nguyendu.com.vn
Loading...

“Tích thiện gia huấn bi ký” Văn bia gia huấn độc đáo nhất hiện nay tại di tích quốc gia đặc biệt Khu lưu niệm Nguyễn Du


  1. Lời dẫn:
  2.  
  3. Họ Nguyễn Tiên Điền là một trong những thế gia vọng tộc tiêu biểu nhất của Xứ Nghệ. Theo Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả và các tư liệu liên quan thì vị Thủy tổ của dòng họ là Nguyễn Doãn Địch – Thám hoa khoa Tân Sửu (1481) vào niên hiệu Hồng Đức triều Lê Thánh Tông, người làng Bộc Dương (Tảo Dương) Thanh Oai (nay là làng Tảo Dương, xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội). Cháu nội của Thủy tổ Doãn Địch là Trạng nguyên Nguyễn Thuyến khoa Nhâm Thìn (1532) niên hiệu Đại Chính nhà Mạc. Hai người con của ngài Nguyễn Thuyến là Thường Quốc công Nguyễn Quyện và Phù quận công Nguyễn Miễn - đã bị Triết vương Trịnh Tùng bắt vào năm 1591. Do không chịu qui thuận nên Trịnh Tùng đã tìm giết cả hai gia đình. Tuy vậy, may mắn là con trai cả của Nguyễn Miễn là Nam Dương hầu Nguyễn Nhiệm vào đến xứ Tiên Điền ngày nay mai danh ẩn tích.
  4.  
  5. Dòng tộc thi thư nổi bật, võ nghệ siêu quần này sau hơn trăm năm ẩn tàng thôn dã, đã lại phát dương quang đại vào đời thứ 6, thứ 7… với các ngài như Giới Hiên công Nguyễn Huệ, Nghị Hiên công Nguyễn Nghiễm, Nhã Hiên công Nguyễn Trọng; Thuật Hiên công Nguyễn Khản và Thanh Hiên công Nguyễn Du.
  6.  
  7. Truyền thống gia giáo và văn võ kiêm toàn của dòng họ này không ngừng được vun bồi qua từng thế hệ, mà đạo lý kết tinh nhất, chi phối đến mọi vấn đề, mọi suy nghĩ, mọi hành vi, cung cách cư xử với đời của tộc Nguyễn Tiên Điền chính là đạo lý “tích thiện”. “Tích thiện” chính là “kim chỉ nam” để con cháu noi gương và được cụ thể hóa ở văn bia “Tích thiện gia huấn bi ký” đặt trước miếu thờ của Nhã Hiên công Nguyễn Trọng.
  8.  
  9. Đây là một bản văn bia gia huấn rất đặc biệt và cực kỳ quí giá, từng được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Đặc biệt, học giả Hyppolyte Le. Breton trong tư liệu Le vieux An-Tinh (BAVH XXXIII, số 2-3-4 năm 1936) từng đề cập đến bản « gia huấn » độc đáo bằng thể thơ « độc vận trường thiên » này thông qua Tiến sĩ Nguyễn Mai (đời thứ 10 dòng họ Nguyễn Tiên Điền). Tuy nhiên, vì là bản Pháp dịch, lại chỉ dịch nghĩa qua tiếng Pháp phần thơ Gia huấn, nên cũng làm giảm mất rất nhiều ý nghĩa nguyên bản. Mặt khác, đến nay văn bia đã bị bào mòn khá nhiều khiến cho chữ Hán không còn nhìn rõ.
  10.  
  11. Với nỗ lực tìm hiểu, nghiên cứu hệ thống trước tác của họ Nguyễn Tiên Điền, nhiều năm qua, chúng tôi đã thu thập, xử lý rất nhiều văn bản liên quan để góp phần cung cấp thêm các tư liệu quí báu về những danh nhân trứ danh như Nguyễn Nghiễm, Nguyễn Khản, Nguyễn Du, Nguyễn Đề… Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm và không ngừng dốc hết tâm huyết, tri thức để tìm hiểu nguyên vẹn bản văn bia « Tích thiện gia huấn bi ký ». Đến nay, nhờ sự giúp đỡ nhiệt tình, quí báu của các bằng hữu, nhất là Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Mạnh Cường ở Thư Viện Nghệ An**, người viết đã may mắn phục hồi đầy đủ nguyên tác của bản văn bia này. Dưới đây, chúng tôi xin cung cấp trọn vẹn bản gia huấn đặc biệt đó.
  12.  
  13. Hán văn, phiên âm dịch nghĩa « Tích thiện Gia huấn bi ký »:                                
  14.  
  15. 積善家訓碑記
  16.  
  17. 家碑何為而立也蓋欲使萬代雲仍.知先人以積善而肇基宜維志而述事.昔我先祖仁厚秉心廉明持世.文章寢食于漢魏月露篇聯事業膾炙于夔龍冰霜操凜.由是鱗趾宗傳騶虞世繼.善志稔承於蛾詔義方素講乎鯉庭.嶽降崧生儲一朝之霖雨蕢莪棫樸啟百代之風雲.爰以門萃忠賢家傳鍾鼎.即此日之文簡流芳台堦緝政.足以耀後光前,就非先人之餘慶乎為子孫者念天心之賦.予厪祖德之貽謀鳳毛媲美于謝家龍種齊名于荀氏.庶使不隕厥問有賁其休而培不拔之基以履永綏之福也.用記短章更我長篇律有鋻于前徽而永傳為世寶.云:
  18.  
  19. 善良為國寶          經史是仙田         
    祖德貽謀遠          君恩寵錫專
    嘉猷希接種          習倍謝攀缘         
    麟閣人爭羨          鷄窓子勉巔
    古今無厚產          事業寄淺編         
    獨夜懷衾影          虛衷對聖賢
    羹墻期有見          寤寐忍相捐         
    未羨牙籤普          欣間腹笥便
    才陰如木競          萬卷亦徒然         
    荏苒悲來日          因循興少年
    三餘知努力          四庫或通玄         
    審繹明河水           沉潛擬蠹仙
    吟壇標赤幟          翰苑選清錢         
    校簿雕虫巧          詞推吐鳳妍
    珪璋清朝器           琴瑟正堂緣         
    得價休藏匵          乘時抉著鞭
    虬龍遊大海          鵰鶚騁高天         
    極望收人表          叨光傍日邊
    鵷班持玉節           御歷徹金蓮         
    涉世宜嘗膽          維風敢息肩
    春潭清徹底          霜鑑照無偏         
    仁厚家殾舊          勳勞世澤綿
    即今施霖雨          到處掃雲烟         
    慈思心常切          煩苛政久蠲
    顓虞行不逮          差虧守能堅         
    清白仍遺後          精誠復繼前
    義方追整肅          變葉自蟬聯          
    房牲空帝苦          夔龍妙幹旋
    慕人惟刻鵠           守已慎臨淵         
    看取銘彈意          体同歲月遷
  20.  
  21. 德光府宜春縣仙田社特進金紫榮祿大夫諒山等處贊治承政使司承政使欽差兼知殿事宜嶺候誌              唐旹兵部侍郎龔.                                 景興二十六年菊月穀日立
    建船主林文乾 林文瑞林文專立客洪天賜王定籃 [篆文:  槐庭居士]
    祖宗貽不盡嘉猷案有詩書庭有禮                      
    孫子紹無彊含緒家宜孝友國宜忠
  22.  
  23. Phiên âm:              TÍCH THIỆN GIA HUẤN BI KÝ
  24.  
  25. Gia bi vi nhi lập , cái dục sử vạn đại vân nhưng. Tri tiên nhân tích thiện nhi triệu nghi, duy chí nhi thuật sự. Tích, ngã tiên tổ nhân hậu bỉnh tâm, liêm minh trì thế. Văn chương tẩm thực vu Hán Ngụy, nguyệt lộ thiên liên; Sự nghiệp khoái chá vu Quỳ Long, băng sương tháo lẫm. Do thị, Lân chỉ tông truyền, Ngu thế kế. Thiện chí nhẫm thừa ư Nga chiếu, nghĩa phương tố giảng hồ Lý đình. Nhạc giáng tung sinh, trữ nhất triêu chi lâm ; Quỹ nga vực phác, khải bách đại chi phong vân. Viên : Môn tụy trung hiền, gia truyền chung đỉnh. Tức thử nhật chi văn giản lưu phương, thai giai tập chính. Túc : diệu hậu quang tiền, tựu phi tiên nhân chi khánh hồ! Vtử tôn giả niệm thiên tâm chi phú; cần tổ đức chi di mưu. Phượng mao bễ vu Tạ gia, Long chủng tề danh vu Tuân thị. Thứ sử bất vẫn quyết vấn, hữu hưu; Nhi bồi bất bạt chi , vĩnh tuy chi phúc . Dụng đoản chương, cánh ngã trường thiên luật; Hữu tạc vu tiền huy, nhi vĩnh truyền vi thế bảo. Vân:
  26.  
  27. Thiện lương vi quốc bảo;                     Kinh sử thị Tiên Điền;  
    Tổ đức di mưu viễn;                              Quân ân sủng tích chuyên;
    Gia du hi tiếp chủng;                            Tập bội Tạ phàn duyên;          
    Lân các nhân tranh tiện;                       song tử miễn điên;
    Cổ kim hậu sản;                               Sự nghiệp thiển biên;  
    Độc dạ hoài khâm ảnh;                         trung đối thánh hiền.
    Canh tường hữu kiến;                      Ngụ mị nhẫn tương quyên;
    Vị tiện nha thiêm phổ;                          Hân gian phúc tứ biền;
    Tài âm như mộc cạnh;                         Vạn quyển diệc đồ nhiên;    
    Nhẫm nhiễm bi lai nhật;                      Nhân tuần hưng thiếu niên;
    Tam tri nỗ lực;                                 Tứ khố hoặc thông huyền
    Thẩm dịch minh thủy;                     Trầm tiềm nghĩ đố tiên.
    Ngâm đàn tiêu xích                          Hàn uyển tuyển thanh tiền
    Hiệu bộ điêu trùng xảo;                       Từ thôi thổ phượng nghiên.
    Đắc giá hưu tàng độc;                          Thừa thời quyết trứ tiên.
    long du đại hải;                                Điêu ngạc sính cao thiên;    
    Cực vọng thu nhân biểu;                     Thao quang bạng nhật biên.
    Uyên ban trì ngọc tiết;                          Ngự lịch triệt kim liên;      
    Thiệp thế nghi thường đảm;                Duy phong cảm tức kiên;
    Xuân đàm thanh triệt để;                     Sương giám chiếu thiên;
    Nhân hậu gia tuấn cựu;                       Huân lao thế trạch miên.
    Tức kim thi lâm ;                               Đáo xứ tảo vân yên;   
    Từ tâm thường thiết;                        Phiền chính cửu quyên.
    Chuyên Ngu hành bất đãi;                   Sai khuy thủ năng kiên;   
    Thanh bạch nhưng di hậu;                   Tinh thành phục kế tiền.
    Nghĩa phương truy chỉnh túc;              Biến diệp tự thiền liên;   
    Phòng sinh không đế khổ;                    Quỳ Long diệu cán tuyền.
    Mộ nhân duy khắc hộc;                        Thủ thận lâm uyên;    
    Khán thủ minh đạn ý;                           Thể đồng tuế nguyệt thiên.
  28.  
  29.  
  30. Đường thời Binh bộ Thị lang cung.                               
  31.  
  32.  
  33. Khách: Hồng Thiên Tứ, Vương Định Lam (triện văn: Hòe Đình cư sĩ)
  34.  
  35. Dịch nghĩa:    BIA KÝ BÀI GIA HUẤN VỀ ĐẠO TÍCH THIỆN(01)
  36.  
  37. Bia gia huấn của họ Nguyễn ta sao phải lập nên? Ấy là ý muốn con cháu vạn đời hiểu về đạo “tích thiện” mà làm gốc rễ, nên mới dốc chí để thuật lại. Xưa, tổ tiên ta vốn lòng nhân hậu, liêm khiết đời đời. Văn chương chất chứa thời Hán-Ngụy, thơ phú ngàn thiên. Sự nghiệp khoái chá như Quỳ - Long(02), tràn trề lẫm liệt. Do vậy, nhân đức mãi truyền, nối đời quan chức. Thiện chí hưởng thừa từ Nga chiếu(03), nghĩa tình dạy rõ ở Lý đình(04). Đấng thánh thần xuất sinh từ núi Nhạc(05), chứa mưa móc danh vọng của triều Chu. Bậc tài ba như vực phác(06) tựu về, nở trăm đời rạng ngời hưng thịnh. Bèn lấy: cửa nhà hợp kẻ hiền trung; gia phong lưu truyền quí hiển(07)Đến hôm nay, ta dùng lời văn ngắn gọn với tình ý tốt lành để giảng giải khuôn phép cho cháu con, đủ sáng soi nghiệp tổ, làm rạng rỡ đời sau, không phí công lao “tích thiện dư khánh”(08) của các bậc tiền nhân gửi trao cho hậu thế, Để cháu con luôn hướng lòng theo ý nghĩa trân quí do tổ tông lưu truyền. Ta lĩnh hội được đạo lý tốt đẹp từ đức hạnh tổ tiên, với tài năng sánh cùng họ Tạ(09); oai hùng xứng với Tuân gia(10), Thứ nữa, khiến cho sau này không hỏi vẩn vơ, mà rõ ràng công nghiệp của ông cha, để vun bồi vững vàng nền tảng theo đạo lý “phúc nối muôn đời”(11) vậy. Ta dùng thơ trường thiên luật để ghi lời súc tích, tạc rõ vào đá để truyền lại lời báu muôn đời cho con cháu mai sau.   
  38. Lời rằng:
  39.  
  40. Thiện lương là quốc bảo;                            Kinh – sử ở Tiên Điền;     
    Đức tổ muôn năm sáng;                             Ân vua mến tặng riêng;
    Đạo lành ngời tiếp nối;                               Tăng duyên họ Tạ vin;        
    Gác tía người giành giật;                            Thư trai(12) con gắn liền;
    Xưa nay không nhiều của;                         Sự nghiệp chép ít thiên;       
    Đêm soi mình chẳng thẹn(13);                  Tâm sáng đạo thánh hiền;
    Canh tường(14) thường ghi nhớ;               Thức, ngủ dám sao quên;
    Chưa mong ngàn thư tịch(15);                    Bụng mừng chứa trăm thiên(16)
    Tài năng như cây vững;                               Vạn quyển cũng ngẫu nhiên;
  41. Thương ngày qua bất trắc;                         Noi đức thịnh thiếu niên;
    Tháng năm cùng nỗ lực (17);                       Tứ khố rõ lý huyền;         
    Dải Ngân hà xét thấu;                                  Thông tỏ định sách tiên;
    Thi đàn tôn lãnh tụ(18);                                Văn uyển tuyển thanh tiền(19)
    Thường duyệt câu tả khéo(20);                   Buông lời ngưng nét duyên;
    Ngọc khuê(21) ngời khí sắc;                         Cầm sắt(22) sáng cơ duyên;
    Tích chứa rương hòm tốt;                           Nỗ lực quyết vươn lên(23);
    Cù – long(24) chơi biển lớn;                          Điêu - ngạc(25) hướng cao thiên;
    Giữ sáng tâm cao khiết;                               Hàm ơn vua đáp đền;
    Phượng trì ban tiết ngọc;                             Ngự trải khắp đài sen;        
    Việc đời nên đảm nhiệm.                             Phong ba dám dứt nền?
    Đầm xuân sâu trong vắt;                             Gương sương chiếu chẳng nghiêng;
    Dựng nhà nhân hậu cũ;                               Công lao tiếp triền miên;
    Nay thi hành mưa móc;                               Khắp xứ quét mây đen;     
    Lòng từ luôn thiết đặt;                                 Dứt sạch nỗi ưu phiền;
    Chuyên – Ngu(26) theo chẳng đợi;             Lưu giữ mãi lâu bền;
    Thanh bạch truyền hậu thế;                       Tâm thành kế tổ tiên;
    Hành sự đầy nghiêm chỉnh;                        Đạo lý vững nối liền(27);  
    Muôn loài: vua lo tính;                                 Giúp rập: thần chu tuyền (toàn);
    Mến người noi tổ đức(28);                            Thận trọng giữ gương bền;
    Xem lấy lời minh rõ;                                      Gốc rễ đạo căn nguyên.
  42.  
  43. Vinh phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Lạng Sơn đẳng xứ Thừa Chính sứ ty Thừa Chính sứ Khâm sai kiêm Tri Điện sự, tước Nghi Lĩnh hầu, người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang ghi chép. Thị lang bộ Binh của Trung Hoa (nhà Thanh) cung tiến đá bia.
  44.  
    Ngày tốt tháng 9 [Âm lịch] năm Cảnh Hưng thứ 26 [1765] dựng bia.
  45.  
  46.  
  47. Khách: Hồng Thiên Tứ, Vương Định Lam [Chữ triện: Hòe Đình cư sĩ]
    (Tổ tông công nghiệp truyền đời, hương án có thi thư, ở đình có lễ
    Con cháu đức nhân nối mãi, trong nhà nên hiếu hữu, với nước nên trung)
  48.  
  49. Một số nhận định về tác giả và giá trị của “Tích thiện gia huấn bi ký”
    1.  
    2. Về tác giả văn bia “tích thiện gia huấn bi ký”:
    3.  
  50. Văn bia “Tích thiện gia huấn bi ký” được đặt trang trọng trong nhà bia trước đền thờ Lam Khê hầu Nguyễn Trọng. Căn cứ vào dòng thông tin “Vinh phong là Đặc tiến Kim tử Vinh lộc Đại phu Lạng Sơn đẳng xứ Thừa Chính sứ ty Thừa Chính sứ Khâm sai kiêm Tri Điện sự, tước Nghi Lĩnh hầu người xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, phủ Đức Quang ghi chép” trên văn bia cùng các tư liệu liên quan thì người ghi chép văn bia lưu truyền hậu thế, để góp phần giáo dục truyền thống của cha ông là Nghi Lĩnh hầu Nguyễn Trọng. Sở dĩ chúng tôi khẳng định người “chí” (ghi chép) trên là Nguyễn Trọng chính bởi:
  51.  
  52. Theo sách “Hoan châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả” thì con thứ 3 của Lĩnh Nam công Nguyễn Quỳnh là Tham đốc Lam Khê hầu Nguyễn Trọng. Ông húy Kỳ 琦, tự Thúc Hữu 叔友, hiệu Nhã Hiên 雅軒. Năm Canh Ngọ (1750), [lúc ông 41 tuổi], vua Ngự giá Tây chinh, ông suất lãnh nghĩa binh hỗ giá. Có công được khâm khụng thăng làm Lạng Sơn Thừa Chính sứ với hàm chánh tam phẩm, Năm Đinh Sửu (1757), 48 tuổi, phụng sai kiêm Tri Hiển Quang điện Sự vụ (Quan lo mọi việc thờ cúng ở điện Hiển Quang – nơi thờ ba vị vua đầu đời Lê là vua Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông - ở xã Phúc Điền, huyện Hưng Nguyên, trấn Nghệ An) (29) 
  53.  
  54. Như thế, các chức “Lạng Sơn Thừa Chính sứ” và “kiêm Tri Điện sự” thể hiện trên bia đá “Tích thiện gia huấn bi ký” trùng khớp với thông tin được ghi chép rõ ràng trong gia phả (đã trích ở trên). Và, từ đây chúng ta được cung cấp thêm một thông tin liên quan đến tước phong của ông Nguyễn Trọng trong thời gian này đó là tước “Nghi Lĩnh hầu” (đến 1765 vẫn còn được sử dụng, thể hiện trên bia đá). Đây là tước phong có trước tước Lam Khê hầu do triều đình vinh phong cho Nhã Hiên công vào năm 1771, lúc ông 62 tuổi.
  55.  
  56. Bên cạnh đó, sách Le Vieux An-Tinh của học giả Hyppolyte Le. Breton cho người đọc biết rõ về nguồn gốc của đá bia, người khắc chữ lên đá… rằng “bia đá được làm bằng đá lục vân lấy ở Phúc Kiến….trên mặt bia, các thợ chạm Trung Hoa đã khắc những lời “gia huấn” (30). Điều đó bắt nguồn từ câu chuyện “Hồi đó, Nguyễn Trọng được cử tham gia một sứ bộ đi Trung Quốc với tư cách là Tham đốc” (31)
  57.  
  58. Tuy nhiên, một vấn đề khiến chúng tôi chú tâm ở đây chính là cụm từ “Nghi Lĩnh hầu chí” 宜嶺候(Nghi Lĩnh hầu ghi chép). Cần khẳng định ngay rằng chữ “chí” 誌 trong dòng “Nghi Lĩnh hầu chí” này không phải là đặc trưng thể loại của văn bia (trên phương diện thể loại, đây là thể loại “”). Vậy nên, chữ “chí” 誌 ở phần cuối của văn bia trên thể hiện cụ thể vai trò trực tiếp người tạo dựng nên bia đá “Tích thiện gia huấn bi ký” ấy.
  59.  
  60. Theo nguyên tắc soạn thuật, người trực tiếp sáng tác nên tác phẩm thì ghi soạn 撰, chép các điều đã nghe từ trước ra thì gọi là thuật 述, người lọc chọn các bài văn của cổ nhân đóng thành từng quyển cũng gọi là tuyển 選, người nhớ kỹ và ghi chép các sự vật ra sách vở, bia đá chuông đồng…thì gọi là 記, chí 誌…  Cụ thể, về nghĩa chữ “chí” 誌: theo Thuyết văn giải tự 說文解字 thì : “記誌也, 言志聲, 職吏切” (ghi chép lại gọi là chí vậy, gọi âm Chí, “chức lị/lại” thiết). Sách Chính tự thông《正字通》nói rằng: “凡史傳記事之文曰誌” (phàm lời văn dùng để ghi chép và lưu truyền những câu chuyện trong sử sách thì gọi là chí).
  61.  
  62. Như thế, nếu văn bản do chính Nhã Hiên công Nguyễn Trọng soạn ra thì ông phải xác tín ngay rằng “Nghi Lĩnh hầu soạn” 宜嶺候撰chứ không thể là “Nghi Lĩnh hầu chí” 宜嶺候誌 như nguyên tác trên bia.
  63.  
  64. Căn cứ vào yếu tố đó, chúng tôi cho rằng Nghi Lĩnh hầu Nguyễn Trọng chỉ là người ghi chép lại văn bản “Tích thiện gia huấn”.
  65.  
  66. Vậy, ai là người trực tiếp soạn bản “Gia huấn” này?
  67.  
  68. Xét trên phương diện dòng tộc Nguyễn Tiên Điền trong khoảng năm Cảnh Hưng thứ 26 (1765) ấy, người có danh vọng tài năng xuất chúng đủ đức độ để đại diện tổ tiên huấn dụ con cháu trong toàn tộc không ai khác hơn là Nhập thị Tham Tụng, Công bộ Thượng thư, Tả chấp chính, Hữu Hiệu điểm, Thiếu Bảo Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm. Bởi lúc này Nghị Hiên công là Tướng quốc đầu triều (đảm nhiệm cả hai ban văn võ), văn chương phồn phụ uẩn súc, danh vọng nổi khắp muôn phương. Và, ông chính là anh ruột của Nhã Hiên công Nguyễn Trọng, cũng là trưởng tộc Nguyễn Tiên Điền thời bấy giờ. Do đó, Nguyễn Nghiễm là người hội đủ các yếu tố cần thiết để biên soạn, tạo tác ra bản “Tích thiện gia huấn”, để sau đó em ruột của ông là Nghi Lĩnh hầu Nguyễn Trọng ghi chép và thuê thợ Trung Hoa khắc đá lưu truyền cho con cháu trong dòng tộc noi theo.
  69.  
  70. Một yếu tố nữa khiến chúng tôi xác quyết Xuân Lĩnh hầu Nguyễn Nghiễm là người trực tiếp soạn văn bảnTích thiện gia huấn” này chính căn cứ vào toàn văn bia với hệ thống điển tích điển cố được sử dụng một cách nhuần nhuyễn, điêu luyện, uẩn súc, nhịp nhàng. Đặc biệt là phần nội dung chính lại được thể hiện bằng thể “ngũ ngôn trường thiên độc vận” với 60 câu thơ độc vận dùng vần “iên”. Sự điêu luyện trong cách kết hợp uyển chuyển nhịp nhàng vần, điệu, điển tích … với một vần duy nhất thực sự cực kỳ độc đáo, có một không hai. Nếu không phải là bậc kỳ tài, văn chương trác tuyệt thì không thể nào soạn thuật được một văn bản kỳ diệu đến mức đó.
  71.  
  72. Căn cứ thứ ba tạo cho chúng tôi có thể khẳng định đây là tác phẩm do chính Tham tụng Nguyễn Nghiễm soạn chính là lời xác quyết của nhà “Nghệ Tĩnh học” Le. Breton vào năm 1936 trong Le vieux An-Tinh rằng: « La date inscrite à la fin de l’ inscription nécessite un commentaire. L’auteur du texte n’ est pas Nguyễn-Trọng, mais son arrière grand’-père la Duc de Xuân, dont les mânes sont ainsi honorés par l’ un de ses arrière-petits-fils, chef du clan des Nguyễn de Tiên-Điền à la fin du XIXe siècle. » (Niên đại dưới bài bia cần được bổ sung bằng một vài câu bình luận. Tác giả của bài này [Tích thiện gia huấn bi ký] không phải là Nguyễn Trọng mà là vị tằng tổ phụ Xuân Quận công mà vong linh đã được thờ phụng do người cháu bốn đời, trưởng của họ Nguyễn Tiên Điền vào cuối thế kỷ XIX)(32).
  73.  
  74. Không hề ngẫu nhiên hoặc chủ quan khi Le. Breton đưa ra nhận định trên, vì khi khảo cứu dòng họ Nguyễn Tiên Điền để soạn An Tĩnh cổ lục, vị Hiệu trưởng Quốc học Vinh này được Tiến sĩ Nguyễn Mai – người cháu trực hệ 4 đời của Nghi Lĩnh hầu Nguyễn Trọng – chỉ dẫn cụ thể mọi thứ. Từ đấy, chúng tôi tin rằng lời xác tín của học giả Le. Breton này có đầy đủ căn cứ khoa học.
  75.  
  76. Như vậy, căn cứ vào ba yếu tố trên, chúng tôi đi đến kết luận rằng người trực tiếp biên soạn bản “Tích thiện gia huấn bi ký” chính là Nghị Hiên Nguyễn Nghiễm.
  77.  
  78. Nhận định bước đầu về giá trị của văn bia “Tích thiện gia huấn bi ký”
  79.  
  80. Đối với mỗi gia tộc, có hai phương cách dùng để răn dạy, giáo huấn cháu con, đó là gia phápgia huấn. Gia pháp là những điều mục, mệnh lệnh, qui định qui tắc cụ thể được ghi chép hoặc truyền thụ lại nhằm khiến cho hậu bối phải noi theo đúng khuôn phép của gia tộc, đồng thời dùng các khuôn phép cụ thể đó để uốn nắn, điều chỉnh hành vi, thái độ, cách cư xử của mọi người trong gia đình. Gia pháp cũng dùng để thưởng, phạt, trừng ác khuyến thiện, khiến con cháu phải tuân thủ một cách nghiêm túc nhất. Thường, người Việt ta hiểu gia phápgia qui (các qui định, phép tắc của gia tộc) với câu nói gần như ai cũng biết và thuộc nằm lòng đó là “quốc có quốc pháp, gia có gia qui”. Có thể nói, gia pháp chính là “cái hành” – cái được thi hành, thực hiện ra bên ngoài bằng những điều khoản rõ ràng cụ thể.
  81.  
  82. Nếu gia pháp là những phép tắc rõ ràng được qui định chặt chẽ thì gia huấn lại là “cái tàng” xuất phát từ trong ý thức, quan niệm, tâm khảm của mọi người trong gia đình. Gia pháp dùng điều lệnh cụ thể với nguyên tắc bất di bất dịch, trong khi đó gia huấn lại dùng lời giảng dạy với ý nghĩa khuyên răn, huấn dụ, đánh động vào chính tâm thức của con cháu nhằm mở mang trí tuệ, tri thức, biết cách nhận thức đúng sai nhằm noi gương cha ông mà nỗ lực phấn đấu ngày càng tốt đẹp hơn. Gia huấn không ràng buộc, bắt con người phải tuân thủ theo đúng nguyên tắc, mà chính là sự thôi thúc nhận thức, mở mang hiểu biết của các cá nhân trong gia đình. Thường, ở Việt Nam, chúng ta ít thấy xuất hiện các văn bản ghi chép cụ thể về gia pháp, mà phổ biến nhất vẫn là gia huấn (trọng về yếu tốc nhận thức, trí tuệ).
  83.  
  84. Về hình thức biểu thị, các bản gia huấn của các gia tộc trên lãnh thổ nước ta rất đa dạng về hình thức biểu đạt. Có khi nó là một bài ký dài ghi chép đầy đủ các lời dạy của tổ tiên để lại cho con cháu, song phổ biến nhất vẫn là lời huấn dụ bằng thơ. Chẳng hạn như: Gia Huấn ca (tương truyền của Nguyễn Trãi) viết bằng thơ song thất lục bát, Hoa Cầu xã Nguyễn tộc gia phả (gia phả của họ Nguyễn ở thôn Tam Kỳ, xã Hoa Cầu, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) và Hành Tham quan gia huấn (Bùi Huy Bích) viết bằng thơ lục bát, Vũ vu thiển thuyết (Ninh Ngạn) có 45 chương ghi chép đầy đủ các phần gia huấn của Ninh Ngạn (1715-1781) với nhiểu thể loại như thơ ngũ ngôn, thơ ngũ ngôn, tứ ngôn xen từ, phú…
  85.  
  86. Tuy loại hình gia huấn bằng thơ khá phổ biến, nhưng chúng tôi chưa từng thấy văn bản gia huấn nào sử dụng thể “độc vận trường thiên luật” (với 60 câu thơ gieo 1 vần duy nhất) như Tích thiện gia huấn bi ký của Nguyễn Nghiễm. Bởi, nếu muốn sáng tác bài thơ độc vận trường thiên, tác giả phải thực sự uyên thâm về chữ nghĩa, như vị tướng quân “thống lãnh, chỉ đạo” tất cả các đội quân ngôn ngữ để cùng tập trung diễn đạt uyển chuyển và sâu sắc về ý, tứ kết tinh nhằm đạt đến hiệu quả về ý nghĩa cao nhất của sự huấn dụ bảo ban con cháu. Có thể thấy rằng phần chính yếu thể hiện súc tích nhất thâm ý “gia huấn” trong bản văn bia này là phần thơ độc vận trường thiên. Giá trị của bài thơ đặc biệt này không những ở cách gieo vần mềm mại, cách sử dụng ngôn từ uyển chuyển, nghệ thuật đăng đối độc đáo mà chính còn ở một hệ thống các điển tích điển cố được thiết đặt chuẩn xác, chỉnh tề từ đầu đến cuối văn bản.
  87.  
  88. Và, trên tổng thể, việc sử dụng nhuần nhuyễn các phương thức nghệ thuật ấy đã góp phần thể hiện một cách rõ nét nhất, uẩn súc nhất tư tưởng trọng yếu, chủ đạo ở văn bia này, đấy là gia huấn về việc “tích thiện”. Thiện ở đây chính là tài năng, đức khiêm cung, lòng ham mê học hành đạo lý để xứng đáng với công lao, đức độ của cha ông tiên tổ. “Thiện” đó là “chí thiện” chính là đạo lý cao đẹp nhất, quan trọng nhất mà mỗi con người đều hướng đến (Đạo của Đại học: “Đại học chi đạo, tại minh minh đức, tại tân dân, tại chỉ ư chí thiện”).
  89.  
  90. Một trong những giá trị cơ bản của văn bia “Tích thiện gia huấn bi ký” do chính Nghị Hiên công Nguyễn Nghiễm biên soạn ấy là: đây chính là một trong những tư liệu “gia huấn” súc tích, kết tinh đạo lý “tích thiện” của cha ông truyền đạt rõ ràng đến con cháu, thể hiện nếp “gia phong lễ giáo” rất đặc biệt góp phần bổ sung vào cái nhìn đầy đủ về truyền thống gia giáo lâu đời của nước ta.
  91.  
  92. Thay lời kết luận:
  93.  
  94. Nói tóm lại, “Tích thiện gia huấn bi ký” là bản văn bia gia huấn độc đáo, có “số phận” rất “lạ”, chứa đựng những giá trị văn hóa, văn học, lịch sử…. rất quan trọng hiện nay. Xét trên phương diện văn học, loại hình văn bản gia huấn dùng thể “độc vận trường thiên luật” với hình thức ngũ ngôn (thể thơ 5 chữ) cùng sự kết hợp uyển chuyển hàm súc hệ thống điển tích điển cố để kết tinh cô đọng nhất những giá trị đạo lý “tích thiện” thực sự có đóng góp không nhỏ cho nền văn học nước nhà.
  95.  
  96. Trên phương diện lịch sử văn hóa, công trình này góp phần thể hiện tính đa dạng, phong phú về văn hóa truyền thống của dân tộc, đất nước.
  97.  
  98. Mặt khác, đối với gia tộc Nguyễn Tiên Điền, văn bia này là tư liệu quan trọng bổ sung thêm phần hiểu biết về Nghị Hiên công và Nhã Hiên công. Đó là một số thông tin về tước phong của Nguyễn Trọng: bên cạnh tước Lam Khê hầu được vinh phong năm 1771, ông còn có một tước phong mà hầu như chưa ai nói đến đó là tước Nghi Lĩnh hầu. Với việc xác định cụ thể chắc chắn tác giả trực tiếp biên soạn văn bia là Nguyễn Nghiễm, cùng tước phong Nghi Lĩnh hầu là của Nguyễn Trọng, chúng tôi cũng mong muốn qua đây sẽ đính chính nhận định nhầm lẫn của nhóm tác giả sách Văn khắc Hán Nôm Việt Nam khi cho rằng “Nghi Lĩnh hầu là một tên tước ít được biết đến của Nguyễn Nghiễm(33). Bởi, thực tế Nghị Hiên công vốn đã có hai tước hầu trước khi được phong tước Xuân quận công: đó là tước Xuân Lĩnh hầuXuân Nhạc hầu. Thường thì một người rất ít khi sử dụng đến 3 tước hiệu. Mặt khác, như trên đã chứng minh, khi kết hợp với dòng thông tin đề người soạn được cung cấp trong văn bia, độc giả sẽ thấy rõ rằng Nghi Lĩnh hầu chính là Nguyễn Trọng (vì Nguyễn Nghiễm đến thời điểm 1765 đã đảm nhiệm chức vụ Tướng quốc cả hai ban văn võ, với chức vụ, hàm, tước…rất cao, chẳng hạn như: tháng chạp năm Canh Thìn (1760) ông giữ chức Hộ bộ Tả Thị lang, Nhập thị Kinh Diên; tháng 7 năm Tân Tỵ (1761), Nghị Hiên công được chuẩn làm Nhập thị Tham tụng (hàm Tể tướng ban Văn ở phủ Chúa), Công bộ Thượng Thư, quản thị hầu Nghiêm Hữu đội; Tháng tư nhuận năm Nhâm Ngọ (1762), Nguyễn Nghiễm được thăng chức Tả Hiệu điểm (Tể tướng ban Võ). Từ đây, ông giữ chức Tể tướng của cả hai ban Văn –Võ; Năm Quí Mùi (1763), ông được thăng hàm Thiếu bảo… Và, trong các thư tịch, trước thuật trên bia đá, chuông đồng… của mình, Trung Cần công luôn xướng danh rõ ràng những chức vụ, hàm cấp, tước hiệu của mình. Bởi thế, năm 1765 khi xuất hiện văn bia “Tích thiện gia huấn bi ký”, ông không thể nào tự gán ghép cho mình những chức quan nhỏ và không đúng với chức vụ, hàm tước của mình (như Lạng Sơn Thừa Chính sứ - hàm tam phẩm, kiêm Tri Điện sự) được). 
  99.  
  100. Bằng việc cung cấp văn bản “Tích thiện gia huấn bi ký” và một số nhận định liên quan, chúng tôi mong muốn sẽ góp phần nghiên cứu cụ thể và đầy đủ hơn về tư liệu và truyền thống thi thư sắc sảo của họ Nguyễn Tiên Điền – một dòng họ Trứ danh trong lịch sử.
  101.  
     
    Vinh Quang
  102.  
  103. CHÚ THÍCH:
    (01) Tích thiện 積善: tích chứa những điều tốt đẹp. Sách Kinh Dịch 易經, quẻ Khôn 坤: “积善之家必有餘庆; 积不善之家, 必有餘殃” gia đình tích chứa điều tốt đẹp, tất có nhiều niềm vui. Gia đình chất chứa điều “bất thiện” thì tất sẽ không thiếu tai ương.
    (02) Qu Long 夔龍: tương truyền đây là 2 danh thần của vua Thuấn. Quỳ 夔 là Nhạc quan 乐官, Long 龙 là Gián quan 谏官. Người đời sau dùng Qu Long để ngụ ý chỉ những bậc lương thần tài năng phò tá cho vua
    (03) Dịch từ Nga chiếu 蛾詔: đồng nghĩa với Nga triệu 蛾召 tức lời nói mạnh dạn, cương trực đầy tính thiện, với ý muốn dùng ân đức và sự dung thứ làm nền tảng cho đạo trị nhậm quốc gia của Tấn Đại phu Nga Tích 晉大夫蛾析. Sách Quốc Ngữ, mục Tấn ngữ có đoạn: 蛾析曰: “臣聞奔刑之臣,不若赦之以報讎. 君盍赦之,以報于秦” Nga Tích nói rằng: thần nghe kẻ bề tôi thi hành hình phạt chẳng bằng lấy sự tha thứ để mà báo thù sao! Vua sao chẳng xóa bỏ hình phạt, dùng nhân đức mà báo thù quân Tần?
    (04) Lý đình 鲤庭: điển cố. Xuất từ Thiên Quí thị 季氏 ở sách Luận Ngữ chú sơ 论语注疏: có nói rằng “Khổng Lý 孔鲤 rảo bước qua đình, cha ông là Khổng tử 孔子 giáo huấn ông rằng điều cốt yếu nhất là cần học Thi, học Lễ”. Người đời sau lấy điển cố “Lý đình” để nói về chuyện con cái được lĩnh hội sự giáo huấn của ông cha.
    (05) Nhạc giáng tung sinh 嶽降崧生: còn gọi là Tung sinh nhạc giáng 崧生嶽降. Kinh Thi, Đại Nhã, Tung cao 《诗·大雅·崧高》có câu: “崧高维岳,骏极于天,维岳降神,生甫及申” núi cao chỉ có núi Nhạc, cao vút đến tận trời. Có thần giáng xuống núi Nhạc, sinh ra Phủ hầu, Thân bá [hai ông cậu của Chu Tuyên vương, là trọng thần của nhà Chu, tương truyền là hậu duệ của Tứ Nhạc]
    (06) Vực phác 棫樸: cây bạch nhụy 白桵 (1 loại cây vực) và củi cây bao 枹木 (một loại cây to dùng làm củi đun). Kinh Thi, Đại Nhã Vực Phác , 大雅, 棫朴》 rằng: 芃芃棫朴,薪之槱之 cây vực phác thật tốt tươi, lấy củi đó mà đốt vậy.  Ý của vực phác là ca tụng Chu Văn Vương biết sử dụng người hiền tài, chinh phạt chư hầu, khiến bốn phương yên trị.
    (07) Dịch thoát từ “gia truyền chung đỉnh” 家傳鍾鼎. Chung đỉnh 鐘鼎: tức câu nói rút gọn của cụm từ 鐘鳴鼎食dùng chuông tấu nhạc, lấy các chiếc đỉnh mà ăn uống; dùng để phiếm chỉ gia đình quí hiển.
    (08) Chữ trong quẻ Khôn của kinh Dịch, nói về sự tốt đẹp, khánh hỷ của đạo tích thiện (đã chú dẫn ở trên)
    (09) Dịch từ “phượng mao bễ mỹ vu Tạ gia”: Nét đẹp lộng lẫy sánh cùng lông chim phượng, sánh như dòng họ Tạ. Phượng mao 鳳毛: lông vũ của chim Phượng hoàng, ý chỉ những vật trân quí hiếm có. Sau này, Phượng mao được dùng để so sánh với những người con cháu có tài năng được kế thừa từ ông cha. Bễ mỹ 媲美: Sánh ngang, đẹp ngang với…. Tạ gia 謝家: họ Tạ, tức dòng dõi của Thái phó Tạ An太傅 谢安 (320-385), là nhà chính trị, quân sự lớn thời Đông Tấn trong lịch sử Trung Quốc;
    (10) Dịch từ long chủng tề danh vu Tuân thị. Tề danh 齊名: danh vọng tương đồng. Hậu Hán thư 后汉书, Thôi Nhân truyện 崔駰传 nói rằng: [崔駰 ]少游太学, 与 班固, 傅毅 同时齐名” Thôi Nhân thuở nhỏ học tại Thái Học, cùng Ban Cố, Phó Nghị có danh vọng tương đồng. Tuân thị 荀氏: tức Tuân Úc 荀彧 (163-212) là mưu thần giúp Tào Tháo gây dựng sự nghiệp thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc
    (11) Dịch từ: Vĩnh tuy chi phúc: cũng viết vĩnh tuy phúc lý 永绥福, nghĩa là phúc phận rộng lớn, như “sợi dây phúc lộc” quấn quít muôn đời.
    (12) Dịch từ Kê song鷄窗: chỉ Thư trai (trai phòng đọc sách).
    (13) Dịch từ “độc dạ hoài khâm ảnh”. Khâm ảnh 衾影 là cách nói rút gọn của Khâm ảnh vô tàm 衾影無慚, ý chỉ hành vi quang minh chính đại, rõ ràng sáng tỏ mọi việc khiến lòng chẳng e sợ điều gì.
    (14) Canh tường 羹墻: như canh tường :  theo truyền thuyết, sau khi vua Nghiêu  mất, vua Thuấn  ngày đêm tưởng nhớ, ngồi thì thấy hình vua Nghiêu hiện ra trên tường , ăn cơm thì thấy bóng vua Nghiêu trong bát canh . Do đó, canh tường   dùng để chỉ lòng truy niệm và ngưỡng mộ bậc tiên hiền.
    (15) Dịch từ “vị tiện nha thiêm phổ”. Nha thiêm 牙籤: chiếc thẻ dùng đểu xâu giấy làm bằng ngà voi. Sau này, Nha thiêm dùng để phiếm chỉ các quyển sách về thư họa. Cũng có nghĩa là thẻ bài làm bằng ngà voi dùng để đánh dấu, lật trang ở sách.
    (16) Dịch từ Hân gian phúc tứ biền. Biền 便: Thông thường, chúng ta hay gọi chữ này âm “Tiện” (tiện dụng).  Tuy nhiên, ở ngữ cảnh trong bài thì có âm BIỀN. Sách Chính vận 正韻 chú: Bồ miên thiết 蒲眠切, âm biền 駢. Sách Nhĩ Nhã 爾雅, mục Thích  huấn 釋訓 chú: “biền biền, biện dã” 便便,辨也 (biền biền tức là biện biệt rõ ràng vậy).
    (17) Dịch từ “tam dư tri nỗ lực”. Tam dư 三餘: phiếm chỉ không gian thời gian. Sau này, người đời dùng “Độc thư tam dư讀書三餘 để phiếm chỉ những người đèn sách miệt mài, học tập chuyên cần qua nhiều năm tháng.
    (18) Dịch từ Ngâm đàn tiêu xích xí. Ngâm đàn  吟壇 tức Thi đàn , nơi các bậc thi nhân hội tụ.  Xích xí : nghĩa ban đầu chỉ ngọn cờ đỏ để hiệu triệu mọi người, sau dùng để phiếm chỉ những bậc lãnh tụ, hoặc những địa vị lãnh tụ như vầng thái dương sáng ngời.
    (19) Thanh tiền 清錢: cũng viết là thanh tiền青錢, phiếm chỉ những bậc nhân tài ưu tú.
    (20) Dịch từ hiệu bộ điêu tùng xảo. Hiệu bộ 校簿: thẩm định sổ sách văn chương (Điêu trùng 雕虫: cũng viết là điêu trùng雕蟲/彫蟲. Dùng để chỉ các loại kỹ nghệ tinh xảo, độc đáo trong sáng tác thi từ ca phú).
    (21) Dịch từ Khuê chương 珪璋: ngọc khuê (ngọc đẽo phẳng) và ngọc chương (ngọc xẻ nửa); loại lễ khí được chế tác bằng ngọc, thời xưa dùng cho việc triều sính, tế tự. Từ ý nghĩa ấy, sau phiếm chỉ người có nhân phẩm cao thượng, hoặc người kỳ tài kiệt xuất.
    (22) Cầm sắt 琴瑟: đàn cầm và đàn sắt, hai loại nhạc khí đặc biệt dùng trong nhã nhạc thời xưa. Sau này, dùng để phiếm chỉ những tình bằng hữu hòa hợp, thân mến, ý tình thông tỏ cùng nhau, như tri âm tri kỷ
    (23) Dịch từ Thừa thời quyết trứ tiên 乘時抉著鞭. Trứ tiên 著鞭 là lời nói trứ danh được thực hiện, mở mang điều tốt đẹp. Thường dùng với nghĩa khuyên người gắng sức tiến thủ.
    (24) Cù Long 虬龍: một loại rồng trong truyền thuyết của Trung Quốc. Sách Sở từ , thiên Thiên vấn có câu: “, ” có loại cù long cậy thế mạnh mẽ mà du ngoạn không?.
    (25) Điêu ngạc 鵰鶚: con chim cắt và con chim ngạc (thư cưu), hai loại mãnh thú.
    (26) Chuyên Ngu 顓虞: tức hai đời vua nổi tiếng thời cổ đại của Phương Đông, đó là Chuyên Húc (tên một vị vua họ Cao Dương   ngày xưa) và Đường Ngu, hoặc Ngu Thuấn
    (27) Dịch từ biến diệp tự thiền liên. Thiền liên 蟬聯: cũng viết là thiền liên , nghĩa là miên man không dứt, mãi mãi truyền nối.
    (28) Dịch từ mộ nhân duy khắc hộc. Khắc hộc 刻鵠: ý chỉ kế thừa, noi theo đức hạnh, công nghiệp của các bậc tiền hiền.
    (29) Chúng tôi dịch từ bản Hán văn “Hoan Châu Nghi Tiên Nguyễn gia thế phả”, ký hiệu: VHv.1852 (Vi film: 3105), tờ54b-55a.
     (30)+(31) H.Le.Breton (2005), An Tĩnh cổ lục (bản dịch Nguyễn Đình Khang – Nguyễn Văn Phú), Nxb Nghệ An – TT Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, tr. 115
    (32) Hyppolyte Le. Breton (1936), Le Vieux An Tinh,  Bulletin des Amis du Vieux Huế, XXXIII Année – No 2-3-4, p.241
      (Bản dịch tiếng Việt: H. Le. Breton (2005), An Tĩnh cổ lục Sđd, tr.118)
    (33) Nguyễn Quang Hồng (Cb) (1992), Văn khắc Hán Nôm Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã Hội, « mục 1266. Tích thiện gia huấn bi ký », tr. 686.

     


Nghiên cứu thảo luận
Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Audio Guide

nguyendu.com.vn

Tham quan ảo 3D

nguyendu.com.vn

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website