nguyendu.com.vn
Loading...

Chữ tài - chữ mệnh trong Truyện Kiều


Đọc Truyện Kiều, ta nhận thấy cách sáng tạo những câu thơ nằm ngoài cốt truyện đã làm cho tác phẩm mang tính luận đề - cách nhìn nhận về tài - mệnh theo một lối riêng của tác giả.
 
Trên cơ sở lấy “Kim Vân Kiều truyện” làm nguồn thi liệu, mở đầu tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã dùng cách nêu vấn đề đầy tính khái quát: “Trăm năm trong cõi người ta... Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
 
1. Vấn đề tác giả đưa ra chữ tài, chữ mệnh trong cõi người ta - cõi nhân gian - cõi đời người khi mà tài năng và số mệnh luôn gắn liền với nhau. Tác giả đã đưa ra được minh chứng bằng ví dụ cụ thể trong tác phẩm Truyện Kiều. Cuộc bể dâu diễn ra với những biến cố oái oăm, bi kịch đầu tiên đối với gia đình họ Vương là bị thằng bán tơ vu oan. Kiều đã bán mình chuộc cha để rồi những bi kịch liên tiếp diễn ra trong chặng đường mười lăm năm lưu lạc. Trong cuộc bể dâu ấy, một nàng Kiều với tất cả ưu thế trời ban đã thiếu ý thức vượt chướng ngại, mặc cho số phận đưa đẩy, trở thành người bất lực trước hoàn cảnh. Được tạo hóa ban tặng những ưu thế nổi trội hơn người nhưng nàng không biết đem thế mạnh của mình ứng dụng vào cuộc sống đời thường nên khả năng ấy bị vô hiệu hóa. Vậy là, từ cách xử sự của Thúy Kiều, tài - mệnh đã thực sự ghét nhau. Vẫn từ góc nhìn riêng, Nguyễn Du bày tỏ thái độ phản ứng khi con người đang bị ràng buộc bởi một quan niệm sống bất khả kháng trước thử thách: “Lạ gì bỉ sắc tư phong/ Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”. Bởi thế, ngay từ khi gặp mộ Đạm Tiên, Thúy Kiều đã tự vận vào mình để rồi dẫn đến hành động tự vẫn ở sông Tiền Đường sau mười lăm năm lưu lạc. 
 
2. Qua cách sử dụng sáu câu thơ mở đầu Truyện Kiều để nêu vấn đề tài - mệnh, ta nhận thấy Nguyễn Du có một quan niệm sống, một cách bộc lộ cảm xúc vượt ra khỏi cách biểu hiện thông thường của đời thường. Từ cách xử sự bế tắc của nhân vật Thúy Kiều, người đọc tìm ra những lối thoát cho chính người trong cuộc, và như thế việc nhìn nhận về mối quan hệ tài - mệnh cũng đã thay đổi. Vì thế, sau phần kết thúc nội dung tác phẩm - câu chuyện về Thúy Kiều, bằng những câu thơ mang tính trải nghiệm, ngôn ngữ đầy khiêu khích, Nguyễn Du đã ngẫm về điều gì? “Ngẫm hay muôn sự tại trời/ Trời kia đã bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”.
 
Nhưng xét cho cùng, cái đè nặng lên ta không phải cái “mệnh”, cái “nghiệp”, mà chính là cái bạo tàn của thế lực xã hội phong kiến, vì cuộc sống nội tâm sâu sắc của nhân vật, vì cuộc sống của những tâm hồn có ý thức mạnh mẽ về quyền sống của mình trong xã hội thối nát, trực tiếp đày đọa lên mình.
 
Nhưng ở góc nhìn mới, ta thấy nguyên nhân bi kịch của con người không phải hoàn toàn bị tác động của yếu tố khách quan, mà chính là ở ý thức sống của mình.
 
3. Mổ xẻ từng câu thơ, ta thấy Nguyễn Du ngẫm hay về sự đời, đó là khi con người chấp nhận, cam chịu số phận thì mọi nghịch cảnh cuộc sống đều hằn trong nếp nghĩ như một sự thỏa hiệp vô điều kiện. Từ suy nghĩ trời có quyền uy tuyệt đối, bắt thế nào phải chịu thế ấy, cho cái gì mới được cái ấy nên con người không có ý thức vượt qua tai ương, chướng ngại. Ngẫm cũng hay bởi vì con người sống thụ động, bản năng, luẩn quẩn trong vòng định mệnh nên khi bi kịch ập đến đã sẵn sàng đổ lỗi cho hoàn cảnh, rằng muôn sự tại trời mà không mảy may nhìn nhận xem cách xử sự của mình có thích ứng với điều kiện thực tế hay không. Cách đưa các nhân vật vào bế tắc để thấy sự ứng xử của họ trước cuộc sống, phải chăng Nguyễn Du muốn cho người đọc thấy tai họa sẵn sàng ập xuống bất kì ai, chỉ khác nhau ở cách nhìn nhận và giải quyết vấn đề như thế nào? Soi chiếu từ nội dung Truyện Kiều, ta nhận thấy cuộc đời vốn dĩ rất công bằng, có đâu thiên vị người nào.
 
Nguyễn Du không hạ thấp chữ tài, thật ra cái tài tác giả đề cập ở đây là cái tài đang bị chính chủ thể sở hữu vô hiệu hóa. Không chỉ thế, có tài mà không biết vận dụng vào cuộc sống thì còn gây nên tai họa. Sử dụng lối chơi chữ rất độc đáo “Chữ tài liền với chữ tai một vần”, ta thấy tác giả đang nhìn nhận ranh giới giữa tài/tai rất mong manh, gần như không có khoảng cách. Thật vậy, trong Truyện Kiều, về nhân vật Thúy Kiều, chí ít cũng mười bảy lần tác giả nói về chữ tài ở nhiều khía cạnh khác nhau. Mượn cốt truyện của Thanh Tâm Tài Nhân để trải lòng mình, Nguyễn Du sử dụng hình thức kết cấu mở nhằm cảnh báo lối sống vô trách nhiệm và nêu tầm quan trọng của ý thức sống cá nhân.
 
4. Truyện Kiều là một thành công vượt bậc của đại thi hào Nguyễn Du trong sáng tạo nghệ thuật khi ông đã mượn Kim Vân Kiều truyện để gửi gắm ý tưởng mới mẻ của mình về nhận thức cuộc sống qua vấn đề tài - mệnh. Đọc Kim Vân Kiều truyện, người đọc ám ảnh về câu chuyện bi kịch của Thúy Kiều trong chặng đường mười lăm năm lưu lạc và thở phào nhẹ nhõm với kết thúc truyện theo xu hướng bĩ cực - thái lai giống truyện cổ tích: Kim Trọng một chồng hai vợ không phân lớn bé, khi chăn gối, lúc cầm thi, gia đình rất là vui vẻ mãi cho tới ngày nay gia đình vẫn còn truyền tụng; đọc Truyện Kiều, người đọc đọng lại trong lòng mình bài học ứng xử của con người để mỗi khi gặp tai ương sẵn sàng có ý thức đấu tranh để tồn tại. Tư tưởng tác phẩm Truyện Kiều khác hẳn Kim Vân Kiều truyện, đó cũng là cách nhà thơ gửi gắm quan niệm nhân sinh, triết lí sống về cuộc đời bằng một sự nhìn nhận sâu sắc, có tầm ảnh hưởng vượt thời đại. Chính từ nhận thức mới mẻ của Nguyễn Du về vấn đề tài - mệnh, vì thế chúng ta cần có sự công bằng hơn trong khi đánh giá về ông.
 
 
Theo Phan Thị Thanh Thủy/giaoduc.edu.vn

Nghiên cứu thảo luận

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website