nguyendu.com.vn
Loading...

Có bao nhiêu con phố ở Hà Nội từng được mang tên Đại thi hào Nguyễn Du???


Lịch sử hình thành và đặt tên phố Nguyễn Du thời Pháp thuộc có những điểm thú vị mà ngày nay người ta vẫn còn có thể tìm thấy trong tài liệu lưu trữ đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I.
 
 
Phố Nguyễn Du ngày nay (Ảnh sưu tầm)
 
Vào giai đoạn từ 1889 đến 1920, lần đầu tiên, chính quyền thuộc địa đã thể chế hóa các quy chuẩn đối với đường, phố, bao gồm cả các khu phố cũ và khu phố mới. Chiều dài, chiều rộng của các phố mới và cũ của Hà Nội được quy định chi tiết, những con đường mới mở bắt buộc phải theo chỉ giới đường được thông qua bởi nghị định của các cấp có thẩm quyền.
 
Theo quy định của chính quyền thuộc địa, các đường phố mới mở sẽ được đánh số theo thứ tự, rồi sau đó mới được đặt tên. Thí dụ:
 
- Đường số 68 được đặt tên là phố Riquier vào năm 1919[1].
 
- Đường số 168 được đặt tên là phố Dufourcg vào năm 1929[2]. Đường này nằm giữa phố Bovet (phố Yết Kiêu) kéo dài và phố Delorme (phố Trần Bình Trọng) kéo dài.
 
- Đường số 172 được đặt tên là phố Charles Halais vào năm 1931[3]. Đường này nằm giữa phố Delorme (phố Trần Bình Trọng) kéo dài và đại lộ Jauréguiberry (phố Quang Trung).
 
Cả ba con đường này đều là đất của bốn thôn thuộc huyện Thọ Xương cũ.
 
Thời gian đầu, việc đặt tên phố phải được thông qua bằng nghị định của Toàn quyền Đông Dương nhưng sau đó thì dần dần được thể chế hóa và được tiến hành theo một nguyên tắc thống nhất. Trước tiên, Hội đồng thành phố (HĐTP) họp để thông qua việc đặt tên phố, sau đó trình biên bản cuộc họp kèm công văn đề nghị của Đốc lý Hà Nội lên Phủ Thống sứ Bắc Kỳ; phòng 1 thuộc Phủ Thống sứ Bắc Kỳ là nơi tiếp nhận và giải quyết công văn của HĐTP về việc đặt (hoặc đổi tên) các đường phố, cho ý kiến vào công văn rồi trình lên Phủ Toàn quyền Đông Dương. Căn cứ vào hồ sơ xin đặt (hoặc đổi tên) các phố do HĐTP trình lên qua đơn vị trung gian là Phủ Thống sứ Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương sẽ ra nghị định đặt (hoặc đổi) tên các đường phố đó. Từ sau 1920, tuy không thường xuyên nhưng Hội Bảo vệ ký ức Pháp ở Bắc Kỳ cũng có lúc tham gia vào việc đặt và đổi tên phố ở Hà Nội.
 
Các tiêu chí xét duyệt việc lựa chọn tên để đặt cho các đường phố Hà Nội của chính quyền thuộc địa gồm:
 
+ Tên các sĩ quan các cấp trong quân đội Pháp đã có nhiều công trong công cuộc “bình định” xứ Bắc Kỳ, thí dụ: lấy tên của Maréchal Joffre để đặt cho rue de l’Est (nay là phố Lý Nam Đế), vì những “chiến tích” của ông ta trong các hoạt động quân sự tại Hà Nội, Hưng Hóa, Sơn Tây, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa...
 
+ Tên của các nhà hoạt động chính trị Pháp đã giữ những chức vụ quan trọng trong hệ thống chính quyền thực dân tại Đông Dương, thí dụ tên của Toàn quyền Van Vollenhoven được đặt cho đại lộ Nationale (nay là phố Chu Văn An), tên của các Thống sứ Bắc Kỳ Fourès thay cho phố Intendance (nay là phố Đinh Lễ), Broni thay cho phố Tiên-Tsin (nay là phố Hàng Gà)…
 
+ Tên của các danh nhân văn hóa Pháp và Việt, thí dụ: đường số 53 là đường đầu tiên được đặt tên là phố Victor Hugo (sau đổi thành đại lộ Pasquier và nay là phố Hoàng Diệu), theo nghị định ngày 29-8-1902 của quyền Toàn quyền Đông Dương.
 
Tên của đại thi hào người Việt Nguyễn Du lần đầu được đặt cho đường số 20[4] nằm giữa đường số 19[5] và phố O’Dendhal[6] là những con đường nằm quanh khu phố cổ của Hà Nội và được mở trong giai đoạn II của quá trình quy hoạch Thành phố Hà Nội (từ 1889 đến 1920), khi mà ranh giới ban đầu của Thành phố đã được ấn định lại bằng Nghị định ngày 15-11-1889 của Thống sứ Bắc Kỳ Brière (giai đoạn I chỉ có 10 phố được mở).
 
Hoa sữa, mùi thơm đặc trưng từ hàng cây được trồng từ thời Pháp thuộc của phố Nguyễn Du (Ảnh sưu tầm)
 
Quyết định lấy tên Nguyễn Du để đặt cho đường số 20, đoạn giữa đường số 19 và phố O’Dendhal (phố Đinh Liệt) được thống nhất trong phiên họp thường kỳ ngày 25-2-1928 của HĐTP[7]Đây là lần đầu tiên có một con phố được mang tên của đại thi hào Nguyễn Du.
 
Nhưng đến năm 1943, việc lấy tên Nguyễn Du để đặt cho một đường mới mở của Thành phố lại được đem ra thảo luận tại phiên họp thường kỳ của HĐTP ngày 25-2-1943 dưới sự chủ tọa của Đốc lý Hà Nội là H. Guiriec.
 
Tại phiên họp này, thư ký cuộc họp đã đọc báo cáo về lý do thay đổi tên phố đó như sau:
 
Tên của nhà thơ lớn người Việt Nam là Nguyễn Du đã được đặt cho một con đường của Hà Nội mà ngày nay lại là một con đường xuống cấp nhất, bẩn thỉu nhất, qua một cái ngõ hôi thối, nối liền phố O’Dendhal (phố Đinh Liệt) đến rue de la Soie (phố Hàng Đào), trải dài đến tận phố Tirant (phố Gia Ngư).
 
Đương nhiên người ta có thể dọn dẹp cái ngõ này, và đó là việc phải làm ngay, không được chậm trễ. Tuy nhiên, dù có được dọn dẹp thì phố đó cũng không bao giờ xứng đáng được mang tên Nguyễn Du.
 
Điều cần thiết, tôi cho rằng thích hợp, là phải tưởng nhớ đến nhà thơ này bằng cách lấy tên Ông đặt cho một đường lớn hoặc một đại lộ khác của Thành phố Hà Nội. Đấy là điều mà dân chúng người Việt mong muốn và nhà thơ cũng xứng đáng được như vậy[8].
 
Tất cả các uỷ viên có mặt tại phiên họp này đã bỏ phiếu nhất trí tán thành quyết định của HĐTP. Và ngày 1-4-1943, theo Nghị định số 2359 của Toàn quyền Đông Dương Decoux, tên của nhà đại thi hào Nguyễn Du đã được đặt cho đường số 202 (mở trước năm 1928), là con đường nối liền phố Huế với Route Mandarine (đường Cái Quan - nay là một đoạn đường Lê Duẩn). Đây chính là con phố thứ hai được mang tên của đại thi hào Nguyễn Du. Còn phố Nguyễn Du cũ (được đặt tên trong lần đầu tiên vào năm 1928) thì sáp nhập với phố Tirant (phố Gia Ngư ngày nay). Tài liệu này bác bỏ lập luận của một nhà báo viết về việc đặt tên phố ở Hà Nội cho rằng “vì mục đích chính trị” nên mãi đến năm 1931, chính phủ bảo hộ mới đồng ý lấy tên các anh hùng dân tộc để đặt tên phố ở Hà NộiTrường hợp phố Nguyễn Du, nhà báo viết: “Còn thi hào Nguyễn Du thì họ đặt cho một ngõ nhỏ từ Hàng Đào ăn sang Tạ Hiện (nay là Gia Ngư) ngập ngụa xú uế” [9].
 
Có lẽ vì không tiếp cận với tài liệu lưu trữ nên nhà báo đã ngộ nhận viết theo cảm tính của mình mà không thận trọng suy xét theo logic thông thường để nhận thấy, bản thân những con phố mới mở không thể “ngập ngụa xú uế”. Những con phố đó trở nên mất vệ sinh như thế vì cư dân sống tại đây đã không có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
 
Lần thứ ba và là lần cuối cùng tên của nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam - đại thi hào Nguyễn Du được mang ra đặt cho  một con phố ở Hà Nội là vào ngày 1-12-1945. Đó là ba phố Riquier, Charles Halais và Dufourcq (đã nêu ở phần đầu) được gộp thành phố Nguyễn Du ngày nay, theo danh sách tên phố cũ đổi sang tên mới được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng duyệt y[10]. Con phố này dài 1.060m, rộng 10m, kéo dài từ phố Huế đến đường Lê Duẩn, cắt ngang qua các phố Bà Triệu, Quang Trung, Trần Bình Trọng, Yết Kiêu rồi chạy dọc theo bờ bắc hồ Thiền Quang. Đây nguyên là đất của bốn phường thôn cũ của huyện Thọ Xương.
 
Còn phố Nguyễn Du cũ (tức đường 202) thì được gộp với đường số 222 và 164 trở thành đường Đại Cồ Việt ngày nay[11]. Các con đường này vốn là một đoạn của bức tường phía nam của tòa thành đất vòng giữa bao bọc phần đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa (La Thành).
 
 
[1] Bulletin municipale de Hanoï (BMHN), 1919, N4, p. 322-324.
[2] Fonds de la Résidence supérieure au Tonkin (RST), hs: 79013
[3] BMHN, 1928, N3, p. 171-173.
[4] Đường số 20 được mở trước 1890 trên đất của huyện Thọ Xương cũ, năm 1928 được đặt tên là phố Hillaret, năm 1945 đổi thành ngõ Bạch Thái Bưởi, năm 1949 đổi thành phố Bạch Thái Bưởi, nay là ngõ Nguyễn Hữu Huân.
[5] Đường số 19 (vốn là rue Balances prolongée – phố Hàng Cân kéo dài, được mở trước 1928), đến năm 1928 được đặt tên là phố Lê Lợi, từ 1931 đến 1949 mang tên phố Lê Quý Đôn, từ năm 1949 đến nay là phố Lương Văn Can. Đây nguyên là địa phận của tổng Tiền Túc huyện Thọ Xương cũ.
[6] Nay là phố Đinh Liệt.
[7] BMHN, 1928, N3, p. 171-173.
[8] RST, hs: 78691.
[9] Bài của nhà báo Nguyễn Ngọc Tiến, Tên phố của Hà Nội bắt đầu được đặt như thế nào, ANTTĐ.VN ngày 24-11-2019.
[10] Fonds du Service du Cadastre et des Domaines de Hanoï (SCDHN), hs: 816
[11] VNDQCB, 1946, tr. 288-291.
 
 
Theo TS. Đào Thị Diến/LUUTRUQUOCGIA I.org.vn
 

Tin tức sự kiện
Trung Quốc khai quật mộ bà của Tần Thủy Hoàng Sáng nay (12-9), UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức góp ý Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du. Đồng chí Nguyễn Thiện - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp. Quyết định số 2542/QĐ-TTg ngày 20/12/2013 của Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo Khu lưu niệm Nguyễn Du với mục tiêu trọng tâm là xây dựng Khu lưu niệm Nguyễn Du thành trung tâm văn hóa du lịch quốc gia. Công ty cổ phần mỹ thuật và xây dựng Việt Nam là đơn vị tư vấn nghiên cứu, xây dựng quy hoạch. Phạm vị nghiên cứu quy hoạch gồm 340 ha thuộc địa phận xã Tiên Điền, một phần thị trấn Nghi Xuân. trong đó diện tích bảo tồn, phát huy giá trị của khu di tích quốc gia đặc biệt có khoảng 50ha. Quy hoạch hình thành 4 khu chức năng chính: 1. Khu lưu niệm, quảng trường Tố Như, không gian thơ ca Nguyễn Du: là khu vực không gian quảng trường lễ hội, không gian trưng bày, diễn xướng ngữ văn dân gian làng Tiên Điền, không gian tham quan và du lịch chủ đề. 2. Không gian văn hóa truyền thống Tiên Điền, Nghi Xuân và Trung tâm diễn giải du lịch văn hóa lịch sử gắn với giá trị thơ ca và cuộc đời Đại thi hào Nguyễn Du; 3. Không gian Nguyễn Du: giới thiệu minh họa, thuyết minh về cuộc đời của Đại thi hào, gia tộc, thân thế, sự nghiệp và tha m quan tìm hiểu về lịch sử thời đại Nguyễn Du (150 năm cuối thời kỳ trung đại lịch sử Việt Nam từ Nguyễn Nghiễm đến Nguyễn Công Trứ) 4. Không gian phong cảnh tưởng niệm và mộ Đại thi hào Nguyễn Du. Ngoài ra quy hoạch còn có 2 trung tâm dịch vụ du lịch văn hóa: Trung tâm dịch vụ du lịch - điều hành; Trung tâm giới thiệu sản vật địa phương và nghề truyền thống “Tiểu triều đình”. Sau khi đơn vị tư vấn báo cáo nội dung quy hoạch đã có nhiều ý kiến góp ý làm đề nghị rõ về chức năng của các khu chính, sự liên hoàn giữa các phân khu với nhau, tính thực tế và khoa học, diện tich nghiên cứu quy hoạch và diện tích triển khai thực hiện... cần quan tâm đến môi trường sinh thái, tính dân sinh, giao thông, thoát nước phù hợp với điều kiện thức tế của địa phương. Chú trọng tới khu vườn cũ của Đại thi hào Nguyễn Du, Nhà bảo tàng Nguyễn Du, phục dựng một số điểm di tích liên quan văn hóa cộng đồng làng. Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện - PCT thường trực UBND tỉnh chủ trì cuộc họp cơ bản thống nhất với quy hoạch được báo cáo và đê hoàn thiện quy hoạch đ/c PCT tỉnh đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu các ý kiến, tiếp tục nghiên cứu để quy hoạch đảm bảo tính khoa học, tính khả thi xứng tầm với Đại thi hào Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa Thế giới, sớm hoàn thiện trình lấy ý kiến của các ngành liên quan trước khi hoàn chỉnh quy hoạch trình chính phủ phê duyệt. Bách Khoa

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website