Ai đã một lần đọc Truyện Kiều ắt hẳn không quên được hình ảnh con sông Tiền Đường dù nó chỉ là tên một con sông như bao con sông khác của đất nước Trung Quốc. Con sông gắn với tuổi thơ, gắn với hồi ức của người già, gắn với niềm nhớ thương của người xa xứ… Hình như ai cũng có ký ức về dòng sông. Sông đi vào thi ca và quả thật thi ca đã làm cho dòng sông trở nên lung linh diễm lệ trong con mắt của bao người.

 

Sông Tiền Đường xuất hiện trong Truyện Kiều không nhiều nhưng nó là điểm nhấn khiến người đọc phải chú ý. Sông Tiền Đường trong báo mộng của Đạm Tiên, trong sự cứu vớt Kiều của Tam Hợp đạo cô và Giác Duyên, trong lời kể của một người nào đó ở đất Hàng Châu…Có tất cả sáu câu:



- Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau


- Hỏi ra mới biết rằng sông Tiền Đường


- Tiền Đường thả một bè lau cứu người


- Lân la tìm thú bên sông Tiền Đường


- Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan


- Lâm Truy buổi trước, Tiền Đường buổi sau



Câu nào cũng nói lên số phận nàng Kiều, trong đó có 3 câu khẳng định rõ rệt: Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau/ Sông Tiền Đường đó ấy mồ hồng nhan/ Lâm Truy buổi trước, Tiền Đường buổi sau. Đó là định mệnh, đó là một phán quyết đối với Kiều. Kiều có chạy cũng chẳng tránh được trời



Dân gian xưa quan niệm người chết chỉ chết phần xác còn lại là phần hồn. Phần hồn này luôn quanh quẩn bên cạnh người sống. Người sống có thể hỏi ý kiến, xin phép, khấn nguyện… điều gì đó đối với người đã chết. Tục thờ cúng ông bà của ta ngày xưa, thậm chí cho đến bây giờ vẫn thế. Nguyễn Du cũng quan niệm như vậy: Thác là thể phách, còn là tinh anh. Vì thế con người tài hoa là Đạm Tiên ấy tuy chết rồi nhưng vẫn có thể tương thông được với Thúy Kiều, vẫn có thể nghe được lời lầm rầm khấn nguyện của Thúy Kiều để rồi hiển linh báo ứng qua hình thức trận cuồng phong, qua hình thức giấc mộng… Tất nhiên, Đạm Tiên dù yêu mến Thúy Kiều, dù đồng bệnh tương lân nhưng cũng không thể vì thế mà giúp Kiều hoá giải số phận của mình. Đạm Tiên chỉ là phát ngôn của một lực lượng vô hình nào đó. Và nếu như Kiều có phận mỏng phúc dày để có được đoạn sau đoàn viên trùng phùng đó là do bản thân Kiều “phấn đấu” và tâm thành đã động đến trời chứ đâu phải do Đạm Tiên có lòng giúp đỡ. Lực lượng vô hình đó là ai? Là trời, hoá nhi, hoá công, ông xanh, ông tơ, con tạo… cả thần thánh ma quỷ nữa. Lực lượng ấy đã định ra số phận của Kiều.



Lời hẹn hò của Đạm Tiên mới ác nghiệt lắm thay! Và sao không là một dòng sông khác. Đường đi sứ của Nguyễn Du chẳng phải đã qua bao nhiêu đường sông là gì? Nào Minh giang, Trường giang, Hoàng hà, Tam giang, Tương giang…Ở đất Việt còn bao nhiêu con sông nữa từng đi qua đời ông, đã đi vào thơ ông như Linh giang (sông Gianh), Nễ giang, Thanh Quyết giang, La Phù giang, Đồng Lung giang…và đây nữa dòng sông Lam quê nhà Nguyễn Du là nơi cất giữ bao nhiêu nỗi niềm của ông. Từ đây ông ra đi, cũng từ đây là nơi ông khao khát quay về. Buồn vui trĩu nặng túi thơ ông, chảy miên man từng chặng đường đời ông, và trôi mãi không dừng trong sáng tác của ông. Đúng là trong thơ chữ Hán, Nguyễn Du viết nhiều về sông (16 bài chưa kể những bài không chủ ý viết về sông nhưng hình ảnh sông luôn hiện diện). Có lẽ con sông nào cũng giống con sông nào, tên sông chỉ để phân biệt vị trí địa lý, không nói lên ý nghĩa gì. Sông là nơi con người cất bước đăng trình, cũng là nơi tìm về của người xa xứ. Sông là nơi hò hẹn yêu đương. Sông cũng là nơi tắm mát tuổi thơ. Nhưng sông không chỉ trong mát ngọt lành, không chỉ êm ả chảy xuôi dòng mà còn có những cơn thịnh nộ bởi sóng ngầm, bởi những dòng xoáy nguy hiểm, có cả thuồng luồng, ma quỷ…và quan trọng hơn, nó còn là nơi ghi dấu chấm hết của bao kẻ hận đời.


Đạm Tiên đã hẹn Thúy Kiều ở đó - Sông Tiền Đường sẽ hẹn hò về sau. Kiếp người ngắn ngủi lắm thay. Người tài hoa, số mệnh càng khắc nghiệt. Kiều đã làm gì, đã gây nên tội lỗi gì ghê gớm để đến nỗi trời bắt phải vứt bỏ cuộc đời mười lăm năm sau đó? Kiều yêu mãnh liệt một chàng trai phong tư tài mạo tuyệt vời, nàng hy sinh bán mình chuộc cha, nàng cư xử có tình có lý với tất cả mọi người. Ngay cả ngày trở về đoàn tụ với gia đình, nàng đã buộc phải dập tắt ngọn lửa tình yêu để cho tất cả mọi người đều không rơi vào tình thế khó xử, nàng thà hy sinh thân mình một lần nữa để mọi việc đều tốt đẹp. Riêng nàng sầu thương hận tủi, riêng nàng nói lời trước mặt rơi châu vắng người, riêng nàng đêm ngày… khép cửa phòng thu, Chẳng tu thì cũng như tu mới là. Chuyện vợ chồng, trúc mai, loan phượng là chuyện của Thúy Vân, của Kim Trọng - Thừa gia chẳng hết nàng Vân, Một cây cù mộc một sân quế hòe. Nàng không dám dự phần vào cái cõi, cái miền mà trời không cho phép. Có phải đó là những tội nghiệt của riêng nàng?



Dòng sông Tiền Đường khép lại một quãng đời, cũng lại mở ra một quãng đời khác. Kiều trở về với gia đình, với người thân nhưng ngọn sóng Tiền Đường cứ quanh quẩn, cứ ruỗi theo ám ảnh như một mối nợ đời trả mãi không dứt. Kim Trọng còn đó, vẫn yêu thương nàng như ngày nào, và Thúy Vân vẫn còn kia, tay bồng tay dắt, con cái đề huề, đầm ấm không khí gia đình. Biết rằng ngày xưa trai năm thê bảy thiếp nhưng Thúy Kiều giống như người thừa khi hiện diện trong mái nhà này. Biết rằng Khi chén rượu khi cuộc cờ nhưng những đêm dài giữa phòng thu khi cánh cửa tình yêu đã khép, nàng còn lại gì với gối chiếc chăn đơn? Không còn gì cả: không chồng, không con, không tương lai, không hy vọng, không chút lòng ham sống, không cả tiếng đàn đứt ruột Cuốn dây từ đấy về sau xin chừa… Biết rằng con người luôn khát khao hạnh phúc, và dòng sông không thả trôi hạnh phúc mà hạnh phúc cứ đi mãi không trở lại với con người. Cô đơn lẻ loi, một mình một thân, chiếc bóng trơ trọi Sông Tiền Đường ấy là mồ hồng nhan, Kiều đã chết, chết hẳn trong sóng bạc Tiền Đường. Biết rằng kết cấu Hội ngộ - Lưu lạc - Đoàn viên các nhà viết truyện phải theo, nhưng đoạn đoàn viên này đau đứt ruột. Nguyễn Du không cho nàng có được hạnh phúc, ông bắt nàng phải hy sinh, để nhân cách nàng sáng mãi. Nguyễn Du thương Kiều nhưng không thể làm khác được, làm khác là hại đến nhân cách nàng. Biết rằng Kiều dối lòng hay tự mình buộc mình cũng thế - chấm dứt tình yêu cùng Kim Trọng nhưng con người đa tài, đa tình, đa đoan ấy có dứt nổi với lòng mình hay không? Nàng chỉ mới khép cửa phòng thu, chứ chưa chịu đóng chặt cửa phòng. Một sân quế hòe đó, vườn xuân bên ngoài cánh cửa khép đó, có làm nàng nhói lòng, có làm nàng đứt ruột? Biết rằng thân xác nàng đã về kia nhưng hình như linh hồn nàng mãi vất vơ vất vưởng bên sông Tiền Đường…



Lạ thật, Nguyễn Du là người đòi trả giấc mộng mây mưa cho đá vọng phu (Vọng phu thạch), là người đã mắng triều đình nhà Đường chẳng khác gì phỗng đứng để nghìn đời đổ tội oan cho người đẹp Dương Quý Phi (Dương phi cố lý)…Vậy mà ông đã không làm phép để hoá màu hạnh phúc cho đời Kiều.



Để rồi ca khúc bi thương ấy mãi cất cao giọng ru tình và người Việt Nam mỗi lần đến với sông Tiền Đường cứ ngỡ Kiều như còn ở đâu đấy. Kiều lưu lạc và Kiều đã không về. Mười mấy năm và rồi mãi mãi. Con sông Tiền Đường ôm ấp thân xác nàng, vỗ về, ru giấc nàng. Sông Tiền Đường là hiện thân của nàng. Sông Tiền Đường là con sông của đất nước Trung Quốc, nàng Kiều cũng có cái gốc Trung Quốc nhưng hình như không ai xem Kiều là người Trung Quốc cả.



Bất cứ người Việt Nam nào cũng yêu quý Kiều và bao giờ cũng nhìn sông Tiền Đường như chặng cuối của đoạn đường đau khổ Thúy Kiều Tiền Đường xưa ngợp bóng thơ Kiều. Nay ta đến mồ Kiều bạc mệnh (Qua sông Tiền Đường -Anh Thơ). Nhất là đối với những người đọc - thi sĩ, lớp người này thấy hết, thấu hết nỗi đau của Kiều: Em chọn bến này hoá kiếp hồng nhan (Giấc mơ - Gửi Thúy Kiều, Trần Chấn Uy)/ Đành mượn nẻo Tiền Đường cho dứt kiếp khổ đau (Nợ Tiền Đường - Đoàn thị Lam Luyến)…Tuy là thế, nhưng có dứt được kiếp khổ đau không? Nước Tiền Đường có rửa sạch Kiều đâu?(Mối tình đầu - Hồ Dzếnh)/ Sông nước Tiền Đường có rũ hết phong trần không, vãi Giác Duyên? (Trước nhà thờ cụ Nguyễn Du -Lương Khắc Thanh)/ Con tim vẫn đập nơi sông Tiền Đường (Ngẫu hứng đàn Kiều - Lê Minh Hoài)/ Tiền Đường sầm sập đêm mưa. Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (Nguyễn Du - Trần Nhuận Minh)/ Cũng không vớt nổi tiếng kêu Tiền Đường (Ru em Thúy Kiều - Trần Mạnh Hảo)…



Vâng, hầu hết các thi sĩ từng đến sông Tiền Đường hoặc chưa đến nhưng nghĩ nhiều, nhớ nhiều, bị ám ảnh nhiều về sông Tiền Đường đều nghĩ như thế. Thậm chí Chế Lan Viên còn khái quát Sông Tiền Đường ai chẳng đi bên? (Đọc Kiều). Quả có cái gì đó ám ảnh người đọc chúng ta. Nguyễn Vũ Tiềm từng đặt câu hỏi Sao không là sông Lam, sông Hương, sông nước mắt. Phải mượn Tiền Đường mà gửi nỗi đau? (Mượn sông Tiền Đường) nhưng có lẽ cũng không cần thiết phải rạch ròi đến thế. Tuy nhiên khi đặt dấu hỏi như thế, chính nhà thơ cũng bị ám ảnh nhiều bởi con sông này. Nguyễn Du không nói nhiều về sông Tiền Đường (như đã giới thiệu ở trên) nhưng người đọc không quên được hình ảnh con sông này. Bởi vì trong lòng người đọc, Tiền Đường đã dậy sóng, đã cồn lên bão tố, đã giận dữ, phẫn nộ thay cho nàng Kiều. Dòng sông đã cuốn trôi đi hình bóng yêu kiều của người con gái yếu đuối mỏng manh như tơ, như muốn giành lấy nàng từ bàn tay cuồng bạo của cuộc đời. Nhưng không biết dòng sông có xoa dịu niềm đau, có an ủi, ve vuốt, chở che cho một kiếp đời với trăm ngàn cay đắng như nàng không? Sông Tiền Đường đã cồn lên cơn bão tố (Xưa nay - Phương Thúy)/ Tiền Đường rợn ngọn sóng cồn (Đọc Kiều - Nguyễn Khắc Kình)/ Lao xao nhịp sóng Tiền Đường (Ở sông Tiền Đường - Phan Thị Thanh Nhàn). Hay sông Tiền Đường mãi mãi là nấm mồ chôn giấu mối hận thiên thu của nàng Chị theo tiếng khóc đáy sông Tiền Đường (Tâm sự nàng Thúy Vân - Trương Nam Hương)…



Như chúng ta biết sông Tiền Đường bắt nguồn từ tỉnh An Huy, dài 605 km, con sông nổi tiếng vì phong cảnh hữu tình và vì thủy triều có những lúc bất thường. Theo nhiều người Trung Quốc cho biết do ảnh hưởng lực hút của mặt trăng và mặt trời cho nên cường độ thủy triều của sông này diễn ra theo quy luật riêng. Tức là một tháng có hai lần thủy triều mạnh lên (từ khoảng mồng 1 đến mồng 5, và từ 15 đến 20 âm lịch). Như vậy mỗi năm có 120 ngày thủy triều không bình thường. Ngày 18 tháng 8 âm lịch hằng năm là lễ ngắm thủy triều truyền thống. Nhưng theo dân gian ngày này là ngày sinh nhật của thần thủy triều, người ta tổ chức cúng bái cầu xin sự bình an. Câu chuyện về Ngũ Tử Tư và Văn Chủng thời Xuân Thu Chiến Quốc là hai tướng tài đã chết một cách oan uổng vì người mà họ suốt đời tôn phò trên con sông này… chắn chắn có liên quan. Như vậy, vị trí địa lý cũng như câu chuyện oan khuất của Ngũ Tử Tư và Văn Chủng, kể cả chuyện của Thúy Kiều cũng đã góp phần làm cho con sông mang thêm sắc màu huyền bí và sức mạnh của thần linh. Ngọn sóng cao vút đã cuốn trôi Thúy Kiều: Triều đâu nổi sóng đùng đùng nhưng rồi lại bình lặng hoá thành bè lau của người từ tâm mang trả Kiều về giữa cuộc đời: Tiền Đường thả một bè lau cứu người. Nguyễn Du muốn cho chúng ta thấy điều gì ở đây?



Sóng Tiền Đường đã trả Kiều về giữa cuộc đời hay tiếp tục mang Kiều đến những giấc mơ. Giấc mơ của đau khổ bế tắc và của văn hoá ứng xử tuyệt vời. Kiều trở về với cuộc đời dù không nhận được quyền sống như một người bình thường, nhưng nàng vẫn tồn tại trong lòng người đọc chúng ta bằng tất cả dáng vẻ yêu kiều, thanh sạch, trinh khiết bởi cách ứng xử tuyệt vời của nàng. Thật vậy, nếu Kiều chấp nối với Kim Trọng, thành vợ của chàng, tiếp tục nâng giấc, tính cuộc vuông tròn với chàng một cách dễ dãi thì có lẽ sông Tiền Đường không gây ấn tượng cho người đọc bao nhiêu, Tiền Đường sẽ chỉ là một chặng trong nhiều chặng và rồi Kiều sẽ vượt qua để trở về sum hợp vui vầy.



Nhưng không phải thế, Tiền Đường là chặng cuối và Kiều đã không vượt qua được dù nàng có về lại gia đình, dù Kim Trọng có khác lòng người ta, dù một nhà phúc lộc gồm hai… thì cũng không sao cất được gánh nặng mà Kiều đã đeo mang từ bấy đến giờ, cũng không sao xoá hết những vết thương lòng vẫn còn đang âm ỉ rỉ máu trong nàng. Dù sông có bao la, mênh mông cũng không rửa hết những đau đớn ê chề, và dù Giác Duyên nhân từ thuê ngư phủ thả bè lau chờ đón nàng trong suốt một thời gian dài để vớt nàng lên cũng không làm sống dậy một nàng Kiều hăm hở say mê đến với tình yêu như buổi đầu nữa.



Kiều chỉ còn lại xác thân vật chất với quá nhiều khiếm khuyết. Nàng có thể đem cái khiếm khuyết ấy mà đối đãi với người yêu được sao? Người yêu ta xấu với người. Còn yêu nhau nữa bằng mười phụ nhau/ Còn tình đâu nữa là thù đấy thôi. Không còn thế lực nào ngăn trở, chỉ cần đưa tay ra là chạm vào hạnh phúc. Ấy vậy mà nàng đã không làm được. Đau đứt ruột mà cũng thật trong giá trắng ngần! Kiều đẹp hơn gấp trăm ngàn lần bởi cái điều không làm nổi ấy. Ứng xử của nàng tuyệt vời. Dấu ấn thẩm mỹ của Nguyễn Du bật lên rõ nét khi ta bắt gặp một nàng Kiều ngời sáng trong một thân xác hoa tàn, một nàng Kiều kiêu hãnh nén lòng rời xa hạnh phúc, một nàng Kiều lớn hơn gấp trăm ngàn lần cuộc đời cô trong tác phẩm. Kiều không hạnh phúc nhưng chính nàng đã chỉ ra hạnh phúc cho bao người. Như thế, con người ấy được vớt lên từ sông Tiền Đường hay bước ra từ tâm thức đẫm nước mắt của Nguyễn Du? Hay từ những giấc mơ?



Nguyễn Du đã khẳng định Sông Tiền Đường ấy là mồ hồng nhan. Người đọc Truyện Kiều cũng đã chấp nhận điều đó: Nước âm u chảy như chưa vớt Kiều (Nguyễn Du - Trần Nhuận Minh). Cho nên nói sông Tiền Đường ám ảnh Kiều, ám ảnh Nguyễn Du, và ám ảnh cả người đọc chúng ta quả không sai.



Tiền Đường là dòng sông định mệnh của đời Kiều, Tiền Đường là dòng sông bế tắc, suốt đời làm đau đớn Nguyễn Du. Tiền Đường là dòng sông nơi ta thao thức cùng Nguyễn Du, cũng là nơi ta gặp lại nàng Kiều với nhân cách cao vời, với lòng ngưỡng mộ vô bờ bến.


Vì thế không ai quên được con sông Tiền Đường. Trong giấc mơ xưa đã gặp Tiền Đường/ Sông Tiền Đường vẫn ám ảnh những giấc mơ (Giấc mơ gửi Thuý Kiều - Trần Chấn Uy), Sáng hôm nay bất chợt gặp Tiền Đường. Gặp hồn Nguyễn Du trên từng con sóng (Bất chợt Tiền Đường - Mai Quốc Liên). Ai trong chúng ta cũng có một dòng sông cho riêng mình, nhưng Tiền Đường lại là ký ức chung của tất cả người dân đất Việt. Bởi nơi đó có một Nguyễn Du đau đời, nơi đó có một Thúy Kiều thắm tình người, nơi đó còn có một thứ triết lý nhân sinh cao vời mà muôn đời sau vẫn sáng lấp lánh.