Nguyễn Du

Loading...
Tham quan ảo 3D

Bộ đếm lượt truy cập

web counter html code

Từ một lần nghe hát ca trù

Gần 10 năm theo nghiệp báo, mỗi chuyến đi với tôi vẫn là một bài học quý giá của cuộc sống. Cảm nhận từ những chuyến đi ấy chính là từng đợt phù sa bồi đắp cho nhận thức cũng như tâm hồn tôi thêm phần phong phú.

Câu lạc bộ ca trù (Nghi Xuân). Ảnh: Sỹ Ngọ

Có rất nhiều kỷ niệm cứ như ngọn hải đăng lung linh, soi tỏ mọi nẻo đường tác nghiệp của tôi. Và kỷ niệm với cố nghệ nhân ca trù Phan Thị Mơn trong lần về Cổ Đạm – Nghi Xuân năm 2008 đã sáng lên trong tôi thông điệp gìn giữ và phát huy di sản văn hóa.

Hôm ấy là một ngày trời lất phất mưa bụi, tôi còn nhớ như in màu của không gian và mùi đất quê Cổ Đạm. Con ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà nhỏ của nghệ nhân Phan Thị Mơn nhuốm màu quạnh quẽ. Cố Mơn (cách gọi thân thiết và đầy kính trọng của bà con Cổ Đạm) lúc ấy lưng đã còng, bước đi không còn vững và giọng nói cũng không tròn vành, rõ chữ nữa. Một cảm giác ái ngại pha chút thất vọng chợt thoáng đến trong tôi bởi mục đích chính của tôi là về đây để được nghe cố hát ca trù.

Tuy nhiên, thật bất ngờ là ngay khi nghe tôi bày tỏ nguyện vọng được nghe một vài làn điệu ca trù thì đôi mắt mờ đục của cố Mơn bỗng sáng hẳn. Cố xắm nắm trải chiếu, lấy phách, lấy trống rồi gọi cố ông ra cùng biểu diễn với mình. Và trước mặt tôi lúc ấy không phải là 2 nghệ nhân già nữa, đó là 2 nghệ sỹ thực thụ với tiếng hát còn xanh bóng thời gian và tiếng trống chầu cũng như đang kể với tôi về niềm say mê chưa hề vơi cạn. Cố nói: “Chúng tôi không còn theo gánh hát đã lâu nhưng ngày nào cũng hát, hát để giữ gìn lời cổ, hát để niềm đam mê không bị đứt quãng. Hát là cách duy nhất để tôi có thể truyền lại cho con cháu…”.

Phút giây ấy, tôi ngộ ra rằng, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của cha ông là thế: Không chỉ là bảo lưu làn điệu, lời ca, không chỉ là truyền lại cách hát, nghệ thuật biểu diễn mà hơn thế nữa, phải truyền lại niềm đam mê, sự trân trọng và tinh thần trách nhiệm với vốn cổ. Cũng từ cảm nhận đó, tôi hiểu rằng, các bài báo của mình, không chỉ đơn thuần tuyên truyền về giá trị vô giá

của ca trù, về hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa tinh thần cha ông để lại mà điều cốt lõi là phải làm thế nào thức dậy và thổi vào tâm hồn độc giả niềm say mê vốn cổ, phải khiến độc giả có thái độ trân trọng và ý thức được trách nhiệm của mình với di sản văn hóa của quê hương.

Từ sau cuộc gặp gỡ ấy, tôi không có dịp trở lại để được say trong tiếng hát của cố Mơn và cũng không lâu sau đó, cố thuộc về cõi vĩnh hằng. Dẫu vậy, ký ức và những điều cảm nhận được từ cuộc gặp gỡ năm xưa đã trở thành một bài học xuyên suốt trong quá trình tác nghiệp của một phóng viên chuyên phụ trách mảng văn hóa như tôi. Tôi tin rằng, khi độc giả đã đón nhận được thông điệp mà các tác phẩm báo chí chuyển tải thì ý thức về việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa cha ông sẽ được nâng cao hơn.

 

Theo Tuệ Mẫn/nghixuan.hatinh.gov.vn

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.