nguyendu.com.vn
Loading...

Di sản tư liệu phải ‘sống’ thì lưu trữ, bảo tồn mới bền vững


Tới thăm Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (TP. Đà Lạt), sáng 20/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc phát huy giá trị, đưa các di sản tư liệu đến với công chúng.
 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm nơi lưu trữ Mộc bản triều Nguyễn  - Ảnh: VGP/Đình Nam
 
Báo cáo với Phó Thủ tướng, Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước Đặng Thanh Tùng cho biết hiện 4 Trung tâm Lưu trữ quốc gia đang bảo quản hơn 30 km giá tài liệu được hình thành trong quá trình hoạt động của các cơ quan, tổ chức Trung ương thuộc các chế độ khác nhau; của các cá nhân, gia đình, dòng họ tiêu biểu qua các thời kỳ lịch sử.
 
Những tài liệu này phản ánh toàn bộ đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội Việt Nam từ thời kỳ phong kiến đến nay. Những tài liệu còn lưu giữ lại được cho đến ngày nay là khối tài liệu quan trọng và có giá trị đặc biệt trong Phông Lưu trữ quốc gia Việt Nam.
 
Đặc biệt, trong đó có khối tài liệu “Mộc bản triều Nguyễn” được UNESCO công nhận là tư liệu Di sản thế giới (năm 2009); khối tài liệu Châu bản triều Nguyễn được UNESCO công nhận tư liệu Di sản thế giới (năm 2017); tập Sắc lệnh của Chủ tịch Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa giai đoạn 1945 - 1946 được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (năm 2016).
 
“Bên cạnh làm tốt công tác lưu trữ thì vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao đưa khối tài liệu đang bảo quản, trước hết là di sản tư liệu đến với công chúng để phát huy giá trị các tài liệu lưu trữ góp phần giáo dục truyền thống, niềm tự hào dân tộc”, ông Đặng Thanh Tùng trăn trở.
 
Đánh giá cao nỗ lực, cố gắng của cán bộ, nhân viên tại các trung tâm lưu trữ trong công tác bảo quản, lưu trữ khối lượng tư liệu rất lớn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh giá trị văn hóa, lịch sử to lớn trong các tài liệu lưu trữ.
 
“Trước đây, nhiều người hình dung công tác văn thư, lưu trữ là bạt ngàn công văn, giấy tờ, ít người hiểu rằng đây còn là một chuyên ngành khoa học không chỉ có tính hành chính mà còn mang trong đó giá trị lịch sử, văn hoá sâu sắc. Những năm gần đây, anh em làm văn thư, lưu trữ đã cố gắng đưa vào tư duy mới không chỉ là lưu trữ đơn thuần mà bước đầu đã gắn với việc phát huy giá trị của các khối tài liệu, bằng nhiều cách khác nhau, để phục vụ công chúng, nhà nghiên cứu…”, Phó Thủ tướng nói.

 

Ảnh VGP/Đình Nam
 
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cho rằng với sự phát triển của khoa học công nghệ, công tác lưu trữ phải bước sang một giai đoạn mới hoàn toàn, trong đó, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nhanh chóng số hóa toàn bộ các tài liệu lưu trữ, trước hết là các di sản tư liệu. Đây còn là cơ sở để ngành lưu trữ Việt Nam và Pháp có thể hợp tác nhằm chia sẻ, “hợp nhất” toàn bộ khối tài liệu, tư liệu lịch sử của Việt Nam đang được lưu trữ tại hai quốc gia.
 
“Lưu trữ không chỉ phục vụ công tác nghiên cứu mà cán bộ lưu trữ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong hỗ trợ, gợi mở những hướng nghiên cứu mới, hay tự triển khai các đề tài độc lập. Ngay đối với Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản Triều Nguyễn,... cũng có nhiều giá trị cần được làm sáng tỏ ngoài việc đây là tư liệu công văn hành chính của Nhà nước mà còn thể hiện tinh thần minh bạch hóa, công khai hóa những gì chính quyền đang làm đến với người dân hay chất liệu để làm mộc bản, các loại sơn, mực được cha ông sử dụng để chống ẩm mốc, mối mọt…”, Phó Thủ tướng gợi ý.
 
Nhấn mạnh di sản không phát huy được giá trị thì công tác bảo tồn, lưu trữ không hiệu quả, bền vững, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo Bộ KH&CN, Bộ VHTT&DL phối hợp chặt chẽ với Bộ Nội vụ, Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước khẩn trương nghiên cứu phương án số hóa tài liệu lưu trữ một cách đơn giản, thuận tiện nhất, trước hết là các di sản tư liệu như “Mộc bản triều Nguyễn”, “Châu bản triều Nguyễn”, bảo vật quốc gia,... trên tinh thần xã hội hóa… đưa đến công chúng thay vì “số hóa rồi lại bỏ vào kho”; đưa những tư liệu số hóa lên Hệ tri thức Việt số hóa để làm nền tảng cho các ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo…
 
 
Theo Đình Nam/chinhphu.vn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website