nguyendu.com.vn
Loading...

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Danh nhân - Thi nhân Đoàn Nguyễn Tuấn


Trong số các danh nhân được đặt tên cho đường phố, công viên, quảng trường... ở thành phố Thái Bình, có tới hơn 60% là người quê Thái Bình. Đó là những nhân vật lịch sử võ công, văn nghiệp để đời, trong đó một số trường hợp được xếp vào hàng “đại gia” trong kho tàng văn học cổ Việt Nam như Nguyễn Bảo (thế kỷ XV), Nguyễn Tông Quai, Lê Quý Đôn, Đoàn Nguyễn Tuấn (thế kỷ XVIII), Kỳ Đồng Nguyễn Văn Cẩm, Nguyễn Quang Bích (thế kỷ XIX)...
 
Phố Đoàn Nguyễn Tuấn (thành phố Thái Bình). Ảnh: Thành Tâm.
 
Đoạn đường từ phố Quang Trung đến phố Trần Hưng Đạo qua trụ sở của các đoàn nghệ thuật được mang tên Đoàn Nguyễn Tuấn, một danh nhân - thi sĩ vốn có sở trường, sở thích với việc xướng ca, ngâm vịnh. Xin giới thiệu khái lược về chân dung Đoàn Nguyễn Tuấn để góp phần thêm hiểu, thêm yêu quê hương Thái Bình.
 
Đoàn Nguyễn Tuấn hiệu Hải Ông, sinh năm 1750 trong một gia đình có danh vọng, quê làng Hải An, xã Quỳnh Nguyên, huyện Quỳnh Phụ. Bố đẻ là Đoàn Nguyễn Thục (1718 - 1775), nguyên có tên là Đoàn Duy Tĩnh vì gốc họ Nguyễn làm con nuôi họ Đoàn nên đổi tên là Đoàn Nguyễn Thục, đậu Hoàng giáp cùng khoa thi Nhâm Thân (1752) với Lê Quý Đôn, từng làm quan đến tước hầu, tài thơ có hạng và là bố vợ đại thi hào Nguyễn Du. Bố vợ Đoàn Nguyễn Tuấn là Nhữ Đình Toản (1703 - 1774), được xếp vào hàng quốc lão thời Lê, làm quan đồng triều với Đoàn Nguyễn Thục.
 
Với đại thi hào Nguyễn Du, Đoàn Nguyễn Tuấn vừa là anh vợ vừa là bạn thơ thân thiết. Điểm khác nhau ở hai con người này là Nguyễn Du “ngẩn ngơ trong ngọn cờ đào” mưu chống Tây Sơn không thành tìm về làng Hải An quê vợ nương náu 10 năm để viết nên Truyện Kiều kiệt tác. Còn Đoàn Nguyễn Tuấn sớm cùng bạn bè đồng chí hướng tìm vào Nam yết kiến Nguyễn Huệ và có nhiều cống hiến quan trọng trong những năm làm quan dưới triều Tây Sơn.
 
Năm Kỷ Dậu (1789), sau trận Đống Đa lịch sử, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế. Năm sau, mùa hạ năm Canh Tuất (1790), Đoàn Nguyễn Tuấn được cử tham gia đoàn sứ bộ sang nhà Thanh cầu phong. Tài bang giao và tài thơ xướng họa của Đoàn Nguyễn Tuấn đã được danh sĩ nhà Thanh nể phục, khi về nước ông đã được phong tước hầu. Qua những trang thơ để lại ta được biết Đoàn Nguyễn Tuấn là con người phong nhã, giản dị, ưa thơ. Ông hăm hở đem chí hướng và tài năng phụng sự Tây Sơn, cống hiến của ông chủ yếu về chính trị, văn hóa, giáo dục, ngoại giao. Khi vua Quang Trung mất đột ngột, triều đình lủng củng, ông cáo  quan về quê. Khi nhà Tây Sơn đổ, Gia Long lên ngôi năm 1802, nhiều người ra làm quan nhưng ông thì yên phận nơi quê nhà, lấy ngâm vịnh để di dưỡng tinh thần.
 
Sách Tây Sơn lược thuật cho biết, ở trong làng mình, ông đã từng làm một ngôi nhà sàn ở giữa vườn hoa gọi là Phong Nguyệt sào (tổ gió trăng) để thường đến đây ngâm vịnh cùng nhiều danh sĩ Bắc Hà, tự nhận mình là Sào Ông. Hải Ông thi tập gồm 242 bài đã đưa ông lên vị trí hàng đầu trong số ít tác gia văn học thời Tây Sơn. Phải đặt Đoàn Nguyễn Tuấn vào hoàn cảnh gia đình nội ngoại truyền đời ăn lộc của nhà Lê, anh em và bè bạn đồng liêu đang mưu chống Tây Sơn hoặc chạy theo Lê Chiêu Thống hoặc tìm đường ẩn dật thì Đoàn Nguyễn Tuấn đã dũng cảm tìm đường vào Phú Xuân yết kiến Nguyễn Huệ trước khi Tây Sơn kéo quân ra Bắc mới thấy hết tầm trí tuệ và nhãn quan chính trị sáng suốt của ông. Một người bạn tâm giao của Đoàn Nguyễn Tuấn, cũng là một danh nhân văn hóa được đặt tên đường phố ở Thái Bình là Ngô Thì Nhậm đã có nhận xét khá sắc sảo về ông: “Biết cái đang tiến triển làm cho nó tiến triển lên, có thể gọi là đến chỗ cơ tri vậy. Biết cái đang kết thúc mà làm cho nó kết thúc đi có thể gọi là đạt đến chỗ bảo tồn chữ nghĩa vậy. Xúc tiến cái đang tiến triển và đẩy nhanh cái đang kết thúc, đạo chính là ở đấy”.
 
Ở vào những thời điểm quyết định sự tồn vong của một triều đại, quyết định vận mệnh của cả quốc gia, dân tộc, tư tưởng trung quân ái quốc cần có sự “quyền biến” của những người có trí tuệ sáng suốt. Những nhân vật lịch sử có tư tưởng canh tân đất nước, không câu nệ chữ “trung” của Nho gia quê ở Thái Bình như Trần Thủ Độ thời Trần, Nguyễn Thành thời Lê sơ, Đoàn Nguyễn Tuấn thời Tây Sơn, Phạm Thế Hiển, Nguyễn Quang Bích thời Nguyễn... đã tạo thành nét đẹp riêng về người Thái Bình năng động, nhạy bén với thời cuộc.
 
Triều đại Tây Sơn tồn tại không dài, vả lại Đoàn Nguyễn Tuấn sở trường về văn, phò tá hai triều vua nhà Tây Sơn chủ yếu ở lĩnh vực viết thư, thảo hịch, thiết lập và khẳng định điển nhã, bang giao ở thời đại mới. Sự nghiệp để đời được trân trọng hơn cả của Đoàn Nguyễn Tuấn không chỉ là việc ông theo Tây Sơn, phò giúp Tây Sơn mà còn là và chính là sự nghiệp văn chương. Ngoài một số lượng lớn ca ngợi chiến thắng, ca ngợi người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ là mệnh mạch văn chương tự hào về đất nước. Trong kho tàng thơ văn bang giao với các triều đại phương Bắc, thơ Đoàn Nguyễn Tuấn có nét sắc sảo riêng, thoáng đạt hơn khi xướng họa với các danh sĩ nhà Thanh.
 
Lệ bang giao thuở trước, các sứ thần thường phải ứng đáp bằng văn chương. Sứ mệnh mà cũng chính là hoài bão của các sứ thần là “lấy văn chương tăng thế nước”, qua văn chương để khẳng định vị thế của quốc gia dân tộc. Khi tiếp đoàn sứ bộ nước ta tại công quán, một viên quan lại nhà Thanh đã hỏi về cảnh vật của An Nam, Đoàn Nguyễn Tuấn đã chớp thời cơ này khẳng định cảnh vật nước ta hơn hẳn, khác hẳn Trung Hoa. Đây là bài thơ đã được xếp vào hàng kiệt tác của dòng thơ bang giao, đó là bài Tẩu bút (viết ngay):
 
Cảnh vật An Nam khách hỏi à?
An Nam cảnh vật khác Trung Hoa.
Không tia bụi bẩn, quang sông núi,
Suốt bốn mùa xuân rạng cỏ hoa.
Ít bữa ngô khoai, nhiều thóc gạo,
Khinh hàng lông dạ, chuộng the là.
Tuy nhiên có chỗ đồng nhau lớn,
Lễ nghĩa văn chương tựa một nhà.
 
Đọc lại những bài thơ trong Hải Ông thi tập ta có cảm tưởng như đây là tập nhật ký bằng thơ của Đoàn Nguyễn Tuấn. Ngoài thơ đi sứ, thơ tiễn tặng, xướng họa, đi đến đâu ông cũng có thơ vịnh cảnh, thơ tỏ nỗi lòng, đặc biệt là những vần thơ tỏ sự cảm thông với nỗi bất hạnh của người phụ nữ bị người chồng ruồng bỏ, người tình phụ bạc hoặc những kẻ hồng nhan bạc mệnh.
 
Nếu Nguyễn Du đi sứ đã có bài Độc Tiểu Thanh ký như muốn chia sẻ nỗi bất hạnh với nàng Tiểu Thanh thì Đoàn Nguyễn Tuấn - anh vợ Nguyễn Du đi sứ lại có bài Mộ chiêu quân, xót thương một kiếp người tài hoa bị vùi dập:
 
Đâu mộ giai nhân đời Hán trước,
Cát Hồ rát mặt tối tăm trời.
Suối vàng khôn rửa hồn tranh vẽ,
Cỏ biếc còn đeo ngấn lệ rơi.
Vòng ngọc đêm trăng về quạnh quẽ,
Tỳ bà xóm núi oán chơi vơi...
Má hồng phận mỏng như hoa thắm,
Viếng khách ngàn thu não ruột người.
 
Những trang thơ, những trang đời đôn hậu, nồng nàn của Đoàn Nguyễn Tuấn đã đưa ông đến vị trí đỉnh cao cùng các danh nhân, thi sĩ hàng đầu thời Tây Sơn. Vì vị trí và công lao của ông với lịch sử dân tộc nên nhiều thành phố trong cả nước đã có đường phố mang tên Đoàn Nguyễn Tuấn. Tấm gương Đoàn Nguyễn Tuấn là tấm gương chung, là niềm tự hào chung của các thế hệ cư dân Việt Nam, đặc biệt là cư dân Thái Bình quê hương ông. Với giới văn nghệ sĩ, ông là tấm gương về đạo lý, lẽ sống, biết đem tài năng phục vụ quê hương, đất nước.
 
 
Theo Nguyễn Thanh (Vũ Quý, Kiến Xương)/baothaibinh.com.vn

 


Di sản văn hóa
Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết) Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.