nguyendu.com.vn
Loading...

Bói Kiều - Thú vui xuân tao nhã


Xuân lại về…
 
Tôi nhớ lại những năm tháng tuổi thơ của mình khi mỗi độ tết đến, vào phút giao thừa, tôi được chứng kiến bàn luận về những câu thơ rút từ trong truyện Kiều ra do các ông bác, chú họ, cha tôi và nhất ông ngoại tôi - người rất mê truyện Kiều. Ông thuộc từng câu, phân tích từng ý nghĩa của câu thơ mà tác giả muốn nói.
 

Ảnh minh họa

 
Nói về Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du - danh nhân văn hóa thế giới, giáo sư Phan Ngọc giảng giải: Truyện Kiều chỉ có 3.254 câu thơ, nhưng lại là cuốn Bách khoa toàn thư của một vạn tâm hồn mang hình thức diễn đạt tới hạn, đúng như lời khẳng định về tài năng của Nguyễn Du, từ kết cấu tình tiết đến nhân vật, tính cách, tâm lý, ngôn ngữ, thi pháp càng nghiên cứu càng thấy vô vàn vàng ngọc.
 
Thuở trước, bói Kiều là một trong những tục lệ của ngày Tết. Người ta bói Kiều để xem vận hạn cả năm ra sao (niên vận). Đó là một nghi lễ nghiêm chỉnh có nhang đèn đi kèm. Dần dần, bói Kiều trở nên phổ cập, bất cứ lúc nào gặp cảnh khó khăn, người ta cũng có thể bói Kiều để tìm tư vấn cho mình. Nhưng bói Kiều là gì? Lời giải thích của học giả Phan Kế Bính đã tóm tắt ý chính của nó: “Bói Kiều là mình có việc gì muốn được biết hay dở đường nào thì khấn với Thúy Kiều, Kim Trọng xin cho mấy câu dòng nào, gặp chỗ nào thì lấy mấy câu thứ mấy ở trang ấy mà đoán. Cách này là một cách bói chơi, nhưng cũng nhiều khi nhiều người cho là nghiệm” .
 
Truyện Kiều một tác phẩm văn học, một di sản văn hóa của nhân loại đã trở thành thú chơi tao nhã như: lẩy Kiều, họa Kiều, ngâm Kiều, đọc Kiều, hát Kiều, đố Kiều, vịnh Kiều và đặc biệt là bói Kiều. Cách bói Kiều là sau khi các lễ vật bày cúng giao thừa, cúng thần đất đai, tổ tiên, những người đã khuất, hóa vàng xong là các cụ ông ngồi lại uống rượu, chè xanh, xôi, bánh ngọt… hưởng cái lộc ngọt ngào của đầu xuân.
 
Tiếp đó mang Kiều ra một cách nâng niu trân trọng. Truyện Kiều được đặt trong một chiếc hộp sơn son (nay là sơn mài), ai muốn giở trang nào hay xin câu số mấy thuộc trang sách nào bất kỳ thì nhắm mắt lại và lật ra để biết được câu thơ mình xin đầu năm có vui không.
 
Và những câu Kiều dần dần được lật ra…
 
Những điều vui buồn trong các câu thơ Kiều đều được lật ra và phân tích rất cụ thể, khẳng định theo sự phân tích cộng với kinh nghiệm bói Kiều nhiều năm như một thú vui xuân tao nhã không thể thiếu được trong đêm giao thừa.
 
Như từ câu 3089 đến 3092:
 
“Một lời đã trót tâm giao
Dưới dày có đất trên cao có trời
Dẫu rằng vật đổi sao dời
Tử sinh phải giữ lấy lời tử sinh”
 
lại giống với câu ca dao trong dân gian là:
 
“Trăm năm đá nát vàng phai
Đốt chùa không tội, tội sai lời thề…”
 
Ý nói như “Quân tử nhất ngôn”, người quân tử khi đã quyết điều gì có trời đất chứng kiến thì không bao giờ thay lòng đổi dạ.
 
Mỗi câu Kiều lại chứa đựng ý nghĩa khác nhau, do vậy những cuộc bàn luận càng sôi nổi khi những câu Kiều được giở ra. Có người họ suy tư rất lâu, có thể đó là một lời tiên đoán về điều gì đó mà bản thân mỗi chúng ta nên nhìn nhận và có sự cẩn trọng trong mọi việc.
 
Khi bói Kiều đồng thời được nghe các cụ vịnh Kiều, hát Kiều, ngâm Kiều thì thật là tuyệt. Một phong cách vui xuân mang đậm bản sắc văn hóa mà những hình ảnh đó luôn ở mãi trong tâm trí tôi. Đã xa rồi thời Nguyễn Du nhưng những câu Kiều vẫn còn như tươi rói, những câu Kiều ấy như những lời thức tỉnh, an ủi, khẳng định vui buồn, nhân quả. Và người ta coi bói Kiều như một thú vui tao nhã với bạn bè và thân nhân trong dịp xum họp đầu năm…
 
 
Theo Ánh Nguyệt/Công đoàn Lao động  TP Quy Nhơn

Tin tức sự kiện
Đại thi hào Nguyễn Du và Truyện Kiều trong tâm hồn một người chơi sách. Nhận được lời mời viết về Đại Thi Hào NGUYỄN DU và về truyện KIỀU nhân dịp Kỷ Niệm 250 năm ngày sinh của Cụ, tôi phân vân không biết mình nên viết gì. và nên viết thế nào, khi mình chỉ là một người yêu sách, chơi sách, chứ không phải là nhà nghiên cứu hoặc phê bình. Hơn nữa, về việc nghiên cứu và phê bình, thì trong thiên hạ đã có hàng vạn hàng triệu người đã làm trong cả trăm năm đã qua. hiện đang làm, và sẽ còn làm dài dài cho tới ngày… tận thế; vậy thì những việc đó, do đã có quá nhiều người làm rồi, nên tôi không ham. Tôi còn nhớ rất rõ là tôi đã đến với Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đúng 60 năm trước, khi tôi vừa 20 tuổi lần thứ nhất. Cuốn KIỀU tôi đọc nằm trong tủ sách của Cụ thân sinh ra tôi, cũng là một người rất thích sách và chơi sách. Đó là một cuốn KIỀU được dịch ra Pháp văn bởi Cụ NGUYỄN VĂN VĨNH, một Dịch giả đáng tin cậy, và bản dịch, ngoài những câu được dịch nguyên câu, còn có những câu được dịch từng chữ một, rất có lợi cho người thích học Pháp ngữ. Tôi đã đọc kỹ và rất thích vì thấy Cụ NGUYỄN DU đã viết truyện KIỀU bằng thơ lục bát hay quá. Vào lúc đó tôi chỉ đọc và thích, chứ chưa hề nghĩ tới xuất xứ của truyện KIỀU là một truyện bằng văn xuôi của một tác giả người Hoa là Thanh Tâm Tài Nhân. Sau này trong những ngày tháng chơi sách tôi mới để tâm tìm hiểu thêm về truyện KIỀU. Mới đây, sau khi nhận được lời mời viết,và trong lúc tôi đang phân vân không biết nên viết gì, thì tình cờ, trong lúc đảo mắt qua mấy tủ sách đầy ắp cổ thư trong thư phòng, tôi chợt bắt gặp bộ “TỰ ĐIỂN CÁC TÁC PHẨM CỦA CÁC THỜI ĐẠI VÀ CÁC XỨ SỞ” và trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý tưởng muốn viết về đề tài “ Cụ NGUYỄN DU và truyện KIỀU đã được người đời biết đến như thế nào?” Đồng thời tôi cũng nghĩ tới chuyện viết thêm về “Cách làm một sưu tập KIỀU” để chia sẻ những kinh nghiệm về việc sưu tập của tôi với những ai có cùng với tôi một sở thích.

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website