Nguyễn Du

Loading...

Vài nét về việc sưu tầm, dịch thuật, giới thiệu và nghiên cứu thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Sau gần nửa thế kỉ, các thi tập của Nguyễn Du đã được sưu tầm và giới thiệu tương đối đầy đủ. Những công trình này cung cấp nguồn tư liệu quý giá, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phê bình thơ chữ Hán của Nguyễn Du...

 

I. Quá trình sưu tầm, biên dịch và giới thiệu văn bản

 

Sau khi Nguyễn Du qua đời, các tập thơ chữ Hán của ông đã bị thất lạc. Năm 1924, lần đầu tiên một số bài thơ chữ Hán Nguyễn Du được sưu tầm và trích dịch trong cuốn Truyện cụ Nguyễn Du của Lê Thước và Phan Sĩ Bàng… Năm 1931, Tạp chí Nam Phong số 161 lại trích đăng 13 bài với tiêu đề chung Tiên Điền Nguyễn Du tiên sinh di trước.

 

- Năm 1957 là điểm mốc quan trọng đánh dấu bước tiến trong hành trình tìm kiếm thi tập của Nguyễn Du. Từ các nguồn tư liệu của Vụ Bảo tồn, nhóm tác giả Bùi Kỉ, Phan Võ, Nguyễn Khắc Hanh đã biên soạn, giới thiệu cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du gồm 102 bài (Nxb. Văn hóa, H. 1957). Các bài thơ được chia thành ba thời kì: thời kì nhà Lê (28 bài); thời kì nhà Nguyễn (24 bài); thời kì đi sứ Trung Quốc (50 bài).

 

- Năm 1965, nhân dịp kỉ niệm 200 năm năm sinh của Nguyễn Du, cuốn Thơ chữ Hán Nguyễn Du gồm 249 bài do Lê Thước, Trương Chính sưu tầm, giới thiệu được xuất bản. Có thể nói đây là công trình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - đã tập hợp được một số lượng tác phẩm đầy đủ và có hệ thống nhất kể từ năm 1924. Các bài thơ được sắp xếp theo ba tập: Thanh Hiên thi tập (78 tài); Nam trung tạp ngâm (40 bài) và Bắc hành tạp lục(131 bài).

 

- Năm 1988, Đào Duy Anh biên soạn Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nxb. Văn học, H. 1988) gồm 249 bài với một số thay đổi trong cách sắp xếp, biên dịch: Thành Hiên thi tập (79 bài); Nam trung tạp ngâm (40 bài); Bắc hành tạp lục (130 bài).

 

- Năm 1996, công trình Nguyễn Du toàn tập (Nxb. Văn học, H. 1996) do Mai Quốc Liên chủ biên có phát hiện thêm bài Lỗi Dương Đỗ Thiếu Lăng mộ II. Vì vậy phần thơ chữ Hán được in trong tập I có 250 bài.

 

- Ngoài ra có thể kể đến sự góp mặt của một số công trình sưu tầm, biên dịch khác như:

 

- Tuyển tập thơ Hán Việt của Đông Xuyên (Nxb. Cảo Thơm, Sài Gòn 1972) - phiên âm và dịch 18 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

 

- Tố Như thi (Nxb. An Tiêm, Sài Gòn 1972) do Quách Tấn lựa chọn, phiên âm, dịch 72 bài ở cả ba tập:Thanh Hiên thi tập (30 bài); Nam trung tạp ngâm (20 bài); Bắc hành tạp lục (22 bài).

 

- 192 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Bùi Hạnh Cẩn dịch và chú thích (Nxb. Văn hóa - thông tin, H. 1996).

 

- 249 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du do Duy Phi dịch (Nxb. Văn hóa dân tộc, H. 1999).

 

Như vậy, sau gần nửa thế kỉ, các thi tập của Nguyễn Du đã được sưu tầm và giới thiệu tương đối đầy đủ. Những công trình này cung cấp nguồn tư liệu quý giá, tạo điều kiện và thúc đẩy quá trình nghiên cứu, phê bình thơ chữ Hán của Nguyễn Du.

 

II. Quá trình nghiên cứu phê bình

 

1. Giai đoạn 1từ đầu thế kỉ XX đến năm 1954

 

Do tình hình văn bảm chưa được sưu tầm, giới thiệu rộng rãi nên thơ chữ Hán Nguyễn Du thời kì này chưa được chú ý nghiên cứu. Trong các bộ Lịch sử văn học của Nguyễn Sĩ Đạo (1940); Nguyễn Đổng Chi (1942) - khi giới thiệu chung về tình hình văn học cổ không nhắc đến những sáng tác chữ Hán của Nguyễn Du. Dương Quảng Hàm trong Việt Nam văn học sử yếu (Nha học chính Đông Pháp xuất bản, H. 1943) bàn về văn học thời kì Nguyễn sơ có nói tới “hai thi gia tiêu biểu là Phạm Quí Thích, tác giả Thảo đường thi tập và Nguyễn Du, tác giả Bắc hành tạp lục”. Nhưng sau đó, ở phần giới thiệu sự nghiệp thơ ca của Nguyễn Du, chỉ nhắc đến kiệt tác Đoạn trường tân thanh…

 

Người có công mở đường cho việc nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du là Đào Duy Anh. Trong bài viếtThi tập của Nguyễn Du trong công trình Khảo luận về Kim Vân Kiều, lần đầu tiên vị trí của thơ chữ Hán Nguyễn Du được khẳng định “về hình thức cũng như về nội dung, thơ chữ Hán Nguyễn Du có thể để vào hàng với thơ Cao Bá Quát và có thể đem so sánh với thơ Đường”. (Sđd. tr.207).

 

Đặc biệt, Đào Duy Anh là người đầu tiên khẳng định rằng những sáng tác chữ Hán này “là nguồn tư liệu quí giá để tìm hiểu cái phẩm cách phức tạp và bi đát” của Nguyễn Du. Có thể nói đây là những ý kiến có giá trị gợi mở cho nhiều nhà nghiên cứu, phê bình ở các giai đoạn sau.

 

2. Giai đoạn 2Từ năm 1954 đến năm 1975: Đây là giai đoạn đất nước ta bị chia cắt làm hai miền Nam - Bắc. Tình hình nghiên cứu, phê bình thơ chữ Hán của Nguyễn Du ở mỗi miền phát triển theo các xu hướng khác nhau.

 

a. Ở miền Bắc, ngay trong những năm đầu sau hòa bình, sáng tác chữ Hán của Nguyễn Du đã thu hút sự chú ý của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học.

 

Trước hết, phải kể đến các bộ lịch sử văn học mới được biên soạn mà ở đó, thơ chữ Hán Nguyễn Du đã có được một vị trí xứng đáng. Trong cuốn Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam (nhóm Lê Quý Đôn, Nxb. Xây dựng, H. 1957), Trương Chính khẳng định thơ chữ Hán chẳng những “là nguồn tư liệu rất quý để tìm hiểu tác giả Truyện Kiều”, mà còn “phải được kể là những tác phẩm bậc nhất trong văn thơ chữ Hán của cha ông ta ngày trước”. Theo ông, những sáng tác đó không phải làm để tiêu khiển thù ứng “mà là thứ thơ chân thành, xuất phát tự tâm can”… Ông còn nhấn mạnh rằng giá trị độc đáo nhất trong thơ chữ Hán Nguyễn Du là “đã có một ngòi bút hiện thực, điều hiếm gặp trong các thi tập thời xưa”.

 

Năm 1959, trong cuốn Sơ thảo lịch sử văn học Việt Nam do nhóm Văn Sử Địa biên soạn (Nxb. Văn Sử Địa, H. 1959), Nguyễn Đổng Chi cũng xếp thơ chữ Hán Nguyễn Du vào khuynh hướng phê phán hiện thực của giai đoạn nửa cuối thế kỉ XVIII (cùng với Nguyễn Thiếp, Ngô Thế Lân). Với khuynh hướng ấy, Nguyễn Du đã vượt lên trên các nhà thơ cùng thời như: Nguyễn Hành, Phạm Đình Hổ, Phạm Quí Thích…

 

Về cơ bản, Trương Chính và Nguyễn Đổng Chi kế thừa quan điểm của Đào Duy Anh khi khái quát giá trị của thơ chữ Hán Nguyễn Du; nhưng hai ông đã khắc phục được hạn chế của người đi trước: không quá thiên về tâm sự cô trung mà đề cao giá trị nhân đạo, khuynh hướng hiện thực trong ngòi bút Nguyễn Du. Nguyễn Đổng Chi đã có phát hiện riêng khi khẳng định cội nguồn của những đau buồn, u uất bao trùm thơ chữ Hán chính là sự thất vọng của nhà thơ trước bản chất thối nát của xã hội đương thời.

 

Vào những năm 1960, tình hình nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du có thêm những bước tiến đáng kể. Nhà phê bình Hoài Thanh khi đặt lại vấn đề tìm hiểu tâm sự của Nguyễn Du trong bài viết Tâm tình Nguyễn Du qua một số bài thơ chữ Hán (Tạp chí Văn nghệ tháng 3/1960) đã nêu lên những mâu thuẫn phức tạp, trong đó “có một điểm khá rắc rối là thái độ của Nguyễn Du đối với các triều đại. Song Hoài Thanh cũng khẳng định rằng thái độ không dứt khoát ấy đã không thể làm mờ được tấm lòng cảm thông, xót thương của Nguyễn Du đối với những kiếp người đau khổ. Dẫu chưa nhìn rõ được nguồn gốc của bao nhiêu bất công, ngang trái; dẫu “hoàn toàn không nhìn thấy lối ra” nhưng giữa một bên là những thế lực bạo tàn, một bên là “hàng vạn vạn con người cơ khổ”- thái độ Nguyễn Du rõ ràng, tình cảm Nguyễn Du chân thành sâu sắc.

 

Cùng quan điểm với Hoài Thanh, Xuân Diệu khi viết Con người Nguyễn Du qua thơ chữ Hán (Tạp chí Văn nghệ số 58, tháng 3 năm 1962) đã nghiêng hẳn về cái nhìn buồn thương, day dứt của Nguyễn Du trước cuộc đời. Tác giả cho rằng, giống như Khuất Nguyên xưa, Nguyễn Du “mang những vấn đề của ngàn năm, của triệu người, nên cái đau khổ của ông là một đau khổ lớn có tính chất đại diện cho nhân loại”. Xuân Diệu cũng đi sâu vào một số bài thơ tiêu biểu như Sở kiến hành; Thái bình mại ca giả, Phản chiêu hồn… để thấy nỗi uất hận, căm phẫn của Nguyễn Du với xã hội phong kiến. Tất cả đều chứng tỏ một tấm lòng “yêu thương con người đến cháy ruột cháy gan”.

 

Đây cũng là quan điểm đánh giá của Lê Trí Viễn trong Giáo trình lịch sử văn học Việt Nam (Tập II. Nxb. Giáo dục, H. 1962). Ông đi sâu vào thế giới nhân vật mà Nguyễn Du mô tả trong Bắc hành tạp lục. Đó là những con người trung can nghĩa khí bị hãm hại; những kiếp tài hoa lỗi lạc phải lầm than; những kẻ hèn yếu đáng thương. Đặc biệt, những lời thương cảm trìu mến nhất Nguyễn Du đã dành cho người phụ nữ (người ca nữ đất Long Thành, Tiểu Thanh, Dương Phi, nàng Vọng Phu). Từ đó, ông khẳng định rằng “cảm xúc của Nguyễn Du không còn giới hạn trong phạm vi “trông người mà ngẫm đến ta”, để đau xót cho bản thân mình; Nguyễn Du đau xót và căm giận cho cả cuộc đời; căm giận bọn thống trị tàn nhẫn, đau xót cho tất cả những người nhân nghĩa gặp phải tai ương” (Sđd. tr.153).

 

Như vậy, Hoài Thanh, Xuân Diệu, Lê Trí Viễn… đã có nhiều ý kiến thống nhất khi nhìn nhận giá trị hiện thực và nhân đạo to lớn của thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Năm 1965, trong Lời giới thiệu công trình Thơ chữ Hán Nguyễn Du, Trương Chính phân tích một cách cụ thể và sâu sắc nhiều vấn đề đã được ông nêu lên trước đây trong cuốn Lược thảo lịch sử văn học Việt Nam(sđd). Khi bàn về thái độ của Nguyễn Du với các triều đại, Trương Chính đã có nhiều kiến giải riêng. Ông không tán thành quan điểm của Đào Duy Anh về vấn đề này và cho rằng tâm trạng u uất của Nguyễn Du không bắt nguồn từ tâm sự người bề tôi phải thờ hai vua. Trái lại, nó bắt nguồn từ cái nhìn hiện thực của nhà thơ với thời đại mình; từ sự thất vọng với cái xã hội phong kiến thối nát đương thời. Cũng chính nỗi đau đớn, thất vọng này đã khiến Nguyễn Du tìm đến những triết lí bi quan, tiêu cực… Đây là những ý kiến rất xác đáng, có giá trị gợi mở cao.

 

Cũng vào tháng 11 năm 1965, Tạp chí Văn học đăng bài viết Tìm hiểu thơ chữ Hán Nguyễn Du của Nguyễn Huệ Chi. Có thể nói ông là người đầu tiên trực tiếp đặt ra vấn đề nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du để thấy hình ảnh của chính tác giả “một hình ảnh rất động trước mọi biến cố của cuộc đời”. Từ đó, ông phác họa chân dung của một con người “mất phương hướng” giữa cuộc đời dâu bể; hoàn toàn bế tắc trong một giai đoạn “cực kì thối nát, tan rữa” của chế độ phong kiến. Trong con người ấy đã luôn xảy ra xung đột giữa “một bên là tư tưởng chính thống… một bên là hiện thực chói chang, sừng sững”. Đặc biệt, ông khẳng định Nguyễn Du “là con người tư tưởng” với bao mâu thuẫn, giằng xé dồn nén trong tâm can. Nhưng vượt lên khối mâu thuẫn phức tạp ấy - là nguồn cảm hứng nhân đạo lớn lao, sâu sắc. Nó bao trùm thế giới nhân vật mà ông tạo dựng trong thơ chữ Hán. Nguyễn Du không dừng lại ở sự thương khóc họ - mà còn khái quát được bản chất của một xã hội: chà đạp lên mọi nhân phẩm… tha hóa mọi tính cách… làm tan vỡ mọi giá trị cao đẹp nhất”. Bài viết của Nguyễn Huệ Chi đã mở ra một hướng đi trên hành trình nghiên cứu thơ chữ Hán Nguyễn Du: kiếm tìm chân dung của chính tác giả - như một hình tượng được biểu hiện trực tiếp qua những bài thơ viết về mình và biểu hiện gián tiếp qua các đối tượng trữ tình.

 

Hướng đi này được Vũ Đình Liên tiếp tục khai thác trong bài viết Nguyễn Du - một tâm hồn lạc loài trong xã hội phong kiến (Tạp chí Văn học tháng 2/1971). Tác giả đã bày tỏ sự tâm đắc với phát hiện của Nguyễn Huệ Chi về “hình tượng tự họa” của Nguyễn Du trong thơ chữ Hán và muốn góp phần “làm sáng tỏ hơn hình tượng nghệ thuật đặc sắc ấy”.

 

Năm 1971, Nguyễn Lộc cho ra mắt công trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII (Nxb. ĐH và THCN, H. 1971; tái bản năm 1976, 1978, 1992, 1997). Trong mục Thơ chữ Hán Nguyễn Du và tâm sự của nhà thơ, ông đã đưa ra cách lí giải rất sâu sắc về khối tâm sự của Nguyễn Du. Theo ông, cảnh ngộ cá nhân và thái độ chính trị không phải là nguyên nhân tạo nên nỗi buồn bao trùm tất cả các bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Nguyễn Du không phải là nhà thơ chỉ biết đến số phận riêng của cá nhân mình… chỉ quan tâm đến triều đại này, triều đại khác; mà biết đặt lòng mình nơi những con người đau khổ” (Sđd. tr.333). Đây là những nhận định sâu sắc về cội nguồn làm nên sức sống mãnh liệt của thơ chữ Hán Nguyễn Du.


Nhìn lại chặng đường từ năm 1954 đến 1975, có thể thấy các thi tập của Nguyễn Du đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học có tên tuổi. Cách nhìn nhận, đánh giá ngày càng toàn diện hơn, sâu sắc hơn. Giai đoạn đầu, thơ chữ Hán Nguyễn Du còn bị khuôn hẹp ở tâm sự cô trung và thái độ đối với các triều đại. Ở giai đoạn sau, các nhà nghiên cứu đã chú trọng đến sự khám phá và khẳng định những nội dung cảm xúc sâu xa như vấn đề cuộc đời, niềm trăn trở trước thân phận con người. Tuy còn một số quan điểm chưa thật thống nhất về tư tưởng chính trị xã hội của Nguyễn Du - nhưng các tác giả đều tập trung khẳng định giá trị hiện thực và nhân đạo độc đáo của các thi tập. Bên cạnh đó, các thành tựu nghệ thuật vẫn chưa được nghiên cứu một cách hệ thống.

 

Trong bối cảnh chung ấy, những bài viết của Bùi Hữu Sủng, Thanh Lãng, Đỗ Trọng Huề… đã lập tức thu hút được sự chú ý. Bùi Hữu Sủng trong bài Theo gót Nguyễn Du trên đường đi sứ (Bách khoa thời đại số 209 năm 1965) đã nhấn mạnh vị trí đặc biệt của Bắc hành tạp lục. Khởi đầu là chặng đường từ Thăng Long đến Lạng Sơn, Nguyễn Du mang nặng tâm trạng bi phẫn; nhưng lúc trở về đã thanh thản đôi chút “bệnh khủng hoảng nước mắt vợi đi… Mâu thuẫn dần dần được giải quyết phần lớn”. Tác giả đã tìm được sách nói riêng để khơi lên những tâm sự mà Nguyễn Du gửi gắm trong Bắc hành tạp lục nhưng một số dẫn chứng được nêu lên trong bài viết chưa thực sự thuyết phục.

 

Cuối năm 1965, trong lễ kỉ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du, Thanh Lãng đã đọc bài viết Nguyễn Du như là một huyền thoại hay thơ văn chữ Hán Nguyễn Du như là chứng nhân kì quái của ông trong Đoạn trường tân thanh (Bài viết này còn được đặng lại hai lần trên Tạp chí Văn học các số từ 55 đến 58 năm 1966 và Tạp chí Nghiên cứu văn học (từ số 4 đến số 7 năm 1971).

 

Năm 1972, Đỗ Trọng Huề trong Một bài thơ tết và tâm sự di thần của Nguyễn Du (Bách Khoa thời đại số 385) cho rằng, Nguyễn Du đã viết hai bài Thăng Long để đáp lại hai bài thơ Sắc báo nguyên niên lệnh báo xuâncủa Lê Bối Khê và Quá Nam Giao đàn của Phạm Quí Thích.

 

Như vậy, có thể nói do khó khăn về văn bản nên thơ chữ Hán Nguyễn Du chưa được chú ý nghiên cứu ở miền Nam trong giai đoạn 1954-1974. Hầu hết các bài viết mới chỉ khơi lên niềm u uất có tính chất riêng tư mà chưa khái quát được những vấn đề có giá trị phản ánh hiện thực rộng lớn và thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc của nhà thơ.

 

3. Giai đoạn từ 1975 đến 2004

 

Sau khi đất nước thống nhất, các thi tập của Nguyễn Du vẫn tiếp tục thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình văn học.

 

Năm 1980, Phan Hữu Nghệ đã căn cứ vào Bắc hành tạp lục để khẳng định một bước phát triển lớn trong tư tưởng của Nguyễn Du (Thực tiễn Trung hoa và tư tưởng Nguyễn Du - Tạp chí văn học tháng 6 năm 1980): từ chỗ “rải đều tình thương cho thập loại chúng sinh” giờ đây Nguyễn Du dồn tình cảm đó “cho những người cần lao”. Bởi vì thực tiễn Trung Hoa đã giúp nhà thơ nhìn rõ “chân tướng của những lí thuyết quái đản” mà tầng lớp thống trị vẫn dùng để biện minh cho sự “ngồi mát ăn bát vàng” của chúng. Sau này, Nguyễn Du không còn có cơ hội để khẳng định thêm tư tưởng đó.

 

Vấn đề này tiếp tục được bàn luận trong bài viết Từ Truyện Kiều đến Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Đỗ Đức Dục - Tạp chí Văn học tháng 6/1987). Tác giả đặc biệt quan tâm đến những biến đổi về tư tưởng xã hội và triết học được Nguyễn Du thể hiện qua ba tập thơ. Nó phản chiếu những biến động dữ dội của cuộc đời và thời đại ông. Song, vượt lên sự ngao ngán, bế tắc - vẫn là cái nhìn thấu suốt của đại thi hào trước số phận và quyền sống của con người. Cái nhìn ấy mang lại sức khái quát xã hội rất cao cho thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Về cơ bản, Phan Hữu Nghệ và Đỗ Đức Dục vẫn tiếp tục khai thác các giá trị hiện thực và nhân đạo của thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Năm 1990, Đặng Thanh Lê trong công trình Văn học Việt Nam nửa cuối thế kỉ XVIII - nửa đầu thế kỉ XIX(Nxb. Giáo dục, H. 1990) đã khái quát nhiều vấn đề lớn được phản ánh trong thơ chữ Hán Nguyễn Du: đó là thân thế long đong đau khổ; là cảm quan lịch sử, cảm quan thế sự và cảm quan tôn giáo. Song bao trùm tất cả vẫn là “một tâm hồn luôn luôn rung động trước mọi giá trị đẹp đẽ của cuộc sống cũng như luôn luôn xúc động mãnh liệt trước một hiện thực đầy rẫy bi thương, trong đó cái đẹp, cái tốt luôn bị chà đạp bởi cái xấu cái ác”. Với những phát hiện này, Đặng Thanh Lê đã hướng người đọc đến sự cảm nhận sâu sắc hơn về nỗi đau của một tâm hồn nghệ sĩ.

 

Giá trị to lớn của thơ chữ Hán Nguyễn Du, một lần nữa được Mai Quốc Liên khẳng định qua Lời nói đầucủa cuốn Nguyễn Du toàn tập (Tập I., Nxb. Văn học. H. 1996). Ông không chút do dự khi đặt các thi tập của Nguyễn Du vào vị trí “những áng văn chương nghệ thuật trác tuyệt, ẩn chứa một tiềm năng vô tận về ý nghĩa mới lạ và độc đáo trong một nghìn năm thơ ca của ông cha ta đã đành; mà cũng mới lạ và độc đáo so với thơ chữ Hán Trung Quốc nữa”. Mai Quốc Liên cũng nêu lên những vấn đề của thi pháp thơ cần được tiếp tục khám phá như: thanh vận, đối ngẫu, cú pháp, tự pháp.

 

Hướng nghiên cứu này đã được Lê Thu Yến lựa chọn trong cuốn Đặc điểm nghệ thuật thơ chữ Hán Nguyễn Du (Nxb. Thanh Niên. Tp. Hồ Chí Minh 1999) - cũng là kết quả luận án Tiến sĩ được tác giả bảo vệ năm 1997.

 

Gần đây, phải kể đến một số bài viết về các tác phẩm cụ thể của Nguyễn Du. Trong đó, nổi bật nhất là ý kiến của Trần ĐìnhSử (Văn nghệ số 28-10/7/1993), Nguyễn Khắc Phi (Giáo dục thời đại số 85 - năm 2000) về hướng tiếp cận, khai thác bài thơ Độc Tiểu Thanh kí. Những phát hiện cụ thể từ hệ thống bài viết này đã góp phần không nhỏ vào việc tìm hiểu các giá trị của thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Nhìn lại khoảng thời gian 80 năm (1924-2004), có thể thấy các nhà phê bình, nghiên cứu văn học đã thu được những thành tựu đáng kể ở cả hai lĩnh vực: sưu tầm, biên dịch văn bản và nghiên cứu, phê bình thơ chữ Hán Nguyễn Du.

 

Cả thảy đã có 8 cuốn sách sưu tầm; biên dịch, giới thiệu các thi tập của Nguyễn Du gồm 250 bài.

 

Việc nghiên cứu, phê bình, tuy vẫn tồn tại một số điểm cần tranh luận (chủ yếu trong việc phân tích, đánh giá tư tưởng chính trị xã hội, tư tưởng triết học của Nguyễn Du) nhưng các tác giả đã thống nhất về những giá trị cơ bản của thơ chữ Hán Nguyễn Du. Đó là: Những sáng tác này là cơ sở đáng tin cậy, là nguồn tư liệu quí giá để tìm hiểu khối tâm sự phức tạp và dựng lại chân dung con người Nguyễn Du. Chủ nghĩa nhân văn cao cả, độc đáo được biểu hiện qua cái nhìn thấu suốt về thân phận con người, đặc biệt là niềm day dứt, trăn trở khôn nguôi trước số phận của những kiếp tài hoa. Cảm quan hiện thực nhạy bén qua thái độ yêu ghét rạch ròi và nỗi thất vọng sâu xa đối với xã hội đương thời.

 

Cùng với những thành tựu đó, còn nhiều vấn đề mà các nhà nghiên cứu mới chỉ đề xướng hoặc bắt đầu khám phá như: cái nhìn hướng nội và hình tượng tự họa của tác giả; quan niệm về con người; giọng điệu trữ tình; thể loại… Cho nên thơ chữ Hán Nguyễn Du vẫn là mảnh đất đầy hứa hẹn với các nhà nghiên cứu; với tất cả những ai khao khát hiểu con người từng gửi lại cho hậu thế lời nhắn nhủ thiết tha này:

 

“Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”./.

 

Nguyễn Thị Nương (Khoa ngữ văn ĐHSP Hà Nội)

 

Theo Tạp chí Hán Nôm, Số 1 (74) 2006; Tr.69-75.

Audio Guide
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận

Đi tìm bản thảo "ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH” của Nguyễn Du

Khi Nguyễn Du mất, vua Minh Mạng cho người đưa câu đối và lễ vật sang phúng viếng đồng thời thu về Cung tất cả những sổ sách, giấy tờ có trong nhà Nguyễn Du. Chắc rằng sau này khi đưa về " Ngự tiền thư viện " nhà vua đã cho người kiểm tra, nhưng không thấy có gì tỏ ra nguy hiểm nên đã cho vào kho cất kỹ.Trải qua 126 năm (từ 1820 đến 1946 ) với mười một đời vua kế tiếp nhau - sau Minh Mạng, cũng không có vị vua nào đoái hoài gì đến bó tài liệu của Nguyễn Du. Tháng 12- 1946, bọn Pháp tấn công chiếm kinh đô Huế, cụ Nguyễn Đình Ngân được lệnh đưa tất cả các loại sổ, sách, tài liệu... của "Văn hóa viện " chuyển ra huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên để chờ tàu hỏa chuyển ra Bắc. Kháng chiến bùng nổ. Mặt trận Huế vỡ ! Mặt trận có ở khắp nơi. Để ngăn các cuộc hành quân của giặc Pháp. Ủy ban Kháng chiến Toàn quốc " ra lệnh "Tiêu thổ Kháng chiên", đồng bào ở đô thị làm " vườn không nhà trống " và đi" tản cư”. Đường sắt, đường ô tô, ta đều chủ động phá hỏng để cô lập kẻ thù. Chuyến tàu hỏa mà cụ Nguyễn Đình Ngân chờ đợi không còn nữa ! Các cán bộ của " Văn hóa viện " cũng đi "tản cư” với hành trang gọn nhẹ, chuyển sang làm công tác thông tin, tuyên truyền cho cuộc " Kháng chiên thần thánh " - Cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện và trường kỳ gian khổ, để lại sau lưng Kinh thành Huế bị giặc chiêm đóng! Giặc Pháp tiến đánh Phong Điền. Nhiều làng mạc bị đốt cháy! Số phận bó " di cảo của

Xem tiếp
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.