Nguyễn Du

Loading...

Truyện Kiều và sự liên tưởng thú vị với thời Covid-19

Cách nhau tới 200 năm, nhưng thế giới trong Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lại có sự trùng hợp và liên tưởng thú vị với thời dịch bệnh Covid-19.
 
Ngâm Truyền Kiều sẽ thấy sự liên tưởng thú vị với thời dịch bệnh Covid-19. (Nguồn: Reader)
 
Những ngày dịch bệnh diễn biến phức tạp, theo dõi thời sự cập nhật, tâm trạng chúng ta hẳn đã trải qua biết bao cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố... Chợt nghĩ đến những vần thơ trong Truyện Kiều năm xưa, một bách khoa thư về nhân tình thế thái, bèn mạo muội xin dùng vài câu lục bát của cụ Nguyễn Du để minh họa cho những tình huống hôm nay.
 
Âu cũng là một cách thư giãn mùa dịch, vừa khơi thêm lòng yêu thương văn chương nước Việt, vừa tiếp lửa niềm tin vào ngày chiến thắng đại dịch không xa.

Tâm trạng trong khu vực giăng dây phong tỏa:
 
Êm đềm trướng rủ màn che,
Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
 
Than trách người lây bệnh cho mình:
 
Người đâu gặp gỡ làm chi,
Trăm năm biết có duyên gì hay không?
 
Hành trang khi trở thành F1:
 
Đề huề lưng túi gió trăng,
Sau chân theo một vài thằng con con.
 
Gặp lại cố nhân tại khu cách ly:
 
Thưa rằng: Thanh khí xưa nay,
Mới cùng nhau lúc ban ngày đã quên.
 
Nỗi lòng xúc cảm trong khu cách ly:
 
Chênh chênh bóng nguyệt xế mành,
Tựa nương bên triện một mình thiu thiu.
 
Xem clip xúc động bé gái 5 tuổi xa gia đình đi điều trị Covid-19:
 
Thương tình con trẻ thơ ngây,
Gặp cơn vạ gió tai bay bất kỳ!
 
Tiếng xe cứu thương chạy trên đường phố:
 
Đùng đùng gió giục mây vần,
Một xe trong cõi hồng trần như bay.
 
Thành phố thênh thang những ngày giãn cách:
 
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
 
Người đi cách ly cũng cực, người ở nhà trông ngóng cũng khổ:
 
Kể chi những nỗi dọc đường,
Buồn trong này nỗi chủ trương ở nhà
 
Ngổn ngang trông ngóng lời hẹn shipper giao thực phẩm:
 
Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước nào lời sắt son.
 
Rộn ràng khi có tình nguyện viên đến tiếp tế lương thực:
 
Chào mừng đón hỏi dò la:
Đào nguyên lạc lối đâu mà đến đây?
 
Nhà hàng xóm nghiêm túc đóng cửa phòng dịch:
 
Mấy lần cửa đóng then cài,
Đầy thềm hoa rụng, biết người ở đâu?
 
Khu phố hát karaoke mùa dịch:
 
Lựa chi những bậc tiêu tao,
Dột lòng mình cũng nao nao lòng người?
 
Tâm trạng tài xế xe hàng ngồi chờ có kết quả test nhanh để qua chốt kiểm dịch:
 
Sầu đong càng lắc càng đầy,
Ba thu dồn lại một ngày dài ghê.
 
Tình cảnh kinh tế người người khốn khó, nhà nhà khốn khó:
 
Đều là sa sút khó khăn,
May thuê, viết mướn, kiếm ăn lần hồi.
 
Nghe tin gia hạn giãn cách xã hội:
 
Nỗi riêng riêng những bàng hoàng,
Dầu chong trắng đĩa lệ tràn thấm khăn.
 
Hoàn cảnh khi bị phạt vì ra đường mua… bánh mì, mua bắp:
 
Mặt trông đau đớn rụng rời,
Oan này còn một kêu trời, nhưng xa.
 
Đắng lòng ký biên bản vi phạm hành chính khi ra đường không có lý do chính đáng:
 
Rút trâm sẵn giắt mái đầu,
Vạch da cây vịnh bốn câu ba vần.
 
Tối nay nghe tin 6h sáng mai thành phố giãn cách, đành tìm cách về quê cho kịp:
 
Lánh xa, trước liệu tìm đường,
Ngồi chờ nước đến, nên đường còn quê!
 
Nỗi lòng sinh viên, người lao động kẹt lại thành phố những ngày giãn cách:
 
Buồn trông phong cảnh quê người,
Đầu cành quyên nhặt cuối trời nhạn thưa.
 
Nghe tin hình như trong hẻm có ca mắc mới:
 
Sự lòng ngỏ với băng nhân,
Tin sương đồn đại xa gần xôn xao.
 
Làm thơ giữa hàng người chờ test nhanh Covid-19:
 
Chung quanh những nước non người,
Đau lòng lưu lạc, nên vài bốn câu.
 
Cảnh biển người chen chân chờ đến lượt tiêm vaccine:
 
Một đoàn đổ đến trước sau,
Vuốt đâu xuống đất, cánh đâu lên trời.
 
Không màng dịch bệnh căng thẳng, bất chấp chỉ thị, nhiều người vẫn vô tư ra đường khi không thật sự cần thiết:
 
Dập dìu tài tử, giai nhân,
Ngựa xe như nước áo quần như nêm.
 
Hành vi tìm cách né các chốt kiểm dịch phong tỏa giữa các phường:
 
Lần theo núi giả đi vòng,
Cuối tường dường có nẻo thông mới rào.
 
Cố tình vi phạm quy định giãn cách, đi công viên tập thể dục giữa khuya mùa dịch:
 
Cửa ngoài vội rủ rèm the,
Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình.
 
Hành động trốn khỏi khu cách ly đáng lên án:
 
Thừa cơ lẻn bước ra đi,
Ba mươi sáu chước, chước gì là hơn.
 
Tìm thấy người phụ nữ mắc Covid-19 trốn trong đám mía sau nhà:
 
Cách tường phải buổi êm trời,
Dưới đào dường có bóng người thướt tha.
 
Hàng trăm anh hùng cào phím, thánh phán mạng xã hội vẫn đăng đàn mùa dịch:
 
Anh hùng tiếng đã gọi rằng,
Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha!
 
Hành vi lợi dụng, tranh thủ nâng giá mùa dịch, mua một bán mười:
 
Xem người định giá vừa rồi,
Mối hàng một, đã ra mười, thì buông.
 
Sau bao ngày điều trị căng thẳng, âu lo, F0 bình an trở về:
 
Trời còn để có hôm nay,
Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời.
 
Thời khắc cả nước chiến thắng đại dịch Covid-19:
 
Nghe tin nở mặt nở mày,
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
 
 
Theo Trần Xuân Tiến/Báo Việt Nam & Thế giới
Tham quan ảo 3D
Nghiên cứu - Thảo luận
Di sản văn hóa

Đồ gỗ sơn thếp Việt Nam xưa và nay (Phần 2 và hết)

Thực trạng cổ vật bằng gỗ sơn son thếp vàng Như trên đã trình bày, đồ gỗ sơn thếp cổ Việt Nam là một nghề truyền thống có từ lâu đời. Chúng được sản xuất theo một quy trình bài bản, cẩn thận. Sản phẩm đẹp và có thời gian sử dụng hàng trăm năm. Đặc biệt, chúng để lại cho hôm nay và mai sau những giá trị về văn hóa, lịch sử. Do khí hậu Việt Nam nóng nhiều, ẩm cao, đồ gỗ hay gỗ sơn thếp rất chóng hỏng. Mặt khác, cổ vật bằng gỗ hay gỗ sơn thếp bảo quản rất khó khăn. Trong môi trường tự nhiên, chúng là thức ăn ưa chuộng của nhiều loài côn trùng như mối mọt. Việc bảo quản phòng ngừa cho đồ gỗ nói chung không dễ dàng chút nào. Chúng cần bảo quản trong môi trường ổn định quanh năm, với nhiệt độ từ 22 đến 250C và độ ẩm từ 58 đến 63 % và có chế độ quang dầu định kỳ (còn gọi toát). Dầu quang là sơn giọt 1 hòa với dầu hỏa theo tỷ lệ phù hợp và toát lên bề mặt hiện vật. Việc quang dầu giúp giữ ẩm nên cốt gỗ không bị cong vênh, co ngót, nứt nẻ. Còn bảo quản xử lý trị liệu lại càng khó khăn hơn, bởi hiện nay chưa có cán bộ kỹ thuật bảo quản chuyên ngành về đồ gỗ sơn thếp theo đúng nguyên tắc bảo quản cổ vật bảo tàng và làng nghề truyền thống đang bị “cách tân”. Vì vậy, cổ vật bằng gỗ sơn thếp trước thời Lê- Nguyễn không tìm thấy nhiều.

Xem tiếp

Thư viện phim tư liệu

Bộ đếm lượt truy cập

di tich Nguyen Du

Liên kết Website

Bản quyền © 2015 Nguyễn Du - Danh nhân văn hóa thế giới - Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du.
Địa chỉ: Xã Tiên Điền - huyện Nghi Xuân - Tỉnh Hà Tĩnh.
ĐT: 02393 826 599        Đăng ký tham quan: 02393 825 133
Email: [email protected]
Chịu trách nhiệm nội dung: Ban quản lý khu di tích Nguyễn Du
Nêu rõ nguồn nguyendu.org.vn khi đăng bài từ website này.