nguyendu.com.vn
Loading...

Đền Gôi Vị nơi lưu giữ một số hiện vật quý.


Đền Gôi Vị (còn được gọi là Đền bà Tiết Nghĩa) thuộc tổng An Ấp, huyện Hương Sơn (nay là xã Sơn Hòa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) được lập từ năm  Đinh Dậu (1717), niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 13, đời vua Lê Dụ Tông. Ngôi đền thờ 4 vị phúc thần dòng họ Đinh Nho: Tiến sĩ Đinh Nho Công, tiến sĩ Đinh Nho Hoàn, tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn, bà tiết phụ Phan Thị Viên, vợ thứ của tiến sĩ Đinh Nho Hoàn và đây còn là nơi lưu giữ một số hiện vật độc đáo.
 
 
 
Nơi thờ 4 vị phúc thần.
 
Đinh Nho Công (1637-1695), đỗ Đệ tam Giáp đồng tiến sĩ năm Canh Tuất (1670), niên hiệu Cảnh Trị thứ 8, đời vua Lê Huyền Tông. Từng giữ chức Tham chính xứ Sơn Nam, sau về kinh giữ chức Thiêm đô ngự sử. Khi qua đời được nhà vua phong “Anh nghị Đại Vương, dưới triều Nguyễn  được gia tặng " Đoan túc dực bảo trung hưng phúc thần”

Con Trai thứ ba của tiến sĩ Đinh Nho Công là Đinh Nho Hoàn (1671-1715), tự Tồn Phác, hiệu Mặc Trai, ông đậu Đệ nhị Giáp tiến sĩ năm Canh Thìn (1700), niên hiệu Chính Hòa thứ 21, đời vua Hy Tông.  Ông làm đến các chức vụ: Hậu bổ hàn lâm viện, Tham chính xứ Sơn Tây, Đốc trấn phủ Cao Bình (Cao Bằng), Hữu Thị lang Bộ công, Thượng bảo tự khanh. Năm Ất Mùi, Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715), ông được cử làm Phó sứ sang triều cống nhà Thanh (Trung Quốc), trên đường đi bị trọng bệnh mất, được truy tặng Lại bộ Tả Thị lang (hàm Chánh tam phẩm), được tấn phong “Đắc Đạt Đại Vương” và triều Nguyễn gia phong “Tuấn hưng lượng trực Đoan túc dực Bảo Trung hưng Phúc Thần”.

Người con trai thứ sáu của tiến sĩ Đinh Nho Công là Tổng binh hương nghĩa hầu Đinh Nho Côn (?-?). Ông làm  tri huyện phủ La Sơn, quản quân đốc lĩnh ở Đông Thành, Lương Sơn. Sau khi mất được nhà vua truy phong “Đoan túc dực Bảo Trung hưng Phúc Thần”.

Người con dâu của tiến sĩ Đinh Nho Công là bà tiết phụ Phan Thị Viên (?-1716), vợ thứ của Đinh Nho Hoàn. Chuyện kể rằng, thời Lê ở xã An Ấp có người thiếp yêu của Hoàng Giáp Đinh Nho Hoàn, dung mạo trong trắng trang nghiêm. Khi đang niên thiếu đã giỏi âm luật, thông thuộc văn chương. Năm 15 tuổi, Đinh Nho Hoàn cưới làm thiếp, mới vừa hai năm tình sâu chưa báo đáp thì một ngày Đinh Nho Hoàn vâng mệnh đi sứ Bắc quốc, nàng bịn rịn theo tiễn nguyện lấy chữ trinh giữ đạo làm vợ và ông cững lưu luyến nhớ nhung khôn xiết. Trước khi chia tay ông tặng nàng một tấm áo lụa. Hành trình thấm thoắt, ngày tháng thoi đưa Đinh Nho Hoàn bị trọng bệnh và mất trên đường đi sứ, được tin nàng muốn chết theo. Đến khi đưa linh cữu ông về táng, nàng dùng chiếc áo lụa ông biếu năm xưa mà tuẫn tiết. Việc bà tuẫn tiết, vua Lê  rất cảm phục trước sự thủy chung son sắt của bà nên đã phong Phúc Thần và cho lập đền thờ bà, ban bảng vàng khắc chữ “Tiết phụ môn” treo ở Đền Gôi Vị - Do vậy đền Gôi VỊ còn có tên gọi khác là Đền bà Tiết Nghĩa.
 
Một số hiện vật độc đáo.
 
Khánh đá Mặc Trai.
 
 
Khánh đá Mặc Trai do chính Đinh Nho Hoàn soạn khắc vào năm Nhâm Thìn (1712). Khánh được treo trên giá cột bằng đá, trên cột đá có lạc khoản ghi năm Cảnh Hưng thứ 17 (1756). Mặt khánh có bài minh của ông bằng chữ Hán, nội dung lược dịch nội dung: " Phàm mọi vật ở trạng thái yên tĩnh thì câm lặng nhưng gõ vào lại kêu, âm thanh phát ra mỗi vật mỗi khác. Âm thanh của khánh trong trẻo, có tiết tấu, tựa như có cái cao thượng của con người. Vì yêu thích những âm thanh ấy nên mới làm khánh Mặc Trai treo ở phía trái Am để tăng thêm ý chí".
 
Bia đá.
 
 
Có 3 bia đá làm theo hình trụ. Bia thứ nhất (bên trái) được khắc dựng năm Kỷ Sửu (1709), nội dung do ông Đinh Nho Hoàn soạn khi ông làm Đốc trấn Cao Bình (Cao Bằng) về quê để "huân mộc trùng tu" (trai giưới tắm gội đững ra trùng tu); bia thứ hai (bên phải), làm vào năm Nhâm Thìn (1712), khi ông giữ chức Thượng bảo Tự khanh và giao cho người vợ cả của ông (bà Lê Thị Vệ) khắc dựng. Nội dung ghi lại các thửa ruộng mà ông mua lại của người trong thôn để cúng cho dòng họ và thôn Gôi Mỹ để lo việc hương khói, tế lễ; bia thứ ba (chính giữa), cũng chính do ông Đinh Nho Hoàn soạn, nói về gia cảnh, việc học hành khoa bảng, chốn quan trường. Bia được dựng vào năm Mậu Tý (1708), nội dung được lược dịch trích đoạn như sau: " ... lọt lòng 12 người con, tôi là con thứ. Khoa thi Hội năm Canh Thìn (1700), tôi 30 tuổi, đậu Đệ nhị giáp tiến sĩ, tháng 8 năm Nhâm Ngọ (1702) được bổ làm Sơn Tây xứ, tháng 7 năm Giáp Thân (1704) được bổ làm Đốc trấn Cao Bằng ... vậy xin được khắc vào bia đá từ năm Vĩnh Thịnh thứ 4 (1708)...".
 
Về sau, con cháu khắc vào bia các nội dung đã được ông soạn thảo trước đó về quê lo việc nhà, lập người kế tự, dựng am...cùng bài răn dạy con cháu: " Trung hiếu, chất phác hiền lành, khi tiến thân thì thành kẻ sĩ có nghĩa khí, khi lui về thì người làm ruộng lương thiện. Những kẻ kiêu ngạo ham hố, những kẻ coi thường bề trên, những kẻ hay tranh giành kiện tụng, những kẻ hay cờ bạc thì không thể đến với am này". Và Con cháu cũng thuật lại việc ông đi sứ vào năm Vĩnh Thịnh thứ 11 (1715) cùng việc vua ban 2 bài ngự thi quốc âm... 
 
Voi đá.
 
 
Hai con voi đá trong thế chầu, đặt hai bên một bể cạn trước sân trời nhà thượng điện với chất liệu đá thanh xanh. Niên đại được đanh giá cùng thời kỳ với các hiện vật quý trên
 
Bức biển "Tiết Phụ Môn"
 
 
Bà Phan Thị Viên là người vợ thứ, nhưng cũng là người bạn thơ văn của ông, hia ngườ sống với nhau như tri kỷ. Trước khi tử tiết bà có làm một bài thơ khóc chồng bằng chữ Hán, lời lẽ đau xót mà khí khái (bài thơ ghi trong gia phả họ Đinh Nho). Sau khi mất, nhà vua ban bảng vàng với 3 chữ "Tiết Phụ Môn" đền thờ được lập vào năm Đinh Dậu (1717) - đó chính ngôi Đền Gôi Vị hay còn  gọi là Đền bà Tiết Nghĩa.
 
Đền Gôi Vị đã có gần 300 năm tuổi, những hiện vật độc đáo  được đánh giá là một trong những bộ sưu tập hiện vật quý trên địa bàn Hà Tĩnh. Năm 2006, đền Gôi Vị được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2016 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh tiến hành khảo sát lập hồ sơ trích ngang xin ý kiến thỏa thuận của Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch để lập hồ sơ khoa học trình Bộ thẩm định, xét duyệt di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào năm 2017.
  
 
Bách Khoa

 

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website