Không biết từ bao giờ nhưng mỗi dịp đầu năm để cầu mong sự may mắn, an lành, người ta thường hay dùng các câu trong truyện Kiều làm quẻ bói để cùng chiêm nghiệm...
Theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, Ủy viên TT HĐTS, Phó Văn phòng 1 TƯ GHPGVN, Trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội), hiện nay, vẫn chưa có bất cứ tài liệu chính xác về việc khi nào Truyện Kiều được đưa vào tâm linh để xin một lời dạy về tương lai, tìm một hướng dẫn để sống ở đời.
Hiện nay, chỉ có thể phỏng đoán rằng, việc Truyện Kiều được dùng làm sách bói sau khi tác phẩm này được khắc in trong chữ Nôm vào cuối thế kỷ 19, và trong chữ quốc ngữ đầu thế kỉ 20.
Đạo lý của việc bói Kiều là: Quẻ bói có thể soi cho ta thấy tương lai có thể xảy ra như thế nào hoặc quẻ bói không phải là một cái gì tiền định bất biến và không thể thay đổi mà chỉ là lời cảnh báo để ta suy nghĩ và xét lại những gì đã làm và sắp sửa làm.
Mỗi quẻ bói Kiều có giá trị trong một năm và mỗi việc cũng chỉ được xem một lần. Nếu ta bói hết quẻ này đến quẻ khác để hỏi về một việc, hoặc nếu ta không ưng với quẻ này mà cố tìm quẻ khác thì sẽ có phản tác dụng là chỉ gây cho ta thêm hoang mang chứ không giúp tăng thêm phần quyết định. Tuy nhiên có thể bói vào quẻ cho vài vấn đề thắc mắc riêng biệt, thí dụ: tình duyên, gia đạo, học hành, thi cử, tiền tài, công danh, bằng hữu, kiện tụng, du lịch, hợp đồng, mua bán, xây cất...
Về cách bói Kiều, hiện có hai cách được sử dụng là bói bằng sách và bói theo cách dân gian.
Với cách bói Kiều bằng sách:
Sách bói trên rõ rệt là của một nhà nho, quen biết với phép bói quẻ dịch như những sách Mai Hoa dịch số của Thiệu Khang Tiết đời Tống bên Trung Quốc - vì sách cũng dựa vào Bát Quái, Thập Can, Ngũ Hành, Tam Kì,... Các việc muốn cầu hỏi được xếp làm 18 điều (8 quái + 10 can) đánh số từ 1 đến 18...
Người bói chọn 1 trong 18 điều để xem quẻ bói, rồi lấy hai đồng tiền (tiền xưa gọi là trinh, hay tiền nay gọi là đồng xu) gắn vào đĩa hay khay để xem sấp hay ngửa. Đều ngửa cả là Dương, tức Thiên. Nếu sấp cả thì Âm, tức Địa. Nếu một sấp một ngửa, là vừa âm vừa dương, tức Nhâm.
Sau khi đã có những Tam tài, chọn một trong 5 chữ Kim, Mộc, Thuỷ, Hoả, Thổ. Kết hợp chữ đầu về 8 quái và 10 can, rồi hiệp với Tam tài và Ngũ hành sẽ có 4 bảng tra số mục để tìm câu ứng với nghiệm (... ). Toàn sách bói này chỉ có 54 x 5 = 270 câu lục bát (tức là 540 hàng) cho 270 số mục. Tức là chỉ sử dụng 1/7 văn bản.
Tuy nhiên, cách bói này đòi hỏi sự cầu kỳ, phức tạp nên không còn nhiều người sử dụng.
Cách bói Kiều theo dân gian:
Đây là cách bói đơn giản, trực tiếp qua các đoạn thơ, không phải dựa vào các yếu tố bên ngoài
Thứ nhất, lấy một cuốn sách có in đầy đủ văn bản Truyện Kiều, bằng chữ Nôm, hoặc chữ quốc ngữ đều được.
Thứ hai, quyết định muốn xin một quẻ bói về vấn đề gì đang quan tâm, thắc mắc, hoặc hồ nghi và muốn được tư vấn tất cả mọi việc đều có thể hỏi, càng chi tiết càng cụ thể càng tốt, và chỉ một việc mà thôi.
Thứ ba, ngồi ngay ngắn trước bàn, có thể thắp nhang hoặc trầm cho thêm phần trang nghiêm. Khấn 3 câu: “Lạy vua Từ Hải /Lạy vãi Giác Duyên/Lạy tiên Thuý Kiều”.
Thứ tư, xưng họ tên, tuổi, và ngày tháng năm xin quẻ bói cũng như vấn đề muốn xem. Việc xưng này có thể thành tiếng, hoặc âm thầm trong lòng chỉ mình hay biết.
Thứ năm, chọn trước một tay làm chuẩn, tay mặt hay tay trái đều được, nhưng phải chọn trước một tay.
Thứ sáu, định thần, an tĩnh sau một vài phút cầm sách, và dùng hai ngón tay cái mở cuốn sách ra.
Thứ bảy, ngón tay cái của bàn tay phải hoặc trái (đã chọn được) mở ngay vào trang nào và hàng nào thì lấy từ đó xuống đủ 4 hàng làm quẻ bói. Mỗi quẻ bói phải bắt đầu bằng câu lục và kết thúc bằng câu bát.
Thứ tám, quẻ bói gồm 4 hàng (tức 2 cặp lục bát) đó sẽ là nội dung của lời tư vấn cho vấn đề đang muốn hỏi.
Mỗi người trong hoàn cảnh của mình sẽ thấy giải pháp trong đó. Nếu không rõ lắm thì có thể nhờ người khác giúp phần cắt nghĩa đoạn văn và áp dụng vào trường hợp cụ thể của mình.
Người càng có trình độ, càng từng trải, vì càng có công phu và đạo đức thì càng đáng tin cậy trong việc giúp làm sáng tỏ ý nghĩa của quẻ bói, không nhất thiết là người phải có bằng cấp hoặc địa vị cao trong xã hội.
Cách giải nghĩa và áp dụng đoạn văn lấy làm quẻ bói hoàn toàn độc lập với nội dung, cốt truyện và tình tiết của Truyện Kiều.
Bói Kiều chỉ nên thực hiện khi còn hoang mang, hoài nghi, chưa quyết đinh về một việc, vấn đề gì đó. Bởi đây, như thế là thêm vào cái như nhau kia, chúng ta có thêm một lời khuyên, một sự soi sáng của thiên tài văn học Nguyễn Du và áng thơ bất hủ của dân tộc, khiến cho cán cân không còn tương đương nữa, mà có bên nặng bên nhẹ. Còn khi đã quyết định thì không nên bói Kiều bởi sẽ không mang lại tác dụng...