Nguyễn Du

Loading...

Về niên đại Thần vị tại Đền thờ Đại thi hào Nguyễn Du

Tại Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du trong nội thất không gian thờ chính Đại thi hào có bài trí Thần vị khắc trên chất liệu đá thanh, đây là hiện vật có giá trị gốc trực tiếp đến việc thờ tự Đại thi hào.  
 
Thần vị Đại thi hào Nguyễn Du
 

Năm Gia Long thứ nhất (1802), Nguyễn Du vào làm quan ở Kinh thành Huế với nhiều  chức vụ khác nhau. Đến tháng 2 năm Quý Dậu (1813) được thăng hàm Chánh điện học sĩ, cử đi sứ Trung Quốc với tư cách là Tuế cống Chánh sứ. Tháng 4 năm Giáp Tuất (1814), Nguyễn Du trở về nước được vua Gia Long thăng chức Hữu Tham tri bộ Lễ (hàm Tam phẩm) và tước Du Đức hầu.
 
Sắc của vua Gia Long ghi rõ: Sự nghiệp học thuật giỏi vốn là người chăm chỉ nay ở văn giai tân cử lên đặc chuẩn thăng cơ Bộ tham tri tước Du đức hầu tham gia mọi việc trong nội bộ. Cần để giữ gìn bang điển, ngày đêm nhắc nhở xứng đáng với chức vụ của mình (ngày 19 tháng 5 năm Gia Long thứ 14 - 1815).
 
Tháng 8 năm Canh Thìn (1820), vua Gia Long mất, Minh Mạng lên ngôi, có lệnh cử Nguyễn Du làm Chánh sứ sang nhà Thanh báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì bị cảm bệnh và mất tại kinh thành Huế vào ngày 10 tháng 8 niên hiệu Minh Mệnh năm đầu (dương lịch là ngày 16/9/1820). Hưởng thọ 55 tuổi.
 
Về việc Nguyễn Du mất tại kinh thành Huế, bản thế phả họ Nguyễn - Tiên Điền chép: Được tin báo, vua rất thương xót, ban cho tên thuỵ là Trung Thanh. Ngoài số tiền tuất, vua ban thêm 20 lạng bạc, hai tấm lụa màu, ba mươi cân sáp, ba trăm cân dầu thắp đèn. Mẹ vua và em vua cùng với quan văn đều đưa lễ phúng. Nguyễn Du được an táng tại cánh đồng Bàu Đá, xã An Ninh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.
 
Năm 1824 con cháu đưa hài cốt về cát táng tại quê nhà. Cùng  năm đó, việc thờ tự được con cháu thờ tại nhà ở thuộc sở vườn khi Đại thi hào Nguyễn Du còn sống tại xóm Tiền, thôn Lương Năng (nay là thôn Thuận Mỹ). Sau một thời gian thì nhà thờ bị hỏng và đến năm 1940 Hội Khai trí Tiến Đức quyên góp được 420 đồng tiền Đông Dương giúp dòng họ xây đền thờ Nguyễn Du trong vườn cũ của dòng họ Nguyễn tại thôn Hồng Lam (nay là Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du).
 

Đền thờ Đại thi hào Nguyễn Du

 
Năm 2010, trong chương trình Mục tiêu quốc gia, đền thờ Đại thi hào Nguyễn Du được nâng cấp xây dựng mới với kiến trúc 3 gian bằng gỗ lim, khánh thành năm 2012 và đồ thờ tự được rước từ đền thờ làm năm 1940 lên bài trí tại không gian Đền thờ mới theo lễ nghi, phong tục truyền thống một cách tôn nghiêm, trang trọng. Còn Đền thờ do Hội Khai trí Tiến Đức làm năm 1940 vẫn được giữ nguyên với ý nghĩa thờ vọng.
 
Trong số đồ thờ có Thần vị khắc chìm bằng chữ Hán có nét chữ mảnh trên chất liệu đá thanh, nội dung như sau:
 
Quý Mão khoa.
 
Nho sinh phụng trực đại phu Chính trị khanh Khâm sai Bắc quốc cống sứ Lễ bộ Hữu tham tri hầu tước Thanh Hiên Nguyễn tiên sinh.
 
Tuy nhiên, để tìm hiểu về niên đại cũng như cá nhân hoặc tổ chức nào kính tạo Thần vị trên thì trong các nguồn tư liệu về dòng họ cũng như tư liệu về Đại thi hào Nguyễn Du cũng không ghi lại. Quan sát kỹ mặt sau của thần vị thì dòng chữ nhỏ, mờ không đọc, không rập nổi chữ được. Rất may cho chúng tôi trong quá trình kiếm các nguồn tư liệu đã bắt gặp tư liệu ghi lại thời gian kính tạo Thần vị Đại thi hào trong nguồn tư liệu của Cố GS Ngô Đức Thọ (ngoducthohn.blogspot.com).
 
 
Bản rậpThần vị Đại thi hào Nguyễn Du (ngoducthohn.blogspot.com).
 
Đó là bản rập Thần vị Đại thi hào Nguyễn Du mà theo chúng tôi có thể được Cố GS rập vào khoảng những năm 70 - 80 của Thế kỷ trước. Niên đại kính tạo được khắc với một dòng chữ mờ nhỏ, nội dung như sau:  
 
Hoàng Việt Bảo Đại Canh ngọ niên quý thu nguyệt cát nhật kính tạo.
 
Như vậy, từ bản rập Thần vị thì niên đại Thần vị Đại thi hào Nguyễn Du đến nay đã rõ. Sau khi Đại thi hào Nguyễn Du mất 110 năm, đến triều vua niên hiệu Bảo Đại năm thứ 5 (Canh Ngọ -1930) thì Thần vị Đại thi hào mới được kính tạo. Và, tính đến thời điểm hiện nay, Thần vị Đại thi hào Nguyễn Du đã có thời gian là 93 năm (1930-2023).
 
Thần vị Đại thi hào Nguyễn Du là một tư liệu, hiện vật quý đang được Ban quản lý di tích Nguyễn Du lưu giữ, bảo quản tại không gian thờ tự Đại thi hào và cũng là một trong những hiện vật gốc được giới thiệu cho du khách gần xa khi về tham quan Di tích lịch sử Khu lưu niệm Nguyễn Du - Danh nhân văn hoá Thế giới.
 
 
 Bách Khoa
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đôi điều về nước sạnh của người Chăm Pa xưa qua hệ thống giếng cổ dọc bờ biển miền trung Việt Nam

Không nhiều người biết rằng, về cơ bản, toàn bộ miền Trung Việt Nam (từ tỉnh Quảng Bình cho tới tỉnh Bình Thuận), trước đây chưa lâu, từ thế kỷ 10 đến thế kỷ 18 đã dần trở thành lãnh thổ của Đại Việt (tên của Việt Nam thời đó). Gần như ở mọi nơi trên thế giới này văn hóa của những kẻ chiến bại không bao giờ mất mà, dường như, nó còn sống dậy rất mãnh liệt để cả nhân loại phải chiêm ngưỡng và nhắc đến. Chăm Pa, may thay, đã là như vậy. Người ta đã biết nhiều đến các đền tháp, những tác phẩm điêu khắc, tượng tròn bằng đá hay đất nung trên khắp miền Trung Việt Nam, những địa danh như Po Kluang Galai, Mỹ Sơn, Po Nagar, Po Dam… nghe đã rất quen và không ít người đã hơn một lần ghé thăm. Nhưng văn hóa Chăm Pa không chỉ là kiệt tác của kiến trúc và nghệ thuật điêu khắc. Còn nhiều thành tựu khác như đồ gốm, đất nung, những viên gạch trên những ngôi đền tháp như thách thức thời gian và khí hậu nghiệt ngã, nghề dệt vải trồng bông… Bên cạnh đó kĩ năng tuyệt vời về tìm các mạch ngầm nước ngọt và kỹ thuật khai thác nó để tạo nên cuộc sống, nơi mà thiên nhiên hiếm khi chiều chuộng con người.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.