Nguyễn Du

Loading...

Vấn đề thể loại trong phim Đại thi hào Nguyễn Du

Năm 2020, nhân 255 năm sinh và 200 năm mất của Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du, Công ty cổ phần Không gian Văn hóa Việt - Media đã sản xuất bộ phim tài liệu - nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du - một bộ phim được coi là đầy đủ nhất từ trước tới nay về cuộc đời của một trong những thi tài lớn nhất, mà cuộc đời và tác phẩm của ông để lại được xem là một gia tài văn hóa lớn của dân tộc. Nhóm tác giả kịch bản gồm tiến sĩ Phạm Xuân Mừng, Lương Xuân Trường, Trần Đình Tuấn và Nguyễn Văn Đức, trong đó Phạm Xuân Mừng là nhà sản xuất chính, đạo diễn là Nguyễn Văn Đức cùng nhóm cộng sự.

 

Ê kíp đoàn làm phim (ảnh: BK)

 

Cái tên Nguyễn Du và tác phẩm Truyện Kiều có lẽ không người Việt Nam nào không biết. Nhưng trong khi tác phẩm Truyện Kiều với hàng ngàn câu thơ, đã từng được dịch sang nhiều tiếng nước ngoài, được Unesco vinh danh kiệt tác văn chương nhân loại, được người đọc biết đến từng câu, từng chữ, thậm chí còn gắn nhân vật Thúy Kiều với một trò chơi dân gian, là Bói Kiều, một trò chơi dân dã, thân thuộc với nhiều thế hệ người Việt Nam. Trong khi tác phẩm văn chương của Nguyễn Du từng làm rạng danh cho nền văn chương cổ điển nước nhà gần hai thế kỷ rưỡi qua, được nhiều người đọc Việt Nam biết đến, thì tác giả Nguyễn Du, người “cha tinh thần” của tuyệt tác ấy, lại không phải ai cũng biết tường tận. Vẫn còn nhiều điểm tối, khoảng trống trong cuộc đời nhà thơ, ngay với cả những chuyên gia am hiểu nhất. Một bộ phim tài liệu về cuộc đời ông xuất hiện lúc này là vô cùng cần thiết. Bộ phim tài liệu – nghệ thuật Đại thi hào Nguyễn Du của Công ty cổ phần Không gian Văn hóa Việt – Media đã đáp ứng được niềm mong đợi ấy.

 

Con đường nào đã dẫn một nhóm các nhà làm phim được tập hợp từ nhiều địa chỉ khác nhau, không được nhà nước cấp kinh phí, lại can đảm thực hiện một dự án có một không hai như thế? Nhà sản xuất - Tiến sĩ Phạm Xuân Mừng cho hay, vào dịp cuối năm 2017, ông có dịp thăm và thắp hương tại khu Tưởng niệm Nguyễn Du - Di tích Quốc gia đặc biệt tại huyện Nghi Xuân. Người con sinh ra trên mảnh đất Đức Thọ, Hà Tĩnh, từng du học tại Nga, quê hương của Puskin, làm việc tại Học viện Chính trị Quốc Gia Hồ Chí Minh, vô cùng tự hào và ngưỡng mộ trước tài năng và đức độ của nhà thơ quê hương mình. Hiểu rõ tấm lòng ông, trưởng Ban Di tích Hồ Bách Khoa có lời gợi ý nên làm một bộ phim, vì trong dịp này, Việt Nam sắp kỷ niệm 255 năm sinh và 200 năm mất của Đại thi hào dân tộc. Đó là việc làm rất ý nghĩa và cũng đầy rẫy khó khăn, thách thức. Nhưng theo Phạm Xuân Mừng, bộ phim về nhà thơ quê hương với ông, chẳng khác nào một món nợ tâm linh, không thể không làm. Dù ở thời điểm đó, chưa hình dung hết khó khăn và hình hài bộ phim tương lai, Phạm Xuân Mừng vẫn bắt tay thực hiện. Việc đầu tiên là tìm kiếm cộng sự. Cần phải có những bàn tay chuyên nghiệp, vì Nguyễn Du đã quá quen thuộc với mỗi người dân Việt Nam, bất cứ sự sơ xuất nào khi tái hiện lại bậc thi tài, đều không được phép. Cộng sự đầu tiên Phạm Xuân Mừng tìm đến là nhà báo Lương Xuân Trường, cán bộ Đài THVN, người sẵn sàng nhận viết những trang kịch bản đầu tiên về Đại thi hào Nguyễn Du. Về sau, do nhận thấy kịch bản còn đơn giản, nhóm làm phim đã mời thêm nhà Kiều học Trần Đình Tuấn, chuyên gia nghiên cứu Nguyễn Du và Truyện Kiều, phát triển nâng cao kịch bản. Tuy nhiên, dù bỏ nhiều công sức ban đầu, kịch bản Đại thi hào Nguyễn Du vẫn mang dáng dấp một phim tài liệu theo lối cũ, trong tình hình điện ảnh Việt Nam, trong đó có phim tài liệu, đã có những bước tiến rất dài. Nếu làm theo lối cũ, thật khó lòng thỏa mãn thị hiếu ngày càng được nâng cao của khán giả. Nguyễn Văn Đức từng học điện ảnh tại trường VGIK (trường Đại học Điện ảnh Quốc gia Liên Xô cũ), làm việc tại Hãng Phim truyện I, từng tham gia đồng quay phim chính trong các phim Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử thiên đô nên ít nhiều có kinh nghệm làm phim lịch sử, đã đạo diễn nhiều phim truyện truyền hình cho VTV1 và VTV9, chính thức được đề nghị sửa chữa kịch bản theo hướng mới. Đề xuất của ông muốn được tiếp cận Nguyễn Du theo hướng tài liệu - truyện đã được nhà sản xuất Phạm Xuân Mừng và ê kíp làm phim chấp nhận. Hồ Như Quỳnh, một người con khác của quê hương xứ Nghệ, Chủ tịch Công ty Tập đoàn Queen Group, nhận vai trò giám đốc sản xuất và truyền thông cho bộ phim. Ngoài ra, còn hàng chục các diễn viên chuyên và không chuyên, trong đó có không ít những nghệ sĩ có tên tuổi (như NSƯT Hồ Phong trong vai Tể tướng Nguyễn Nghiễm, cha đẻ Nguyễn Du; NSƯT Nguyễn Thu Hằng trong vai bà Đặng Thị Dương, vợ cả của Nguyễn Nghiễm, và cả những “diễn viên nhí” trong vai Nguyễn Du thời bé). Cố vấn chuyên môn, nhà thơ Vương Trọng, tạp chí Văn nghệ quân đội, người hiểu Truyện Kiều trong từng câu, từng chữ; tiến sĩ Nguyễn Huy Hoàng, nguyên giảng viên khoa Ngữ văn, Đại học Tổng hợp, Hà Nội, có thể đọc không sai một chữ trong số 3254 câu thơ của Truyện Kiều, nhà văn Hoàng Khôi, từng viết tiểu thuyết về nữ sĩ Hồ Xuân Hương,trong mối tình lãng mạn ngắn ngủi với Nguyễn Du; nhà nghiên cứu lịch sử và văn hóa quân đội, đại tá Nguyễn Huy Toàn, cùng rất nhiều các nhà hoạt động văn hóa, văn nghệ, nhà nghiên cứu, các chuyên gia Kiều học, các Sở văn hóa, thông tin, du lịch tại bốn địa phương Hà Tĩnh, Bắc Ninh, Thái Bình, Huế…, tất cả, cùng gặp gỡ nhau trong tình yêu tha thiết với thiên tài Nguyễn Du, đều góp sức thực hiện bộ phim này. Sau gần ba năm, kể từ lúc bắt đầu ý tưởng kịch bản, đến ngày chính thức bấm máy vào tháng 12 năm 2019, sau gần ba năm miệt mài với vô vàn khó khăn, thách thức, tháng 5 năm 2021, Đại thi hào Nguyễn Du chính thức hoàn thành.

 

Làm phim về một nhà văn hóa lớn như thiên tài Nguyễn Du, người đã cách xa chúng ta 255 năm, lại là phim tài liệu, là việc làm không hề đơn giản. Bởi lẽ, cuộc đời Nguyễn Du tuy ngắn ngủi (55 năm), nhưng đó lại là khoảng thời gian rất phức tạp: sinh ra và lớn lên trong tình cảnh đất nước nhiễu nhương, cuộc chiến phân tranh Trịnh – Nguyễn, những tranh giành quyền lực giữa các phe phái diễn ra triền miên, luôn đặt đất nước vào tình cảnh rối ren. Bản thân Nguyễn Du chỉ sống yên ổn và hạnh phúc trong khoảng 10 năm đầu đời, khi người cha (Nguyễn Nghiễm) làm quan trong triều đình và từng được phong tới chức Tể tướng. Nhưng kể từ khi cha qua đời (1776), và chỉ hai năm sau, mẹ là bà Trần Thị Tần cũng mất, Nguyễn Du phải chuyển đến ở cùng người anh cả là Tể tướng Nguyễn Khản. Sau vụ án Canh Tý, 1780, mặc dù là người thân thiết, tâm giao của Chúa Trịnh Sâm, do kẻ xấu đơm đặt, Tể tướng Nguyễn Khản, vẫn bị bắt giam, đẩy cả gia đình vào cảnh ly tán. Bản thân Nguyễn Du, từ thời còn bé cho đến khi lớn lên, trưởng thành, vốn thông minh, trí lự, nhân cách đàng hoàng, giàu lòng nhân ái, chỉ đắm đuối với văn thơ. Nhưng vì tính tình thẳng thắn, cương trực mà ông rơi vào bi kịch, bị không ít kẻ ghen ghét, mặc dù dược triều đình nhà Nguyễn tin dùng, không ít lần (4 lần) được thăng chức, dù về đường học hành, ông chỉ đỗ Tú tài. Quả là, để nói đầy đủ và chính xác về những phức tạp trong tính cách và cuộc đời Nguyễn Du, phải cần đến nhiều cuốn sách. Trong một bài viết nhỏ, chỉ có thể tóm gọn, đó là một cuộc đời lành ít dữ nhiều, một người có tài, vì sống trong cảnh xã hội nhiễu nhương, mà suốt cả cuộc đời phải trốn chạy, thật bi kịch. Nguyễn Du yêu văn chương, trân trọng con người, giàu lòng nhân ái, nhưng vì thời cuộc mà gặp nhiều bất trắc. Chính bản thân ông cũng không lý giải được điều này, nhiều khi rơi vào tuyệt vọng, hoảng loạn, chỉ biết phó thác đời mình cho số phận. Chẳng phải ngẫu nhiên, tác giả Truyện Kiều đã viết những câu thơ về thân phận con người: “Có tài mà cậy chi tài/ Chữ tài liền với chữ tai một vần”; “Ngẫm hay muôn sự tại trời/Trời kia đã bắt làm người có thân / Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao”; và chua chát cho tương lai của mình: “Bất tri tam bách dư niên hậu/ Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”… Tuy nhiên, từ một phía khác, cũng vì sự đẩy đưa của số phận, mà Nguyễn Du đã được trải nghiệm, có khi sang tận xứ Trung Hoa, được thăm thú nhiều nơi, thu nhận được nhiều kiến thức cuộc đời và sách vở, hoàn thiện năng khiếu văn chương và vốn sống cho riêng mình. Nhiều bài thơ của ông trong Thanh Hiên thi tập, Nam trung tạp ngâm, Bắc hành tạp lục, đặc biệt tác phẩm Truyện Kiều, được bắt nguồn từ chính những trải nghiệm đó. Cuộc đời Nguyễn Du dù trải qua muồn vàn đau thương, vẫn luôn giữ được niềm tin, tấm lòng nhân ái, đặc biệt với mọi người xung quanh, những người khốn khổ dưới đáy xã hội. Vốn bản tính bình dị, chất phác, không màng danh vọng, không thích cuộc sống quan trường, dù cũng có khi được cất nhắc, bổ nhiệm, nhưng ông chỉ coi đó là thứ phù hoa, chỉ đau đáu một lòng với văn chương, sách vở. Trong số những sáng tác văn chương đó, Truyện Kiều được coi là một gia tài văn chương quý giá nhất được người đọc đánh giá cao, được dịch sang hàng chục thứ tiếng nước ngoài, dù dịch thơ Kiều thực sự là một thách đố. Tại Việt Nam, người đọc yêu thích Truyện Kiều tới mức, có cảm giác, nhiều khi người ta chỉ còn nhắc tới tác phẩm, mà quên hẳn người sáng tạo ra nó, là tác giả Nguyễn Du. Người ta ngưỡng mộ Truyện Kiều tới mức đã thành hẳn một trung tâm nghiên cứu mang tên Hội Kiều học. Trong lịch sử, từng có người vì quá ngưỡng mộ Truyện Kiều mà coi đó là “Quốc hồn, Quốc túy”: “Truyện Kiều còn thì nước Nam còn” (Phạm Quỳnh). Người ta bàn về Truyện Kiều kỹ tới mức, có khi chỉ với một câu thơ, một hình ảnh, một chữ viết trong tác phẩm thôi cũng đã tốn biết bao giấy mực. Sự trân trọng đó tự nó đã nói lên tất cả. Kiều không chỉ được tiếp nhận từ góc độ ngôn từ. Kiệt tác văn chương của Nguyễn Du còn được quan tâm từ nhiều loại hình nghệ thuật khác. Chẳng hạn, chỉ trong một thời gian ngắn (từ 2016), đã có nhiều Nhà hát kịch (tư nhân và nhà nước), dàn dựng các vở diễn dựa theo tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du. Nhân vật nàng Kiều được phục dựng lại qua đủ các loại hình: múa rối (Nhà hát Múa rối), kịch hát (Nhà hát kịch Pháp), kịch nói (Nhà hát kịch Lucteam). Thậm chí còn có cả những thử nghiệm đưa nhiều loại hình sân khấu khác nhau vào trong cùng một vở diễn  (Kiều của Nhà hát Tuổi trẻ). Trong điện ảnh, cũng có đôi ba bộ phìm về Kiều (Sài Gòn nhật thực, Kiều @ và Kiều). Nhưng theo nhận xét của giới văn hóa, truyền thông, “Truyện Kiều cả ba lần lên phim đều là thảm họa” (Tuổi Trẻ 11/4/2021). Người ta cho rằng dựng lại Truyện Kiều trên màn ảnh là việc làm thật sự khó khăn, vượt quá khả năng của các nhà làm phim Việt Nam. Tuy vậy, vị thế văn hóa to lớn của Truyện Kiều và Nguyễn Du, vẫn không ngừng hấp dẫn các nhà làm phim. Bộ phim tài liệu Đại thi hào Nguyễn Du ra đời vì sự đòi hỏi đó.

 

Trong khi đứa con tinh thần của Đại thi hào Nguyễn Du được quan tâm nhiều đến thế, thì người sáng tạo ra nó là chính tác giả lại vẫn chưa được khai thác một cách đầy đủ, chí ít là để các thế hệ công chúng Việt Nam biết được con người đích thực của ông. Rõ ràng, một lịch sử cuộc đời bằng hình ảnh đầy đủ, chi tiết, xác thực, có tính hệ thống về Nguyễn Du, cho đến thời điểm này, vẫn để lộ nhiều khoảng trống. Một vài bộ phim lấy cảm hứng từ tác phẩm Truyện Kiều, như đã nhắc ở trên, không nói được nhiều. Trong khi, nhiều thế hệ công chúng khán giả Việt Nam, kể cả các nhà nghiên cứu, vẫn rất muốn được tận thấy bằng hình ảnh cuộc đời thật của vị Đại thi hào mà họ yêu mến và ngưỡng mộ. Nhiều thế hệ học trò trên ghế nhà trường cần được bồi đắp những tri thức truyền thống về văn chương cùng các bậc danh nhân văn hóa của dân tộc bằng hình ảnh trên phim. Những người con ở khắp mọi miền quê, đặc biệt ở những nơi in dấu chân Nguyễn Du, như Hà Tĩnh, Thái Bình, Kinh Bắc, Thăng Long, Huế, cũng có nhu cầu được hiểu nhiều hơn tác giả. Tài năng, nhân cách và sự đóng góp của Nguyễn Du trong nền văn chương nước nhà nói chung đã quá rõ ràng. Nhưng tài năng, nhân cách ấy được hình thành như thế nào? Mối quan hệ của ông với những người đương thời, người thân trong gia đình và thời đại? Những sự kiện có tính hệ thống, nhất quán trong cuộc đời Nguyễn Du từ khi sinh ra đến khi qua đời ra sao? Và nữa, Truyện Kiều có thực sự là sáng tạo độc lập của Nguyễn Du, nó được bắt đầu từ đâu và khi nào?  Một bộ phim tài liệu như Đại thi hào Nguyễn Du có thể không trả lời hết nhu cầu được hiểu biết đó của công chúng, nhưng sự ra đời của nó vào lúc này là vô cùng cần thiết. Trên tinh thần đó, bộ phim đã được nhanh chóng hoàn thành.

 

Đại thi hào Nguyễn Du được cấu trúc trong ba phần, bao quát ba vùng không gian quan trọng tạo lập nên cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Du. Phần 1: Gia thế và Tuổi thơ, kể từ thời điểm nhà thơ ra đời, những tháng ngày bình an, hạnh phúc bên gia đình, thời niên thiếu, chuyện học hành, các mối quan hệ gia tộc, những cuộc trở về thăm quê nội ngoại Tiên Điền và Bắc Ninh. Đây là quãng thời gian quan trọng hình thành nhân cách, tư chất học hành, cái nhìn tinh tế, sự lịch lãm của cậu bé người xứ Nghệ vốn được sinh ra trên đất Thăng Long, trong một gia đình quyền quý. Phần 2: Mười năm gió bụi, kể lại cuộc sóng gió thăng trầm của Nguyễn Du trên đất Thái Bình. Nơi dây, Nguyễn Du tạm có được một quãng thời gian yên ổn, thư giãn, đặng có điều kiện bồi bổ kiến thức và sáng tác thơ văn. Ông sống cùng người vợ Đoàn Thị Tộ, em gái Đoàn Nguyễn Tuấn, cũng là người yêu thích thơ văn, làm quan dưới triều Tây Sơn. Các nhà làm phim  Đại thi hào Nguyễn Du  còn giả định rằng, chính từ đây, Nguyễn Du đã khởi thảo Truyện Kiều. Phần 3: Nghiệp văn và Quan trường, kể quãng đời Nguyễn Du trở lại sống ẩn đật trên mảnh đất quê hương Tiên Điền, Nghi Xuân. Ông buộc phải ra làm quan cho nhà Nguyễn vì chút thịnh tình với vua Gia Long. Tuy nhiên, suốt thời gian làm quan, Nguyễn Du vẫn không màng tước vị, mặc dù cũng có lúc được phong tới chức Đông Các học sĩ (1805), Cần chánh điện học sĩ (1813), được cử làm chánh sứ sang nhà Thanh (1814), được thăng Lễ bộ hữu Tham trì (Hữu tham tri Bộ lễ ?) và nhiều chức quan khác. Dù vậy, Nguyễn Du vẫn chỉ đau đáu một lòng gắn bó với những người “dưới đáy”, chia sẻ cùng họ những nỗi đau thương, cảm thông với những cảnh đời phiêu bạt,  say mê tâm huyết với nghiệp văn thơ yêu thích của mình.

 

Là một phim tài liệu, cho dù đã kéo dài tới 180 phút, nhưng để nói hết được mọi nét tâm hồn, tính cách, mọi biến cố, sự kiện trong cuộc đời Nguyễn Du, thật chẳng đơn giản chút nào. Bởi lẽ, như trên đã nói, cuộc đời ông có quá nhiều biến cố, nhiều trúc trắc, đoạn trường, sáng tối chen lẫn, mà do hạn chế của thời gian, bản thân các nhà văn học sử cũng không thể ghi chép đầy đủ. Làm một bộ phim tài liệu về cuộc đời một danh nhân văn hóa lớn, với nhiều sự kiện, biến cố chồng chéo như thế, thì nên bắt đầu từ chỗ nào, lược bỏ cái gì, dựng phim làm sao, luôn là bài toán khó. Đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết, sau khi đã bàn bạc, trao đổi kỹ lưỡng với nhóm làm phim, ông quyết định tiếp cận Nguyễn Du bằng cả hai loại hình phim tài liệu và dàn dựng, diễn xuất. Bộ phim được chia thành ba phần, phát triển câu chuyện dựa trên ba mảng không gian quan trọng theo đường tuyến tính, lấy trục Nguyễn Du làm trọng: trường đoạn mở đầu nói về thời điểm Nguyễn Du được sinh ra, và kết thúc khi Nguyễn Du qua đời, các trường đoạn quan trọng của phim chủ yếu thực hiện bằng diễn xuất minh họa, giống như phim truyện. Phần diễn xuất dàn dựng thậm chí chiếm dung lượng nhiều hơn phần tài liệu, chủ yếu là những thước phim tài liệu phản thân (qua phát biểu, phỏng vấn), tài liệu mô tả (qua những bình luận ngoài hình), khiến người xem cảm giác Đại thi hào Nguyễn Du như là một bộ phim truyện. Tất nhiên, theo đạo diễn Nguyễn Văn Đức, vì là phim tài liệu, nên ông buộc phải sử dụng lời bình ngoài hình, những ý kiến, phát biểu xen kẽ của một số nhà nghiên cứu văn hóa, các chuyên gia về Nguyễn Du…, để giữ mạch “tài liệu” của phim. Điều này có thể là lý do gây cảm giác rời rạc, thiếu nhất quán trong âm điệu/giọng điệu (tonalité) chung của bộ phim, khiến một số khán giả chưa quen cảm thấy hụt hẫng. Trên thực tế, Đại thi hào Nguyễn Du kết hợp nhiều phương thức phim tài liệu: tài liệu phản thân (qua ý kiến, bình luận, phát biểu của các nhà nghiên cứu), tài liệu mô tả (qua lời bình ngoài hình của nhà làm phim), tài liệu dàn dựng (qua diễn xuất minh họa của các diễn viên). Bộ phim hiện ra trước mắt người xem một cuộc đời trải dài của Nguyễn Du, từ lúc sinh thành, qua thời thơ ấu, tuổi niên thiếu, đến khi trưởng thành, quá trình hình thành sự nghiệp và qua đời. Ba khoảng không – thời gian được chia trong phim tuy rất rõ ràng, nhưng khó lòng có được sự cân xứng. GS Trần Nho Thìn, một chuyên gia về Nguyễn Du, cho rằng, giai đoạn Nguyễn Du ở kinh thành Thăng Long trong bộ phim còn quá “mỏng”. Một thoáng gặp gỡ tình tứ và lãng mạn của Nguyễn Du với nữ sĩ cùng thời Xuân Hương bên đầm sen Tây Hồ chưa nói lên được nhiều. Nhưng cũng có người cho rằng trường đoạn này tuy ngắn nhưng lại rất cần thiết. Nó cho người xem thấy nét “lãng mạn, phong tình” trong tâm hồn, tính cách của nhà thơ. Vì đâu đó, trong tiểu sử tác giả và trong cả bộ phim, chúng ta cũng từng được biết đến một Nguyễn Du từng đắm mình trong những cuộc hát giao duyên cùng các thiếu nữ Phường Vải ở quê nội vùng xứ Nghệ, say sưa những câu Quan họ vùng Kinh Bắc quê ngoại, và chìm đắm trong làn điệu chèo cổ da diết của quê vợ Thái Bình. Bộ phim còn cho ta biết một Nguyễn Du khác, ngoài tài văn thơ còn tinh thông võ nghệ. Ông từng luyện và mở lò dạy võ trên đất Thái Nguyên. Khi đã làm quan, cũng có thời gian ông làm quan Cai Bạ trên mảnh đất Quảng Bình, làm Đông các học sĩ, Cần chánh điện học sĩ, Hữu tham tri Bộ Lễ ở kinh thành Phú Xuân ( Huế). Những bóng hồng gặp gỡ trên đường không dễ dàng biến mất khỏi cuộc đời ông. Về mối quan hệ giữa Nguyễn Du với nhiều nhân vật khác, bộ phim cũng phục dựng nhiều trường đoạn quan trọng và hấp dẫn: cảnh trở lại quê ngoại Kinh Bắc cùng gia đình (trong phần 1); cảnh đàm đạo thơ văn cùng người anh vợ Đoàn Nguyễn Tuấn, tại Thái Bình, cảnh gặp gỡ, tình tứ với nữ sĩ Hồ Xuân Hương giữa đầm sen Tây Hồ (phần 2); đặc biệt các màn đối thoại của Nguyễn Du với các nhân vật Thúy Kiều, Đạm Tiên, Hoạn Thư (phần 3), qua đó trả lời trực tiếp quan điểm của Nguyễn Du trong việc hình thành, xây dựng tính cách các nhân vật trong Truyện Kiều. Đó thực sự là một sáng tạo độc đáo của bộ phim.

 

Điều quan trọng nhất còn lại, theo tôi, cần phải làm sáng tỏ hơn vấn đề thể loại của bộ phim. Bởi lẽ, cũng như các loại hình nghệ thuật khác, thế giới những bộ phim cũng được phân chia theo loại hình và thể loại. Suy nghĩ trước tiên với bất cứ đạo diễn nào, khi bắt tay làm phim là phải hình dung tác phẩm của mình được làm theo loại hình/ thể loại nào (hư cấu, hoạt hình hay tài liệu). Khán giả cũng thế, trước khi bước chân vào rạp, họ phải xác định rõ mình đang sắp xem một bộ phim truyện (lãng mạn, drama, hiện thực hay huyễn tưởng…); phim hoạt hình: cắt giấy, theo hình vẽ hay trên máy tính; phim tài liệu: tài liệu mô tả (expository), tài liệu tương tác (interactive), tài liệu phản thân (reflexive), tài liệu quan sát (observational), hay tài liệu dàn dựng (perfomative)? Xin giải thích rõ hơn, những thuật ngữ chỉ các loại hình phim trên đây, chúng tôi lấy từ giáo trình Nghiên cứu phim của nhà nghiên cứu điện ảnh Hoa Kỳ Warren Bukland do Dự án Điện ảnh trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN và Công ty văn hóa, Truyền thông Nhã Nam, ấn hành, 2008. Tại một số tài liệu khác, ví dụ như cuốn Nghệ thuật điện ảnh của hai tác giả David Bordwel và Kristin Thompson, về cùng vấn đề này, lại có sự phân loại rộng, bao quát hơn: phim tài liệu theo phạm trù, phim tài liệu hùng biện, phim tài liệu thực nghiệm. Rất tiếc, trong khuôn khổ một bài viết ngắn, chúng tôi không có điều kiện trình bày đầy đủ và chi tiết tất cả các loại hình/thể loại phim. Ở đây chỉ nói riêng về phim tài liệu. Từng có thời kỳ, thể loại phim này không nhận được sự quan tâm đúng mực của người xem. Nhưng thời gian gần đây, tình hình đã hoàn toàn đổi khác, người xem đã quan tâm nhiều hơn đến thời sự, thế cuộc, vì vậy họ tìm đến phim tài liệu. Ở tầm vĩ mô, những năm gần đây, do khó khăn về tài chính,nhà nước cũng chỉ  bao cấp cho hai hãng phim Tài liệu và Hoạt hình. Phim hoạt hình dành ưu tiên cho trẻ em mà quốc gia nào cũng quan tâm. Còn phim tài liệu vốn được coi là mảng chính luận, lịch sử, thời sự, hết sức quan trọng trong việc định hướng tư tưởng cho khán giả. Và vì tài liệu nếu làm theo lối cũ, sẽ dễ gây sự khô khan, nhàm chán. Đại thi hào Nguyễn Du  chính là bước đột phá cho hướng phim tài liệu mới mẻ đó.

 

Về bộ phim, đạo diễn Nguyễn Văn Đức cho biết, ê kíp đã thống nhất xác định thể loại tác phẩm là phim tài liệu - truyện theo đề xuất ban đầu của ông. Đó là sự  phối hợp của hai phương thức phim truyện và phim tài liệu. Việc xác định thể loại của một bộ phim thuộc quyền các tác giả. Nhưng vì đây là một kết hợp rất mới lạ chưa có tiền lệ trong điện ảnh Việt Nam, nên chúng tôi nghĩ, cần được lý giải một cách chính xác, thuyết phục hơn. Tên thể loại phim cần phải được định danh cụ thể, chuẩn xác. Nếu gọi đây là phim tài liệu - truyện (documentary - fiction), mặc dù, trong bộ phim, ít nhiều có yếu tố đó, nhưng trong tư duy người Việt, một sự kết hợp tài liệu và hư cấu vẫn khó chấp nhận. Trong khi, trên thực tế, các nhà làm phim, Đại thi hào Nguyễn Du thuộc vẫn định hướng đây là phim tài liệu. Yếu tố truyện chỉ là một biện pháp nghệ thuật giúp làm sáng tỏ nội dung của bộ phim. Phần cơ bản cuộc đời Đại thi hào dân tộc vẫn phải bảo đảm tính chân thực. Để rõ ràng hơn, xin được nêu thêm ở đây quan niệm về phim tài liệu của Warren Bukland chúng tôi đã nhắc ở trên. Trong công trình Nghiên cứu phim, nhà nghiên cứu điện ảnh người Mỹ đã chỉ ra ba đặc điểm cần lưu ý về phim tài liệu: Thứ nhất, đó là kiểu phim không có dàn dựng đối với các sự kiện được ghi hình; thứ hai là loại phim hiện thực, hay nói cách khác, là loại phim không hư cấu (phim truyện); thứ ba, nhà sản xuất phim chỉ quan sát và “ghi chép” lại một cách khách quan các sự kiện có thật. Quan điểm này đã tồn tại trong giới điện ảnh nói chung một thời gian khá dài. Tuy nhiên, gần đây, nó đã thường xuyên bị các nhà nghiên cứu bác bỏ. Bản thân Warren Bukland, ngay trong công trình này, cũng không thống nhất với ý kiến trên. Ông cho rằng, quan niệm về một loại hình phim tài liệu buộc phải luôn phản ánh “y như thật”, đã không còn phù hợp nữa. Điện ảnh, dù là phim tài liệu, vẫn cứ là một nghệ thuật. Mà đã là nghệ thuật, thì nhà làm phim có quyền được tiếp cận hiện thực bằng nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, yếu tố hư cấu trong Đại thi hào Nguyễn Du, nếu có, nhưng không làm sai lệch phần cốt lõi là sự thật, thì vẫn được chấp nhận. Trường hợp série phim tài liệu Đế chế La Mã do Holywood sản xuất gần đây là một minh chứng cụ thể. Phim chủ yếu được thực hiện qua diễn xuất của các diễn viên giống như một bộ phim truyện thật sự. Thế nhưng, kết hợp những cảnh phim đó, là lời bình của các nhân chứng lịch sử, các nhà nghiên cứu. Lịch sử La Mã từng trải qua sự trị vì, kế vị của nhiều vị Đế chế trong một thời kỳ lịch sử rất dài, đòi hỏi những cảnh quay như thật giống một cảnh phim tài liệu là không thể. Cách duy nhất để chiếm lĩnh “hiện thực” chỉ có thể thực hiện qua biện pháp phục chế, dàn dựng. Thông qua diễn xuất của diễn viên, người làm phim vẫn có thể giúp khán giả lĩnh hội được nội dung câu chuyện, biến cố lịch sử, cuộc đời của các nhân vật cụ thể. Loại hình phim như thế được Warren Bukland gọi là tài liệu dàn dựng. Đại thi hào Nguyễn Du rõ ràng được xây dựng theo hình thức tài liệu dàn dựng. Phần cốt lõi của bộ phim, tức nội dung câu chuyện về cuộc đời Nguyễn Du, hoàn toàn theo định hướng hiện thực, không có hư cấu. Trong khi nghệ thuật của phim (tức phần hình thức) thì được sắp xếp, dàn dựng (theo hướng phim truyện kiểu Đế chế La Mã).

 

Điều khó khăn cuối cùng còn lại của Đại thi hào Nguyễn Du, là nó quá dài. Một bộ phim tài liệu tới 180 phút, quả là một thách thức với khán giả. Thế nhưng, đa số khán giả khi xem hết bộ phim này đều rất hài lòng, dù rất dài, nhưng phim không gây cảm giác căng thảng, áp lực. Trái lại, bộ phim để lại nhiều dư vị, nhờ ở cách sáng tạo tiếp cận phim tài liệu bằng hình thức dàn dựng, diễn xuất. Thêm nữa, đây cũng là bộ phim đầu tiên cung cấp cho người xem một Nguyễn Du đầy đặn, hệ thống,khả tín. Đây cũng có thể được coi là một hướng làm phim tài  liệu mới. Bộ phim sẽ mang đến hiệu quả nhiều hơn, theo chúng tôi, nên được trình chiếu linh hoạt cho từng nhóm khán giả khác nhau. Cụ thể, có thể dựng bộ phim 180 phút này thành ba bản. Bản đầy đủ, 180 phút dành cho các nhà nghiên cứu, các chuyên gia; bản thứ hai,theo nhà sản xuất Phạm Xuân Mừng vốn đã được cắt dựng thành 6 tập, có thể trình chiếu cho nhóm khán giả phổ thông; bản thứ ba, nên cắt dựng thành nhiều phần nhỏ hơn nữa dành cho nhóm khán giả trẻ tuổi học đường, như chương trình Theo dòng lịch sử trên truyền hình trước đây. Đó có thể là những bài học thật sự có giá trị mang tính liên ngành (Văn, Sử, Đất nước học) – những bài học, mà theo chúng tôi rất cần thiết và bổ ích với lứa tuổi học trò. Những bản ngắn của bộ phim này chính là một xu hướng phù hợp với lối học online phổ biến hiện nay. Nếu được vậy, sự đóng góp của nhóm làm phim Đại thi hào Nguyễn Du là rất lớn.   

 

                                          

                                                            Tháng Tám - những ngày giãn cách covid

Trần Hinh (Trường ĐHKHXH & NV, ĐHQG Hà Nội)

                                                            

 

Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.