ thuật ca trù ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm ngày nay. Trong khu đất nhà thờ tổ họ Phan (di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh) có đền thờ Tổ sư Ca trù Đinh Lễ và Bạch Hoa công chúa cũng được phục dựng khang trang hơn xưa. Ngôi mộ và di tích nhà thờ họ Phan, đền Xứ thờ Tổ sư Đinh Lễ và Bạch hoa công chúa, ở xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.
 
Đình Nhà Trò nơi lưu giữ lễ hội giỗ tổ sư ca trù Đinh Lễ
 
 
 
Đình Nhà Trò ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm - Ảnh: Thiện Chân
 
Đình Nhà Trò, hiện nay ở thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, kiến trúc hình chữ tam (三). Thượng điện là nơi thờ tổ sư Đinh Lễ và nàng Mẫn Đào hoa công chúa, thần vị ghi 28 chữ Hán tên hiệu liên quan đến tổ sư Đinh Lễ và Mẫn Đào Hoa công chúa. Trung điện, lưu trữ tế khí và các loại nhạc cụ. Hạ điện là nơi Ty giáo phường hoạt động diễn xướng chào mừng tao nhân mặc khách về tham dự lễ hội, nghiên cứu, thưởng thức ca trù. Tại đình Nhà Trò đang bảo tồn một số câu đối cổ chữ Hán, có ý nghĩa liên quan đến lịch sử giáo phường ty ca trù. Đặc biệt là bảo tồn điệu hát chầu tổ, thường biểu diễn trong lễ hội giổ tổ ca trù vào ngày 12 tháng 6 âm lịch: “ Kìa đền Xứ, cả 12 huyện / Tiệc sinh ca, lừng phượng, lẫy loan phi / Trước liền tiễn bày án bày án Nga Mi / Nhìn phong thuỷ cũng ra chiều thanh quý…” ( Trích Giáo phường phong cảnh ca).
 
Vào ngày giổ tổ nghề ca trù, có tổ chức cuộc thi hát ca trù, múa gậy, múa ô, diễn xướng hoạt cảnh giữa các đoàn nghệ nhân của Ty giáo phường  4 phủ 12 huyện ở Nghệ An, Hà Tĩnh và giao lưu, trao đổi tay nghề giữa các đoàn, các nghệ nhân, từng gia đình để rút kinh nghiệm. Hoạt động lễ hội giổ tổ nghề ca trù thường diễn ra trước và sau ngày lễ chính khoảng 10 ngày. Theo người dân thôn Giáo Phường, Phú Lạp, trước đây lễ hội giổ tổ nghề ca hát quy định tổ chức vào ngày 11 tháng Chạp. Về sau, do thời tiết không thuận, Ty giáo phường sửa lại, chọn ngày 12 tháng 6 làm nghi lễ.
 
Thôn Phú Vinh, xã Cổ Đạm, không những là nơi phát tích, mà còn là địa chỉ giữ hồn, giữ lửa nghệ thuật ca trù trên đất Nghi Xuân, cùng với làng Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh, những địa chỉ phát tích, lưu giữ di sản hát nói, nghệ thuật ca trù, di sản văn hoá đại diện nhân loại. /.
 
 
Đặng Viết Tường

Di sản văn hóa