Nguyễn Du
Loading...
Vài nét về cuốn “Kim Vân Kiều tân truyện” ở thư viện Anh quốc mới sưu tầm về Việt Nam
Trong những năm cuối thế kỷ XX và đầu thế kỷ XXI, nhiều bản Kim Vân Kiều Tân Truyện chữ Nôm in khắc ván và chép tay đã lần lượt được sưu tầm như: Liễu Văn Đường 1871, Duy Minh Thị 1872, Nguyễn Hữu Lập 1870, Thịnh Mỹ Đường 1879, Tụ Hiền Đường 1886, Ấn Thư Hội 1896, Quan Văn Đường 1911… và đặc biệt là bản Liễu Văn Đường 1866 (hiện được coi là cổ nhất) đã được in lại hoặc dùng làm tài liệu khảo cứu cho nhiều công trình về Truyện Kiều.
Với những công trình khảo cứu trên giới nghiên cứu đã nhận ra rằng bản Truyện Kiều do học giả Đào Duy Anh chọn làm “văn bản cơ sở” có sự tham gia hiệu đính của một tập thể nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu “nắm vững hơn ai hết nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ của dân tộc. Đó là một tập thể đáng tin cậy” lại có nhiều từ ngữ vì quá tin theo bản Kiều Oánh Mậu 1902 nên tuy đã được phổ biến, thông dụng, mọi người quen tai nhưng lại sai lệch khá nhiều so với các bản Kiều cổ.
Vừa qua, Hội Kiều học Việt Nam đã bước đầu xây dựng một văn bản Truyện Kiều theo hướng mà các từ ngữ theo phương châm “kết quả sẽ được chọn bằng cách theo ý kiến của đa số” nên tuy đã dựa vào sự khảo cứu bộ sưu tập 60 bản Truyện Kiều cổ, nhưng bước đầu mới chỉnh lại có 412 từ cho sát với chữ Nôm của các bản Kiều cổ và khác với từ ngữ của bản Đào Duy Anh in năm 1979 kể trên.
Nghĩa là vấn đề phục hồi nguyên tác Truyện kiều đến nay đã tiến được một bước khá quan trọng nhưng vẫn còn dừng lại chờ đợi cho đến khi tìm được nguyên tác Truyện Kiều.
Vừa qua tôi may mắn sưu tầm được bản Kim Vân Kiều Tân Truyện chép tay có vẽ tranh minh họa hiện đang lưu trữ tại thư viện nước Anh. Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy một số vấn để sau đây:
* Bản này đã được nhiều nhà nghiên cứu biết đến và có bài giới thiệu như các vị: Nguyễn Văn Hoàn, Trần Nghĩa, Nguyễn Ngọc Trí, Nguyễn Quảng Tuân và gần đây là Phạm Tú Châu. Các tác giả trên đều “giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít” và đều đánh giá là “bản Kiều quý” “chưa có ở nước ta” nhưng “tuy nhiên chưa có ai đi sâu tìm hiểu”.
* Theo tìm hiểu của tôi, bản này gồm có 150 trang. Trang 1-2 và 149-150 đều có thêu vẽ hình rồng. Đặc biệt trang 1 và trang 150 có thêu hình rồng 5 móng, chứng tỏ hiện vật này được chép và vẽ để nhà vua Ngự lãm. Theo các tác giả trên kể lại trước khi về lưu trữ tại thư viện nước Anh vào năm 1894, cuốn sách cổ này được bày bán tại một hiệu sách chuyên bán sách cổ ở Paris. Do đó theo suy luận của tôi, cuốn sách này vốn nằm trong thư viện của Hoàng gia triều Nguyễn, năm 1885 kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi chạy ra Sơn phòng Quảng Trị, Quảng Bình…xuống chiếu Cần Vương. Giặc Pháp cướp phá Hoàng thành Huế và cuốn Kiều cổ quý này đã rơi vào tay người Pháp rồi mang về Paris sau mới lưu lạc sang Anh năm 1894. Văn bản này do ai sai chép, dưới triều vua nào và ai là người chép và vẽ 146 bức tranh quý trên thì đến nay chưa có cơ sở nào để minh định.
* Bản Kiều này về câu chữ thì tương đối đồng nhất với các bản Kiều cổ khắc ván đời Tự Đức, nhưng có nhiều câu chứng tỏ người chép không chép theo một bản khắc ván cổ như Liễu Văn Đường 1866, 1871 hoặc Duy Minh Thị 1872, Thịnh Mỹ Đường, Quan Văn Đường 1879 mà chép theo lời đọc của một người phát âm theo giọng Huế:
Ví dụ:
* Câu 325: Sương mai tính đã rũ mòn (Sương ≠ Xương)
* Câu 2535: Lạ thay oan khí tương truyền (Truyền ≠ Triền)
* Câu 2933: Lời xưa đã lỗi muôn vàng ( Vàng ≠ Vàn)
* Bản Kiều này có nhiều câu Kiều lạ hiếm hoặc chưa từng thấy ở các bản Kiều Nôm cổ nào cả.
Ví dụ:
* Câu 5: Lạ gì bỉ sắc thử phong (chữ thử chỉ thấy ở bản Nôm Kinh Bắc và bản Quốc ngữ Bùi Khánh Diễn)
* Câu 236: Bỗng không mua não chác sầu phải nao
* Câu 577: Người tay thước kẻ tay đao.
* Câu 581: Đầy nhà vang tiếng nhặng xanh.
* Câu 586: Này ai đơn khống giật dàm bỗng dưng
* Nhưng điều đáng quý trân trọng hơn cả là bản Kiều này lại có nhiều câu Kiều rất đúng với các bản Kiều Nôm cổ của thế kỷ XIX với từ ngữ và âm nghĩa rất chính xác mà ta có cơ sở dựa vào để phục nguyên văn bản Truyện Kiều. Ngoài 4/2 từ mà bản Kiều của Hội Kiều học phục nguyên cũng đã xuất hiện trong bản Kiều này; ngoài ra còn rất nhiều từ cổ hay, chính xác… như ở các câu sau:
* Câu 207: Xem thơ thắc thẻm khen thầm (thay cho: nức nở)
* Câu 934: Cô nào xấu mẽ cho thưa mối hàng (thay cho: vía)
* Câu 1135: Hưng hành chẳng hỏi chẳng tra (thay cho: hung hăng)
* Câu 1148: Xót lòng trinh bạch từ lâu đến giờ (thay cho: chút….sau cũng chừa)
* Câu 1154: Đon sòng đến mực nồng nàn mới tha (thay cho: gạn gùng)
* Câu 1250: Ngẩn ngơ trăm nỗi dồi mài một thân (thay cho: dùi)
* Câu 1311: Rõ màu trong ngọc trắng ngà (thay cho: ràng)
* Câu 1478: Đổi thay nhạn cá đã cùng đầy niên (thay cho: yến…hòng)
* Câu 1912: Cũng cho nghĩ nghị trong vòng bước ra (thay cho: khỏi lụy)
* Song đến “mặt trời cũng còn có vết”, bản Kiều này chưa có các dấu khuyên, điểm bằng son nên chắc rằng chưa có người đọc duyệt, hiệu đính nên tuy tránh được các chỗ để trống, thiếu từ như các bản 1866, 1871, 1872 nhưng vẫn có những câu có thể người đọc, người chép bị nhịu, bị lẫn nên vẫn còn những câu mà theo chúng tôi là chưa chính xác. Ví dụ các câu: 67, 1088, 1674, 1726, 1765, 1853, 1979… mà ta có thể hiệu đính dựa vào các bản Kiều cổ từ đời Tự Đức.
* Điều đáng quý nhất là bản Kiều này có tới 146 bức họa, nét vẽ rất sinh động đặc tả chi tiết cảnh và người, minh họa cho các đoạn thơ chép ở nửa trên của trang.
– Trang 1-2 và 149-150 vẽ rồng 5 móng chứng tỏ quyển Kiều thuộc sở hữu của nhà vua.
– Trang 3 có dòng chữ Kim Vân Kiều Tân Truyện và hình minh họa 3 chị em Thúy Kiều, Thúy Vân, Kim Trọng đi chơi xuân.
– Trang 4: Phần trên có bài Kim Vân Kiều tiểu dẫn, còn phần dưới vẽ hình một nhà Nho đang ngồi đọc sách ở án thư (có thể suy đoán đó là chân dung Nguyễn Du) bức chân dung độc nhất vô nhị của Đại thi hào.
… Trang 10: Thơ chép từ câu 61-78
Lời chú tranh là: Đây là Vương Quan dẫn chuyện Đạm Tiên lúc sống làm người tài sắc, có khách nghe tiếng đến chơi thời Đạm Tiên đã thác hóa.
… Trang 100: Thơ chép từ câu 2161-2184
Lời chú tranh là: Đây là nàng Kiều lại ở thanh lâu, gặp Từ Hải đến chơi mà hai lòng cùng tưởng mộ.
… Trang 148: Từ câu 3241-3254
Lời chú tranh là: Đây là người làm Truyện Kiều kết quyển sách ấy, lại lấy chữ tài chữ mệnh mà nói lẽ trời.
Kết luận: Đây là một quyển Truyện Kiều chép tay ít nhất cũng từ cuối thế kỷ XIX lại thuộc quyền sở hữu của Hoàng gia nhà Nguyễn, có nội dung rất cổ cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để góp phần phục hồi nguyên tác Truyện Kiều. Cuốn sách này lại là một bộ sưu tập tranh rất đồ sộ về số lượng. Ta biết rằng nhân dịp kỷ niệm 250 năm năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du, trường Cao Đẳng văn hóa thể thao và du lịch Nguyễn Du tỉnh Hà Tĩnh xuất bản tập tranh minh họa Truyện Kiều cũng chỉ có được 154 bức (gồm tranh dân gian, tranh khuyết danh và gần 100 họa sỹ trong và ngoài nước vẽ rải rác trong hơn 100 năm qua) mà cũng mới chỉ minh họa đươc một số câu thơ trong Truyện Kiều chứ chưa đủ sức minh họa toàn bộ Truyện Kiều như cuốn này. Việc đánh giá về chất lượng nghệ thuật của các bức minh họa xin dành cho các nhà chuyên môn khi cuốn sách được ấn hành tại Việt Nam.
Bắc Ninh chúng ta lại là quê ngoại của đại thi hào Nguyễn Du nên tôi xin giới thiệu một vài nét tìm hiểu ban đầu về cuốn Truyện Kiều quý giá mới sưu tầm được kể trên. Mong nhận được sự quan tâm của các cơ quan có trách nhiệm để sớm có thể xuất bản được ấn phẩm quý này phục vụ bạn đọc.
Theo Nguyễn Khắc Bảo/Tạp chí Người Kinh Bắc
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa
Thư viện phim tư liệu
Bộ đếm lượt truy cập
Liên kết Website
Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599 Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.