nguyendu.com.vn
Loading...

Dịch Truyện Kiều sang tiếng Nhật


Hiện nay, Truyện Kiều được dịch ra ít nhất là 23 thứ tiếng với gần 70 bản dịch khác nhau. Ngôn ngữ được dịch nhiều nhất là tiếng Pháp, 15 bản. Kế đến là tiếng Anh, Hán văn và tiếng Hoa đều khoảng 12 bản. Tiếng Nhật đứng thứ tư với 5 bản dịch. Sau đó là các thứ tiếng Nga, Tiệp, Ba Lan, Hungary, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thụy Điển, Hàn Quốc… Và cả các thứ tiếng ít ai nghĩ tới như: Quốc tế ngữ, Mông Cổ, Lào, Thái, Ả Rập…
 
5 bản dịch Truyện Kiều ở Nhật Bản
 
1. Truyện Kiều đã được dịch sang tiếng Nhật năm lần mà người dịch đầu tiên là nhà văn Komatsu Kiyoshi. Bản Kim Vân Kiều của ông xuất bản lần đầu vào năm 1942. Đây cũng là bản dịch Truyện Kiều giữ kỷ lục được tái bản nhiều nhất ở nước ngoài: 3 lần trong vòng 6 năm (lần đầu tiên - năm 1942, lần 2 một năm sau - năm 1943, và lần 3 năm 1948). Bản Kiều này được người Nhật rất yêu thích, nên chỉ trong vòng 1 năm đã phải tái bản và 5 năm sau lại phải tái bản thêm lần thứ ba. Hiện nay Thư viện Quốc hội Nhật Bản còn lưu đủ cả ba bản in.
 
Nhà văn Komatsu Kiyoshi (1900-1962) rất quen thuộc đối với Việt Nam. Ông là dịch giả văn học Pháp, nhà văn, nhà phê bình văn học nổi tiếng ở Nhật Bản, người ta tôn ông là “nhà nhân văn chủ nghĩa” như nhan đề quyển sách về ông gần đây. Komatsu sinh ở thành phố Kobe, tỉnh Hyogo. Ông sang Pháp năm 1921 học văn học nghệ thuật. Sau khi về nước, ông trở thành người dịch và giới thiệu tác phẩm của các nhà văn Pháp André Malraux và André Gide ở Nhật Bản. Năm 1941 ông đến Đông Dương, làm việc ở đây 4 năm, lúc thì ở Tổng lãnh sự quán Nhật Bản ở Sài Gòn, lúc làm cố vấn Viện văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội. Sau năm 1945 về nước, ông hoạt động tích cực trong Hội Văn bút Nhật Bản do Kawabata Yasunari làm Hội trưởng(1).
 
Theo nhà nghiên cứu Vĩnh Sính, trong thời gian học tập ở Pháp, Komatsu có đến nghe Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết về vấn đề thuộc địa. Khi Nguyễn Ái Quốc diễn thuyết xong, thấy có một người da vàng ngồi ở dưới - người ấy là Komatsu, Nguyễn Ái Quốc xuống trò chuyện, vận động Komatsu tham gia cuộc đấu tranh cho các dân tộc thuộc địa. Tiếc rằng Komatsu không có chí làm cách mạng nên đã từ chối. Sau đó hai người trở nên bạn bè và suốt đời Komatsu hết sức kính trọng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh(2).
 
Nguyên do việc Komatsu biết được Truyện Kiều là cuộc gặp gỡ với Nguyễn Giang, bạn cũ của ông bên Pháp. Komatsu kể: “Từ khoảng mùa xuân đến mùa hè năm 1941, lần đầu tiên tôi đi du lịch đến đất An Nam, trong cuộc đi đó, hoàn toàn tình cờ, may mắn mà tôi được gặp lại người bạn cũ ở Hà Nội, đó là thi sĩ An Nam Nguyễn Giang. Mười năm trước chia tay ở Paris, Nguyễn Giang, lưu học sinh hàng đầu đã trở về nước, sau đó không biết được rằng anh đã đường đường trở thành một ông chủ nhà xuất bản, một nhà phê bình văn học và một thi sĩ tiêu biểu của nước An Nam. Hai chúng tôi nắm tay nhau trong niềm vui kỳ ngộ, theo lời khuyên của người bạn Nguyễn Giang mà quyển sách đầu tiên tôi có trong tay là cuốn Kim Vân Kiều”(3).
 
Đọc Truyện Kiều, Komatsu bị cuốn vào tác phẩm không thể dứt ra được. Komatsu viết: “Trong một thời gian rất ngắn tôi đã đọc hết từ đầu đến cuối. Tôi trở thành tù nhân của cuốn sách với sức cuốn hút đẹp đẽ từ gần 400 trang in của một tập thơ trữ tình lớn lao và tinh tế”. Bằng sự nhạy bén, tinh tế của một nhà văn, Komatsu nhanh chóng nhận ra chân giá trị của Truyện Kiều, ông đã viết về tác phẩm này với những lời hết sức sôi nổi: “Tôi nghĩ rằng, đây không chỉ là một tác phẩm văn học ưu tú, mà còn là một tấm gương phản chiếu một cách rõ ràng tâm hồn người An Nam, và còn hơn là một tác phẩm văn học, có thể gọi nó là cuốn kinh được viết ra bởi một thi nhân. Một tác phẩm văn học gắn liền với vận mệnh của một dân tộc như thế là hiếm có trong suốt lịch sử cổ kim Đông Tây”…
 
Vì không biết tiếng Việt nên ông phải dùng hai bản Truyện Kiều bằng Pháp văn, một là bản “đối dịch”, có lẽ là bản thảo dịch sát từng câu của Nguyễn Văn Vĩnh (do Nguyễn Giang cho mượn) và một nữa là của René Crayssac, cùng sự giúp đỡ của một người Việt đang ở Nhật là Nguyễn Văn Thái. Komatsu dịch trong vòng 6 tháng là xong và đưa đi xuất bản ngay năm sau - năm 1942. Bản Truyện Kiều này được dịch ra văn xuôi, dù không phải thơ ca, nhưng nhờ văn tài và lòng say mê với tác phẩm của Komatsu mà bản dịch trở nên rất lôi cuốn, thú vị.
 
2. Bản dịch Truyện Kiều thứ hai ra tiếng Nhật công phu hơn, có tính học thuật cao: bản Kim Vân Kiều do Giáo sư Takeuchi Yonosuke dịch, Kodansha xuất bản, năm 1975. Giáo sư Takeuchi sinh năm 1922 ở tỉnh Yamaguchi, mất năm 1999. Năm 1941, ông tốt nghiệp khoa Pháp văn Trường Ngoại ngữ Osaka. Năm 1957, ông giảng dạy tại Trường đại học Kita Kyushu (tỉnh Fukuoka), rồi được điều về Trường đại học Ngoại ngữ Tokyo để xây dựng bộ môn ngôn ngữ và văn học Việt Nam. Ông là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng của văn học Việt Nam như: Chinh phụ ngâm, Lục Vân Tiên, Đoạn tuyệt, Hồn bướm mơ tiên… Tất cả những sách này đều được Đại học Thư lâm (Daigaku shorin) ấn hành.
 
Về cái duyên đến với Truyện Kiều, ông kể: Khoảng năm 1959-1960, ở Đại học Osaka, ông có được nghe thầy mình, Giáo sư Hatakenaka Toshiro(4) thuyết trình một báo cáo nhan đề Kim Vân Kiều và văn học thời Edo, trong đó có nhắc đến Truyện Kiều của Việt Nam, khiến ông hết sức chú ý. Những năm đầu thập niên 1960, ông đến Sài Gòn dạy ở Trường sinh ngữ thuộc Đại học Sài Gòn bốn năm rưỡi. Chính những năm đó ông được Giáo sư người Việt gốc Hoa là Diệp Truyền Hoa(5) tặng cho bản Kim Vân Kiều tân truyện bằng chữ Nôm, Quan Văn Đường tàng bản (Hà Nội, Khải Định Quý Hợi (1923) mạnh xuân tân san). Bản Kiều Nôm này do thân phụ của Giáo sư Diệp Truyền Hoa ở Hội An lưu giữ. Có được bản Truyện Kiều quý trong tay, Giáo sư Takeuchi đã sưu tầm thêm những văn bản khác, bản chữ Nôm, chữ quốc ngữ, và cả bản dịch Pháp văn, rồi bắt tay vào dịch ra thơ tiếng Nhật. Ông kể: “Năm 1962, Truyện Kiều dịch kể như tạm xong. Bây giờ đọc lại thấy nhiều chỗ dịch sai, dịch ép, nhiều chỗ dịch lạ, không phải chỗ nào cũng coi được cả. Sau khi về Nhật giữ cương vị ở Đại học Ngoại ngữ Tokyo hiện nay, được sự khích lệ của Giáo sư Matsuyama, tôi đã sửa đi chữa lại nhiều lần, cuối cùng bản dịch này cũng đã hoàn thành”(6). Năm 1975, Nhà xuất bản Kodansha rất nổi tiếng của Nhật đã xuất bản sách này. Và đó là bản dịch Kim Vân Kiều bằng tiếng Nhật thứ hai.
 
Với 401 trang in khổ 14,5x20,5cm, vừa dịch văn xuôi vừa dịch thơ có chú thích khảo dị kỹ càng, kèm theo 140 trang nghiên cứu giới thiệu, có thể nói Kim Vân Kiều do Takeuchi Yonosuke dịch là công trình dịch thuật, nghiên cứu công phu nhất từ trước đến nay ở Nhật Bản, và thậm chí công phu nhất trong các bản dịch Truyện Kiều của các học giả nước ngoài. Giới nghiên cứu cũng như đông đảo bạn đọc Nhật Bản có quan tâm đến văn học phương Đông, văn học Việt Nam đánh giá rất cao công trình này.
 
3. Mười năm sau công trình dịch thuật thứ hai công phu ấy, năm 1985, Giáo sư Takeuchi lại soạn lại Kim Vân Kiều với bản trích dịch cô đọng hơn, chủ yếu dùng để làm tài liệu học tập cho sinh viên. Bản dịch có tên là Kim Vân Kiều tân truyện, do Đại học Thư lâm xuất bản. Phía sau cuốn sách có phụ bản chữ Nôm với loại chữ Nôm viết bằng máy tính. Đó là bản dịch Truyện Kiều thứ ba ra tiếng Nhật.
 
4. Đúng 10 năm sau bản dịch Kim Vân Kiều tân truyện của Takeuchi do Đại học Thư lâm xuất bản, năm 1995 lại có một bản dịch Truyện Kiều mới hoàn thành. Đó là bản Kim Vân Kiều do Akiyama Tokio dịch (hoàn thành tháng 7-1995), do Trung tâm dịch vụ của Nhà xuất bản Kodansha ấn hành năm 1996, sách dày 228 trang. Thông tin về Akiyama Tokio khá ít ỏi trong sách báo cũng như trên mạng Internet tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Nhật. Chỉ biết ông sinh năm 1917, từng tham gia quân đội Nhật ở Đông Dương từ khoảng năm 1942-1946, sau đó về nước và mất năm 1999. Bản Kim Vân Kiều của ông có hai nhà phát hành chính được ghi rõ ở cuối sách, đó là Văn khố châu Á (Ajia bunko) và Mekong Center. Bản Kiều bằng tiếng Nhật của Akiyama dịch ra thơ với nhịp điệu truyền thống 5-7, mỗi câu Kiều nguyên tác bằng lục bát được dịch ra thành một dòng thơ tiếng Nhật. Chú thích đơn giản hơn nhiều so với bản của Takeuchi, từ ngữ mới cũng dễ hiểu hơn đối với người Nhật hiện nay, nên bản Kiều này có tính đại chúng hơn. Sau khi dịch và xuất bản Truyện Kiều, Akiyama Tokio có viết và xuất bản một cuốn sách có tính nghiên cứu về Truyện Kiều với nhan đề: Đi tìm nguyên gốc Truyện Kiều, do tác giả tự xuất bản, Công ty Shinko ấn hành, Tokyo, 1997. Đây không phải là công trình văn bản học đi tìm nguyên tác Truyện Kiều, mà là tập sách nghiên cứu so sánh nội dung từng chương Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân và Truyện Kiều của Nguyễn Du. Akiyama không phải là nhà nghiên cứu và dịch giả văn học chuyên nghiệp, nhưng hai quyển sách mà ông để lại là món quà quý thể hiện tình yêu của một người Nhật đối với kiệt tác văn học Việt Nam.
 
5. 10 năm sau bản dịch Truyện Kiều của Akiyama Tokio lại có bản dịch khác nữa - bản dịch thứ năm: bản của Sato Seiji Kuroda Yoshiko. Đó là bản Truyện Thúy Kiều, dựa theo bản dịch tiếng Anh của Lê Xuân Thủy, chế bản và in ấn: Công ty trách nhiệm hữu hạn in Sanko, phát hành: Công ty trách nhiệm hữu hạn Kibijin, Tokyo, ngày 9-3- 2005.
 
Sato Seiji là kỹ sư, sinh năm 1959 tại thị trấn Nagai, tỉnh Yamagata. Sau khi tốt nghiệp cao học ngành Công học Trường đại học Hokkaido, ông vào làm việc ở Bộ Giao thông Vận tải đến năm 2002, sau đó đi làm việc ở Việt Nam. Từ năm 2003 đến nay làm việc tại cơ quan hành chính tỉnh Okayama. Bản dịch Truyện Kiều của Sato Seiji là bản dịch bằng văn xuôi tiếng Nhật hiện đại, ít chú thích, có nhiều minh họa lấy từ bản Kiều nổi tiếng của Việt Nam.
 
Kuroda Yoshika là nữ thi sĩ, sinh năm 1945 tại Kyoto, sống chủ yếu ở Yokohama. Năm 1968 tốt nghiệp cao học ngành Văn học Nhật Bản Trường đại học Rikkyo. Thường đăng thơ trên tạp chí Hỏa Diệm. Có sách xuất bản: Cha tôi Inoue Osamu: Trăm năm một thủa. Hiện đang làm biên tập cho tạp chí Chim câu đưa thư. Bằng cảm quan của một nhà thơ, Kuroda phát hiện ra nét đặc biệt trong Truyện Kiều, đó là: thế giới trong truyện như được đan dệt bởi các lời thề. Và Kuroda đã viết một tiểu luận rất thú vị in trong sách với nhan đề Thế giới của lời thề.
 
***
 
Hơn 60 năm biết đến Truyện Kiều, người Nhật đã cho ra đời 5 bản dịch khác nhau. Sau Pháp chỉ có Nhật Bản mới có bản dịch Truyện Kiều ra đời trước 1945, nghĩa là người ta không phải chỉ biết đến Truyện Kiều trong chiến tranh Việt Nam. Người dịch Truyện Kiều ở Nhật Bản rất đa dạng. Có nhà văn, dịch giả, nhà phê bình nổi tiếng như Komatsu Kiyoshi; có học giả Việt Nam học tiên phong như Takeuchi Yonosuke; có cựu binh từ Đông Dương trở về như Akiyama Tokio; có kỹ sư làm việc ở Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới như Sato Seiji. Họ có điểm chung nhau là đều đã từng đến Việt Nam, ngắn thì một hai năm như Sato, dài thì 4, 5 năm như Komatsu, Takeuchi, và chỉ với một thời gian ngắn họ đã bị thu hút bởi nền văn hóa của nước ta và Truyện Kiều. Họ biết đến Truyện Kiều một cách có vẻ như tình cờ, người thì được bạn cũ người Việt tặng cho bản Pháp văn, người thì được một đồng nghiệp người Hoa tặng cho bản Nôm, người thì giấu một bản Kiều vào ba lô cựu binh từ chiến trường Phật Ấn(7) trở về Nhật và đến 50 năm sau mới hoàn thành ước mơ dịch thuật của mình, người thì có bản tiếng Anh mới xuất bản. Từ những hoàn cảnh khác nhau ấy mà hình thành nên những bản Kiều dịch ra tiếng Nhật rất đa dạng về phong cách: bản dịch Kiều của Komatsu Kiyoshi bằng văn xuôi nhưng thi vị dồi dào, văn phong phóng khoáng; bản của Takeuchi thì nghiêm cẩn, uyên bác, nhưng cũng không kém trau chuốt với hương sắc, âm điệu của thế giới cổ điển; bản của Akiyama Tokio phong phú thi tứ tiếng Nhật hiện đại; bản của Sato Seiji và Kuroda Yoshiko thì có ngôn ngữ văn xuôi mới mẻ, tươi sáng, thích hợp với người trẻ hiện đại. Mỗi bản có một giá trị khác nhau, khiến cho các bản Kiều tiếng Nhật cũng có chỗ đứng cao trong các bản dịch Truyện Kiều ra các thứ tiếng trên thế giới.
 
Nhân đây, tôi cũng xin nói đến bản phóng tác Truyện Kiều của người Nhật vào thế kỷ XVIII là Kim ngư truyện (Truyện con cá vàng) của nhà văn Kyokutei Bakin. Kim ngư truyện được Kyokutei Bakin chuyển đổi từ tên nhân vật, tính cách nhân vật, địa danh… hoàn toàn sang Nhật Bản. Đời sống hiện thực của Nhật Bản được miêu tả rất sinh động, rất chi tiết trong Kim ngư truyện. Nhiều nhà lý luận văn học nhấn mạnh tính hiện thực làm nên giá trị của tác phẩm, nhưng đọc Kim ngư truyện Truyện Kiều thì thấy dường như không hẳn vậy. Kim ngư truyện rất hiện thực, còn Truyện Kiều ước lệ, cổ điển hơn, nhưng Truyện Kiều lại hay hơn, thú vị hơn, sâu sắc hơn. Phải chăng do nghệ thuật miêu tả tâm lý, tính cách nhân vật trong Truyện Kiều đem lại? Tâm lý nhân vật trong Truyện Kiều rất phong phú, đa dạng, được miêu tả một cách rất tinh tế, vừa có tính cá thể, vừa có tính phổ quát, nhờ đó tác phẩm mới có giá trị trường tồn. Chúng tôi đang gấp rút hoàn thành bản dịch Kim ngư truyện của Nhật Bản để có thể ra mắt độc giả tới đây, có thể giúp cho các nhà nghiên cứu có tài liệu nghiên cứu so sánh với Truyện Kiều. Qua đó chúng ta có thể tự hào rằng Truyện Kiều của Nguyễn Du không chỉ là tác phẩm của riêng Việt Nam mà nó đã đạt đến được tầm nhân loại.
 
---------------------
(1) Các tác phẩm chính của Komatsu Kiyoshi: Bàn về văn học hành động chủ nghĩa, xuất bản năm 1935; Chiến sĩ thầm lặng - nhật ký Paris thời chiến, 1940; Đường đến Đông Dương, 1941; Thư gửi nước Pháp, 1947; Tay súng tự do André Gide, 1951; Máu Việt Nam (tiểu thuyết), 1954; Việt Nam, 1955.
(2) Vĩnh Sính: Một nhà văn Nhật viết về Nguyễn Ái Quốc trong thời gian ở Pháp. Tạp chí Xưa & Nay, số 27, tháng 5-1996.
(3) Komatsu Kiyoshi: Lời bạt, trong sách Kim Vân Kiều (Komatsu Kiyoshi dịch), Toho xuất bản, 1942 (tiếng Nhật). Xin xem Komatsu Kiyoshi: Bài bạt Kim Vân Kiều (Đoàn Lê Giang dịch), tạp chí Văn Học, số 11-2004, tr.55-61.
(4) Hatakenaka Toshiro (1907-1998): Từ năm 1931-1944, làm giáo sư Đại học Ngoại ngữ Osaka. Năm 1941 ông có đi Việt Nam và Campuchia 2 tháng, về nhà viết Phật Ấn [Đông Dương] phong vật chí hoàn thành năm 1942, Seikatsu xuất bản 1943.
(5) Diệp Truyền Hoa: Giáo sư, nhà hoạt động văn hóa người Việt gốc Hoa. Sinh năm 1918 tại Hội An, mất năm 1970 tại Sài Gòn. Quê gốc ông ở Quảng Đông, thân phụ ông di cư đến Việt Nam từ cuối đời Thanh. Năm 1960-1961, ông giảng dạy tại khoa Ngoại văn, Trường đại học Sư phạm Sài Gòn và khoa Triết học, Trường đại học Văn khoa Sài Gòn. Năm 1967, dạy ở Trường đại học Văn khoa Huế. Năm 1969, làm Hiệu trưởng Trường trung học Việt Tú ở Chợ Lớn. Ông có để lại một tập thơ và vài tập nghiên cứu (Nguyễn Đình Phức, Dấu ấn của giáo sư Diệp Truyền Hoa và giáo sư Đới Ngoạn Quân trong dòng văn hóa Việt Hoa, tập san Suối Nguồn, http://www.dacsansuoinguon. org...).
(6) Takeuchi Yonosuke: Lời bạt Kim Vân Kiều. Takeuchi Yonosuke, Kodansha xuất bản, 1975 (tiếng Nhật).
(7) Phật Ấn (Futsu-in), cách gọi tắt của người Nhật về Đông Dương: Phật lãnh Ấn Độ Chi Na (Futsu ryo Indoshina - Đông Dương thuộc Pháp).
 
Theo PGS.TS Đoàn Lê Giang/honvietquochoc.com.vn

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website