Nguyễn Du
Loading...
Xây dựng và ban hành Luật Di sản văn hóa (Sửa đổi): Cần thiết và cấp bách
Luật Di sản văn hóa được Quốc hội thông qua năm 2001; sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2009 đã đánh dấu một bước phát triển quan trọng trong sự nghiệp bảo tồn di sản văn hóa của Việt Nam. Tuy nhiên, sau 20 năm được ban hành và hơn 10 năm sửa đổi, bổ sung, hiện Luật này đang dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập...
Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sẽ có chính sách khuyến khích hồi hương di sản. Trong ảnh: Việt Nam đã đàm phán thành công việc hồi hương ấn vàng “Hoàng đế chi bảo” Ảnh: CỤC DI SẢN VĂN HÓA
“Việc đề nghị xây dựng Luật vừa đúng, vừa trúng…”
Có thể nói, sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa đã và đang được Đảng, Nhà nước ta hết sức quan tâm, ngày càng được sự ủng hộ của đông đảo nhân dân ở khắp mọi miền đất nước. Hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ngày càng hiệu quả, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho cộng đồng nơi có di sản hoặc nắm giữ/thực hành di sản, góp phần thu hút du lịch… Từ đó, góp phần tạo thêm thế và lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của từng đơn vị, địa phương nói riêng và đất nước nói chung, với những thành tựu đáng ghi nhận: Trên cả nước, đã xếp hạng trên 10.000 di tích cấp tỉnh, thành phố; 3.591 di tích quốc gia và 123 di tích quốc gia đặc biệt; trên 40.000 di tích đã được kiểm kê theo quy định của Luật Di sản văn hóa; khoảng 70.000 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước được kiểm kê; 416 di sản được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia…
Các di sản văn hóa thế giới của Việt Nam được UNESCO công nhận/ghi danh, bao gồm: 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới; 14 di sản văn hóa phi vật thể. Hệ thống bảo tàng đã phát triển từ một vài thiết chế được xây dựng từ thời Pháp thuộc thành một hệ thống gồm 187 bảo tàng (với 128 bảo tàng công lập và 59 bảo tàng ngoài công lập). Trên 4 triệu hiện vật, di vật, cổ vật quý giá mang đặc trưng văn hóa của địa phương, vùng miền, quốc gia… đang được bảo quản, trưng bày và phát huy giá trị tại các bảo tàng. 238 hiện vật, nhóm hiện vật đã được công nhận là bảo vật quốc gia qua 10 đợt xét duyệt.
Tuy nhiên, trước những yêu cầu và đòi hỏi cấp bách từ thực tế, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về di sản văn hóa cũng dần bộc lộ một số hạn chế, bất cập cả về nội dung và hình thức trong từng lĩnh vực cụ thể. Do đó, việc tiếp tục sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa cùng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành là hết sức cần thiết để bắt kịp sự vận động và biến chuyển của xã hội, điều chỉnh, cụ thể hóa được những vấn đề còn vướng mắc, tạo hành lang pháp lý thuận lợi nhất cho các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc.
Tại phiên họp Chính phủ chuyên đề về Xây dựng pháp luật tháng 11.2022 vừa qua, sau khi Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng trình bày tờ trình về đề nghị xây dựng Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ VHTTDL, đồng thời khẳng định: Việc đề nghị xây dựng Luật là vừa đúng, vừa trúng, nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, sau hơn 20 năm Luật ban hành.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ VHTTDL tiếp tục chỉ đạo rà soát, đánh giá kỹ tác động của các chính sách mới, hoàn thiện các giải pháp, bảo đảm tính toàn diện, rõ ràng, thống nhất, khả thi; chỉnh lý, hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật; phối hợp với các Bộ, cơ quan tổng hợp, hoàn thiện để Chính phủ trình Quốc hội; giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo việc hoàn thiện đề nghị xây dựng Luật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ VHTTDL tiếp thu các ý kiến, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật theo hướng chính sách phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật có liên quan; cần cụ thể, rõ ràng, nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý xung đột pháp luật, bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế, lấp đầy các khoảng trống pháp lý; chính sách phải rõ, hợp lý, có tính khả thi cao. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực trong quản lý di sản; huy động nguồn lực, nhất là hợp tác công tư trong quản lý di sản; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, cơ quan tổ chức; đưa nội dung quản lý di sản vào hệ thống giáo dục; ứng dụng công nghệ số vào quản lý di sản; khai thác du lịch gắn liền với di sản... Huy động tối đa các nguồn lực xã hội trong bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa, thúc đẩy hợp tác công tư, nhưng có cách quản lý hiệu quả. Thủ tướng cũng lưu ý một số vấn đề như đưa vào giáo dục phổ thông, chuyển đổi số trong quản lý bảo tàng, xây dựng bảo tàng số. Giữ gìn, phát huy, tôn tạo di sản gắn với phát triển du lịch.
Tập trung sửa đổi 3 nhóm chính sách lớn
Dự kiến Luật sửa đổi bổ sung các quy định bảo đảm cho hoạt động kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập, triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Hoàn thiện quy định về hoạt động bảo tàng; bảo vệ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, có chính sách khuyến khích hồi hương di sản… Quy định rõ hơn về nội dung, phân định rõ quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước về di sản.
Trong đề nghị xây dựng luật, Bộ VHTTDL tập trung sửa đổi 3 nhóm chính sách lớn: Một là, hoàn thiện các quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, cụ thể: Nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, bổ sung quy định mới hoặc hủy bỏ những quy định liên quan đến công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di tích, di sản văn hóa phi vật thể, bảo tàng, di vật, cổ vật, bảo vật mà Luật Di sản văn hóa còn quy định chung chung, không phù hợp với thực tiễn hoặc không khả thi; bổ sung quy định mới về di sản tư liệu chưa có trong Luật để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu hướng phát triển của lĩnh vực di sản tư liệu khu vực và thế giới.
Hai là, hoàn thiện các quy định về thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về di sản văn hóa phù hợp với thực tiễn, cụ thể: Nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung tại Luật Di sản văn hóa những quy định liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của Chính phủ, Bộ VHTTDL, các Bộ, ngành trực tiếp quản lý nhà nước đối với di sản, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (bao gồm cả trách nhiệm của UBND các huyện, xã) trong việc bảo vệ và quản lý di sản văn hóa; UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch, quy định bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể; thực hiện cam kết bảo vệ và phát huy bền vững giá trị sau khi di sản được kiểm kê, xếp hạng, ghi danh; bài trừ các hủ tục và chống các biểu hiện tiêu cực, thương mại hóa trong tổ chức và hoạt động lễ hội; phê duyệt, bố trí kinh phí thực hiện, tổ chức thực hiện, quản lý các đề án, dự án; xây dựng các báo cáo bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể ở địa bàn tỉnh/ thành phố.
Ba là, hoàn thiện các quy định về huy động nguồn lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa: Sửa đổi, bổ sung, làm rõ các quy định trong Luật Di sản văn hóa về nội dung hoạt động xã hội hóa trong bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa, các chính sách ưu đãi trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa; bổ sung quy định mới về “Quỹ bảo tồn di sản văn hóa”; Sửa đổi, bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Bổ sung quy định về các nguyên tắc quản lý, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể làm cơ sở cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể; định hướng, điều chỉnh hoạt động quản lý, thực hành và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trong cộng đồng, xã hội trong bối cảnh bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với phát triển bền vững và hội nhập; vai trò, sự tham gia của cộng đồng chủ thể trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.
Thời gian dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7 năm 2024 và thông qua Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 năm 2024.
Theo Tùng Quang/baovanhoa.vn
Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.