Trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học số 3 năm 2005, chúng tôi đã viết bài Những nghi vấn xung quanh một bản Kiều phê phán ông Nguyễn Quảng Tuân (NQT) đạo văn cuốn Truyện Kiều chữ Nôm và khảo dị do Nguyễn Bá Triệu (NBT) công bố tại Canađa từ năm 1999 (Tái bản, 2000) để làm thành cuốn Truyện Kiều bản Kinh đời Tự Đức do “NQT phiên âm và khảo dị (Nxb. Văn học, H, 2003). Trên Tạp chí số 6 năm 2005 vừa qua, ông NQT có bài trả lời. Thực ra thì sự việc ông NQT làm bìa sách giả để phi tang việc đạo văn cuốn Truyện Kiều chữ Nôm và khảo dị của NBT đã quá rõ ràng (Xin xem thêm bài viết của chúng tôi trên Văn nghệ trẻ, số 25 (19/6/2005); Lê Thành Lân trên Tạp chí Hán Nôm, số 2/2005; Khoa học và Tổ quốc, tháng 6-2005, chỉ rõ thêm sự đạo văn và làm bìa sách giả của ông NQT). Nhưng trong bài báo trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6-2005, NQT viết 6 mục để trả lời nên cũng tiện cho chúng tôi: đỡ mất thì giờ. Chúng tôi bám sát vào từng mục để nói thêm đôi điều cùng ông, vì càng cãi, ông càng tự thú.
1. Điểm thứ nhất, NQT viết: “Tôi không hề làm giả tờ bìa quyển Đoạn trường tân thanh”
Để chứng minh điều này, ít nhất đã ba lần NQT đưa ra lời thư của ông Đàm Quang Hưng (ĐQH) làm chứng lý. Nhưng câu chữ dẫn ra cứ mỗi lần một khác. Ta hãy xem:
Trích trên Báo Văn nghệ ngày 2/9/2004 ,Trích trên Báo Văn nghệ ngày 16/4/2005, Trích trên Nghiên cứu Văn học số 6/2005
“Mấy trang đầu quyển Đoạn trường tân thanh bị mọt ăn thủng làm nát thành nhiều mảnh. Chúng tôi cố gắng ghép các mảnh vụn ấy lại với nhau cho ngay ngắn, đem đi photocopy với mục đích tái tạo những chữ viết ở ngoài bìa. Vì thế tờ bìa trong bản photocopy biếu Thầy có thể là không đúng 100% với nguyên bản "Ba tờ đầu cuốn sách bị mối mọt đục thủng gần hết. Riêng bìa cuốn sách thì bị rách tả tơi thành nhiều mảnh vụn. Chúng tôi cố gắng ghép các mảnh vụn ấy lại với nhau cho ngay ngắn, đọc những chữ ngoài bìa sách, trích những chữ ấy từ những đoạn khác nhau ở bên trong cuốn sách, đem đi photocopy rồi dán lại, với mục đích tái tạo được những chữ viết ở ngoài bìa. Vì thế tờ bìa trong bản photocopy biếu Thầy có thể là không đúng 100% với nguyên bản” ( Trích thư của ông ĐQH gửi qua Bưu điện từ Houston (Texas, Mỹ) ngày 21-9-2000 “Ba tờ đầu cuốn sách thì bị rách tả tơi thành nhiều mảnh vụn. Chúng tôi cố gắng ghép các mảnh vụn ấy lại với nhau cho ngay ngắn, đọc những chữ ngoài bìa sách, trích những chữ ấy từ những đoạn khác nhau ở bên trong cuốn sách, đem đi photocopy rồi dán lại, với mục đích tái tạo được những chữ ở ngoài bìa. Vì thế tờ bìa trong bản photocopy biếu Thầy có thể là không đúng 100% với nguyên bản". NQT cẩn thận chú thích: ‘Thư đề ngày 211912000, gửi qua Bưu điện từ Houston, Mỹ quốc ”.
Càng ở lần trích dẫn sau, lời “thư” càng chi tiết hơn nhằm đối phó trước nguy cơ việc đạo văn ngày càng được phơi bày ra ánh sáng. Rõ ràng là NQT đã bịa ra chứng cứ hòng đổ lỗi làm bìa giả cho ĐQH. Ai làm hàng giả, chưa xét. Chúng tôi chỉ xét người quảng cáo, tiêu thụ hàng giả là NQT.
Khi NQT viết: “Tôi không hề làm giả tờ bìa quyển Đoạn trường tân thanh”, tức là NQT đã công nhận đó là tờ bìa giả. Đơn giản vậy thôi. Thế là hết chuyện, còn gì để bàn nữa?
NQT bịa đặt lời thư của ĐQH hòng cãi trắng tội làm bìa sách giả. Nhưng ông đã lầm. Có bốn lý do sau đây cho thấy đó là thư giả:
1) Tên sách của tất cả các bản Truyện Kiều đều in ngay ở tờ 1a trên giấy dó mỏng!
2) Cái từ bìa sách ta dùng hiện nay, thì xưa các cụ gọi là nhan sách. (Nhan là nhan đề, được đặt tại ngay tờ 1 a).
3) Còn bìa, các cụ làm bằng bìa cậy dày, như cái “áo giáp” bảo vệ các trang sách mà nhan sách ở tờ 1 a được ưu tiên bảo vệ ngay từ tuyến đầu. Bìa làm bằng cách bồi dăm bảy tờ giấy bản cũ bằng loại nhựa cây chống mối mọt có màu nâu cánh dán sầm. Thế thì làm sao mà viết hoặc in được nhan sách trên màu bìa đó; thì làm gì còn nhan sách mà bảo cố gắng ghép các mảnh vụn ấy lại với nhau để “tái tạo”?
4) Ruột sách phải có trước. Có ruột sách rồi mới lo làm bìa cậy. Nói như thuật ngữ nhà in là, khi chép hoặc in xong phải đóng, xén tươm tất rồi mới “vào bìa”.
2. Điểm thứ hai, NQT viết: “Về bài thơ đề vịnh Truyện Kiều của Phạm Quý Thích”
Ông ngụy biện: “Vì thấy bài Đề từ ấy, trong tất cả các bản Kiều Nôm đều giống nhau không có chữ nào khác biệt nên chúng tôi đã cho đánh máy lại để in gọn vào một trang cùng với bản phiên âm”.
Không nghe được. Trong rất nhiều bản Nôm, câu thứ năm của bài thơ “Đoạn trường mộng LÝ căn duyên liễu”, thì ít nhất bản Kiều Oánh Mậu đã khắc in là: "Đoạn trường mộng TỈNH căn duyên liễu". Là người rất thích in độn rất nhiều ảnh chụp vào trong sách - có cuốn độn đến dăm bảy chục trang, thì đời nào NQT lại tiết kiệm đến như vậy. Chẳng qua ông đã thủ tiêu bài thơ này đi vì nó là vật chứng của vụ làm bìa giả! Trên Tạp chí Hán Nôm số 2/2005 (tháng 4/2005), PGS.TS. Lê Thành Lân đã miêu tả cụ thể nghệ thuật và quy trình sản xuất bìa sách giả của NQT.
Tại bài viết này, PGS. TS. Lê Thành Lân đã chứng minh rằng, ngoài việc dùng máy tính lấy bốn chữ Đoạn trường và tân thanh trong bài thơ ra ghép thành tên sách giả, NQT còn lấy những chữ ở cuối bài Tựa để
ghép vào hai bên tên sách... Tại bức ảnh “Hình 4” này, những chữ đóng khung trong 6 ảnh nhỏ phía trên của “Hình 4” là những chữ đã bị NQT dùng máy tính câu ra để làm bìa giả (Bìa giả này được đóng khung, nằm phía dưới “Hình 4”). Nghiên cứu là công việc đi tìm sự thật. Một người nghiên cứu mà đã làm bìa giả để phi tang việc đạo văn thì không còn gì để nói với ông ta nữa.
3. Điểm thứ ba, NQT viết: “Về việc sửa chữa các chữ của bản gốc”
Lần này, NQT lại mang “thư” của ĐQH ra để chứng tỏ rằng bản của NQT mới là bản chụp “xịn” theo bản gốc; còn bản chụp của NBT là bản “đã tự ý sửa chữ cắt dán tất cả những chữ mà Thầy [tức NQT] đã hỏi.
Xin lỗi, đây là việc của các ông. Chúng tôi không tin vào cái gọi là “thư’’ của ĐQH ở tít tận Mỹ bởi chúng tôi có quá thừa lý do để chắc tin rằng cả NQT và NBT đều đã chữa bản gốc. Vấn đề quan trọng là bản gốc đã bị sửa, lại bị NQT làm bìa giả để phi tang việc đánh cắp cuốn sách đã bị sửa bản gốc ấy. Ngay bức ảnh một trang Bài Tựa mà NQT cho in trên Văn nghệ số 16 năm 2005 (ảnh đóng khung, số I) đã khác bức ảnh in tại (trang 36 trong cuốn sách in năm 2003 của NQT rồi: Thêm chữ. Tô lại chữ. Rõ ràng là NQT đã sửa bản gốc. Cãi cố làm gì nữa!
4. Điểm thứ tư, NQT viết: “Tôi đã không dùng quyển Truyện Kiều của NBT để biên soạn quyển Truyện Kiều - Bản Kinh đời Tự Đức”
Điều này, chúng tôi đã viết quá rõ trên Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 3/2005, nên không cần nói gì thêm. Thực chất sự ngụy biện của NQT trên Tạp chí số 6-2005 là sự ngụy biện quá yếu ớt, chả có gì để đáng bàn với ông nữa.
Nhưng tiện thể ông nhắc đến bản Liễu Văn Đường 1871, chúng tôi thấy cần nói thêm một chi tiết: Từ năm 2002 đến nay, NQT không ngớt rêu rao rằng: cuốn Truyện Kiều bản Nôm cổ nhất Liễu Văn Đường 1871 (Nxb. Văn học, H, 2002, tr.9) là do ông sang Pháp mang về từ năm 1998. Tại bài này, ông lại viết: “bản Liễu Văn đường mà chúng tôi đã xin được một bản phtocopy từ Thư viện Trường Sinh ngữ Đông phương khi qua Pháp năm 1998”. Viết thế là không trung thực.
Bởi vì, năm 1988 khi biết chúng tôi đã nhận được bản 1871 từ Pháp, NQT bèn sang Pháp săn lùng. Trên Văn Nghệ trẻ ngày 4/4/1999, ông kể lại chuyến đi ngày 16/8/1998 rất chi tiết: những ai ra sân bay đưa tiễn, ai tặng thơ ông. Ông còn viết: “Anh Liên thì căn dặn tôi "Ông phải cố gắng tìm đọc cho được bản Kiều Nôm cổ nhất... nếu không mục đích của chuyến đi sẽ bị kể như thất bại”. Nhưng chuyến đi ấy thất bại vì người ta không cho chụp.
Không hiểu bằng cách nào đó, NQT biết chúng tôi đã tặng một người học trò bản 1871. Ông liền nhờ thư từ cho một người môi giới mong qua tay người đó xin “chụp lại”. Cho đến tận ngày 25/6/1999, vẫn không xoay được bản 1871, NQT viết cho người môi giới phàn nàn, có ý giục làm sao chiếm cho bằng được: “Khi cháu Yên [con gái NQT] tới Pháp, có fax cho tôi biết là đã nhận được tập Truyện Kiều (1871), nhưng hôm qua nhận được thư của cháu thì họ chỉ cho chụp có mười trang thôi”... Cuối cùng thì NQT cũng xoay được bản chụp từ đâu đó. Ông liền sửa chữa, tô vẽ sửa bản gốc (chẳng hạn câu 201 bản gốc bị mất, ông liền làm giả một câu “Âu đành quả kiếp nhân duyên” trám vào đó rồi đưa in. Sự làm giả khéo đến nỗi nếu không có bản gốc thì không ai biết đây là câu thơ giả. Kinh nghiệm này sẽ được ông vận dụng để năm 2003 làm bìa sách giả điệu nghệ hơn.
Những người nghiên cứu vẫn luôn trao đổi thông tin, tài liệu sao chụp quý hiếm cho nhau để cùng bàn bạc. Nhưng những người tử tế không bao giờ chụp giật tài liệu người khác đang làm. Chúng tôi không hiểu vì động cơ mãnh liệt nào mà NQT phải cố tình chụp giật như vậy. Chẳng hạn, khi Ban Quản lý di tích Nguyễn Du mua được bản Liễu Văn Đường 1866, ông Giám đốc liền gọi chúng tôi vào ngay. Sau hơn một tuần nghiên cứu và báo cáo lại với Sở Văn hóa -Thông tin Hà Tĩnh về giá trị của văn bản, Lãnh đạo Sở đề nghị chúng tôi nghiên cứu văn bản này để kịp ra sách trong dịp kỷ niệm 240 năm sinh Nguyễn Du. Đây là thời gian NQT liên tục thư từ xin văn bản mà Sở đang giao cho chúng tôi nghiên cứu. Sở chỉ thị cho Đan Quản lý di tích rằng, đã giao cho chúng tôi làm thì không giao cho người khác.
Nhưng bằng cách nào đó, NQT cũng xoay được bản chụp, ông làm cho thật nhanh. Ngày 24/1/2005, ông viết thư khoe: “Quyển Truyện Kiều 1866 tôi biên soạn trong một tháng rưỡi: làm việc ngày đêm để cho in. Ông Liên giục tôi phải làm gấp và ông ấy đã xin giấy phép của Nhà xuất bản Văn học”. Khổ quá! Ngày 11/5/2004 báo chí mới đưa tin về việc tìm thấy bản Kiều 1866, thế mà giấy phép ông Mai Quốc Liên xin cho thì đề từ đầu năm 2004! Tức là giấy phép “cọp”! Người nghiên cứu là phải biết nghiên cứu. Tôi không hiểu vì động cơ gì mà họ hè nhau săn lùng bản chụp để làm vội vàng như giành giật miếng cơm manh áo khổ sở đến thế. Họ chỉ cốt in thật nhanh bản chụp. Rồi lo tuyên truyền cho việc công bố... bản chụp!
Một tháng rưỡi mà chỉ phiên âm cho thật nhanh một bản Kiều đã có hàng trăm người phiên âm, thì như chúng tôi đã viết trên Văn nghệ số 12, đó là việc bình thường đối với các cử nhân Hán Nôm hiện nay. Vấn đề là phải nghiên cứu văn bản ấy. Hai luận án tốt nghiệp Đại học do hai cử nhân gửi tặng chúng tôi (một người nghiên cứu bản 1871, một người nghiên cứu bản VNb.60) đã chứng tỏ điểu đó. Nhưng nếu
chỉ phiên âm thì không thể làm thành khóa luận để lĩnh bằng Cử nhân được, nên các thầy đã hướng dẫn mỗi người nghiên cứu nghiêm túc một vấn đề văn bản rất công phu.
Với NQT ở bản 1871 và bản 1866 thì đã ra sức chụp giật như vậy; đến bản 1870 thì lại đánh cắp bản của NBT rồi làm bìa giả hòng phi tang!
5. Điểm thứ năm, NQT viết “Về bài Tựa của Tiểu Tô Lâm -Noạ Phu ở đầu sách"
Trong mục này NQT đã phải công nhận rằng: “Ông Đào Thái Tôn... có làm một bản nhận xét rất công phu. Nhưng chúng tôi chỉ xin minh xác lại là bản của chúng tôi (tức NQT) mới là bản gốc”. Công nhận ông Đào Thái Tôn “làm một bản nhận xét rất công phu” thì đúng rồi. Nhưng chúng tôi cố xác định ai là người có bản chụp đúng bản gốc đâu, vì chúng tôi biết cả NBT và NQT đều chữa bản gốc. Nhưng NBT đã nói rõ ông đã chữa câu nào. Còn NQT thì chữa cũng không nói, làm bìa giả cũng không nói. Khi việc vỡ lở, lại cứ cãi cố suốt ba năm nay!
Nhưng tai hại nhất cho NQT trong mục này là ông đã thú nhận khi đạo văn, ông có cả hai bản in năm 1999 (NBT 1) và năm 2000 (NBT 2) của NBT. Tệ hại hơn là, tưởng việc đạo văn đã xuôi chèo mát mái, đạo xong, NQT liền viết bài phê bình NBT. Nhưng không báo nào đăng. NQT liền nói chữa rằng: “Bài này tôi chỉ gửi riêng cho ông Triệu để trao đổi riêng thôi, chưa cho đăng báo”!
6. Điểm thứ sáu, NQT viết về “Nghi vấn của ông ĐTT về hai bản Nôm khác nhau (bản của NBT và bản của tôi xin được từ ông ĐQH”
Chúng tôi không cần trả lời điểm này. Vì như trên đã nói, NBT và NQT đều sửa chữ bản gốc. Riêng NQT còn làm bìa sách giả.
Hai điều NQT viết thêm về việc sửa chữa bản gốc 1871 và việc năm 1953 đã đạo văn cuốn sách của Nguyễn Ngọc Xuân in năm 1913, chúng tôi không nói thêm vì đã viết rất kỹ (Xin xem. Văn bản Truyện Kiều nghiên cứu và thảo luận. Nxb. Hội Nhà văn, H, 2001).
Cả bài viết của NQT đã có một câu khép lại sự việc rồi. Đó là câu: “tờ bìa quyển ĐOẠN TRƯỜNG TÂN THANH ấy không phải là do tôi đã làm giả”. Ai làm giả là một chuyện nhưng việc NQT công nhận đó là bìa giả, thì coi như đã “xong phim” rồi!
Tám năm qua, đã nhiều lần chúng tôi buộc phải nêu lên nhiều sự không trung thực của ông NQT. Vẫn biết đây là cố tật lưu cữu mà ông không thể còn thời gian sửa chữa, nhưng để một số người đọc nhẹ dạ khỏi lầm lẫn, chúng tôi thấy vẫn phải điểm qua hệ thống không trung thực của ông.
a) Trong Văn bản Truyện Kiều nghiên cứu và thảo luận (Nxb. Hội Nhà văn, H, 2001, tr.334), tôi đã viết rằng, năm 1953, NQT đã đạo toàn bộ cuốn Thanh Tâm Tài Nhân thi tập (in năm 1913) của Xuân Lan Nguyễn Ngọc Xuân, biến thành cuốn Chu Mạnh Trinh và Thanh Tâm Tài Nhân thi tập...
b) Trong Nghiên bút mười năm (Nxb. Văn học, 1999), ông Cao Tự Thanh - nhà nghiên cứu tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Ông NQT nơi phần thơ văn trong cuốn Gương sáng ngàn đời (Nxb. Tổng hợp Tiền Giang, 1990) đã chép gần như nguyên văn kết quả nghiên cứu bản phiên dịch tác phẩm Lãnh binh Trương Định truyện của Nguyễn Thông đã công bố trong Tác phẩm Nguyễn Thông của anh Đoàn Lê Giang và tôi (Sở Văn hoá - Thông tin Long An XB, 1984) cũng như nhiều kết quả sưu tầm và nghiên cứu văn bản, phiên dịch và chú thích thơ văn Nguyễn Hữu Huân, thơ văn viết về Nguyễn Hữu Huân đã công bố trong Nguyễn Hữu Huân — nhà yêu nước kiên cường, nhà thơ bất khuất của cố Giáo sư Phạm Thiều, anh Lê Minh Đức và tôi (Nxb. Tp. Hồ Chí Minh, 1986). Điều này rất dễ chứng minh. Thứ nhất, ông NQT đã chép cả những sai lầm của chúng tôi lẫn những lỗi morasse trong hai quyển sách nói trên...”; in trong Nghiên bút mười năm (Nxb. Văn học, 1999, tr.300-30.1). Lao động và tác quyền trong nghiên cứu khoa học. (Tạp chí Văn, Tp. Hồ Chí Minh, số 21, tháng 8-1992).
Sau đó trước những hành vi “điên đảo tâm thuật”, “bịa đặt công khai, xuyên tạc trắng trợn, trích dẫn cắt xén và giải thích mập mờ”, “lừa dối người đọc và coi thường xã hội”... của NQT, ông Cao Tự Thanh lại phải viết tiếp bài Thủ pháp của một “đạo sĩ” nhằm chỉ rõ từng thao tác đạo văn của ông NQT (xem Nghiên bút mười năm. Sđd, tr.304-314).
c)Ngay sau đó, ông Đoàn Lê Giang tại Đại học KHXH & NV Tp. Hồ Chí Minh trong bài Có thật ông , Nguyễn Quảng Tuân không đạo văn không? đã lập bảng so sánh và chỉ rõ lối ngụy biện “mập mờ đánh lộn sòng trắng đen” của ông NQT (Sđd, tr.315-322).
Ông Đoàn Lê Giang còn có dịp “gặp lại” NQT khi ông dùng biệt hiệu Văn Đức, để “đặt nghi vấn ở một số chi tiết, tỏ vẻ nghi ngờ” nguồn tư liệu về Truyện Kiều ở Nhật Bản song ngay sau đó “ông” NQT cũng có chụp mấy trang của bản này in ở sau quyển Truyện Kiều của ông (Nxb. KHXH, 1997, tr.348, 466-477), nhưng ông lại quyên ghi nguồn gốc tài liệu” (Tạp chí Văn học, số 12-1999, tr.47-50).
d)GS. Vũ Đức Phúc lại đã có hai bài viết phê phán mạnh mẽ NQT khi thấy ông “không có thiện ý thảo luận nghiêm túc và thường cắt đôi ý kiến người ta để chỉ nói một nửa, nghĩa là xuyên tạc”, “ông Tuân nghiên cứu văn học một cách quá ư luộm thuộm, mọi việc nghiên cứu đều không có phương pháp”; đồng thời hứa hẹn sẽ chỉ rõ những sai phạm của ông Tuân khi biên soạn “quyển sách luộm thuộm cẩu thả, tức quyển Tổng tập, Tập 12” (Xin xem bài Hoàng Xuân Hãn và việc khôi phục nguyên tác Truyện Kiều. Tạp chí Văn học số 4-1999. Tuyển in trong Văn bản Truyện Kiều nghiên cứu và thảo luận. Sđd, tr.373-388, 402-427).
e)GS. Nguyễn Văn Trung (nguyên Giáo sư Văn khoa Sài Gòn, hiện định cư tại Canađa) rất không bằng lòng việc NQT “mượn khéo cả ý tưởng và tư liệu của ông để viết bài: “Ông Tuân không hề nhắc tới bài tôi viết. Nếu ông coi bài đó là vô giá trị, không đáng lưu tâm, thì ít ra ông cũng nhắc tới rồi nêu lý do bác bỏ nó chứ” (Xin xem Nghi vấn về tác giả Lục Vân Tiên. Tạp chí Văn học, số 12-1999, tr.27-34). V.v...
Bằng những điểm xuyết trên đây, có lẽ cũng tạm đủ để hình dung về chân dung “nhà kều học” Nguyễn Quảng Tuân.
Tám năm qua, chúng tôi và các nhà nghiên cứu trong ngoài nước đã viết quá nhiều về sự không trung thực của NQT. Để kết thúc bài này chúng tôi xin mượn một đoạn văn của nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh khái quát về NQT: “Lối lao động gian dối của ông [NQT] làm người đọc coi thường, và cách tạm ứng tác quyền của ông khiến người ta thương hại. Cũng phải nói rằng ước mong có những đóng góp cho cuộc đời và được cuộc đời ghi nhận nơi những người nghiên cứu là hoàn toàn chính đáng, nhưng trong khoa học thì lao động không đồng nghĩa với sản xuất, nên việc một người nghiên cứu không đóng góp được cho cuộc đời như mình mong ước là chuyện bình thường. Chính vì vậy mà không phải bất kỳ người nghiên cứu nào cũng lê được con tàu khoa học để đi vào lịch sử, nhưng điều cần ghi nhận ở đây là khác hẳn những nhân cách cao thượng hay lương thiện tự đặt quyền lợi cá nhân mình xuống dưới hoạt động khoa học và kết quả nghiên cứu, ngay từ phòng bán vé, ông NQT đã tự bộc lộ mình như một vị khách có ý định đi chui” (Nghiên bút mười năm. Sđd, tr.310-311)...
Bài này Cao Tự Thanh viết tháng 1 năm 1993, tức là sau 40 năm NQT đạo văn làm thành cuốn Chu Mạnh Trinh và Thanh Tâm Tài Nhân thi tập (1953) nói trên. Đến nay là hơn 50 năm rồi, NQT vẫn đạo văn như vậy đấy!