nguyendu.com.vn
Loading...

Địa chỉ đặc sắc về lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội


Ngày 19-5, Trưng bày Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội khai trương. Lần đầu tiên, một tòa nhà công vụ của cơ quan quyền lực cao nhất có tổ chức trưng bày bên trong, mở cửa đón công chúng. Cũng là lần đầu tiên, việc bảo tồn di tích được thực hiện ngay tại một công trình quan trọng của đất nước.
 
Những hiện vật bằng sành được trưng bày tại Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội.
 
Dự án đặc biệt trưng bày di tích và hiện vật dưới tầng hầm Nhà Quốc hội được giao cho Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trực tiếp là Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành thực hiện từ năm 2012 với tên gọi “Những khám phá Khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội”. Mục tiêu của trưng bày nhằm tạo nên biểu trưng độc đáo kết nối giữa truyền thống và hiện đại, để tòa Nhà Quốc hội hóa thân vào tiến trình lịch sử, phản ánh sức sống trường tồn của trung tâm quyền lực đất nước trong lịch sử dân tộc.
 
Cũng từ đó, những minh chứng về quy mô lớn, rộng của khu Di sản Văn hóa thế giới - Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tiếp tục được giới thiệu đến với đông đảo nhân dân và bạn bè quốc tế, giúp mọi người có thể hiểu, gần gũi hơn với lịch sử, cũng như với công trình quan trọng này; đồng thời ý thức về trách nhiệm tiếp nối và tôn vinh giá trị truyền thống của dân tộc.
 
Sâu dưới mặt đất từ 7 đến 13 m, với tổng diện tích mặt bằng trưng bày khoảng 3.700 m², có hơn 400 di vật và gần 10 di tích được phát hiện trong quá trình khai quật tại khu vực Nhà Quốc hội trong hai năm 2008 - 2009 được lựa chọn trưng bày. Đó là một phần nhỏ trong số hàng chục nghìn di vật và 140 di tích đã được các nhà khảo cổ học phát hiện, lưu giữ từ nền móng của mảnh đất linh thiêng này. Với cách kết hợp nhiều thủ pháp trong một không gian, dẫn dắt người xem hợp lý, tạo hiệu quả cao về thị giác và tâm lý, những chủ đề, câu chuyện của gần 1.300 năm lịch sử được kể một cách sinh động.
 
Tầng hầm hai giới thiệu các di tích và hiện vật thời tiền Thăng Long, từ thế kỷ VII đến thế kỷ X. Tầng hầm một là những hình ảnh, hiện vật kiến trúc và đời sống của hoàng cung kinh thành thời kỳ Thăng Long trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê, từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVIII. Phương pháp được thực hiện thống nhất là lồng ghép, xen cài giữa di tích và di vật, trong đó di tích được xem là “hồn cốt”; di vật được xem là các “hạt nhân” được trưng bày ngay trong lòng di tích để kể sinh động những câu chuyện của kinh đô Thăng Long xưa với phong cách trình diễn kết hợp đồ họa, hệ thống sa bàn, hình ảnh, media và ánh sáng hiện đại.
 
PGS, TS Bùi Minh Trí, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành cho biết: “Các hiện vật, hình ảnh trưng bày ở đây được phân chia theo địa tầng khảo cổ học và chiều diễn biến thời gian. Ở mỗi tầng, trong mỗi không gian đều lựa chọn những điểm nhấn nhằm đem lại những cảm xúc, ấn tượng cho người xem để thể hiện những giá trị cốt lõi nhất của di sản với công chúng một cách tự nhiên”.
 
Đáng chú ý, trưng bày các hiện vật trong tủ kính được kết hợp khéo léo với các hiện vật hay khối hiện vật âm dưới nền sàn. Người xem có thể đi trên mặt sàn kính với cảm giác như đang “sống” giữa các hố khai quật với những cảm xúc bất ngờ. Hình ảnh động về bức họa “Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ” (vẽ năm 1363) khiến những hiện vật liên quan đến Phật giáo trở nên sinh động. Một đoạn phim 3D cho thấy chim nhảy trong lồng kết hợp với âm thanh tiếng chim hót lanh lảnh, đem lại cảm thụ sâu sắc về một hiện vật nhỏ bé mà quý giá là chiếc cóng đựng thức ăn cho chim tìm được giữa Hoàng cung xưa.
 
Các vi-đê-ô clip 3D được chiếu trên những mảng nền sẫm mà không phải mầu trắng như thường thấy cũng tạo hiệu ứng bất ngờ. Cách giới thiệu kỹ thuật xây dựng “cột âm” qua hệ thống hình ảnh, bản vẽ gây ấn tượng mạnh. Không gian trưng bày kiến trúc cung điện thời Lý với hệ thống 42 “cột ánh sáng” bằng đèn LED được điều khiển bởi công nghệ cao, mầu sắc chuyển động lung linh, huyền ảo cho người xem cảm nhận rõ về hình thái kiến trúc cung điện thời Lý. Bên cạnh đó, phòng chiếu phim 3D sức chứa 60 người lại giúp dễ hình dung kết cấu kiến trúc cung điện thời Lý bằng hình ảnh. Ngoài ra, còn có Khu tương tác dành cho trẻ em tiếp cận, trải nghiệm với di tích và với ngành khảo cổ học.
 
Sử dụng những thủ pháp trưng bày bảo tàng hiện đại, tiên tiến với kỹ thuật mới nhất, Những khám phá khảo cổ học dưới lòng đất Nhà Quốc hội đã làm những hiện vật vô tri trở nên hấp dẫn và “biết nói”. PGS, TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam đánh giá đây là một bảo tàng thú vị và độc đáo hiện nay ở nước ta, hoàn toàn có thể sánh vai với các bảo tàng tiên tiến nhất trên thế giới. Đó thật sự là niềm tự hào không chỉ của giới khoa học, văn hóa mà còn là một minh chứng với thế giới về trách nhiệm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với một di sản thế giới mà UNESCO đã công nhận.
 
Bảo tàng góp phần mang lại một nét mới đặc sắc cho Nhà Quốc hội, thể hiện những sáng tạo trong việc bảo tồn và phát huy di sản Hoàng thành Thăng Long. Đây cũng là điểm nhấn quan trọng trong quảng bá giá trị di sản văn hóa dân tộc Việt Nam với các đoàn khách trong nước, quần chúng nhân dân và du khách quốc tế thời gian tới.
 
 
Theo Vương Anh/Nhandan.com.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website