nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Di tích quốc gia đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung: Nơi ngân vang bài thơ “Cảm hoài”


Di tích quốc gia đền thờ Đặng Tất, Đặng Dung ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh được, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hoá cấp Quốc gia vào năm 1991. Là nơi thờ hai vị danh tướng, trung thần thời Hậu Trần chính là Quốc công Đặng Tất và Đồng bình Chương sự Đặng Dung.
 
 
Quốc công Đặng Tất giúp vua Giản Định
 
Theo sử sách ghi, cha con danh tướng Đặng Tất và Đặng Dung là cháu, chắt của Thám hoa Đặng Bá Tĩnh, người làng Tả Hạ, xã Phù Lưu, tổng Nội Ngoại, huyện Thiên Lộc, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An. Sách “Danh nhân Hà Tĩnh” chép: “Theo gia phả họ Đặng ở làng Tả Hạ, xã Thiên Lộc (nay là xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc) thì Đặng Dung là huyền tôn của vị Thái học sinh đời Trần, Đặng Bá Tĩnh”. Thân sinh Đặng Dung là Đặng Tất (không rõ năm sinh - 1409 mất)”(DNHT. Tr 28). Theo sách “Đại Nam thống nhất chí”, Đặng Tất đỗ Thám hoa triều Trần, làm quan đến chức Hành khiển. Sách “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch chép Đặng Tất có tên trong sách “Đăng khoa lục”. Cuối triều Trần, ông làm chỗ dựa cho Hồ Quý Ly, giữ chức Đại tri châu, nắm giữ binh quyền ở châu Hoá:“Tháng 10 năm Bính Tuất (1406), quân Minh xâm lược nước ta. Người Chiêm Thành cũng từ Thăng Hoa (Quảng Nam) ra đánh châu Hoá. Tương kế tựu kế, Đặng Tất giả hàng quân Minh xin giữ châu Hoá để bảo toàn lực lượng” ( Danh nhân HT. tr28-29).
 
Nhà Hồ bị diệt. Tháng 10 năm Đinh Hợi (1407), Trần Ngỗi lập nhà Hậu Trần, lên ngôi ở Mộ Độ ( Yên Mô, Ninh Bình), đặt niên hiệu Hưng Khánh, thường gọi Giản Định đế. Nghe tin Giản Định đế đem quân vào Nghệ An, danh tướng Đặng Tất cùng con là Đặng Dung nổi dậy khởi nghĩa ở châu Hoá, giết sạch quan lại binh lính giặc Minh ở đây rồi kéo quân ra Nghệ An, đứng dưới cờ nghĩa vua Giản Định: “ Đại tri châu Đặng Tất được tin bèn giết hết quan lại nhà Minh, đưa quân ra hợp. Ông gả con gái cho vua, được phong Quốc công”. Tháng Giêng, năm Mậu Tý (1408) tướng giặc Trương Phụ đánh Diễn Châu, Quốc công Đặng Tất chống cự không nổi đưa vua Giản Định chạy vào châu Hoá. Ngày 16 /6 , Đặng Tất đánh tan quân của viên hàng tướng nhà Minh là Phạm Thế Căng ở cửa sông Nhật Lệ (Quảng Bình). Đặng Tất điều động quân các lộ Thuận Hoá, Tân Bình, Nghệ An, Diễn Châu, Thanh Hoá, tiến ra Đông Đô ( Hà Nội ngày nay). Ngày 14 tháng chạp, danh tướng Đặng Tất, chỉ huy quân Hậu Trần, đánh tan giặc Minh ở Bô Cô ( Nam Định), chém chết Thượng thư Lưu Tuấn, Đô ti Lữ Nghị và hàng vạn quân Minh. Mộc Thạnh thoát chết, chạy về thành Cổ Lộng.
 
Sau chiến thắng Bô Cô thì nội bộ bộ chỉ huy cuộc khởi nghĩa có mâu thuẫn. Năm 1409 Giản Định đế đa nghi nghe lời gièm pha của bọn Nguyễn Quỹ, Nguyễn Mộng Trang: “Coi chừng tướng tài sắp làm phản đó”(Cương mục). Vua phục quân giết Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân trên bến Hoàng Giang: “Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân vốn đã bị ngờ vực vì là quan cũ của nhà Hồ, lại bị dèm pha là lộng quyền, nên đều bị sát hại. Tháng 2 năm Kỷ Sửu (1409) lúc đóng quân ở Hoàng Giang, Giản Định cho gọi hai ông đến thuyền mình, sai lực sĩ bóp cổ giết Đặng Tất và đuổi chém Nguyễn Cảnh Chân.”( Tr.29 -30)
 
Gác thù nhà đánh giặc cứu nước
 
Bấy giờ con trai Đặng Tất là Đặng Dung đang làm nhiệm vụ trấn thủ giữ vững châu Hoá. Nghe tin dữ, giận vì cha bị giết oan nên không thể hợp tác với Giản Định đế. Nhưng để dốc sức cứu nước, ông đành gác thù riêng với Giản Định. Danh tướng Đặng Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị (con Cảnh Chân) đem quân ra Thanh Hoá, đón rước Trần Quý Khoáng (cháu nội vua Nghệ Tông) đưa về Nghệ An, lập làm vua. Ngày 17 /3 năm Kỷ Sửu ( 2 -4 -1409) Hoàng tôn Trần Quý Khoáng lên ngôi vua ở đất Bà Hồ, huyện Chi La (nay là xã Yên Hồ, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), đặt niên hiệu Trùng Quang, phong Đặng Dung làm Đồng bình Chương sự, Nguyễn Cảnh Dị làm Thái bảo, Nguyễn Suý làm Thái phó, Nguyễn Chương là Tư mã, Nguyễn Biểu làm Thị Ngự sử….lo việc cứu nước.
 
Từ năm 1409 đến năm 1413 ông Dung cùng Nguyễn Cảnh Dị, Nguyễn Suý, Nguyễn Biểu bày mưu lập kế nếm mật nằm gai cùng vua và nghĩa quân đánh hàng trăm trận lớn nhỏ. Nghĩa quân lại lần lượt giải phóng Tân Bình, Thuận Hoá, Hoan Diễn rồi tiến đánh Tây Đô, Bình Than, Hàm Tử, Chương Dương, bao vây thành Cổ Lộng, thành Đông Quan, thế mạnh như chẻ tre. Lực lượng khởi nghĩa lại phát triển nhanh chóng. Vua Minh sai Trương Phụ một viên tướng giỏi, có nhiều kinh nghiệm, lại đưa viện binh sang đánh dẹp cuộc khởi nghĩa. Tháng 6 năm 1412 Phụ đem 24.000 quân tổ chức càn quét quy mô lớn. Tướng Đặng Dung cùng vua Trùng Quang và nhân dân chiến đấu dũng cảm. Nhiều trận đánh không cân sức đã diễn ra nhưng quân ta không hề nao núng. Về tinh thần chiến đấu dũng cảm của Đặng Dung và quân Hậu Trần, viên quan Khâu Tuấn viết trong sách “Bình định Nam Giao lục” thừa nhận: “Lúc bấy giờ từ Đông Quan về phía Đông giặc cướp (chỉ nghĩa quân) nổi lên như ong, gọi là dẹp xong chỉ có mỗi thành Giao Châu mà thôi.” Tuy nhiên danh tướng Đặng Dung và nghĩa quân không cản nổi cuộc tấn công của Trương Phụ, Mộc Thạnh. Vua Trùng Quang phải rút quân về Nghệ An: “Tháng 6 năm Nhâm Thìn (1412) Trương Phụ và Mộc Thạch lại tiến vào đánh thành ở Nghệ An, gặp quân của các tướng Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị, Đặng Dung ở Mộ Độ (Ninh Bình). Đặng Dung và Trương Phụ liều chết đánh nhau, chưa phân thắng bại thì Nguyễn Suý, Nguyễn Cảnh Dị nao núng tháo chạy ra biển, Hồ Bối cũng bỏ thuyền lên bờ, Đặng Dung đành dùng thuyền nhẹ vượt ra khơi lui về Nghệ An” (tr.31). Tháng 2 – 1413, Đặng Dung, Nguyễn Suý đem quân ra Hải Đông, Vân Đồn, đánh chặn thuyền tiếp tế của giặc nhưng thất bại, quay về Nghệ An.
 
Trương Phụ đánh Nghệ An, vua Trùng Quang cùng các tướng rút vào châu Hoá, Trương Phụ đuổi theo. Tháng 9 /1413, Đặng Dung, Nguyễn Suý  đóng giữ ở kênh Thái Da. Nhân đêm tối, Dung và Suý đánh úp thuyền Trương Phụ : “Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt, cả trên bộ dưới sông. Đặng Dung cầm gươm nhảy lên thuyền Trương Phụ, định bắt sống hắn, nhưng vì trời tối không nhận ra. Trương Phụ thừa cơ nhảy sang thuyền con trốn thoát. Quân Minh tan vỡ, chết quá nửa, thuyền bè bị đốt cháy rất nhiều. Quân Trần cũng bị tổn thất lớn.” (Tr.32) Nhân khi Nguyễn Suý không kịp tiếp ứng, Trương Phụ thấy quân Trần ít, quay lại đánh quyết liệt. Đặng Dung không chống nổi phải lui quân. Tiến sĩ Dương Văn An trong sách “Ô châu cận lục” đánh giá Đặng Dung: “Ô Châu cận lục”: “Lấy toán quân cô đơn ra mà phá giặc hung mạnh giữa buổi nguy vong tức là Trương Thế Kiệt đối với Đế Bính nhà Tống vậy. Có thể theo thường lệ mà nghị luận anh tài ư”.
 
Sau trận Thái Da, tướng Trương Phụ, nhà Minh chiếm đóng châu Hoá. Vua Trùng Quang cùng các tướng lĩnh trốn vào rừng núi. Tháng 2 năm 1414, Nguyễn Cảnh Dị và Đặng Dung bị Trương Phụ bắt ở sách Cha- bồ-cán, rừng núi Thuận Châu ( Quảng Trị ngày nay). Tháng 4 năm Giáp Ngọ (1414), quân Minh đưa vua Trùng Quang, Đặng Dung, Nguyễn Suý về Đông Quan (Thăng Long) rồi sai người áp giải về Kim Lăng. Sách “Việt sử Thông giám Cương mục chép: “Giữa đường Quý Khoáng nhảy xuống nước chết. Dung cũng chết theo”.
 
 
Để lại bài thơ “Cảm Hoài” nổi tiếng
 
Học giả Thái Kim Đỉnh viết trong sách “Danh nhân Hà Tĩnh ”: “Đặng Dung chỉ để lại bài thơ “Cảm hoài”. Nhưng thi phẩm duy nhất ấy cũng đủ đưa tên tuổi ông lên hành xuất sắc trong lịch sử văn học Việt Nam. Bài “Cảm hoài” do Bảng nhãn Lê Quý Đôn sưu tầm, chép lần đầu tiên trong bộ “Toàn Việt thi lục”. Sau đó Hoàng giáp Bùi Huy Bích (1744 – 1818) lại chọn chép trong vào bộ “Hoàng Việt thi tuyển”. ( Tr.33). Bài thơ “Cảm hoài” được dịch như sau: Việc nước chưa xong tuổi đã già / Đất trời chung một cuộc ngâm nga / Gặp thời vận đến thành công dễ / Lỡ vận anh hùng dạ xót xa / Gặp chúa những mong xoay trục đất / Giữa dòng không lối nối Ngân Hà / Việc nước chưa xong đầu đã bạc / Mấy độ mài gươm bóng nguyệt tà. (Bản dịch Gia phả họ Đặng của Phạm Thị Hoa- Viện Hán Nôm)
 
Đánh thắng giặc Minh xâm lược, năm 1428, Bình Định vương Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, tri ân công trợ giúp đánh giặc Minh, ban sắc phong danh tướng Đặng Tất thần hiệu Hùng kính tráng, Trung nghĩa thần. Đồng bình Chương sự Đặng Dung được sắc phong “Cao Sơn Hầu”, ban cho tám chữ vàng: “Tiết liệt cương trung” “Trung thần hiếu tử”. Ngày nay, tấm biển gỗ, sơn son đề dòng chữ Hán: “Tiết Liệt Cương Trung” vẫn được bảo tồn tại di tích đền thờ Đặng Tất và Đặng Dung. /.  
 
Bài và ảnh: Đặng Viết Tường
 
Chú thích ảnh:
- Di tích cấp Quốc gia đền thờ Quốc công Đặng Tất cùng Đồng bình Chương sự Đặng Dung
- Tượng tổ tiên, Quốc công Đặng Tất, Đồng bình Chương sự Đặng Dung cùng mục chủ thờ đặt trang trọng trên án thư nhà tiền tế. 

Di sản văn hóa
Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết) Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.