Trước sự việc di sản văn hóa quốc gia nổi tiếng chùa Trăm Gian thời Lý (xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP.Hà Nội) đang bị đập đi để xây chùa mới, nhiều văn nghệ sĩ, trí thức đã tỏ sự nuối tiếc và bất bình.

 

Chùa Trăm Gian cũ


Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức hẳn những cuộc giao ban trực tuyến để xử chuyện "hở" của các "chân dài", lại bàn thành lập cả các đội "đặc nhiệm" để xử các ca sĩ hát "nhép". Thế nhưng, chùa Trăm gian, một di tích lịch sử vào hàng báu vật quốc gia bị phá tan tành cũng như rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh khác bị xâm hại, thì Bộ này chỉ "kiểm tra xem thế nào"! Cứ với quan điểm, cung cách quản lý của cơ quan có trách nhiệm cao nhất đất nước đối với văn hóa như thế này, thì các giá trị văn hóa bị đảo lộn hết và nền văn hóa của nước ta lâm nguy đến nơi rồi!


Tiến sĩ Vũ Thế Long viết: "Tôi vừa tìm lại những ảnh chụp ở chùa Trăm gian cách đây chưa lâu trước khi ngôi chùa này bị phá đi để xây mới và bê tông hóa, đập phá và thay thế bằng các thứ mới toanh, xin gửi Văn hiến đăng lên để mọi người xem. Xem ảnh thấy chùa này đã có ít nhiều tu sửa nhưng nó đâu đến nỗi phải phá đi dựng mới. Phá chùa cổ nghìn năm khác nào có cái trống đồng Đông Sơn đã có tuổi nghìn năm đang để trong Bảo tàng hay trên bệ thờ nhưng vì nó cổ quá, có chỗ rỉ, người ta đập nó ra mua đồng nát trộn vào rồi nung chảy đúc lại trống mới cho nó đẹp. Phá chùa cổ xây chùa mới là hành động ngu dốt nếu không nuốn vội kết tội là một âm mưu phá hoại di sản lịch sử văn hóa của dân tộc. Kẻ phạm pháp có thể bị truy tố và bỏ tù. Tất cả những cán bộ quản lí trong ngành văn hóa từ Trung ương đến địa phương cần phải truy cứu trách nhiệm. Cần xử nghiêm vì hành động phá hoại này đang diễn ra khắp nơi trên đất nước ta. An ninh văn hóa đâu? Sao không vào cuộc đi?". "

 


Cổng lấy ánh sáng và thoát nước mưa từ trên mái xuống hệ thống cống thoát dưới nền là một thiết kế độc đáo và thơ mộng. Bạn thử tưởng tượng khi đang cầu nguyện trong chùa và bên ngoài trời đổ mưa, nước mưa sẽ rơi xuống hệ thống này như một cái mành mành nước. Thi vị và thơ mộng biết bao! Những cột lim cổ còn tốt và đẹp như thế sao lại phá đi?".

"Ngoài việc làm cực ngu dốt là phá đi làm mới, cần phải lên án việc bạ cái gì cũng bê vào khuôn viên hay nội thất của chùa. Không phải cứ có tiền thì muốn làm gì thì làm. Cái tượng to đùng đặt giữa giếng chùa với đèn xanh đỏ nhấp nháy là sản phẩm bây giờ người ta đua nhau làm. Cái giếng tự nhiên xưa các cụ đào nó có long mạch và là sản phẩm sinh thái, Bây giờ người ta đổ bê tông lát gạch trông kì quái lắm, Đủ loại sư tử đá Tây Tàu đem vào tuốt tuột. Cây cối ba lăng nhăng như cau Mỹ cũng đem trồng vào làm cái chùa trở thành bé tí bé teo. Đó cũng là hành động phá hoại và ngu dốt cần phải được ngăn chặn!".

 

Kiến trúc sư Dung Nguyen viết: "Chia buồn với Chùa Trăm gian bằng bức tranh được vẽ từ hồi sinh viên năm thứ nhất ĐHKT! Chia buồn với cả những kẻ rắp tâm thực hiện dự án phá chùa cổ, xây chùa kim!".

 


Hungazit Nguyen viết: "Hôm nay cháu cũng đọc bài báo về chùa Trăm gian mà đau lòng quá. Ngu dốt cộng tham lam thành phá hoại"

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội - nói với phóng viên Yên Tùng: "Đây là việc làm thật hiếm có và rất đáng kinh ngạc, cần phải phê phán mạnh mẽ". Ông, nhấn mạnh: Trước đây ở một số địa phương đã xảy ra một vài vụ việc tu bổ, tôn tạo di tích dẫn đến công trình bị biến dạng, sai lệch và mất mát nhiều giá trị vốn có. Nhưng việc tự ý, tùy tiện tháo dỡ nhiều hạng mục công trình cổ ở chùa Trăm gian - di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật quốc gia - rồi dựng mới mà chưa có sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền là trường hợp hiếm có của Việt Nam. "Đây là việc làm dại dột, hết sức đáng kinh ngạc, cần phải lên án mạnh mẽ trước công luận", GS Thuyết đề nghị. Khi được hỏi trách nhiệm thuộc về ai hay lại rơi vào tình trạng "hòa cả làng", là một người rất có kinh nghiệm trong việc giám sát thực hiện Luật di sản văn hóa, GS. Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ: Theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, trách nhiệm trước hết thuộc về người đưa ra chủ trương cũng như người tháo dỡ công trình cổ. Tiếp đó, trách nhiệm thuộc về chính quyền địa phương sở tại mà cụ thể ở đây là UBND xã, UBND huyện. Người dân xây dựng một ngôi nhà không phép, chính quyền địa phương phát hiện và xử lý ngay. Còn ở đây, làm sao một công trình di tích nằm gần trụ sở UBND xã bị tháo dỡ, thi công mấy tháng liền mà lại nói chính quyền xã, huyện không biết. "Nếu đúng như dư luận báo chí phản ánh rằng việc làm này chính quyền xã, huyện không biết thì không thể chấp nhận được"! Ông giải thích gần như ở phường, xã nào cũng có ban quản lý di tích do một phó chủ tịch làm trưởng ban. Ban quản lý này có trách nhiệm bảo vệ, ngăn chặn tình trạng xâm phạm di tích. Việc chùa Trăm gian bị hủy hoại có một phần trách nhiệm rất lớn của ban quản lý này vì đã không hoàn thành nhiệm vụ được Luật di sản văn hóa quy định. "Cần phải thanh tra, kiểm tra và đánh giá mức độ vi phạm. Nếu trong chừng mực nào đó thì có thể xử lý hành chính, còn nếu vi phạm nghiêm trọng, gây hủy hoại di sản thì cần phải xử lý hình sự. Và cần phải xử lý hình sự để có biện pháp răn đe đối với nhiều tổ chức, cá nhân khác", GS Thuyết nói.

 


PGS.TS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu mỹ thuật truyền thống, nói: "Đau thì đau thật đấy. Nhưng trường hợp này chưa phải là duy nhất đâu. Còn nhiều lắm. Có một ngôi đình cổ nằm cách xa bờ hồ Hoàn Kiếm vài cây số cũng vừa bị người ta làm lại, xây mới hết rồi".

Trong khi đó, về phía nhà quản lý, qua điện thoại với PV LĐ, ông Vũ Xuân Thành - Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL – cho biết ông cùng một cán bộ thanh tra vừa trực tiếp về kiểm tra việc "làm mới" chùa Trăm gian kể trên. Theo đó, Đoàn thanh tra đã lập biên bản, đình chỉ toàn bộ công trình, người tổ chức thi công đã nhận khuyết điểm. Thậm chí, giấy tờ, văn bản, thỏa thuận để "trùng tu" di tích đều… không có gì! (Đình chỉ làm mới chứ làm sao hoàn nguyên được báu vật!)

Việc di tích chùa Trăm gian bị hủy hoại cũng khiến các nhà báo nhớ đến một bài viết của GS.TSKH Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, đăng trên tạp chí Di Sản của Cục Di sản văn hóa cách đây mấy tháng. GS Lưu Trần Tiêu dẫn ra một loạt vụ việc mà báo chí đã phản ánh như: Lắp cổng chùa vào cổng đền, Thành nhà Mạc thành "lò gạch", Thành Sơn Tây lại "thất thủ"... và cảnh báo "nếu không có biện pháp chấn chỉnh thì sẽ còn tiếp diễn". Cũng trong bài viết này, GS Lưu Trần Tiêu cho biết một thực trạng đáng buồn quanh các di tích có sai phạm mà báo chí đã nêu, rằng sau khi thanh tra, sau khi có văn bản yêu cầu các ban quản lý dự án tìm biện pháp khắc phục, "xem ra các vụ việc vẫn rơi vào im lặng".

Phóng viên báo Tuổi trẻ viết: "Chùa Trăm gian danh tiếng ở xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội khởi dựng từ thời Lý, được Nhà nước công nhận là di tích quốc gia đã ngót nửa thế kỷ. Vậy mà bao năm nay nó liên tục bị trùng tu tôn tạo kiểu làm hỏng di tích, vụ nào cũng thuộc diện "không thể nào quên", và ở tình trạng khi phát hiện nó đã "lỡ" rồi, đành lặng lẽ... rút kinh nghiệm, bỏ qua. Sơn lại tranh tượng quý bằng sơn công nghiệp Nippon; làm mới bệ tượng, bàn thờ bằng ximăng, gạch ốp lát công nghiệp xanh đỏ tím vàng; xây mới các dãy hành lang, đánh bóng cột kèo bằng vécni. Chưa hết, một bãi chiến trường của gạch, đá, gỗ lạt đang ngổn ngang trưng ra trong những ngày cuối tháng 8-2012 này ở chùa Trăm gian".  

Tình trạng trên, các cơ quan quản lý, mà cao nhất là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có biết không? Giá như Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biết nóng lòng với sự xâm hại di tích giống như nóng lòng với chuyện các "chân dài" hở hang hay các ca sĩ hát "nhép" để tổ chức giao ban trực tuyến, đê lập các đội đặc nhiệm chống xâm hại di tích thì đất nước này đã tránh khỏi bao thảm họa văn hóa!