Cả nước có gần 150 bảo tàng, trong đó tập trung nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh quý giá về lịch sử của đất nước. Điều đáng nói, rất nhiều người Việt lại thờ ơ, chẳng mấy mặn mà việc tham quan, tìm hiểu bảo tàng. Vì sao?
Khách tham quan Bảo tàng
Chẳng muốn đến lần thứ hai
Chị Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó giám đốc Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM, thẳng thắn bày tỏ: “Làm công việc liên quan đến giáo dục nên tôi rất quan tâm đến bảo tàng. Bản thân tôi đã đi gần hết bảo tàng ở TP.HCM nhưng thấy rất chán và đơn điệu, thậm chí đưa trẻ em vào chúng cũng không thèm nhìn. Nguyên nhân chính là cách bài trí quá tối. Bên cạnh đó, nhiều hướng dẫn viên chưa trau chuốt vẻ ngoài, cách giao tiếp và kể chuyện, hướng dẫn chưa thu hút”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, không ít người xem chưa hết một bảo tàng nào đấy đã muốn đi ra. Khi hỏi có ai muốn quay lại xem lần thứ hai, câu trả lời thường là “không”, trừ một số người cần nghiên cứu lịch sử như sinh viên chuyên ngành, đạo diễn, biên kịch...
Tại nhiều trường trên địa bàn TP.HCM như: THPT Nguyễn Khuyến (Q.10), tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4), THCS Lê Quý Đôn (Q.3)…, nhà trường cố gắng lắm cũng chỉ tổ chức cho học sinh đi bảo tàng được 1 lần/năm. Đặt vấn đề vì sao không tăng số lần tham quan cho học sinh, nhiều trường lý giải: Học sinh thật sự không mặn mà với bảo tàng do không có sự thay đổi và không có chương trình cụ thể thu hút người tham quan.
Đáng nói hơn, nhiều trường phải ấn định chương trình cho học sinh tham quan bảo tàng trong hoạt động ngoại khóa chứ không để học sinh tự chọn lựa địa điểm. “Hầu hết các em đều chọn những khu vui chơi giải trí hoặc công viên nước”, bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cho biết.
Anh Phan Thanh Duẩn, Trưởng khoa Chính trị phương pháp công tác Đội (Nhà thiếu nhi TP.HCM), người thường dẫn các đoàn thiếu nhi tham quan thông qua “Hành trình đến với bảo tàng” phản ánh: "Phần lớn các bảo tàng hiện nay xây dựng cách trưng bày cho người lớn xem chứ không chú trọng đến các em thiếu nhi. Còn thuyết minh viên thì đa phần có một bài thuộc nằm lòng rồi nói ra rả như thế từ năm này qua năm khác cho tất cả các đối tượng. Nhiều em được chúng tôi đưa đi tham quan cho biết không muốn đi thêm lần nữa"
20 năm, vẫn như cũ
PGS-TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, ngậm ngùi nhận xét: “Cách đây khoảng 20 năm, tôi có dịp đi xem một số bảo tàng tại TP.HCM. Gần đây, tôi thử quay trở lại một số nơi mà mình từng đến thì thấy chẳng có gì thay đổi, có chăng chỉ là một vài chi tiết nhỏ không đáng kể. Lẽ ra, với ngần ấy thời gian, phải có sự chuyển biến mang tính đột phá, làm cho mình phải ngỡ ngàng mới đúng. Thế nhưng, sự thật nó không diễn ra như tôi nghĩ”. Ông phân tích thêm: “Sở dĩ hệ thống các bảo tàng ở VN hiện nay không thu hút được giới trẻ đến tham quan là vì không gian đóng kín quá, nó cứ im lìm, trầm mặc, trở thành nơi thăm viếng là chính. Mà thăm viếng thì người ta thường chỉ đến vào dịp hội hè”.
Nhìn chung, hệ thống bảo tàng của chúng ta hiện nay là bảo tàng của thế giới cách đây ít nhất 50 năm.
Ông Nguyễn Văn Mỹ, Giám đốc Công ty Lửa Việt so sánh: “Nhìn chung, hệ thống bảo tàng của chúng ta hiện nay là bảo tàng của thế giới cách đây ít nhất 50 năm. Nhiều người rất ngạc nhiên rằng VN là một dân tộc có lịch sử dữ dội, nhưng lại hiếm có bảo tàng cho ra ngô ra khoai.
Gần như tất cả đều nghèo nàn, lạc hậu, đơn điệu và bao cấp rải đều. Từ đó, gây ra sự lãng phí và những bất hợp lý kéo dài”. Mặc dù nằm ở vị trí đắc địa - sát bên Thảo Cầm Viên - hầu như lúc nào cũng nườm nượp người đồng thời có “xác ướp xóm Cải” nổi tiếng, thế nhưng Bảo tàng Lịch sử (số 2 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM) vẫn có lượng khách khá “khiêm tốn”.
Trao đổi với chúng tôi, TS khảo cổ học Phạm Hữu Công, Phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử nhìn nhận: “Mấy năm nay, bảo tàng cũng cố gắng tìm cách giới thiệu, quảng bá đến các công ty, xí nghiệp, trường học, nhưng số lượng khách trong nước đến tham quan cứ bình bình, thấy rõ là không hiệu quả. Trong khi đó, nhiều khách nước ngoài lại đến, bởi khi đặt chân tới VN, người ta muốn tìm hiểu lịch sử, văn hóa dân tộc VN”.
Không chỉ gặp khó khăn về mặt bằng chật hẹp, bảo tàng này còn hạn chế về mặt nhân sự mà cụ thể là chỉ có 4 thuyết minh viên. Trên thực tế, có nhiều đoàn đến cùng một lúc nên không đủ người thuyết minh. Trong những trường hợp như vậy, khách cứ "tự nhiên" đi xem, tự “đánh vật” với những chú thích be bé ghi bên cạnh những hiện vật, hoặc đành phó mặc cho những hướng dẫn viên du lịch... “Chúng tôi ao ước được hiện đại hóa bảo tàng, vì như thế mới thu hút được khách tham quan, chứ như lâu nay thì tĩnh quá” - TS Phạm Hữu Công trăn trở.
“Hiện tượng lạ” trong hệ thống bảo tàng
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM) được xem là “hiện tượng lạ” trong hệ thống bảo tàng, bởi nơi đây thường thu hút rất đông khách trong và ngoài nước đến tham quan tất cả các ngày trong tuần.
Bà Huỳnh Ngọc Vân, Giám đốc bảo tàng chia sẻ: “Số lượng các bảo tàng ở nước mình đề cập đến chiến tranh nhiều lắm. Tuy nhiên, người ta quan tâm đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh vì chuyên đề của nó sâu hơn, nói về tội ác chiến tranh, về những mất mát đau thương của nhân dân VN trong chiến tranh. Và khi mình trình bày tốt, dẫn chứng tốt thì sẽ thu hút người ta. Chúng tôi chú trọng giải pháp trưng bày để thu hút khách, thể hiện qua việc xây dựng kịch bản trưng bày hợp lý và kịch bản cho từng chuyên đề. Đặc biệt, theo bà Vân, yếu tố quyết định chính là “chính sách công chúng” - một khái niệm còn khá mới mẻ ở VN - nhằm phân loại khách đến bảo tàng, từ đó áp dụng những chính sách phù hợp tâm lý và nhu cầu của họ”.
Làm mới dựa trên cái cũ
Bảo tàng nên có một chương trình cụ thể, luôn biết cách làm mới dựa trên những cái cũ, có như vậy mới thu hút được học sinh. Tôi nói giả dụ, chúng ta có thể dàn dựng một vở kịch ngắn tái hiện nhà tù Côn Đảo, về sự tra tấn dã man của kẻ địch hoặc lòng dũng cảm của những chiến sĩ cách mạng… ngay tại bảo tàng. Tôi chắc rằng sau khi xem, các em sẽ tự giác tìm hiểu mô hình chuồng cọp cũng như những hình ảnh, số liệu, sự kiện về Côn Đảo. (Hồ Thị Tuyết Tơ - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quý Đôn, Q.3, TP.HCM)
Các trường nên chủ động Theo tôi, các trường đừng nên trông đợi sự thay đổi từ bảo tàng. Thay vào đó, cần chủ động hướng dẫn học sinh tham quan bảo tàng, sau đó phải có bài thu hoạch, hoặc cần thiết có những bài kiểm tra kiến thức sau chuyến đi… Ở cấp vĩ mô hơn, tôi cho rằng ngành VH-TT-DL và GD-ĐT cần ngồi lại để đưa ra giải pháp cụ thể, đừng để tình trạng không hay là người nước ngoài thì rành lịch sử của ta; còn ta khi muốn biết lịch sử VN thì phải tra trên công cụ tìm kiếm Google! (Lê Minh Hiển - Một phụ huynh tại TP.HCM)