Nguyễn Du

Loading...

Vài nét về cuốn Kiều Nôm Tự Đức 19 (1866)

Cuốn Kiều Nôm do Liễu Văn Đường tàng bản in năm Tự Đức thứ 19 (1866) hiện đang lưu giữ tại khu di tích Nguyễn Du ở thị trấn Nghi Xuân (Hà Tĩnh) là bản khắc in cổ nhất tính đến thời điểm hiện nay. Như vậy bản Kiều Nôm Liễu Văn Đường Tự Đức 24 (1871) chưa phải là bản được in theo lối khắc ván đu tiên như một số nhà nghiên cứu đã khẳng định, và chúng ta hi vọng là còn có khả năng phát hiện thêm những bản khắc in có niên đại sớm hơn.
 
Tuy nhiên điều đáng tiếc là sách đã bị mất 18 tờ tương đương với 864 câu (chứ không phải hơn 900 câu như nhiều tờ báo đã đưa tin), và số câu còn lại là 2390. Số câu bị mất không tập trung vào một chỗ, mà nằm rải rác suốt cả cuốn sách. Cụ thể những câu bị mất như sau:
 
C145 - C192; C289 - C336; C385 - C480; C913 - C1056; C1537 - C1584; C1633 - C1680; C1873 - C1968; C2161 - C2208; C2497 - C2592; C2641 - C2736; C2977 - C3072.
 
Và cũng thật may mắn là trang bìa vẫn còn nguyên vẹn: ở giữa là 5 chữ to Kim Vân Kiều tân truyện, bên phải ghi Tiên Điền Lễ tham Nguyễn hầu soạn, bên trái ghi Liễu Văn Đường tàng bản, trên cùng là dòng chữ Tự Đức thập cửu niên trọng xuân tân san.
 
Nếu đem so sánh bản LVĐ 1866 (gọi tắt là bản A) và LVĐ 1871 (gọi tắt bản B) thì hai bộ ván khắc có kích thước và cách bố trí giống nhau, chữ khắc của bản A mảnh và sắc nét hơn. Cũng như bản B, bản A mỗi trang có 12 liên (24 câu) nằm trong khung 10 X 13cm, giữa câu 6 và câu 8 là khoảng trống rộng chừng lcm. Một điều đáng chú ý là những chữ khắc sai, viết nhầm của bản A phần lớn đều xuất hiện trong bản B. Xin đơn cử một số trường hợp:
Câu
Bản A
Bản B
866
Tiếng gà nghe đã gáy gáy (thừa một chữ gáy) thôi mé tường
Củng thừa một chữ gáy
1213
Khi khóe hạnh (chữ hạnh thừa một nét ngang thành chữ yểu) lúc nét ngài
Cũng viết chữ yểu
1238
Thân sao bướm chán ong chường (viết nhầm ra tinh) bấy thân.
Cũng viết tinh
1594
Giếng vàng đã rụng (viết nhầm ra khổn) một vài lá ngô.
Cũng viết khổn
2344
Hoa kia nô (sai trật tự từ, đúng ra là hoa nô kia) với Trạc Tuyền cũng tôi
Cũng nhẩm trật tự từ
2466
Hàng thần lơ (viết nhầm ra ngu) láo, phận mình ra đâu
Cũng nhẩm ra ngu
2843
Tuy rằng vui chữ vu (thừa một nét thành thủ) quy
Cũng thừa một nét v.v...
 
 
Bảng liệt kê những chữ viết sai giống nhau ở cả hai bản còn có thể kéo dài hết vài trang giấy, ở đây chúng tôi chỉ nêu 7 trường hợp để chứng minh. Cũng như bản B, hiện tượng viết sai hoặc thừa hoặc thiếu nét, nhầm tự dạng ở bản B rất phổ biến nên đã xuất hiện nhiều “chữ lạ” trong văn bản, nếu tách rời ngữ cảnh và không căn cứ vào các bản Nôm khác thì khó lòng đoán được. Do hiện tượng khắc sai, chép nhầm nên dẫn đến kết quả là một số câu thơ bị lạc vận. Chẳng hạn C503: vẻ chi một đóa đào yêu (phải là yêu đào mới vần được với câu dưới là Vườn hồng chi dám ngăn rào chim xanh), C1605: Roi câu vừa gióng dặm dài (phải là trường thì mới vần được với chữ đường ở câu tám tiếp theo. Bản B cũng chép sai như bản A), C2461: Tin vào gửi trước quân trung (phải là trung quân mới vần được với câu dưới là Từ công riêng hãy mười phân hồ đổ)... Rõ ràng là chất lượng chữ Nôm của cả hai bản A và B đều kém do trình độ hạn chế của thợ khắc “chữ tác đánh chữ tộ, chữ ngộ nhầm chữ quá, ngay trong một câu có khi sai đến 2, 3 chữ (chữ dưới đúng, nhưng chữ trên lại sai C3162). Thực ra vấn đề viết thừa, thiếu nét, nhầm tự dạng chúng ta dễ dàng đính chính. Chẳng hạn cho nhầm ra tống (chữ trước đúng, chữ sau sai), thì/ được, giáp/ thân, đán/ thả, ân oán/ ân ái, vợ/ em, sau/ lầu, lơ láo/ ngu láo, bi hoan/ bi khuyến, biện bạch/ biện tự, bưng mắt/ cho mắt, hồn/ hòe v.v... Có khi nhầm cả địa danh và tên riêng: hai lần viết nhầm Vô Tích thành Thương Tích (C2291, C2300), nhưng trong câu 2898 lại đúng, Thúc Sinh viết thành Đông Sinh, Tống Ngọc thành Châu Ngọc...
 
Tuy hai bản A và B có những sai sót như chúng tôi vừa nêu, nhưng mặt khác lại có nhiều chỗ bản A viết đúng, bản B sai và ngược lại, nên hai bản bổ sung cho nhau rất tốt. chẳng hạn:
 
Câu
Bản A
Bản B
615
Thương lòng con trẻ thơ ngây (đúng)
Thương lòng con trẻ thơ nào (sai)
851
Nỗi riêng (đúng) tầm tã tuôn mưa
Nỗi quãng (sai) tầm tã tuôn mưa
1391
Quyết ngay biện bạch (đúng) một bề
Quyết ngay biện tự(sai) một bề
1791
Lâm Truy từ thuở (đúng) uyên bay
Lâm Truy bạch trụ (sai) uyên bay
1801
Tiểu thư đón cửa giã (đúng) dề
Tiểu thư đón cửa đêm (sai) dề
3164
Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi (đúng)
Hay gì vầy cái hoa tàn mà biết (sai)
619
Hạt thanh (sai) sá nghĩ phận hèn
Hạt mưa (đúng) sá nghĩ phận hèn
707
Tái tọa (sai) chưa dứt hương thề
Tái sinh (đúng) chưa dứt hương thề
721
Hở môi ra cũng so (sai) thùng
Hở môi ra cũng thẹn (đúng) thùng
626
Hỏi biểu (sai) rằng huyện Thanh Lâm cũng gần
Hỏi quê (đúng) rằng huyện Thanh Lâm cũng gần v.v...
 
Có những câu chữ bản A và bản B khác hẳn nhau:
 
C87 – 88   Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay thác xuống làm ma không chổng (A).
Sống thì tình chẳng riêng ai,
Khéo thay thác xuống ra người tình không (B).
C1844     
Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn (A).
Nói vào những phép, giở ra những đòn (B).
C1756   
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi (A).
Thấy ai quen thuộc cũng đừng nhìn chi (B).
C1856     
Người ngoài cười đắng, người trong khóc thầm (A).
Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm (B).
C1617      
Làm cho cho dại, cho mê (A).
Làm cho cho mệt, cho mê (B).
C1865       
Giọt rồng canh đã điểm ba (A).
Khúc rồng canh đã điểm ba (B).
C2122     
Bán hùm buôn hổ chắc vào lưng đâu (A)
Bán hùm buôn quỷ chắc vào lưng đâu (B).
C2151    
Chém cha cái số hoa đào (A).
Gớm cho cái số hoa đào (B).
C2827       
Biết bao công mướn của thuê (A).
 Biết bao công mướn công thuê (B).
v.v...
 
Vấn để khác nhau trong câu chữ giữa các văn bản rất quan trọng, nó giúp cho các nhà nghiên cứu nhận định một cách chính xác hơn quá trình diễn biến của văn bản cũng như ảnh hưởng qua lại giữa các văn bản đó. Xin nêu một vài dẫn chứng, vì đinh ninh C87 - 88:
 
Sng thì tình chẳng riêng ai
Khéo thay thác xuống ra người tình không
 
Trong bản LVĐ 1871 xuất hiện trước, còn dị bản của câu đó:
 
Sống làm vợ khắp người ta
Khéo thay thác xuống làm ma không chng
 
là ở những bản khắc sau như ý kiến của một số người là thiếu cơ sở, vì câu này đã có mặt trong bản LVĐ 1866 trước đó 5 năm, và sau đó hàng loạt bản Kiều Nôm như LNP 1870, DMT 1872, AdM 1884, ÂTH 1896, VĐPT, TMĐ, KOM, CMT(1)... đều xuất hiện câu này:
 
Sống làm vợ khắp người ta
Khéo (hại) thay nằm (thác) xuống (là) ma không chồng.
 
Và tình hình tương tự cũng xuất hiện ở C1844. Bản LVĐ 1871 chép: Nói vào những phép, giở ra những đòn, và sau đó các bản Nôm nêu trên lại ghi câu của bản LVĐ 1866 là Khuyên chàng chẳng cạn thì ta có đòn, do đó không thể kết luận câu này đã được các bản in sau chữa lại câu của LVĐ 1871.
 
Cũng như bản B, trong số 2390 câu còn lại của bản A không thấy hiện tượng kiêng húy những chữ thì, hồng, nhậm (C2157, 2873, 2949, 2950) đời Tự Đức, nhưng trong số 4 câu còn lại của bản này có chữ lan kị húy đời Gia Long thì có ba trường hợp đổi lan thành hương (nhà hươngC375, huệ hươngC1471, thiếp Hương Đình C1988), trừ câu 1310 Thang lan rủ bức trướng hồng tẩm hoa không đổi lan ra hương.
 
Với mong muốn góp phần nhỏ bé vào việc tìm hiểu kiệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du, chúng tôi tiến hành phiên âm để giới thiệu rộng rãi với các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc văn bản quý hiếm này.
 
Như chúng tôi đã nêu ở trên, những chữ khắc sai, chép nhầm rất phổ biến nên trong vấn để phiên âm chúng tôi không máy móc đọc theo những chữ viết sai trong văn bản.
 
Ví dụ: không đọc sĩ quan, khai hà, Dương khai, khóe yểu, hạt thanh, so thùng, tự tình, ngu láo,... vì như vậy sẽ làm mất hứng   thú của độc giả, mà đọc: thổ quan, quan hà, Dương Quan, khóe hạnh, hạt mưa, thẹn thùng, bạc tình, lơ láo,... (C2637,1499,1502, 1213, 619, 721, 1159, 2466...). Thỉnh thoảng chúng tôi cũng có nêu nhận xét những chữ in sai dưới mỗi trang phiên âm, nhưng vì khuôn khổ của phần khảo dị không cho phép, nên chúng tôi cũng chỉ nêu được một số trường hợp tiêu biểu. Có trường hợp trong văn bản dùng cả hai từ (trong đó có một từ cổ) để cùng chỉ một hiện tượng. Đó là tạn/ tận: Nợ đâu ai đã dắt vào tận tay (C2610) thì viết tạn(2) nhưng Bắt quỳ tận mặt, bắt mời tận tay (C1838) thì lại viết tận (3) , do đó chúng tôi phiên âm thống nhất là tận. Còn đối với những trường hợp còn có tranh chấp trong cách đọc như nghỉ/ nghĩ, nêm/ nen, rấp (rớp, dớp)/ trất, gạn gùng/ đón rào/ đon sòng... (C572, 646, 898, 1154) thì chúng tôi tham khảo cách phiên âm của các bản khác và chọn cho mình cách đọc mà chủ quan cho là hợp lí. Về vấn đề khảo dị, chúng tôi dựa vào các bản đời Tự Đức như Lâm Nọa Phu 1870­(4), Liễu Văn Đường 1871, Duy Minh Thị 1872, Trương Vĩnh Ký 1875 và một số bản khác như Abel des Michels 1884, Kiều Oánh Mậu 1902, Chu Mạnh Trinh 1906, Bùi Kỷ - Trần Trọng Kim. Ngoài ra còn tham khảo thêm các bản Thịnh Mĩ Đường, Ấn thư hội, Việt Đông Phật Trấn...  
                                 
Đọc chữ Nôm là một vấn để phức tạp, nhất là trong văn bản Truyện Kiều nên trong phẩn phiên âm sau đây của chúng tôi chắc khó tránh khỏi những điều bất cập, mong các nhà nghiên cứu và bạn đọc thông cảm và chỉ cho những chỏ thiếu sót.
Cuối cùng chúng tôi xin chân thành cảm ơn ông Đào Tam Tỉnh - Phó Giám đốc Thư viện Nghệ An đã cung cấp cho chúng tôi bản Kiều Nôm quý hiếm này./.
 
Chú thích:
(1) LNP (Lâm Nọa Phu)
DMT (Duy Minh Thị)
AdM (Abel des Michels)
ÂTH (Ấn Thư hội)
VĐPT (Việt Đông PhậtTrấn)
TMĐ (Thịnh Mĩ Đường)
KOM (Kiều Oánh Mậu)
CMT (Chu Mạnh Trinh)
(2)
(3)
(4) Xin tham khảo bài Đi tìm Lâm Nọa Phu (Người san cải nên bản Kiều Nôm 1870) của Nguyễn Tuấn Cường đăng trên Tạp chí Hán Nôm số 3 (64) - 2004. Và bài Tìm người chép lại Truyện Kiều năm Canh Ngọ (1870) đăng trên báo Văn Nghệ số 33 (14.8.2004).
THẾ ANH
Hà Nội đầu Thu năm Giáp Thân 2004
Truyện Kiều - bản Nôm Tự Đức năm thứ 19 (1866) 
- Thế Anh phiên âm và khảo đính/ NXB Văn học  - 2015.

Tìm hiểu Kim Vân Kiều tân truyện ở Thư viện Vương quốc Anh

Trước đây 20 năm, Kim Vân Kiều tân truyện (còn gọi là Kim Vân Kiều hội bản) đã được giáo sư Nguyễn Văn Hoàn(1) và giáo sư Trần Nghĩa(2) giới thiệu sơ qua hoặc kỹ hơn chút ít. Bản này được đánh giá là “bản Kiều quý”, “chưa có ở nước ta”, tuy nhiên chưa ai đi sâu tìm hiểu. Điều đặc biệt ở bản này là có 146 trang thì trang nào cũng có một tranh minh họa chiếm nửa dưới trang, nửa trên dành in lời Tiểu dẫn (trang 2), một đoạn Truyện Kiều, chú thích bằng chữ Hán và lời tóm tắt bằng chữ Nôm nội dung đoạn Truyện Kiều đó. Sách không ghi tên tác giả cùng năm, nơi ra đời, chỉ thấy “trang bìa trong của sách có ghi mấy chữ tiếng Ý, viết bằng bút sắt ‘Anno 1894’; trang cuối sách ghi dòng chữ tiếng Pháp, cũng viết bằng bút sắt: ‘Paul Pelliot, acheté 432 Fr, Porte Sully, Juin 1929, No 518’. Nếu những ghi chép trên đây là chính xác thì các bản vẽ được hoàn thành vào năm 1894; đến năm 1929, Paul Pelliot, một học giả người Pháp mua được và cuối cùng, sách được nhập vào kho Thư viện Vương quốc Anh”(3). Có điều, tranh minh họa thì tôi cảm thấy có phần ngờ do người Trung Quốc vẽ.

Xem tiếp
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.