Nguyễn Du

Loading...

Ví phường nón Tiên Điền

Nghề làm nón ở làng Tiên Điền có từ rất lâu và cùng với sinh hoạt văn hóa của những người làm nón trong làng đã hình thành phường hát với tên gọi là “Hát ví phường nón Tiên Điền”. Đây là sinh hoạt văn hoá của cư dân làm nghề tơi nón, được tổ chức vào buổi tối bên ánh đèn hay dưới ánh trăng hay trong sân vườn nhà. Người thợ làm nón lấy việc ca hát để quên đi vất vả mệt nhọc, để thể hiện tâm tình lứa đôi, tình yêu quê hương đất nước ...
 
 
Phường nón Tiên Điền phản ánh rõ tính chất phường hội thủ công, là nơi khởi phát các hoạt động văn hóa cộng đồng, nơi lưu giữ các làn điệu ví dặm, hò vè, thơ ca...Hát ví phường nón lúc đầu diễn ra trong nhà - ngoài ngõ hoặc một khoảng sân của một nhà nào đó. Bên nữ vừa làm vừa hát, bên nam là khách đến chơi, đứng hoặc ngồi hát, anh nào siêng năng chăm chỉ thì có thể cùng vót nan, lợp lá nón với phường nữ. Phường nón cũng sẵn sàng hát đối đáp với các phường khác như phường săn, phường củi, phường và nam nữ thường hát giao duyên trao đổi tâm tình.
 
Em đừng bứt niệt mõi tay
Về đây làm nón đợi ngày du xuân.
 
Nghề làm nón và sinh hoạt của các phường nón đã trở thành một sinh hoạt văn hóa ở làng Tiên Điền. Nón tơi đã bao đời gắn bó với người dân, đã trở thành nét đẹp văn hóa trong đời sống cộng đồng. Một số tài liệu nghiên cứu về văn hoá dân gian làng Tiên Điền cho rằng: Nghề làm nón của Tiên Điền đã đi vào thơ ca từ khi Nguyễn Du viết  “Thác lời trai phường nón Tiên Điền gửi gái phường vải Trường Lưu”. Nhà thơ đã dành nhiều câu thơ mang đậm màu sắc địa phương cho phường nón. Thời gian Nguyễn Du về lại Tiên Điền (1796-1802), thường cùng các anh bạn văn nho hòa mình trong những câu hò, điệu ví cùng các cô gái phường nón và các cô gái đều quen biết Nguyễn, có lần đi hát phường nón trong làng, Hầu (tên danh xưng Nguyễn Du) gặp cô gái tên Cúc rất đẹp, giọng lại hay, nhưng đã quá thì mà vẫn chưa có chồng. Lần ấy, Hầu đóng vai người “gà” chuyện, một người con trai ví ghẹo:
 
Trăm hoa đua nở mùa xuân
Cớ sao Cúc lại muộn mằn về thu?
 
Hầu, gà ngay cho cô gái hát đáp lại:
 
Vì chưng tham chút nhụy vàng
Cho nên Cúc phải dềnh dàng về thu.
 
Sau này, khi làm quan trong kinh được về quê, Nguyễn gặp cô Tuyết, người đã cùng mình hát ví trước kia đang dắt trâu bên đường. Cô ta nhìn Hầu, mỉm cười, rồi khe khẽ hát:
 
Cái tình là cái chi chi
Anh làm tham tri em cũng biết rồi.
 
Hát ví còn là sự giao thoa giữa vùng này với vùng khác, Nguyễn Du là một trong những người đã từng mang ví phường nón Tiên Điền vào tận Trường Lưu (Can Lộc) để hát thi đối đáp, giao duyên, tạo nên những mối tình quyến luyến giữa trai gái các làng:
 
Chàng về để áo lại đây
Phòng khi em nhớ, cầm tay đỡ buồn
 
Từ những cuộc gặp gỡ giao lưu đó, bài thơ “Thác lời trai phường nón” và “Văn tế Trường Lưu nhị nữ” nổi tiếng của Nguyễn Du đã ra đời trong thời gian này.  “Thác lời trai phường nón” là nguồn cảm hứng sáng tác bất tận cho đến nay đã góp phần tích lũy kho tàng hát ví khá phong phú mang bản sắc văn hóa của địa phương. Thể hiện được cách làm nghề, cách nghĩ, cách cảm nên thơ của các chàng trai cô gái với những câu thơ được trau chuốt, mượt mà, ý nhị để giải bày tâm sự, đong đếm tình cảm:      
 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Đò Cài mấy trượng thì lòng bấy nhiêu (Nguyễn Du)
 
Cũng câu hát trên được linh hoạt sử dụng phù hợp với địa danh của từng vùng nên lại hát:
 
Hồng Sơn cao ngất mấy trùng
Lam Giang mấy trượng thì lòng bấy nhiêu.
 
Hát ví phường nón nói riêng và hát ví nói chung là loại hình dân ca quen thuộc còn lưu truyền những câu chuyện liên quan đến Nguyễn Du và Truyện Kiều - Truyện Kiều cũng là một trường ca hát ví - Hát ví thường được mượn Truyện Kiều.
 
Có lần chuyến đò sang sông, một nhóm thầy đồ thấy cô gái mặc váy từ trên mui thuyền bước xuống, gấu váy bị vướng, loay hoay mãi mới gỡ được, một thầy đồ ngồi trong khoang hát:
 
Ơ…Rõ ràng trong ngọc trắng ngà
Sẵn đây ta đúc một tòa thiên nhiên.
 
Cô gái sau khi ngồi xuống chỉnh tề liền quay lại hát:
 
Người ơi…! Mười lăm năm mới một lần
Hé gương cho khách hồng trần thử soi.
 
Việc sử dụng những câu Kiều để làm câu hát đối đáp trong dân ca Ví, Dặm khá phong phú, phổ biến trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các nhà nho:
 
Truyện Kiều anh đã thuộc lòng
Đố anh kể được một dòng toàn nho?
 
Hay:                             
 
Truyện Kiều anh đã thuộc làu
Đố anh kể được một câu hết Kiều?
 
Đến nay, khi tìm hiểu ví Phường nón Tiên Điền, các nhà nghiên cứu luôn trân trọng bảo tồn, phát huy giá trị của  kho tàng văn hoá dân gian quê hương  Cho dù nghề làm tơi nón ở Tiên Điền đã mai một, nhưng người dân vẫn luôn nhắc đến” Ví phường nón” một loại hình sinh hoạt văn hoá truyền thống, nay đang dần được phục hồi góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần của người dân quê hương.
 
 
Lê Vân

 

Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.