nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 1)


Đồ gỗ sơn thếp
 
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy nhiều cổ vật bằng gỗ có dấu vết sơn, trong các ngôi mộ cổ thời Đông Sơn, cách ngày nay trên dưới 2000 năm. Tại các mộ thuyền Châu Can tìm thấy khay gỗ chứa đồ tùy táng khác còn để lại nhiều vết sơn. Đặc biệt, năm 2004, Bảo tàng Hà Tây (cũ) đã khai quật một ngôi mộ, trong đó có nhiều đồ tùy táng sơn son còn tương đối tốt, nào là nhĩ bôi, hộp hình chữ nhật. Mộ Việt Khê (Hải Phòng) đang trưng bày ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia với hơn một trăm hiện vật tùy táng, trong đó có nhiều dao, giáo, lao cán bằng gỗ được phủ lớp sơn.
 
 
Hội đồng Khoa học BTLSVN (nay là BTLSQG) thảo luận về phương pháp bảo quản đồ sơn thếp.
 
Đồ gỗ sơn son thếp vàng gọi ngắn gọn là đồ gỗ sơn thếp, chủ yếu là loại hình đồ thờ cúng, gồm tượng thờ: các vị La Hán, thần Hộ pháp, Thập Điện, Thánh Mẫu, tượng Phật, Bồ Tát, ngai thờ, tủ thờ, sập, hương án, khám, lư hương, cửa võng, hoành phi câu đối.v.v. rất đa dạng và phong phú về loại hình cũng như chủng loại. Đồ gỗ sơn thếp cổ hiện không còn nhiều, chủ yếu trong các chùa, đền, các bảo tàng và một số nhà thờ của một vài dòng họ. Hầu hết cổ vật bằng gỗ sơn thếp thuộc thời Lê và Nguyễn.
 
Sơn mài truyền thống Việt Nam
 
Trong nhiều năm tham gia tu sửa, bảo quản đồ gỗ sơn thếp cổ và bằng sự tò mò tìm hiểu, phần nào thấy được quy trình sơn mài truyền thống của cha ông rất cầu kỳ, cẩn thận và lắm công phu. Để có được một tác phẩm sơn son thếp vàng hay còn gọi sơn mài, trước tiên, người thợ chạm trổ, thợ khắc lành nghề phác thảo, tạo dựng phần cốt gỗ bên trong. Các tác phẩm sơn mài có đồ án trang trí đẹp, có hoa văn cầu kỳ hay trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tất cả đều phụ thuộc vào bàn tay tài hoa của các nghệ nhân từ công đoạn ban đầu này. Thông thường các đồ thờ cúng, vừa mang tính trang trí, trưng bày nên đều được chạm lộng (đục xuyên thủng) tạo thành hoa văn. Hoa văn chủ yếu là long, ly, phượng, cành hoa, bông hoa, hay dạng hồi văn độc đáo. Ngoài ra, có loại hình chạm khắc nổi các loại hoa văn tương tự. Chúng tôi ngạc nhiên và thường hỏi nhau: “không hiểu các Cụ ngày xưa không có trường lớp nào đào tạo, chỉ bằng sự tưởng tượng và mày mò, mà chạm khắc được những họa tiết, hoa văn, pho tượng sinh động, đẹp đến lạ thường”. Tất cả hoa văn được chạm đục rất tròn trĩnh, tinh tế và sinh động dưới bàn tay của những người thợ thủ công. Sau khi gia công xong phần cốt, mới làm công việc cuối cùng là sơn và thếp. Đây là công đoạn hoàn thiện và làm đẹp thêm tác phẩm nghệ thuật nói trên. Các hoa văn bằng cốt gỗ lại được người thợ sơn tỉa tót, nạo gọt công phu, tỷ mẩn và được đánh nhẵn bóng để cho tác phẩm thêm nuột nà. Việc phủ lớp sơn bên ngoài mới tạo được tác phẩm sơn mài. Nói đến sơn mài, ai cũng biết là sơn xong một nước sơn, chờ khô người thợ lại dùng giấy ráp có độ mịn khác nhau dấp vào nước để mài trên bề mặt nước sơn đó.  Công việc mài sau mỗi nước sơn đòi hỏi người thợ có kinh nghiệm và kỹ thuật. Bởi không khéo thì mất hết nước sơn, rất uổng phí, tốn kém. Tính ra, trong một tác phẩm sơn mài truyền thống có ít nhất là 14 đến 15 nước sơn. Sơn chỉ dùng sơn ta (sơn sống) từ các vùng rừng núi. Những thế kỷ trước, chưa có nghiên cứu sử dụng sơn ở vùng nào, nhưng từ thế kỷ XX, nhiều người khẳng định sơn ở vùng Thanh Sơn, Phú Thọ là loại sơn có chất lượng tốt nhất và được dùng nhiều trong sơn mài cổ truyền Việt Nam. Trong tác phẩm sơn mài truyền thống Việt Nam, bằng tham khảo tài liệu cũng như khảo sát thực tế trên cổ vật, có thể khẳng định phải qua các công đoạn sau: bó, hom, lót, thí, cầm, thếp. Công đoạn bó, trước hết quét nước sơn sống loại giọt hai (trong thùng sơn lọc tách và lấy được 3 loại sơn, theo thứ tự giọt 1, giọt 2 và giọt 3), dùng vải sợi bông quấn quanh cốt cùng với mạt cưa rất mịn. Khi lớp bó khô, thực hiện lần lượt hai hoặc ba nước sơn và mài như nói ở trên. Hom là công đoạn nhằm giúp chỉnh sửa, tôn tạo để cốt được hoàn chỉnh. Trong công đoạn hom, dùng sơn giọt ba trộn cùng mùn cưa mịn và một tỷ lệ đất nhất định. Điều đáng nói là đất sử dụng tốt nhất là đất mối đùn, nếu không thì dùng đất sét Tam Lư và hiện nay còn tìm thấy loại phù sa sông Hồng ở khu vực Bát Tràng mới đủ độ dẻo và mịn. Sau khi hom xong, chờ khô, mài nhẵn và chỉnh sửa đường nét hoa văn, họa tiết đúng yêu cầu, rồi lại sơn và mài ba thậm chí là bốn nước để cho sản phẩm nuột nà. Lớp lót giúp cho công đoạn hom được hoàn thiện và chỉn chu hơn. Công đoạn lót, chỉ dùng sơn giọt 2, sơn và mài hai đến ba nước. Công đoạn tiếp theo là thí cũng được thực hiện hai hoặc ba nước sơn mài. Sơn thí là dùng loại sơn sống giọt 1 được đánh kỹ theo từng mẻ để đến khi sơn chín. Mỗi một mẻ sơn chín, theo kinh nghiệm, nếu đánh bằng tay trong vòng 48 giờ liên tục thì chất lượng sơn tốt, dẻo, độ bám dính cao. Ngày nay, do khoa học kỹ thuật phát triển, công nghệ đánh sơn chín hầu hết bằng máy, thời gian đánh một mẻ sơn giảm xuống nhiều lần, nhưng chất lượng sơn không tốt bằng đánh thủ công. Lớp sơn thí khô, dùng sơn chín phủ một nước, chờ se bề mặt rồi dùng vàng quỳ hay bạc quỳ để thếp. Vàng quỳ, bạc quỳ được sản xuất hoàn toàn bằng thủ công. Người dân làng Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội là nơi có tiếng xưa nay về nghề này. Theo chúng tôi biết, việc dát vàng, dát bạc thành quỳ, dùng bộ chày cối chuyên dụng và dã bằng tay cho đến khi vàng mỏng dính. Mỗi chỉ vàng có thể dát được khoảng ba quỳ. Công việc thếp vàng hoặc bạc không khó lắm, nhưng phải khéo tay để ít bị rơi rụng, khỏi lãng phí gây tốn kém. Một điều lưu ý trong quá trình sơn thếp là tránh bụi, làm ảnh hưởng bề mặt sơn. Quá trình thực hiện quy trình sơn mài ở trong môi trường có độ ẩm tương đối từ 75% đến 85 %. Bởi trong môi trường này, sơn mới khô dần từ trong ra ngoài, tạo sự bám dính chắc. Quy trình sơn mài truyền thống vừa nêu trên tương đối hoàn chỉnh. Thực hiện đúng quy trình, một sản phẩm sơn mài phải mất từ hai đến ba tháng. Tôi được nghe những câu chuyện, ngày xưa làm một bộ đồ thờ chạm trổ, có sơn son, gia chủ nuôi tốp thợ trong nhà làm hàng năm. Việc sơn son, sơn thếp vàng hay thếp bạc phủ hoàn kim phụ thuộc vào điều kiện kinh tế. Trong xã hội cũ, địa chủ hay phú nông ở các vùng quê thông thường chỉ dám làm đồ gỗ sơn son. Để có sản phẩm đồ gỗ sơn son, các công đoạn bó, hom, lót, thí, cầm đều được thực hiện. Đến công đoạn thếp được thay bằng sơn chín trộn với son theo tỷ lệ nhất định để cho màu đỏ (có thể đỏ đun, đỏ tươi). Nói đến sơn thếp còn nhiều câu chuyện, những lần tôi tiếp xúc thợ sơn mài ngày nay trong nhiều cửa hàng sản xuất mặt hàng này, không mấy ai nắm được quy trình sơn mài truyền thống. Đây là điều đáng buồn và lo. Buồn và lo, bởi nghề cổ truyền có cách ngày nay hàng ngàn năm, mặt hàng sơn mài của Việt Nam sánh vai và còn hơn nhiều nước trong khu vực.
 
Trong kho BTLSQG có nhiều cổ vật bằng gỗ sơn thếp của Thái Lan, Nhật Bản. Những cổ vật này không chạm khắc như cổ vật Việt Nam mà hoa văn vẽ chìm dưới lớp sơn phủ. Nên nhìn tác phẩm sơn mài đơn điệu, không sống động và hấp dẫn. Phương pháp chế tác cũng hoàn toàn khác, có khả năng sơn trực tiếp lên bề mặt gỗ đã được đánh nhẵn và sơn nhiều nước rồi thếp vàng. Qua thời gian, cốt gỗ khô kiệt, các tom gỗ hiện lên dẫn đến nứt dăm bề mặt. Điểm khác biệt này làm cho đồ gỗ sơn Việt Nam nổi bật trong sưu tập đồ gỗ sơn tại BTLSQG. Theo chúng tôi, sở dĩ đồ gỗ sơn Việt Nam vượt trội đồ gỗ các nước trong khu vực là nhờ khâu xử lý nền vóc (cốt hiện vật). Đây là kỹ thuật độc đáo của Việt Nam nên đồ gỗ sơn thếp Việt Nam luôn được đánh giá cao. Chúng ta tự hào, trân trọng và biết ơn các bậc tiền nhân – những người đã làm ra những sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật độc đáo cho nhân loại.
 
Đồ gỗ sơn thếp làng nghề
 
Sau một thời gian dài, nhiều nghề hay làng nghề không hoạt động được, trong đó có nghề sơn mài truyền thống. Bởi chiến tranh, phải tập trung sức người, sức của cho tiền tuyến, lực lượng lao động chính là nam nữ thanh niên ra chiến trường. Chiến tranh kết thúc, đất nước bộn bề khó khăn và giải quyết nhiều việc hậu chiến, nhất là ổn định cuộc sống và xã hội. Đất nước đổi mới, mở cửa, cuộc sống ngày một cải thiện và nâng cao. Đời sống văn hóa, tín ngưỡng và tâm linh đang phục hưng. Nhiều đền, chùa được nâng cấp, tôn tạo tu sửa hoặc xây mới. Vì vậy, nhiều làng nghề được sống lại để phục vụ cuộc sống và đi vào hoạt động có hiệu quả. Nghề đồ gỗ sơn mài, khảm trai ở nhiều vùng quê đang ăn nên làm ra. Ở Nam Định, Hà Nam, Bắc Ninh và ngay tại Thủ đô Hà Nội, làng nghề gỗ sơn son thếp vàng Sơn Đồng cũng tương đối nổi danh. Người người làm sơn mài, nhà nhà làm sơn mài. Người vào ra tấp nập. Người viết bài đã có dịp “mục sở thị”, thấy rằng đồ gỗ sơn thếp ở đây khá phong phú, đa dạng về chủng loại, mẫu mã và mặt hàng. Hàng tân có, hàng giả cổ cũng nhiều. Hàng chợ có, hàng đặt có, giá cả phải chăng. Tuy có điều, hàng không được chải chuốt, nuột nà như đồ gỗ sơn thếp ngày xưa. Điều đó dễ hiểu, vì cơ chế thị trường, làm chạy theo số lượng sản phẩm. Và có lẽ dân chơi thời nay, không khó tính, không cầu kỳ, không để ý đến kỹ thuật và mỹ thuật trong chế tác, mà chỉ chạy theo mốt “thời trang”. Điều đáng nói nữa là, tất cả đồ gỗ sơn thếp của hầu hết làng nghề không phải bằng sơn ta và cũng không tuân thủ quy trình sơn mài truyền thống. Dạo qua vài cửa hàng, hỏi thăm vài câu chuyện, biết ngay sơn sử dụng là sơn tổng hợp và nhiều gia chủ còn khoe “nhà tôi sơn những năm nước sơn bác ạ, tốt lắm”. Nhưng thực tế, chỉ sơn khoảng ba nước sơn tổng hợp. Những món hàng của người đặt có chải chuốt hơn và dùng sơn tổng hợp ngoại, chủ yếu là sơn Nhật có độ bóng cao, ưa nhìn hơn và giá cả cao hơn. Tại làng nghề, cũng như đến các chùa ngắm nhìn các tác phẩm đồ gỗ sơn thếp thời nay, thấy rất nhạt nhòa về hoa văn và lòe loẹt về màu sắc và không sâu lắng, có hồn như đồ sơn thếp cổ. Trái lại, bề mặt sơn có những hạt gợn nổi lên, nhất là đường nét hoa văn không trơn tru, nuột nà, căng mọng. Bởi cốt gỗ không được xử lý tốt và không được mài, sơn nhiều nước. Do quy trình sản xuất không tuân thủ theo quy trình sơn mài cổ truyền, mặt khác vật tư (sơn) sử dụng đã chế biến bằng công nghiệp hóa chất, nên chỉ sau dăm ba năm, bề mặt sơn xuất hiện nhiều đường nứt nhỏ và dần dần bị bong tróc. Và những tác phẩm “sơn mài thời nay” chỉ đậu lại vài chục năm. Có thể nói nghề sơn cổ truyền đang bị mai một và thị trường hóa, khó mà tìm lại được thời huy hoàng đã qua!
 
 
Theo Nguyễn Mạnh Hà (Nguyên Trưởng phòng Bảo quản)/ Bảo tàng lịch sử Quốc gia

Di sản văn hóa