nguyendu.com.vn
Loading...

Cung đàn bạc mệnh trong truyện Kiều


Thúy Kiều là người có tài đàn và nhiều lần đánh đàn. Mỗi lần một cảnh ngộ nhưng tiếng đàn, bản đàn của Kiều luôn mang âm điệu bi thương
 
Cốt truyện của Truyện Kiều được tiếp nhận từ Kim Vân Kiều truyện – tiểu thuyết chương hồi Trung Hoa - của Thanh Tâm tài nhân. Từ đó, trên các phương diện: hệ thống nhân vật, tình tiết sự kiện biến động theo số phận nhân vật trong Truyện Kiều về cơ bản không khác biệt lắm so với Kim Vân Kiều truyện. Nhưng với tấm lòng yêu người, thương đời tha thiết, với tài năng nghệ thuật, Nguyễn Du đã làm nên Truyện Kiều – một kiệt tác trong di sản văn học trung đại Việt Nam. Và mọi phương diện (chủ đề, nghệ thuật) của tác phẩm, dưới ngòi bút của Đại thi hào họ Nguyễn đều có “một sinh mệnh nghệ thuật mới”. Cung đàn bạc mệnh trong Truyện Kiều là một trong những sáng tạo tuyệt vời đó.
 
Cung đàn bạc mệnh – biểu tượng của số phận nhân vật
 
Mở đầu tác phẩm, giới thiệu tài năng Thúy Kiều, Nguyễn Du viết:
 
Thông minh vốn sẵn tính trời,
 
Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm.
 
Cung thương làu bậc ngũ âm,
 
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
 
Khúc nhà tay lựa nên xoang,
 
Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
                               
Thanh Tâm Tài Nhân trong Kim Vân Kiều truyện đề cao tài đàn, tài thơ, có phần nghiêng về tài thơ của Thúy Kiều. Kiều làm thơ mỗi khi đau buồn, nàng cũng thường viết lời cho những bản đàn của mình. Thúy Kiều của Nguyễn Du là người đa tài, đủ thơ ca nhạc họa. Nhưng thi nhân chú ý đến tài đàn của nàng. Bằng phép hoán dụ, viết cung thương là lấy hai bậc đầu để chỉ “ngũ âm” theo âm giai của âm nhạc Trung Hoa.  Kiều được giới thiệu là người đàn giỏi và tinh thông âm nhạc. Nhưng người con gái tuổi cài trâm, thông minh, có nhan sắc “nghiêng nước nghiêng thành” ấy lại soạn ra bản đàn Bạc mệnh. Sự trớ trêu của cách lựa chọn khiến người trông thấy, người nghe thấy phải sầu não, đau đớn. Có lẽ vì thế, từ những năm tuổi thơ, nàng đã bị người xem tướng đoán rằng:
 
Anh hoa phát tiết ra ngoài,
 
Nghìn thu bạc mệnh một đời tài hoa.
                                 
Bản thân Thúy Kiều cũng thường trực mối thương tâm về “kiếp hồng nhan” mong manh. Nên tiết thanh minh, trước ngôi mộ vắng tanh hương khói của Đạm Tiên, lại nghe câu chuyện về nàng ca nhi bạc mệnh, Kiều đã “đầm đầm châu sa”:
 
Đau đớn thay phận đàn bà,
 
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
 
Nàng khóc cho Đạm Tiên, khóc cho phận đàn bà bất hạnh và cũng tự vận vào cho chính mình.
 
Cũng trong tiết thanh minh, chị em Kiều gặp Kim Trọng. Sau buổi chiều chia tay, hai người tuổi trẻ, cùng một khát vọng yêu đương mãnh liệt, cùng bước chân táo bạo, đã gặp gỡ, thề nguyện gắn bó thủy chung trọn đời. Đôi lứa tình tự, tình cảm nồng nàn say đắm, theo yêu cầu của Kim Trọng, Thúy Kiều đã so dây dạo đàn. Thật hạnh phúc! Nàng đã dồn hết tâm lực, cảm xúc và tài năng vào từng nét nhạc. Nguyễn Du đã dành 34 câu thơ viết về lần đàn đầu tiên này. Ông đã tìm đến sự tương giao giữa ngôn ngữ thơ và ngôn ngữ âm nhạc. Ngôn từ dưới ngòi bút thi nhân đã làm nên những vần thơ hay bậc nhất về tiếng đàn của giai nhân trong văn học trung đại Việt Nam. Với cây đàn bốn dây, thanh âm như biến hóa, khi mạnh mẽ dồn dập, khi dìu dặt lôi cuốn, khi đằm thắm luyến lưu, khi êm dịu như mây trôi nước chảy…
 
Âm nhạc có khả năng tái tạo âm thanh cuộc sống, có khả năng diễn tả những bức tranh, những nội dung hiện thực, tạo sự liên tưởng cho người thưởng thức. Kim Trọng nghe Kiều đánh đàn, chàng cảm nhận một cách tinh tế những bản đàn đang ngân nga vừa réo rắt tiêu tao, vừa nỉ non thánh thót. Từ khúc Hán Sở chiến trường đến khúc Phượng cầu hoàng, này khúc Quảng Lăng rồi khúc Chiêu Quân. Nhưng không khúc nhạc nào biểu hiện nỗi lòng, cảm xúc hay lời tỏ bày của thiếu nữ đang yêu. Thúy Kiều đàn hay tài giỏi. Nhưng người yêu của nàng nghe cung đàn lại buồn bã. Hòa nhịp điệu tâm hồn với người chơi đàn, chàng Kim nghe đàn thấy gan ruột rối đau, thấy như “ngậm đắng nuốt cay”, sầu ngơ ngẩn. Chàng hỏi mà cũng như trách, như can ngăn: Làm sao phải chọn bản đàn khiến lòng người rầu rĩ, bối rối như vậy?
 
Hiểu nỗi niềm của bạn tri âm, Thúy Kiều đã biện minh:
 
Rằng: Quen mất nết đi rồi,
 
Tẻ vui âu cũng tính trời biết sao!
 
Lời vàng vâng lĩnh ý cao,
 
Họa dần dần bớt chút nào được không.
 
Nàng tự nhận mình đã đánh đàn theo bản tính, đã chọn cung đàn theo ý niệm mệnh bạc. Giờ đây, Kiều đang hạnh phúc, đang vui vẻ bên người yêu. Khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp được ái tình tiếp thêm sức mạnh khiến nàng muốn sửa thói quen, muốn bỏ đi những khúc nhạc buồn. Tiếp nhận lời chàng Kim, cô gái họ Vương muốn chiều lòng người tình. Và có lẽ, tự thâm tâm, nàng cũng muốn thay đổi số phận; muốn hóa giải lời dự báo đáng sợ của người thầy tướng năm xưa.
 
Nghiệt ngã thay, trăng thề còn đó mà đôi lứa đã biệt li. Kim Trọng phải về quê hộ tang chú. Gia đình Vương ông bỗng gặp tai họa. Trước cơn gia biến, Thúy Kiều đã quyết đinh bán mình chuộc cha. Kẻ mua nàng là Mã Giám sinh. Sau khi ngắm nhan sắc Kiều, y đã ép nàng đánh đàn, làm thơ để định giá bán mua. Danh nghĩa Kiều được mua làm vợ thiếp nhưng thực chất lại sa bẫy bọn buôn người. Rời nhà ra đi, bị tên lưu manh họ Mã cướp đoạt sự trinh trắng, bị Sở Khanh lừa, Thúy Kiều bị Tú Bà ép làm gái thanh lâu. Nàng đã quyên sinh. Muốn chết mà không chết được, lại bị dìm vào vũng bùn nhơ, Kiều đã đau đớn và tuyệt vọng khẩn cầu:
 
Thân lươn bao quản lấm đầu,
                                        
Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa.
 
Trước kia, trong đêm tình tự với Kim Trọng, Kiều đã từng can ngăn chàng không vì quá yêu mà sàm sỡ đi quá giới hạn. Giờ đây, nàng lại thề từ bỏ sự trinh tiết. Đối với người con gái coi trọng phẩm hạnh như Thúy Kiều, đây là bi kịch. Sự đồng cảm sâu sắc của thi hào họ Nguyễn đã đặt vào câu thơ sự đay nghiến số phận và nỗi chua chát. Lạc loài giữa lầu xanh của Tú Bà, Kiều phải đem nhan sắc, tài thơ, tài đàn, đem thân xác mua vui cho khách làng chơi để mụ chủ kiếm tiền. Nỗi đau đớn vô hạn luôn vò xé tâm can nàng.
 
Trong những khách đến lầu Tú Bà, Thúc sinh yêu Kiều đến si mê. Trước còn là khách trăng gió, sau thành gắn bó. Chàng Thúc đã chuộc Kiều ra khỏi lầu xanh và cưới làm vợ. Với Kiều, khát vọng được giải thoát khỏi chốn bùn nhơ có cơ hội được thực hiện. Để không phải quay lại nhà chứa của mụ Tú, nàng chấp nhận hình phạt của quan phủ. Nàng tự nguyện chịu phận lẽ mọn để được hoàn lương. Làm vợ Thúc sinh, Kiều luôn nghĩ đến Hoạn Thư, luôn mong muốn được vợ cả chấp nhận, muốn có gia đình trong ấm ngoài êm. Nhưng lỗi lầm là do chàng Thúc sợ uy vợ mà dấu diếm, khiến Hoạn Thư bất bình nổi giận.
 
Mưu sâu kế hiểm, Hoạn Thư đã bắt cóc Kiều về làm con hầu, đặt tên là Hoa nô. Còn Thúc sinh lại tưởng rằng Kiều đã chết. Nhớ cảnh gia hương, chàng về thăm nhà, tiểu thư họ Hoạn mở tiệc đãi chồng, bắt Kiều – với danh phận con hầu, phải quỳ tận mặt, nâng chén mời tận tay ông chủ. Cuộc rượu tẩy trần thật là một màn bi kịch. Hoạn Thư cười nói giả tỉnh giả say sai bảo, quát mắng. Thúy Kiều sợ uy khép nép vâng lời mà nước mắt chứa chan. Còn chàng Thúc tan nát cõi lòng, lại sợ Kiều bị đánh đòn, nên “Chén mời phải ngậm bồ hòn ráo ngay”. Vẫn chưa hả dạ, Hoạn Thư lại bắt Thúy Kiều đánh đàn cho nghe. Với con gái quan Lại bộ, đây là trò chơi khác trong chương trình trả thù. Tài năng của cô gái họ Vương đã biến thành phương tiện để người đàn bà cay nghiệt hành hạ, làm nhục. Không thể nương thân chốn “hang hùm nọc rắn”, Thúy Kiều trốn khỏi nhà Hoạn Thư. Nàng lại bị Bạc Bà, Bạc Hạnh lừa bán vào lầu xanh.
 
Bỗng đâu Từ Hải xuất hiện. Từ đến với Kiều để tìm người tri âm tri kỉ. Trai anh hùng yêu gái thuyền quyên. Từ Hải đón Kiều ra khỏi lầu xanh với nghi thức oai nghiêm sang trọng, đưa nàng lên địạ vị phu nhân Đại vương “một cõi biên thùy”. Muốn Kiều được thanh lọc quá khứ đắng cay, Từ Hải để nàng tự mình báo ân báo oán. Làm vợ Từ, Thúy Kiều được chàng dành trọn sự trân trọng, tình nghĩa. Lời hứa đưa nàng đoàn tụ với gia đình, gần gũi với cha mẹ là tâm nguyện lớn nhất trong cuộc đời làm chồng của Từ. Làm vợ Từ Hải, Kiều lại không một lần đánh đàn, dù không phải là cung đàn bạc mệnh. Giờ đây, cuộc sống của Kiều bên Từ công thật sự hạnh phúc, trọn vẹn và tươi sáng.
 
Vậy mà, tin Hồ Tôn Hiến – quan Tổng đốc trọng thần, Thúy Kiều khuyên Từ Hải ra hàng. Người đàn bà khao khát trở về cố hương ấy không lường trước sự man trá, phản trắc của Hồ Tổng đốc, của triều đình đã vô tình tiếp tay cho chúng giết hại Từ Hải. Anh hùng sa cơ, Từ công chết đứng giữa trận tiền “trong vòng tên đá bời bời”. Đất trời như sụp đổ. Kiều khóc vì đau đớn, vì ân hận, vì uất ức. Nước mắt như chảy thành suối thành sông. Thế nhưng trong tiệc mừng công, Hồ Tôn Hiến lại bắt nàng hầu rượu, dở say lại ép nàng đánh đàn. Y quả là tên táng tận lương tâm. Người vợ bất hạnh vừa mang tang chồng vừa phải hầu rượu, vừa phải đem tài đàn mua vui cho kẻ vừa giết chồng mình. Nỗi đau thương, nhục nhã bị đẩy đến tận cùng của giới hạn chịu đựng. Thân phận Thúy Kiều ngày càng đau khổ bế tắc, tiếng đàn ngày càng thê lương  sầu thảm. Tài hoa đã đẩy người con gái họ Vương vào “địa ngục trần gian”. Cung đàn bạc mệnh là một biểu tượng của số phận nhân vật.
 
 2. Cung đàn bạc mệnh – tấm lòng nhân ái thiết tha
     
Mở đầu tác phẩm, Nguyễn Du viết:
 
Trăm năm trong cõi người ta,
 
Chữ tài, chữ mệnh khéo là ghét nhau,
 
Trải qua một cuộc bể dâu,
 
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
 
Lạ gì bỉ sắc tư phong,
 
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen. 
 
Cảo thơm lần giở trước đèn,
 
Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.                          
                                  
Trước hết, về sáu câu đầu. Tác giả muốn nói: viết Truyện Kiều ông không chỉ dừng lại ở câu chuyện về số phận một con người mà là chuyện cõi thế nhân sinh, kiếp người nói chung. Chiều sâu nhận thức triết học trong tác phẩm là những luận thuyết mang tính siêu hình được biểu hiện bằng những khái niệm Nho gia: “tài”, “mệnh”, “bỉ sắc tư phong”. Nhưng cảm hứng sáng tác của thi nhân là hướng ngòi bút vào hiện thực xã hội và phản ánh, lí giải bằng tiếng nói một trái tim đầy xúc cảm. Hai câu cuối, Nguyễn Du giới thiệu về nguồn gốc đề tài, cốt truyện. Điều này phù hợp với đặc điểm và quy luật phát triển của văn học trung đại. Tiếp nhận Kim Vân Kiều truyện, theo Nguyễn Đăng Na, Nguyễn Du “nhận thấy cốt truyện và đề tài của Thanh Tâm Tài Nhân có cái gì đó đồng điệu với sự trải nghiệm của cuộc đời, của thời đại và của dân tộc mình. Cho dù sự đồng điệu ấy chỉ là một sự cảm nhận mơ hồ hoặc phải thông qua trường liên tưởng xa xôi nào đó(1). Như vậy, Nguyễn Du vay mượn từ Kim Vân Kiều truyện đề tài, cốt truyện, tình tiết sự kiện nhưng tạo dựng nên Truyện Kiều để viết về “những điều trông thấy” biến động theo cuộc bể dâu làm mình “đau đớn lòng”.
 
Trong khuôn khổ bài viết này, chỉ nói về những trang, những dòng thơ Nguyễn Du viết về chuyện Thúy Kiều đánh đàn cũng thấy rõ nỗi xót thương vô hạn của thi nhân trước nỗi khổ đau của con người.
 
Nguyễn Du đã bốn lần kể và tả về Thúy Kiều đánh đàn trong nhiều câu thơ. Tiếng đàn, bản đàn của nàng luôn mang âm điệu bi thương. Nhưng hai lần Kiều đánh đàn là cảnh hết sức thê thảm, tiếng đàn thực sự là tiếng kêu thương bởi người đàn đang ở trong cảnh ngộ, tâm trang bi kịch. Cả hai lần Kiều đều phải cúi đầu khóc trong đau khổ mà đàn cho kẻ hành hạ mình, chà đạp mình nghe.
 
Lần đánh đàn theo yêu cầu của Hoạn Thư để mua vui trong tiệc rượu đón Thúc sinh, Thúy Kiều bị buộc vào cảnh ngộ éo le. Kiều phải làm theo yêu cầu của người đàn bà chung chồng đã biến nàng và chàng Thúc – vốn là phu thê, thành ra con hầu và ông chủ.
 
Thanh Tâm tài nhân viết việc này trong bốn trang văn xuôi, tả rõ từng chi tiết của màn bi hài kịch, tâm trạng và suy tư, hành động, lời nói mỗi lúc của từng người trong cuộc(2). Hoạn Thư sai Thúy Kiều đánh đàn, dặn phải chọn khúc thật hay. Kiều vừa mời rượu vừa nói “Hoa nô xin dạo khúc đàn giúp vui”. Rồi nàng vừa đàn vừa oán hận, đau đớn khóc. Đàn khúc thứ nhất âm thanh như gió thảm mưa sầu, lời than cho cảnh ngộ gồm 20 câu. Thúc sinh cũng khóc nhưng sợ mụ vợ biết liền tựa gối ngủ, khiến Hoạn Thư mắng và đe dọa đánh Kiều. Chàng Thúc vội vã cất đầu dậy nói: “Tôi có ngủ đâu. Nghe tiếng đàn, tựa ghế ngẫm nghĩ sự lí đấy thôi”. Thúy Kiều “rưng rung nước mắt, đưa nghiêng ngón tay búp măng nắn nót, lại gẩy khúc đàn nữa”, lời ca (gồm 6 câu) hướng tới ý nguyện buông xuôi, phó mặc cho số phận. Có lẽ, nàng Kiều của Thanh Tâm tài nhân thường vừa đàn vừa hát, nàng nhiều lần soạn lời ca rồi phả vào hồ cầm. Lần này cung đàn bạc mệnh cũng được thể hiện trên nội dung lời soạn mang cảm khái hưng suy. Vợ chồng Hoạn Thư uống rượu để thưởng thức. Thúy Kiều đàn xong, Thúc sinh rồi Hoạn Thư kết tiếp nhau khen tài đàn của nàng: “Vời vợi như non cao, mênh mông nhường nước chảy, tiếng đàn hay quá”, “tiếng đàn nghe du dương uyển chuyển, quả là nghề tuyệt diệu”. Mưu kế thâm độc của Hoạn Thư không phải chỉ được kể bằng sự kiện, sự tính toán của chính kẻ chủ mưu, mà còn được hiển hiện trong nhiều lần oán thầm của Kiều. Màn kịch gây sự hấp dẫn người đọc, nhưng mang một thái độ khách quan lạnh lùng. Có thương Kiều mà không đủ tình, lại nổi lên hàm ý trách cứ, diễu cợt Thúc sinh bối rối, nhu nhược.
 
Ở Truyện Kiều, Nguyễn Du đã viết trong 24 câu thơ, cuộc đàn là một bi kịch chứa chất nỗi đau thương. Chỉ có một mình Hoạn Thư sai bảo, thét mắng Thúy Kiều. Ngôn ngữ nhân vật được viết với 5 câu thơ. Cặp đôi Kiều – Thúc là hai nạn nhân cũng thành hai tội nhân bị hành hạ đến điều. Thúy Kiều như ngây dại, thân xác đau đớn, tinh thần rã rời, gửi nỗi xót xa, cay đắng trong tiếng đàn. Thanh âm từ cây đàn làm lòng Thúc sinh tan nát, lúc gạt thầm nước mắt, lúc gượng nói gượng cười. Đôi lứa đang độ yêu đương mà giáp mặt chẳng dám nhìn, đau đớn không thể nói ra. Thật đáng thương! Nguyễn Du không tả nhiều về tiếng đàn, vẻn vẹn chỉ một câu “Bốn dây như khóc như than”. Cây đàn bốn dây cũng trải bi kịch, cũng đau đớn, xót xa, tiếng đàn đã trở thành tiếng khóc than. Dường như, thi nhân muốn hướng ngòi bút đến nỗi lòng của hai con người đang phải âm thầm, nhẫn nhục chịu đau khổ mà không thể ngăn dòng nước mắt. Trong đoạn thơ có số lượng lớn những từ chỉ tâm trạng bi thương của con người: tán hoán đê mê, như khóc như than, tan nát lòng, khóc thầm, giọt châu lã chã, gạt thầm giọt Tương, khúc đoạn trường, buồn bã, thảm thiết bồi hồi, gượng nói gượng cười, gan héo ruột đầy, cay đắng lòng. Nó chứa đầy nỗi cảm thông, xót xa cho những thân phận bất hạnh trong cảnh ngộ éo le, oan nghiệt.
 
Lần Hồ Tôn Hiến ép Thúy Kiều đánh đàn, Kim Vân Kiều truyện viết 24 dòng văn(3). Sau hại chết Từ Hải, Đốc phủ Hồ Tôn Hiến truyền đặt tiệc để mừng công. “Rượu ngà say, Hồ công nói với các tướng: “Ta nghe Vương Thúy Kiều thạo hồ cầm, giỏi tân thanh. Ngày nay mừng công, nên để nàng gẩy đàn hầu rượu giúp thêm cuộc vui cho bữa tiệc”. Các tướng đều đồng ý. Đốc phủ liền cho vời Thúy Kiều đến, bảo ngồi đánh đàn giúp vui. Kiều bị bức đánh đàn, trong lòng đau đớn, bèn gảy khúc đàn Bạc mệnh do mình soạn trước kia. Tiếng đàn như nghẹn ngào, thổn thức, khiến cho người nghe trong bữa tiệc đều thấy buồn bã. Thúy Kiều đàn xong, Đốc phủ hỏi: “Khúc đàn gì mà khiến người nghe thê thảm vậy?”. Nàng nói: “Đó là khúc Oán mệnh bạc do tôi tự soạn hồi còn thơ ấu. Nay sự việc xảy đến, quả ứng với lời thuở xưa ấy. Nhìn ngày nay mà nhớ ngày xưa, việc đời thịnh suy ngờ đâu đến thế nên lòng này lại càng đau đớn bồi hồi”. Thanh Tâm không viết về thái độ của Hồ Tôn Hiến, cũng không viết Hồ có khóc hay không. Đoạn văn không dài nhưng đã kể đủ việc, đủ cho cảnh ngộ nhưng ít sắc thái bi thương.
 
Nguyễn Du viết về lần đàn này của Thúy Kiều trong 16 câu thơ. Một lần nữa tài đàn của Kiều lại đẩy nàng đến cảnh ngộ thương tâm. Nỗi đau đớn của Kiều đã lên đến tột đỉnh. Ông trực tiếp tả tiếng đàn, bản đàn ấy trong ba câu:
 
Một cung gió thảm mưa sầu,
 
Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay.
 
Ve ngâm vượn hót nào tày…
                                 
Tiếng đàn là thanh âm thê lương của vũ trụ, là tiếng kêu thương của sinh vật.
 
Không phải ngẫu nhiên Nguyễn Du chọn hai loài vật (loài vượn, loài ve) gắn với tích của tiếng kêu thương để so sánh với thanh âm tiếng đàn. Theo sách Thế thuyết tân ngữ của Lưu Nghĩa Khánh, người nước Tống thời Nam triều: Khi Hoàn Công và nước Thục, đi tới vùng Tam Hiệp, trong bộ ngũ của ông có người bắt một chú vượn con đem xuống thuyền chở đi. Vượn mẹ men theo bờ suối đuổi theo thuyền, kêu gào thảm thiết, đi tới hơn trăm dặm không dời, bèn nhảy xuống thuyền rồi lăn ra chết. Người ta đem mổ bụng thi thấy ruột vượn mẹ bị đứt thành từng khúc, từng khúc. Hoàn Công biết chuyện, bèn đuổi kẻ đã bắt vượn con. Sau, người ta dùng Đoạn trường viên làm điển, nói tình yêu quý con mà đau thương đến cực độ (4).
 
Thi nhân muốn nói rằng không có nỗi đau khổ nào lớn hơn được nỗi đau khổ của Kiều lúc này. Gió mưa vốn là hiện tượng tự nhiên trong vũ trụ, cũng từng trở thành tượng trưng cho tai họa. Là gió là mưa cũng là tiếng gào thét dữ dội thê lương. Ở đây, trước nỗi đau của Kiều trời đất cũng chuyển vần. Cung đàn bạc mệnh là nỗi lòng của người đàn bà bất hạnh cũng chứa cả nỗi thảm sầu của thiên nhiên. Nó kết tinh lại trong hình tượng: “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”, mang niềm thương cảm vô hạn của Nguyễn Du. Lần này, phải hầu đàn cho kẻ đã giết chồng mình, trái tim Kiều tan vỡ. Những dây đàn đẫm máu từ năm đầu ngón tay của Kiều được cảm nhận, được viết do tâm huyết của tác giả trào ra từ ngọn bút. Hình tượng bi thương ấy không thể phai mờ trong tâm trí người đọc. Và chính nỗi đau bất tận gửi trong tiếng đàn oán sầu của Kiều làm cho Hồ Tôn Hiến phải “nhăn mày rơi châu”. Nguyễn Du đã khiến trái tim tàn nhẫn, đen lạnh của quan Tổng đốc không thể ngủ yên. Đoạn thơ cũng được viết với nhiều từ chỉ tâm trạng sầu hận, đau khổ của con người: “gió thảm mưa sầu, bốn dây nhỏ máu, ve ngâm vượn hót, nhăn mày rơi châu, muôn oán nghìn sầu, bạc mệnh”.
 
Bản đàn kết thúc, nỗi thương xót của Nguyễn Du một lần nữa được đặt vào lời của Thúy Kiều. Mang nỗi đau chồng thác oan, tự thương cho “chút phận lạc loài”, mảnh “hơi tàn”, xót xa cho kiếp “cánh hoa tàn”, Thúy Kiều xin Hồ Tôn Hiến cho được trở về quê nhà. Vậy mà, sau khi tỉnh rượu, Hồ công lại gán nàng cho người thổ quan. Trong chuỗi dài những bi kịch của đời Kiều, đây là bi kịch lớn nhất. Giọt nước đã tràn ly. Đau đớn, bế tắc, người đàn bà tuyệt vọng ấy “đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang” nguyện kết thúc kiếp đoạn trường. Nguyễn Du đã phải kêu lên:
 
Thương thay cũng một kiếp người.
 
Nhưng như là một tiền định “nhẹ nhàng nợ trước, đền bồi duyên sau”, Kiều được cứu sống và đoàn tụ với gia đình. Tái hợp với Kim Trọng, nàng lại cự tuyệt cuộc sống ái ân vợ chồng. Đôi lứa mãi là tình nhân, là bạn bè, khi chén rượu câu thơ, lúc ngắm hoa đón trăng. Thương nết say tình, Kim Trọng lại yêu cầu Kiều đánh đàn. Nể lòng cố nhân, nàng lại lựa phím so dây. Hạnh phúc được đoàn tụ sau nhiều năm “đáy bể mò kim” khiến chàng Kim thấy nét nhạc đầm ấm, êm ái như vạn vật tương giao, lung linh ánh sáng. Hết bản đàn, chàng chia sẻ: thanh âm là tiếng của trạng thái tâm hồn, nay vận khổ qua rồi, hạnh phúc ngọt ngào đang tới! Nhưng Kiều đã phản tỉnh một cách thấm thía: tài đàn của nàng là căn nguyên những nỗi đoạn trường. Trải một đời “oan khổ lưu li”, cây đàn cùng nàng rơi vào biết bao nhiêu thảm kịch. Những bản đàn trong cuộc đời lưu lạc không thay đổi được giai điệu mà còn chìm đắm sâu trong đau khổ, trong khúc đoạn trường. Lần này, Thúy Kiều lại đánh đàn sau một cuộc đối thoại dài với nhiều lời nặng nề, chua xót, có lẽ tâm trạng của nàng không thật vui vẻ, thanh thản.
 
Hai lần đàn cho Kim Trọng nghe, những bản đàn của Kiểu được đón nhận trân trọng bằng sự giao cảm của bạn tri âm. Nhưng Thúy Kiều ngày xưa, nồng nàn một ước mơ yêu đương hạnh phúc. Cây đàn và thanh âm của nó gắn với lần hò hẹn, thề nguyện, gắn với tình yêu đầu đời, tuy có chút vị sầu thương. Vì cơn gia biến, Kiều phải chia lìa với người yêu, trao gửi duyên phận cùng kỉ vật tình yêu cho em gái. Đoạn này trong Truyện Kiều, Nguyễn Du viết:
 
Mất người còn chút của tin, 
 
Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.
 
Mai sau dầu có bao giờ,
 
Đốt lò hương ấy so tơ phím này.
 
Trông ra ngọn cỏ lá cây, 
 
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
 
Hồn còn mang nặng lời thề,
 
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai. 
 
Dạ đài cách mặt khuất lời…
                              
Trong ý niệm tuyệt mệnh, nàng cũng không thể xa rời cây đàn. Kiều đã hình dung thanh âm của nó là sức mạnh tình yêu ẩn chứa khát vọng trở về của mình, dù cho chỉ là mong manh. Sau mười lăm năm, lần đàn ấy chỉ còn là một hồi ức xa xăm.
 
Nay trở về bên người thân, bên người tình cũ, nàng lại bị cầm tù bởi chữ Trinh. Nguyễn Du cũng muốn thấy Thúy Kiều đã thoát kiếp đoạn trường. Nhưng tấm lòng thi nhân lại đồng cảm với chiều sâu một tâm trạng bi kịch của người đàn bà nhiều năm tháng quằn quại trong vũng lầy. Thúy Kiều ngày đoàn viên âm thầm mặc cảm một nỗi thương thân, tủi hổ. Bởi chẳng có cách nào cho nàng thanh lọc được quá khứ. Mệt mỏi và xót xa, Kiều đã chọn cách tự giải thoát khỏi kiếp nạn, mong được bình yên. Kết thúc bản đàn, nàng tuyên bố cuốn dây từ bỏ cây hồ cầm và những bản đàn với khúc đoạn trường.
 
Như vậy, hai lần Kiều đàn cho Kim Trọng nghe đều không phải là bản tình ca dành cho đôi lứa yêu nhau mà luôn là bản đàn chứa chất những nỗi niềm. Lần đầu trong buổi hội ngộ, tiếng đàn chứa chất tâm trạng hoang mang, lo lắng bởi dự cảm về một tương lai bất định. Lần cuối trong đêm tái hợp, lại là nỗi chua xót, buồn thấm thía vì một quá khứ cay đắng của sự bất hạnh mà chỉ “một mình mình biết, một mình mình hay”. Đúng như Phạm Quý Thích đã viết trong Đoạn trường tân thanh đề từ:  “Bạc mệnh cầm chung oán hận trường”(5).
 
Những lần khác Kiều đánh đàn là bị hành hạ, làm nhục, mỗi bản đàn là một tiếng kêu thương. Tài hoa vốn được coi là giá trị trời cho nhưng với Kiều, nghệ thuật và cây đàn bốn dây chỉ khiến nàng đau đớn, xót xa. Gần suốt cuộc đời, cung đàn Bạc mệnh luôn buộc với Thúy Kiều như một thứ định mệnh, trở thành biểu tượng cho một số phận tài hoa mà bi kịch.
 
 Kết luận:
 
Trong thiên “tiểu thuyết bằng thơ” về cuộc đời một thiếu nữ tài hoa bạc mệnh, từng chặng đường, từng cảnh ngộ, từng nỗi đau của nhân vật đều được viết với sức cảm thông của Đại thi hào có “con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời”(6). Ở Truyện Kiều, số câu thơ viết về chuyện Kiều đánh đàn, liên quan đến Kiều và cây đàn, bản đàn Bạc mệnh chiếm số lượng câu thơ không quá lớn (136 câu/3254 câu, chiếm 1/24 tổng số câu toàn tác phẩm). Nhưng với những nét đặc sắc về nghệ thuật biểu hiện, với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, Cung đàn bạc mệnh trong Truyện Kiều là một hình tượng có ý nghĩa kết tinh chủ đề tác phẩm, là hình tượng kết tinh tài năng nghệ thuật của Nguyễn Du. Hơn hết, là nỗi đau thương vô hạn của thi nhân trước số phận con người.
 
Chú thích:
 
   (*) Tham luận đã được trình bày tại Hội thảo quốc tế Kỉ niệm 250 năm sinh đại thi hào Nguyễn Du (1765 – 2015): Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du: di sản và các giá trị xuyên thời đại, tổ chức tại Hà Nội ngày 8 tháng 8 năm 2015; in trong Di sản văn chương đại thi hào Nguyễn Du – 250 năm nhìn lại, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2015.
 
1,4/  Nguyễn Đăng Na:  Con đường giải mã văn học trung đại Việt Nam. Nxb. Giáo dục, H., 2006, tr.261-262, tr.272.
 
2,3/ Thanh Tâm tài nhân: Kim Vân Kiều truyện, Nxb Đại học Sư phạm, 2008, tr. 237-240, tr 325-326.     
      
 5,6/ Nguyễn Du về tác giả và tác phẩm. Nxb Giáo dục, 1998, tr.939, tr.169.
 
Theo GS.TS Ahn Kyong Hwan, PGS.TS. Đinh Thị Khang/nguvan.hnue.edu.vn
       ­­­­­­­­­­­    
           
 

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website