nguyendu.com.vn
Loading...

Chữ Tâm trong Truyện Kiều


 
Truyện Kiều của Nguyễn Du không nói nhiều về chữ Tâm, song vị trí quan trọng của nó thì không ai không thấy, nhất là khi đọc đến câu: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài. Nhưng đó là Tâm nào, có vị trí thế nào trong tác phẩm, lại là vấn đề có ý kiến khác nhau, cần được làm sang tỏ.
 
 
 
 
1.Chữ Tâm trong truyền thống tư tưởng Trung Hoa.
 
Truyện Kiều của Nguyễn Du không nói nhiều về chữ Tâm, song vị trí quan trọng của nó thì không ai không thấy, nhất là khi đọc đến câu: Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài. Nhưng đó là Tâm nào, có vị trí thế nào trong tác phẩm, lại là vấn đề có ý kiến khác nhau, cần được làm sang tỏ.
 
 
So với Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài nhận thì trong đó không hề có câu đó, trong đó không nói đến chữ Tâm. Có thể khẳng định đó là tư tưởng của Nguyễn Du, thốt ra từ đáy lòng của nhà thơ.
 
Chữ Tâm vốn có cội nguồn sâu xa trong tư tưởng nho gia của Trung Hoa. Lễ Kí viết: “Con người là tâm của thiên địa, Đầu mối của ngũ hành”. Trong Văn tâm điêu longLưu Hiệp cũng viết: “Người là  cái ưu tú của ngũ hành, tâm của thiên địa. Người tức là tâm”.Nhưng nội dung chữ Tâm được Mạnh Tử trình bày đầy đủ nhất. Trong thiên Cáo tử thượng, Mạnh Tử hiểu con người có hai thể: đại thể là tâm, tiểu thể là nhĩ, mục, khẩu, tị. Nếu sống theo nhu cầu của tai, mắt, miệng, mũi thì là tiểu nân, còn sống theo tâm (đại thể) thì là đại nhân. Vì sao? Vì tai mắt mũi miệng không biết suy nghĩ, còn tâm thì biết suy nghĩ, biết phản tỉnh, cho nên biết nhân nghĩa, thị phi, liêm sĩ, biết từ nhượng, biết trắc ẩn, biết hổ thẹn.biết lễ nghĩa (xem Công Tôn Sửu, thượng). Tâm đây là lương tâm, lương tri có nội dung cụ thể.
 
Thời Tống, Nguyên, Minh sơ,lí học thống trị bá quyền ở Trung Quốc, lễ giáo trói chặt con người trong xã hội. Với nguyên lí, “tồn thiên lí, diệt nhân dục” Tống nho đã cấm đoán, bóp nghẹtmọi nhu cầu sống tự nhiên của con người.  Những tư tưởng như “Chết đói chuyện nhỏ, thất tiết chuyện lớn”, nghĩa là con người có chết cũng là chuyện nhỏ, chỉ có vi phạm lễ giáo mới là chuyện lớn. Họ khuyến khích biểu dương phụ nữ nếu góa chồng thì nên tự tử theo chồng hoặc ở vậy trót đời. Ở góa càng trẻ càng có tiết lớn, mà chồng chết liền chết theo chồng thì liệt càng cao. Ta có thể hình dung tư tưởng Tống Nho về phương diện nhân đạo phản động như thế nào.
 
Chúng ta đều biết Thời Trần, ứng với đời Nguyên bên TQ, là thời thống trị của lí học đời Tống, với tư tưởng phi nhân văn “tồn thiên lí, diệt nhân dục”như đã nói trên. Trong khi đó thời Trần ở Việt Nam chủ xướng thiền đạo, một tư tưởng tự do phóng khoáng, đói thì ăn, khát thì uống, mệt thì nằm nghỉ, vô tổ, vô pháp, phật tại tâm, ý thức phá chấp đề cao chủ thể là một tư tưởng rất nhân văn, tiến bộ. Tư tưởng tự do ấy cũng làm nền tảng cho đời sống tinh thần giàu sáng tạo của thời đại. Sau Trần đến Lê, là thời dại độc tôn nho học. thời Lê Thánh Tông nho học cực thịnh. Đến cuối Lê đầu Nguyễn, lại đề cao nho giáo cấm cố trói buộc con người. Trong lúc đó, ở Trung Quốc, giữa thời Minh đã xuất hiện tâm học của Vương Dương Minh.
 
Chữ Tâm đã xuất hiện rất sớm trong triết học Trung Hoa. Từ thời cổ người ta đã biết “nhân vi quý”, sở dĩ thế là vì con người có tâm. Tuân Tử nói: “Thân lấy tâm làm chủ.” Mạnh Tử nói: “Nhân nghĩa, lễ, trí đều gốc ở tâm.” Tuân Tử trong thiên Chính danh nói: Tâm là chúa tể của đạo. Sau này các ông Lục Cửu Uyên, Vương Dương Minh cũng nói: “Tri tâm tức tri đạo, tâm ngoại vô vật, tâm ngoại vô sự, tâm ngoại vô lí, tâm ngoại vô thiện”, thế là mọi thứ đều ở cả nơi chữ Tâm. (Vương Văn Thành Công văn tập, tập 3, thiên Truyền tập lục). Thiền Tông cũng quan niệm tâm như vậy. Tuệ Năng trong Đàn Kinh viết: “Tâm là đạo, tâm là lí, tức là tâm ngoại vô lí, lí ngoại vô tâm”. Thần Tú trong Quán tâm luận cũng viết: “Tâm là gốc của vạn vật, tất cả mọi pháp đều sinh ra tại tâm”. Do vậy chữ Tâm của Vương Dương Minh với chữ Tâm của Thiền học có chỗ khác nhau, nhưng đại thể tương tự nhau. Một khi đã nói tâm tức là lí, tức là đạo, tâm là thước đo của chân lí, của điều thiện, thì tất cả đều tùy tâm. Quan niệm đó rất phù hợp với nhu cầu tình cảm của tầng lớp thị dân đương thời muốn thoát khỏi trói buộc của nho giáo chính thống. Chính đó là điều kiện tư tưởng để cho tiểu thuyết đời Minh, đặc biệt là thoại bản, thể loại ngôn tình được nở rộ.
 
Trong những năm tháng nhân tính bị cấm cố, cá tinh bị đánh mất ấy, các văn nhân, chí sĩ còn có gắn bó với con người đều cảm thấy ngột ngạt. Lí Trác Ngô trong sách Phần thư. Tạp thuyết, quyển 3 có đoạn phơi bày tâm sự: “Năm nay đợi chết, năm sau đợi chết, năm nào cũng đợi chết, đợi mà không chết thì tai họa đến, mà tai họa cũng không đến ngay, đợi chết mà không chết ngay, thật khiến cho người ta kêu than đời là bể khổ mà không sao thoát ra được.” Lúc này thuyết Tâm học của Vương Dương Minh ra đời được Cố Viêm Võ trong Nhật tri lục nhận định như sau: “Từ Hoằng Trị, Chính Đức, các sĩ phu đều chán cái thường mà thích cái mới, gió tụ mà sinh biến đã có nguyên lai. Thế mà Văn Thành (Vương Dương Minh) với tài năng tuyệt thế, xướng lên thuyết mới làm rung động hải nội.” Vương Dương Minh đã đem cái hệ thống triết học “diệt nhân dục” của Chu Hi, cái “Lí”, tức là luân lí, thiên lí, mà đảo ngược lại, thành “Tâm tức lí”. Nhà lí luận hiện đại là Lí Trạch Hậu giải thích: “Không phải luân lí tức là tâm lí, mà là dần dần tâm lí biến thành luân lí. Cái gì mà lòng người thấy thích hợp ấy là lí. Quy phạm của logich ngày càng biến thành nhu cầu của tâm lí. Cái lí trong Tâm tức lí ngày càng từ cái lí bên ngoài của trời dần dần chuyển thành cái lí của tự nhiên bên trong, cái lí của tình cảm, của nhu cầu nội tại.”  Cái tư tưởng “Tâm tức là lí” của Vương rất gần với cái lí của đạo thiền. “Khi đói thì ăn cơm, khát thì uống nước” đáp ứng nhu cầu “tùy ngộ nhi an” của con người. Vương Dương Minh nói: “Cái mà bách tính dùng hàng ngày đó là đạo”, “Cái lí của trời là cái lí vốn có của thiên nhiên, muốn sắp xếp như thế nào đó là nhân dục” (Minh nho học án, quyển 32). Lí Trác Ngô nói toạc về cái lí: “ăn cơm mặc áo tức là nhân luân vật lí. Bỏ chuyện ăn cơm mặc áo, tức là không có nhân luân vật lí gì nữa. Mọi chuyên trên đời, đều như chuyện ăn cơm mặc áo cả.” (Phần thư quyển 1, Đáp Đặng Thạch Dương). Như thế cái tâm trong tâm học là cái tâm thế tục. Chính cái tâm thế tục đó đã giải phóng tư tưởng cho cả một thời làm sản sinh ra đủ loại tiểu thuyết Minh Thanh rất nổi tiếng, mà Kim Vân Kiều truyện chỉ là một phần nhỏ nhoi trong số đó.
 
Vương Dương Minh nói : “Cái học của thiền và cái học của thánh nhân, đều yêu cầu đi cho hết (tận) cái tâm con người cả, khác nhau không bao nhiêu”.(Dương Minh công thư. Trùng tu Sơn âm huyện học kí) Vương Dương Minh có bài thơ Thị chư sinh thi như sau: “Thân của các người là chân của trời, Cần chi cầu người và học người, Để sáng lương tri thành đức nghiệp, phí sức làm chi đọc mớ giấy cũ, Càn khôn biến dịch, không phải vẽ vời, Tâm tính có hình gì mà vướng bụi trần, Chớ bảo thầy đây học thiền ngữ, Lời này đích thị bảo các người.” Vương Dương Minh cũng làm nhiều thơ thiền. Nhiều người gọi Vương Dương Minh là Vương Minh Thiền. Điều đó cho thấy Vương đã thấm nhuần tư tưởng thiền học, vô tổ, vô phật, tự mình làm phật tổ. Thời đầu, Nho Phật Lão có khi phê phán nhau kịch liệt, nhưng ở Trung Quốc, từ đời Tống Minh trở đi tam giáo đồng nguyên đã thành thông lệ. Con người nói, cái học có ba điều cốt yếu. Không đọc Xuân Thu không biết thiệp thế,  Không tinh Lão Trang không biết quên đời; không tham thiền không biết xuất thế. Cả ba điều đó đủ cho việc nhập thế, xuất thế. Thiếu một thì lệch, thiếu hai thời hẹp hòi, ba điều trên mà thiếu một mà xưng là người, chỉ là một thứ đẽo gọt mà thôi. Nho Thích phối hợp tạo thành một triết lí sâu sắc, thích hợp với đông đảo dân chúng. Lấy nhân luân vật lí làm cơ sở, lấy thực dụng phương tiện mà kêu gọi, không chỉ hấp dẫn người ít học, những kẻ thị dân không biết sách vở, không biết, không hiểu “thiên lí”, nhưng biết ăn cơm, mặc áo, họ cảm thấy như cởi bỏ cái thiên lí đề nặng trong tinh thần, có ý nghĩa giải phóng. Cái trào lưu tư tưởng có ý nghĩa cận đại, có tính chất coi trọng cá tinh, đã kích thích Lí Chí nêu ra thuyết “đồng tâm” (tâm hồn trẻ thơ); Viên Hoằng Đạo nêu ra thuyết “Tính linh”, chỉ viết cái có thực trong lòng mình, “nếu không tự lòng mình chảy ra thì không chịu hạ bút.”; Thang Hiển Tổ lấy tình chông lại lí, nhấn mạnh sự “chí tình”. Toàn bộ tư tưởng ấy đã ảnh hương tư tưởng tiểu thuyết Trung Quốc thời Minh Thanh, thì cũng ảnh hưởng đến truyện Nôm bác học, trong đó có Truyện Kiều.
 
2. Chữ Tâm trong Truyện Kiều.
 
Minh nho đi theo các tác phẩm như Song Tinh của Nguyễn Hữu Hào, Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự, Truyền Kiều mà vào Việt Nam.
 
Đọc các truyện Nôm ấy và Truyện Kiều đầu tiên phải ghi nhận đây trước hết là những truyện thế tục.  
 
Đọc Truyện Kiều không thể khong thấy tư tưởng Nho gia. Trên vì nước , dưới vì nhà, Một là đắc hiếu hai là đắc trung. Chữ hiếu chữ trung luôn thôi thúc nhân vật hành động trong nghịch cảnh của nó. Khi bán mình, khi khuyên Từ Hải hàng, có khi như muốn “diệt nhân dục để tồn thiên lí”.
 
Kết thúc Truyện Kiều Nguyễn Du viết: Thiện căn ở tại lòng ta, thì thiện căn đồng nhất với thiện tâm, tâm tính là tư tưởng tính bản thiện của Mạnh Tử, nhân chi sơ tính bản thiện. Chữ Tâm này khác với chữ Tâm nhà Phật, nơi đó là chân như, trong suốt, tĩnh tại, vô sai biệt, là phật tính. Cái Tâm của Nho gia là lòng trắc ẩn, biết đồng cảm thương người, ý thức thị phi, phải trái, biết lễ nghĩa, biết điều khinh trọng, biết sĩ nhục, hổ thẹn, biết trung dung: Mà trong lẽ phải có ngươi có ta. Chữ Tâm của Phật có từ bi, bác ái. Chữ Tâm trong Truyện Kiều có sự gặp gỡ của hai phương diện tương đồng đó của nho gia và Phật gia. Nhưng chữ Tâm trong Truyện Kiều không đồng nhất với chữ Tâm nhà Phật, vì Nguyễn Du không diệt dục. Đã diệt dục thì không thể viết nên Truyện Kiều. Việc Kiều đổi tình “cầm sắt” ra tình “cầm  cờ” (kì) chỉ là thể hiện của lòng biết hổ thẹn, mà chỉ hổ thẹn riêng với Kim Trọng mà thôi. Việc tha bổng Hoạn Thư cũng là vì Hoạn Thư đã có lòng trắc ẩn đối với Kiều.
 
Nhưng đó chỉ là một mặt theo truyền thống lâu đời. Nhưng qua các sự kiện đó mới phơi bày toàn bộ sự phức tạp của nhân dục và chữ tâm của nhân vật. Truyện Kiều viết ra không để ca ngợi sự hy sinh, diệt nhân dục, mà để nói nỗi đau đớn, “đoạn trường” của con người. Kiều là người có tài, mà không hiển hách vì tài giống như các tiểu thuyết tài tử giai nhân khác, nhân vật nhờ tài mà chiến thắng nghich cảnh, chiến thắng địch thủ. Kiều trong truyện sống chỉ bằng tâm, tự nâng mình lên bằng chữ tâm, cho nên “chữ tâm” kia mới bằng ba chữ tài.  Cô Kiều cũng không hề có chỗ nào mà cậy tài, khoe tài. Mở đầu cuốn truyện Nguyễn Du khi giới thiệu nhân vật, đã có ý khoe tài cho nhân vật (nào là đủ mùi, làu, ăn đứt, rất mực, nghiêng nước nghiêng thành, sắc đành đòi một). Nhưng tài chỉ khiến nhân vật rơi vào lưới trần. Chỉ có tấm lòng mới có sức cứu vớt nhân vật. Khi coi tâm là lí thì con người trở nên một sản phẩm của thế tục. Truyện Kiều là truyện kể về một cái tâm thế tục.
Truyên thế tụclà truyện kể về các chuyện “ăn cơm mặc áo” của con người.
 
 Vì tâm tức là lí, cho nên trong Truyện Kiều mới có chuyện cô Kiều chủ động hứa hôn với Kim Trọng, đêm hôm khi cha mẹ vắng nhà chủ động đến với Kim Trọng, chủ động thề nguyền vàng đá với chàng. Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa. Mới cho Kiều nghĩ đến chuyện Biết thân đến bước lạc loài, Nhị đào thà bẻ cho người tình chung. Câu này Nguyễn Du them vào chứ không có trong nguyên tác. Cần khẳng định tình yêu của các nhân vật trong Truyện Kiều như là tình yêu thế tục. Và đó tình yêu hiểu theo nội dung Tâm học. Tuy yêu Kim Trọng thiết tha, rồi do lỡ duyên mà gặp Thúc Sinh thì lúc đầu “Sớm đào tối mận lân la, Trước còn trăng gió sau ra đá vàng”, thế là nàng cũng yêu Thúc Sinh say đắm, Sau chia tay Thúc Sinh, gặp Từ Hải cũng yêu Từ Hải đắm say. Nhà thơ đã tả một cách ước lệ các cảnh mây mưa mà không hề vướng mắc chút gì của tam tòng tứ đức, đồng thời còn đem chữ “tòng quyền” mà biện hộ cho chữ tâm. Bản thân tác giả với tư cách người kể chuyện cũng miêu tả các cuộc tình ấy một cách say sưa, không hề vướng vất chút gì về tam tòng tứ đức. Những cảnh Thúc Sinh xem Kiều tắm, cảnh cô Kiều lõa thể, cảnh tiếp khách làng chơi, cảnh mua bán cô Kiều, cảnh Hồ Tôn Hiến ép uổng, rồi sau ép gả cho thổ quan, cảnh đánh ghen, bắt người,  đánh đập, cảnh báo ân báo oán, rồi sau này cảnh đám cưới tái hợp, cảnh Kim Trọng muốn gợi lại tình xưa, tất tật đều là cảnh thế tục. Nhưng truyện thế tục không phải chỉ là chuyện trăng gió ăn cơm, mặc áo tầm thường. Lội qua cuộc đời thế tục thì mới thấy “Mà trong lẽ phải có người có ta”. Truyện Kiều phơi mở ra một thế  giới với rất nhiều lẽ phải. Các lẽ phải mâu thuẫn nhau. Lẽ phải của thế tục là một tấm lòng nhân loại. Bản thân Nguyễn Du cũng mang một chữ Tâm thế tục thì mới viết ra được Truyện Kiều.
 
Các cảnh thế tục này đều rất chướng tai gai mắt đối với các nhà nho chính thống, ví như nhà nho Ngyễn Văn Thắng. Ý muốn nọc đánh Nguyễn Du ba trăm roi của Tự Đức, những ý thơ khắc bạc của nhà nho Nguyễn Công Trứ hay của cụ Tản Đà, như lời phê phán khắc nghiệt của cụ nghè Ngô Đức Kế trong cuộc tranh luận về việc đề cao Truyện Kiều đều chứng tỏ chữ Tâm Truyện Kiều khác với chữ Tâm nho học chính thống, nhưng là hợp với chữ Tâm Minh nho. Các sự kiện đó cho thấy mâu thuẫn sâu sắc trong chữ Tâm của Tâm học của Minh nho với quan niệm của nho học chính thống dưới thời nhà Nguyễn.
 
Tuy nhiên chữ Tâm trong Tâm học rộng ôm cả Thiền tâm. Tâm tức lí, cái lòng ham muốn của con người tức là lí của đất trời. Bán mình đã động hiếu tâm dến trời. là tâm. Nhớ mẹ nhớ em nhớ nhà, nhớ Kim Trọng đều là tâm lí mà cũng là thiên lí. Đến cuối truyện sau khi đã ê chề trong bể khổ, Kiều từ chối tất cả để sống một cách thanh thản, nhẹ nhàng cũng là cái tâm của nho gia. Việc lập am thờ Phật, chờ Giác Duyên là vì nghĩa, (Nặng vì chút nghĩa bấy lâu, Trên am  cứ giữ hương dầu hôm mai), chứ không phải vì mộ đạo, thờ Phật. Người ta thường nói tâm thiền thể hiện qua mấy cuộc đi tu của Kiều. Tu ở Quan âm các, ở chùa Giác duyên, sau khi được cứu sống ở sông Tiền Đường bèn tu cùng Giác Duyên lần thứ hai, cho đến cuối cùng thì tu tại gia sau khi đã đoàn tụ cùng gia đình Kim Trọng. Trong suốt quá trình ấy chữ Tâm của Nguyễn Du qua cô Kiều, tuy có lúc cảm nhận phép nhiệm mầu nơi của Phật (Cho hay giọt nước cành dương, Lửa lòng tưới tắt mọi đường trần duyên, hoặc Mùi thiền đã bén muối dưa, màu thiền ăn mặc đã ưa nâu sồng), nhưng không lúc nào Kiều cảm tháy tu Phật là con đường giải thoát của cô. Ngược lại khi thì cô thấy : Đã đem mình bỏ am mây, tức coi đi tu là một sự tự chết, sự hủy hoại thân mình; mà nếu tu thì cũng thấy là sự bất đắc dĩ: Đã tu, tu trót, qua thì, thì thôi. Đó là lời hờn oán với đời iất nặng. Không ai đi tu mà nghĩ như vậy. Nhưng hai lần đầu Kiều đâu đã thực lòng tu. Lần tu đầu với Giác Duyên nơi Chiêu ẩn am là để lánh nạn, Lần thứ hai sau khi được cứu, không được kể ra, nhưng khi gia đình muốn Kiều từ giả am mây đề về đoàn tụ thì Kiều nói: Đã đem mình bỏ am mây, Tuổi này gửi với cỏ cây cũng vừa, ý nói sống không còn ý nghĩa gì nữa. Tu cũng như chết. Lần tu cuối vẫn sống trong gia đình, thực ra không thể gọi là tu, không gọt tóc, không trai giới, không kinh kệ, vẫn “xướng tùy mảy may” với  chồng Kim Trọng, rõ ràng là có sự kết hợp cả nho và chút tâm thiền, theo hướng Tâm học. Người ta yêu thích Truyện Kiều chính vì nó rất đời chứ không phải nó là truyện khuyến nhân tu thiền. Người viết chuyện ấy cũng mang tâm hồn thế tục.
Truyện Kiều mang tính thế tục và cao thượng,  chứ không đạo đức siêu hình, cũng không tầm thường dung tục. Đó chính là phẩm chất bất hủ của nó. Chính cái tâm thế tục, phi siêu hình mà Truyện Kiều mới được đại đa số người đọc đông tình, yêu chuộng.
 
2014 - 2015
 
Theo Trần Đình Sử/Văn hóa Nghệ An

Tin tức sự kiện

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website