nguyendu.com.vn
Loading...

Cuộc gặp gỡ giữa Kinh Kim Cương và tư tưởng của Đại thi hào Nguyễn Du (kỳ 2)


Như đã nói ở kỳ trước, Nguyễn Du là một trong ba nhân cách lớn của dân tộc thấu ngộ nghĩa lý Kinh Kim Cương. Nguyễn Du đã lấy Kinh Kim Cương làm sự nghiệp và mang cốt cách của một vị thiền sư thực sự theo tính truyền thừa.
 
Với Phân kinh thạch đài, ta biết, đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã lấy Kinh Kim Cương làm sự nghiệp. Với việc tụng hơn ngàn biến, Nguyễn Du đã để tâm, đã đau đau những ý nghĩa mà Phật muốn truyền dạy qua những trang kinh:
 
Phiên âm: "Ngã độc Kim Cương thiên biến linh,/ Kì trung áo chỉ đa bất minh/ Cập đáo phân kinh thạch đài hạ,/ Chung tri vô tự thị chân kinh ."
 
Dịch nghĩa: Ta đọc Kim Cương hơn nghìn biến/ Áo chỉ trong kinh không tỏ nhiều./Cho đến dưới đài đá phân kinh,/Cuối cùng "Vô tự" biết là chân kinh." (Trích: Lương Chiêu Minh thái tử phân kinh thạch đài - Đài đá 'phân kinh' của thái tử Lương Chiêu Minh)
 
Kinh Kim Cương là một bản kinh quan trọng và có mặt sớm trong hệ thống kinh điển Phật giáo. Không những vậy, đây còn là một bản kinh rất "khó đọc" và khó hiểu chứ chưa nói đến việc thấu triệt và ngộ nhập được áo nghĩa mà kinh muốn truyền tải.
 
Nguyễn Du đã đọc đến hơn ngàn biến Kinh Kim Cương, vẫn đau đáu áo chỉ trong kinh vì chưa thấu đạt. Kinh Kim Cương với Nguyễn Du như một công án. Cho đến khi tới nơi đài đá phân kinh thì người mới "hốt nhiên đại ngộ" .
 
Nguyễn Du quả nhiên là một hành giả thiền tông thực thụ theo tính truyền thừa. Chính bởi đã giác ngộ Kinh Kim Cương nên trong các tác phẩm của đại thi hào, chúng ta sẽ thấy được cốt cách của một vị thiền sư – thi sĩ, một con người có tình thương rộng lớn và sâu sắc với những cuộc đời trầm luân trong cuộc "bể dâu".
 
Trong tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh, Nguyễn du nhắc đến từng phận người: Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh/ Cũng có kẻ màn lan trướng huệ/ Kìa những kẻ mũ cao áo rộng/ Kìa những kẻ bài binh bố trận..
 
Cho tới:
 
Cũng có người sẩy cối sa cây,
Có người leo giếng đứt dây,
Người trôi nước lũ kẻ lây lửa thành.
Người thì mắc sơn tinh thuỷ quái
Người thì sa nanh sói ngà voi,
Có người hay đẻ không nuôi,
Có người sa sẩy, có người khốn thương."
 
Tất cả những kiếp người ấy rồi thân xác cũng trở về với cát bụi. Nguyễn Du không nói tới người sống mà nói tới người đã chết, những "cô hồn" không nơi nương tựa: "ẩn ngang bờ dọc bụi, hoặc là nương ngọn suối chân mây". Dù khi sống có quyền cao chức trọng, có nghênh ngang áo mũ hay cung quế hằng nga thế nào thì khi thác cũng một phận lênh đênh như nhau.
 
Đã là "hồn đơn phách chiếc" thì đều cần được "xá tội", đều đáng thương và đáng được cảm thông, được giúp đỡ để tìm về đường sáng. Đây cũng chính là tấm lòng bi mẫn và nhân văn rộng lớn của Phật giáo. Tình yêu thương rộng lớn của đại thi hào Nguyễn Du, vì thế không phải một thứ tình thương ban ơn, cũng không phải đơn thuần là tiếng thở dài cam chịu trong trôi lăn phận người. Ông hoàn toàn hóa thân như chính mình đang nếm trải từng khổ đau của kiếp sống và .. kiếp chết ấy.
 
"Cũng có kẻ tính đường kiêu hãnh,
Chí những lăm cướp gánh non sông,
Nói chi những buổi tranh hùng
Tưởng khi thế khuất vận cùng mà đau."
(…)
Hình ảnh Nguyễn Du trong phim tài liệu nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du. Ảnh: Pháp luật Việt Nam
 
Không chỉ nhắc đến sáu hạng người thuộc tầng lớp quý, Nguyễn Du đã dành sự đồng cảm sâu sắc và tình thương lớn đối với những người bình thường trong xã hội. Với phận đời nào, cái chết nào cũng khắc khoải, đau đớn, thấu hiểu như một tri kỷ, tri âm. Từ những người buôn bán cho đến những thân phận người phụ nữ… Phải là một con người có bồ đề tâm rộng lớn mới có thể thấu hiểu đến thế, thương cảm đến thế, xót xa đến thế. "Cũng có kẻ đi về buôn bán,/ Đòn gánh tre chín dạn hai vai,"
 
Chiếc đòn gánh tre với hai vai chín dạn, ấy là bao nẻo đường gian khó mà kiếp người ấy đã phải gánh gồng, đã phải bước qua. Và những lời thương mà như những tiếng than cho đến hôm nay còn khắc khoải, trĩu nặng: "Đau đớn thay phận đàn bà/ Kiếp sinh ra thế biết là tại đâu?"
 
Chính bởi vậy nên vị Thiền sư – thi sĩ ấy mới lên tiếng: "Kiếp phù sinh như hình bào ảnh/ Có chữ rằng: "Vạn cảnh giai không". Ai ơi lấy Phật làm lòng, Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi."
 
Quý vị có thấy được thấp thoáng bóng dáng của thiền sư Vạn Hạnh và vua Trần Thái Tông trong bốn câu thơ trên không? "Kiếp phù sinh như hình bào ảnh" chính là một mạch nguồn nhận thức của Kinh Kim Cương trong bài kệ cuối mà thiền sư Vạn Hạnh từng đạt ngộ và diễn tả lại trong kệ thị tịch của mình như đã dẫn.
 
Bản kệ Kinh Kim Cương như sau: "Nhất thiết hữu vi pháp,/ Như mộng, huyễn, bào, ảnh,/ Như lộ diệc như điện,/ Ưng tác như thị quán."
 
Và "Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm" - Chân tâm không cần một nơi nào để trụ vào, "không còn kẹt vào những khái niệm về Ngã, về Nhân, Về Chúng Sanh, về Thọ Giả, về Pháp, về Không Phải Pháp, về Tướng và về Không Phải Tướng". "Phật ở trong lòng" và "lấy Phật làm lòng" chính là nhận thức về tâm thế chủ động, dùng hai chữ "hiểu" và "thương" để đi vào cuộc đời.
 
"Trong núi vốn không có Phật, Phật ở ngay trong lòng." Đây là câu nói trong đoạn hội thoại do chính đức vua Trần Thái Tông kể lại trong bài tựa Thiền Tông chỉ nam. Lời nói của thiền sư Trúc Lâm đã khai ngộ cho vị vua trẻ, cũng chính là một bè lau để đưa đức vua đến bờ giác ngộ sau này.
 
Bài thơ đề động Nhị Thanh, Nguyễn Du đã từng viết: "… Mãn cảnh giai không hà hữu tướng/ Thử tâm thường định bất ly Thiền..." Dịch là: …Mọi cảnh đều không, nào có tướng/ Tâm này thường định, chẳng lìa Thiền"
 
Để thể nhập được tính không của Phật đạo, để thường "định" – tức là thường tịch tịnh, như nhiên, hành giả ấy phải là người biết thắp sáng ý thức với mọi diễn biến của thực tại. Chính bởi các pháp vô thường nên con người phải sống với tinh thần vô chấp và quán chiếu vô tướng và làm được điều đó mới có thể "thường định, bất ly thiền".
 
Tất cả mọi pháp chỉ có nơi sinh lão bệnh tử với vô thường, khổ, vô ngã và ngã. Đức Phật phải học từ cuộc đời với mọi bài pháp của dòng đời. Trở thành chúng sanh, ngã, nhân, thọ giả. Cuộc đời là trường đào tạo Phật và mọi loài đều có phật tính.
 
Chính vì sẽ trôi lăn trong luân hồi trở thành chúng sanh, có ngã nhân thọ giả và trải qua sinh lão bệnh tử với tham sân si để hiểu vô thường khổ vô ngã mà tất cả những chúng sanh ấy mới có thể lần hồi giác ngộ, học ra được bài học của chính mình.
 
Quay trở lại Truyền Kiều, cũng bởi thế, có thể nói đây chính là một cuốn kinh "vô tự". Kinh vô tự tức là bản kinh từ cuộc đời. Muốn thể nhập được áo nghĩa của kinh thì phải sống trong cuộc đời và tự bản thân chứng nghiệm lời dạy của kinh ấy từ cuộc sống. Cố nhiên, lý đốn ngộ thì dễ và sự tiệm tu mới khó.
 
Chính bởi vậy nên ta biết được, Nguyễn Du đã thực sự thấu cảm, thực sự sống trong đời sống với tâm thế của một vị thiền giả, hành trì Kinh Kim Cương. Phải sống, phải thực chứng và trải nghiệm mới có thể chắt lọc và đồng cảm sâu sắc đến thế, tận cùng đến thế với những nỗi khổ của "ngã", "nhân", "chúng sinh" và "thọ giả".
 
(còn nữa)
 
Theo Danviet.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website